Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Làm thêm không quá 20 giờ/tuần, học sinh, sinh viên nói gì? (Theo https://thanhnien.vn)

Ngày đăng: 02:14 - 02/04/2024 Lượt xem: 183

Đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm (15 tuổi trở lên) nhưng không quá 20 giờ/tuần của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thu hút nhiều ý kiến của những "người trong cuộc".
 

Khó tìm việc làm thêm phù hợp?

Nguyễn Trọng Nhân, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM, cho rằng nếu theo đề xuất này thì sẽ khó tìm việc làm thêm phù hợp. Lý do là đa số nơi tuyển dụng yêu cầu làm việc bán thời gian mỗi ca từ 6 – 8 giờ/ngày, mỗi tuần phải làm ít nhất 6 ca. Theo đó, mỗi tuần phải làm từ 36 – 48 giờ, sẽ quá quy định từ 16 – 28 giờ, trong trường hợp đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được triển khai.
Hoàng Thanh Tường, học sinh Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng nói: "Sau khi đọc thông tin về Dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã thử tìm kiếm việc làm thêm. Nhưng do bị khống chế thời gian làm việc nên chưa tìm ra việc phù hợp. Đa phần công việc đều yêu cầu phải đáp ứng từ 4 – 8 giờ/ngày. Em thử liên hệ xin làm việc tại một quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh, nhưng họ không đồng ý cho làm 3 - 4 ngày/tuần. Bắt buộc phải 6 ngày/tuần. Hiện tại, em tiếp tục tìm nơi khác để có thể làm thêm kiếm tiền sau giờ học".

Nhiều nơi tuyển nhân viên làm việc bán thời gian với yêu cầu từ 6 - 8 giờ/ngày, phải làm 6 ngày/tuần ẢNH MINH HỌA: THƯỢNG HẢI

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng có hai yêu cầu mà nhân viên làm việc bán thời gian phải đáp ứng đồng thời. Đó là phải làm từ 4 – 8 giờ/ngày và ít nhất 6 ngày/tuần. Điều đó có nghĩa phải làm việc từ 24 – 48 giờ/tuần. 

Chẳng hạn, một chuỗi cửa hàng tiện lợi tuyển dụng việc làm bán thời gian các công việc như: bán hàng, đóng gói, tạp vụ, thu ngân, giữ xe… Tuy nhiên, yêu cầu ứng viên hoặc làm ca 4 giờ/ngày (từ 7 giờ 30 – 11 giờ 30, từ 13 – 17 giờ), hoặc ca 8 giờ/ngày (7 giờ 30 – 16 giờ 30, 8 – 17 giờ, 14 – 22 giờ, đã dành 1 giờ để nghỉ ngơi), đồng thời phải làm 6 ngày/tuần.

Tương tự, một chuỗi cà phê nổi tiếng cũng liên tục tuyển nhân viên với các vị trí: bán hàng, thu ngân, kiểm kê hàng hóa… nhưng kèm theo đó là yêu cầu làm việc từ 4 – 10 giờ/ngày và 6 ngày/tuần. Nhiều quán ăn ở TP.HCM cũng thông báo tuyển dụng học sinh, sinh viên làm thêm kèm thông tin: tối thiểu 5 giờ/ngày, 5 – 6 ngày/tuần…

"Rất khó tìm việc làm thêm phù hợp. Chỉ mong sao các đơn vị tuyển dụng ủng hộ đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để linh hoạt thay đổi thời gian mỗi ca làm. Chẳng hạn, thay vì mỗi ngày có 3, 4 ca làm thì nên chia thành 5, 6 ca. Qua đó, rút ngắn thời gian làm việc mỗi ca. Khi đó, học sinh, sinh viên chẳng phải lo việc vi phạm đề xuất làm thêm không quá 20 giờ/tuần", Trương Hoàng Sự, sinh viên Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng, TP.HCM nói.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc

CHÂU LÊ

Nhiều "điểm cộng"

Bên cạnh những lo ngại về việc khó tìm được việc làm thêm phù hợp thì nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ về đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bởi lẽ trong đề xuất này có nêu rõ học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc.

Ngô Thanh Nhàn, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay: "Mình từng bị chủ quán cà phê trên đường Đào Duy Anh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM quỵt tiền công. Mình đòi nhưng không được vì chẳng ký hợp đồng khi làm việc. Nên nếu đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được triển khai sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình nói riêng và những học sinh, sinh viên nói chung khi đi làm thêm".

Nguyễn Thị Ái Lê, sinh viên Trường CĐ công nghệ LADEC, TP.HCM, kể trước đây từng đi làm thêm với tiền công bèo bọt, chỉ 14.000 đồng/giờ. Thậm chí, có tháng bị chủ quán gây khó dễ, kiếm đủ lý do để thoái thác trách nhiệm trả tiền công, khiến Lê rất ức chế. "Nên theo mình, nếu dự thảo luật này được áp dụng, sẽ giúp học sinh, sinh viên đi làm thêm biết cách để thỏa thuận mức thù lao tương xứng", Lê nói.

Đặng Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: "Rất ủng hộ đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần. Bởi đó là cách giúp học sinh, sinh viên có thể cân bằng được việc học và làm thêm".


Thư nói: "Nếu làm thêm quá nhiều sẽ không thể tập trung học tốt. Làm 3 giờ/ngày, khoảng 18 – 20 giờ/tuần là phù hợp. Vì vẫn có thể tạo thêm thu nhập, kinh nghiệm làm việc và đảm bảo chuyện học. Từ trước đến nay, hầu hết sinh viên làm thêm đều theo kiểu ôm đồm tùy ý. Đa số đều muốn làm nhiều để kiếm thêm tiền. Nhưng nếu dự thảo này được thông qua thì sinh viên cần tuân thủ. Sinh viên cần nhớ phải nỗ lực để hoàn thành việc học một cách tốt nhất. Nếu cảm thấy việc học sa sút, cần giảm giờ làm thêm. Thậm chí, có thể nghỉ làm thêm để chú tâm việc học".


 Sinh viên nên tìm việc làm thêm ở những nơi uy tín, chẳng hạn như tại ngày hội việc làm - THƯỢNG HẢI

Nếu đi làm thêm, tìm nơi giới thiệu uy tín, nên báo với trường

Theo Nguyễn Minh Nhật, sinh viên Trường CĐ công nghệ Thủ Đức, TP.HCM, chuyện sinh viên đi làm thêm là rất phổ biến. Lý do sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập để giảm bớt áp lực tài chính cho bản thân, gia đình. Cũng là cơ hội để biết quý trọng đồng tiền, công sức lao động. Ngoài ra, khi đi làm thêm sẽ được học hỏi nhiều kỹ năng sống…

"Tuy nhiên, khi đi làm thêm, sinh viên nên tỉnh táo, đừng nhẹ dạ cả tin kẻo rơi vào những "bẫy lừa" do kẻ xấu giăng ra. Để hạn chế rủi ro, nên trực tiếp tìm việc ở những nơi như: Phòng Công tác học sinh sinh viên các trường; Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM; Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM…", Nhật nói.

Nhắc lại hai sự việc sinh viên ở TP.HCM (vào tháng 1.2024) và ở TP.Hà Nội (tháng 3.2024) khi tìm việc làm đã bị lừa bán sang Campuchia, sau đó được giải cứu, Trần Nhật Anh, sinh viên Trường CĐ Giao thông vận tải TPHCM, nói rằng: "Nếu sinh viên đi làm thêm, cần phải báo với trường. Đó là điều cần thiết. Qua đó giúp trường quản lý cũng như có động thái can thiệp, tìm cách bảo vệ an toàn cho sinh viên nếu chẳng may gặp vấn đề với bên tuyển dụng, bị lừa. Tránh xảy ra những câu chuyện từ hai sự việc trên".

Nguyễn Thanh Tú, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng nói: "Nếu đi làm thêm, cần báo cáo với thầy cô, nhà trường. Để có được sự định hướng, tư vấn đúng đắn. Không nên tự ý đi làm thêm kẻo ảnh hưởng đến việc học cũng như có nguy cơ bị lừa".
 

Lương tối thiểu giờ được chia làm 4 vùng

Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức thù lao tối thiểu với lao động hiện nay là 15.600 - 22.500 đồng/giờ, tùy theo vùng.
Cụ thể, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất Chính phủ quy định các mức lương tối thiểu giờ tăng 6% từ 1.7.2024. Theo đó, vùng 1 là 23.800 đồng/giờ, vùng 2 là 21.200 đồng/giờ, vùng 3 là 18.600 đồng/giờ và vùng 4 là 16.600 đồng/giờ. Trong đó, TP.HCM thuộc vùng 1. 

 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 216 Tổng truy cập: 32.512.444