Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Sinh viên đi làm thêm chỉ để kiếm tiền thì vô nghĩa?

Ngày đăng: 03:47 - 15/06/2023 Lượt xem: 159

Theo https://thanhnien.vn – Ngày 11/06/2023 19:29 GMT+7

Thay vì đi làm thêm chỉ để kiếm tiền thì một số sinh viên lại kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn những đầu việc có thể phục vụ cho ngành học, tích lũy được nhiều kinh nghiệm

Kiếm tiền quan trọng nhưng học kỹ năng càng quan trọng hơn

Dẫu biết mọi trải nghiệm đều có giá trị và không công việc nào là thấp kém, tuy nhiên việc lựa chọn đúng việc làm thêm trong thời sinh viên ít nhiều tạo ra cơ hội cho bạn trẻ sau khi ra trường.

Trần Đặng Kim Nguyên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), cho biết trong quãng thời gian ở giảng đường đại học là thời điểm trải nghiệm và khám phá những cơ hội. Theo nam sinh, khi lựa chọn công việc bán thời gian, bên cạnh mức lương đãi ngộ hợp lý, yếu tố mà Nguyên quan tâm hơn đó là cơ hội được gặp gỡ, học hỏi từ những người có kinh nghiệm.

Sinh viên đi làm thêm chỉ để kiếm tiền thì vô nghĩa? - Ảnh 1.

Sinh viên đi làm thêm không chỉ để kiếm tiền mà còn tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng

KIM NGỌC NGHIÊN

Hiện tại, Nguyên vừa đi học vừa đảm nhận vị trí quản lý một cộng đồng về thương mại điện tử xuyên biên giới. Nguyên có cơ hội được áp dụng những kiến thức từ chuyên ngành kinh tế đối ngoại vào những tình huống thực chiến. Cộng đồng này trước kia hoạt động trên Facebook sau đó chuyển sang Discord (là một phần mềm miễn phí về phân phối kỹ thuật số, nhắn tin tức thời…). Công việc cụ thể của chàng trai này là mời gọi những người có nhu cầu học kiến thức mới trong lĩnh vực thương mại điện tử vào cộng đồng trên để được nghe các chuyên gia chia sẻ.

“Đấy là khi mình thật sự được áp dụng kiến thức từ những bộ môn như chính sách thương mại quốc tế, kinh tế kinh doanh vào thực tế. Đặc biệt, mình được trao cơ hội để giúp đỡ các anh chị trong những dự án lớn. Nếu như các anh chị lớn có kiến thức tích lũy, kinh nghiệm thì mình lại có thể hỗ trợ công việc dựa vào kiến thức nền tảng bài bản được học trên giảng đường. Mình nghĩ đó là lợi thế mà các bạn sinh viên nên tận dụng để có thể xây dựng những mối quan hệ chất lượng, giúp ích cho con đường phát triển sự nghiệp sau này”, Nguyên chia sẻ.

Bắt đầu từ năm 2, Dương Vũ Luân, sinh viên ngành marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã bắt đầu có kế hoạch đi làm thêm. Ban đầu Luân chọn công việc PG - PB (tiếp thị sản phẩm) cho một thương hiệu sữa hạt. Với ca làm việc 8 tiếng có thể bắt đầu từ lúc 10 - 15 giờ hay 15 - 22 giờ, chàng sinh viên này được trả 30.000 đồng/giờ.

Dù phải đứng trong nhiều giờ để giới thiệu sản phẩm, mời gọi khách hàng nhưng Luân vẫn chọn công việc này vì mang lại nhiều trải nghiệm: “Thoạt nhìn đây là một công việc đơn giản, chỉ đứng mời khách mua hàng nhưng thực chất trước đó mình đã mất từ một đến hai buổi để lên công ty học kiến thức về sản phẩm, cách làm việc cũng như là tiếp cận khách hàng như thế nào. Vì vậy, mình hiểu được cách vận hành của một chiến dịch tiếp thị sản phẩm và cân nhắc được hiệu quả của nó. Điều này giúp ích rất nhiều cho công việc của mình sau này, chưa kể nó còn giúp mình trau dồi kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống”.

Đang làm trợ lý bán thời gian cho một TikToker, Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh viên ngành quan hệ công chúng của Trường ĐH Văn Lang, cho biết bắt đầu công việc này từ năm 2 đại học. Hương cho biết cô phụ trách việc quay phim, chỉnh sửa hình ảnh, video. Ngoài ra, việc xây dựng, định hướng hình ảnh cho TikToker cũng được sinh viên này chăm chút bên cạnh việc trả lời email công việc, lên lịch trình.

“Mình chọn công việc này vì nó giúp mình có nhiều kỹ năng để làm việc trong ngành truyền thông mà bản thân muốn hướng đến trong tương lai. Công việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi bạn phải đúng giờ, làm việc nghiêm túc. Tuy không kiếm được quá nhiều tiền nhưng mình cũng đủ trang trải các khoản sinh hoạt, tiết kiệm chút ít để phụ ba mẹ đóng học phí. Nhưng đổi lại càng làm nhiều mình càng tiến bộ hơn trong kỹ thuật quay dựng video, xử lý hình ảnh, những kỹ năng vô cùng quan trọng để mình đi xin việc sau này”, Hương chia sẻ.

 

 Đừng để tiền đi làm thêm không đủ đóng tiền thi lại 

Thạc sĩ Nguyễn A Say, Phó trưởng khoa Xã hội - Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết để có thu nhập cũng như tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, trong những năm tháng học tập tại giảng đường thì sinh viên nên có một vài công việc làm thêm. Theo bà Say, hiện nay các trường đại học đều đào tạo theo hình thức tín chỉ, theo đó, sinh viên có thể lựa chọn cho mình số tín chỉ cũng như tự sắp xếp lịch học theo nhu cầu cá nhân. Điều này rất thuận lợi, sinh viên hoàn toàn có thể tìm cho mình một công việc làm thêm phù hợp.

Sinh viên đi làm thêm chỉ để kiếm tiền thì vô nghĩa? - Ảnh 2.

Thạc sĩ Nguyễn A Say

KIM NGỌC NGHIÊN

Thạc sĩ A Say cho biết hiện nay công việc làm thêm rất đa dạng, bạn trẻ có thể dễ dàng tìm cho mình một công việc phù hợp. Tuy nhiên, thay vì chỉ kiếm tiền thì sinh viên nên lựa chọn đi làm thêm để tích lũy kỹ năng phục vụ cho ngành học.

“Là sinh viên thì việc quan trọng nhất là học tập, trau dồi kiến thức. Làm thêm không phải chỉ để kiếm tiền mà còn tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng. Nếu đi làm thêm không mang lại giá trị gì ngoài tiền thì công việc ấy vô nghĩa. Đương nhiên, làm việc gì cũng sẽ có ích, không kỹ năng này thì kỹ năng khác, nhưng kỹ năng mình thực sự cần lại không rèn luyện, khi ra trường mới tìm hiểu thì rất khó được đánh giá cao từ nhà tuyển dụng”, thạc sĩ A Say nhấn mạnh.

Nữ giảng viên chia sẻ thêm, sinh viên nên chọn những việc liên quan đến ngành học của mình, ví dụ học truyền thông thì có thể cộng tác cho một tờ báo, công ty truyền thông, học sư phạm có thể làm gia sư… Các ngành thuộc khối xã hội nhân văn: viết review (giới thiệu) sách, cộng tác cho các tổ chức xã hội, trung tâm hướng nghiệp, trung tâm tham vấn tâm lý, khối văn phòng ở các doanh nghiệp. Hay các ngành liên quan ngoại ngữ, đông phương thì cộng tác dịch thuật, biên phiên dịch, cộng tác viên văn phòng cho các công ty doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài…

“Trước hết các bạn cần tìm việc làm thêm phù hợp với ngành nghề trong tương lai. Khi đi tìm việc cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin, tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Luôn nhớ việc học là quan trọng nhất, đừng mải miết kiếm tiền rồi bỏ bê. Các bạn nên cân đối thời gian cho việc học, làm thêm và giải trí một cách khoa học. Đừng đi làm quá sức khiến cơ thể mệt mỏi, không tập trung nghe giảng mà ngủ vùi trên giảng đường. Như vậy rất dễ khiến bản thân bị hổng kiến thức, dẫn tới rớt môn. Lúc này tiền thi lại, học lại có thể còn nhiều hơn số tiền mà các bạn làm thêm có được”, thạc sĩ A Say chia sẻ.

Thạc sĩ A Say nhắn nhủ, chúng ta hãy ngẫm lại nếu thấy quá sức, không phù hợp với bản thân, ngành học, không tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng... thì nên tìm công việc làm thêm khác phù hợp hơn.


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 38 Tổng truy cập: 18.734.858