Hàng trăm sinh viên bị loại ở mỗi trường đại học hằng năm đang được coi là chuyện bình thường, do sinh viên chọn sai ngành, do không tập trung học, do học yếu… Không ai chịu trách nhiệm cho vấn đề này nhưng xét về tổn thất xã hội là không nhỏ.
Cuối mỗi học kỳ, các trường đại học đều đưa ra danh sách hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sinh viên bị cảnh báo học vụ do tự ý bỏ học hoặc có kết quả học tập kém. Sinh viên bị cảnh báo học vụ, thậm chí bị buộc thôi học không phải chuyện mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần nhìn câu chuyện theo hướng khác. Nhiều người bỏ học có phải vì nhà trường không mang tới những gì họ cần?
Kiến thức 15 năm trước, không còn dùng vẫn dạy
Mỗi kỳ tuyển sinh, các trường đại học “tung quân” đưa thông tin tiếp cận từng học sinh, dồn hết sức lực để tuyển cho đủ chỉ tiêu. Nhưng cứ sau một, hai năm học, số sinh viên lại hao hụt lên đến hàng trăm. Lý do hao hụt này, trường nào cũng có thể lý giải, phần lớn là về phía sinh viên.
Bà Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết ngay khi bước vào giảng đường, rất nhiều sinh viên bỡ ngỡ, không theo kịp chương trình do thiếu kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Những kỹ năng cơ bản của sinh viên như đọc sách, tìm tài liệu, khai thác thông tin từ internet… nhiều bạn không có. Nhiều sinh viên hụt hẫng, tụt dốc và bỏ dở việc học, mặc dù trước đó đều là học sinh khá, giỏi ở bậc phổ thông.
|
Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng quy mô sinh viên đông, trường không có điều kiện liên lạc với sinh viên bị cảnh báo để tìm hiểu nguyên nhân |
Những ngày tháng sống xa gia đình nhiều khó khăn cộng với thiếu kỹ năng mềm và kinh nghiệm sống đã khiến nhiều sinh viên sa đà vào làm thêm, bán hàng đa cấp, game online, tệ nạn xã hội… Như M., sinh viên một trường đại học ở Đà Nẵng, mới đây đã bỏ học khi đang là sinh viên năm thứ hai. M. cho biết, khi đậu đại học đã theo bạn sa đà vào chơi game online, sát phạt nhau thâu đêm. Không những bị trường buộc thôi học vì kết quả kém mà M. còn vay nợ hàng trăm triệu đồng cho cuộc chơi. Khoản vay đó, cha mẹ đã gồng mình chi trả, còn M. phải chạy vào TP.HCM mong tìm được công việc phù hợp.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết thêm sinh viên hiện nay có nhiều cơ hội việc làm để có thu nhập, nhưng nhiều em vì sa đà vào kiếm tiền mà việc học sa sút đến mức không thể theo kịp nên đành bỏ.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, chuyện bỏ học không hoàn toàn do sinh viên. Cũng có không ít sinh viên sau một thời gian đã chủ động bỏ đại học để học trung cấp nhằm rút ngắn thời gian đào tạo, có việc làm sớm. Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, thông tin năm nào trường cũng tiếp nhận những sinh viên đại học bỏ giữa chừng để học trung cấp. Các sinh viên cho biết thời gian học đại học khá dài mà ra trường chưa chắc tìm được việc làm phù hợp. Có nghề trong tay vẫn hơn.
Tại tọa đàm đào tạo kết nối nhà trường với doanh nghiệp do Trường đại học Tôn Đức Thắng tổ chức mới đây, đại diện doanh nghiệp đưa ra một số thông tin khiến ai cũng phải giật mình. Ông Trần Văn Quý, quản lý cấp cao của Công ty TMA (chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin) cho biết, công nghệ thông tin cứ hai năm thay đổi. Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không chịu học thêm, cập nhật thêm nên sẽ tự loại mình, vì kiến thức, kinh nghiệm 5 năm trước không còn giá trị nhiều. Ông cho biết thêm, mới đây khi tham gia góp ý về chương trình cho một trường đại học, điều làm ông bất ngờ là kiến thức 15 năm trước, nay không dùng nữa mà trường này vẫn đưa vào dạy cho sinh viên. Nội dung tiếp theo
Một đại diện đến từ doanh nghiệp khác cho rằng, việc dạy trong nhà trường và nhu cầu doanh nghiệp luôn có độ chênh. Đại diện đến từ Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM khẳng định cơ hội việc làm cho sinh viên rất rộng mở. Việc sinh viên chưa tìm được việc làm có phần từ chương trình chậm cập nhật. Giải pháp cho khoảng cách này, theo vị đại diện đến từ Heineken Việt Nam là sinh viên cần tham gia thực tập sớm, có thể từ năm thứ nhất. Thực tập sớm vừa điều chỉnh nội dung học, vừa điều chỉnh hành vi của sinh viên. Đồng thời, sinh viên cũng có thêm thời gian để đánh giá mình có phù hợp ngành đã chọn không.
Trường kéo giảm, trường chưa quan tâm
Nhìn vào sáu quyết định cảnh báo 2.252 sinh viên tự ý bỏ học trong học kỳ I năm học 2019-2020 của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM mới đây, ai cũng thấy “choáng”. Tuy nhiên, nhà trường đã trấn an dư luận ngay. “Sau mỗi học kỳ, nhà trường đều có thông báo cảnh báo kết quả học tập đối với những sinh viên có kết quả học tập kém, sinh viên tự ý bỏ học. Việc cảnh báo này nhằm nhắc nhở sinh viên, từ đó có phương án học tập phù hợp để có thể tốt nghiệp trong thời gian học tập cho phép. Sau mỗi đợt cảnh báo học vụ, có khoảng 60% sinh viên trở lại học tập, cải thiện điểm trung bình chung tích lũy năm học… số còn lại bị buộc thôi học”, phó giáo sư - tiến sĩ Lê Văn Tán, Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, thông tin.
Hơn nữa, trong số này có sinh viên từ nhiều khóa, nhiều hệ đào tạo: 393 sinh viên đại học chính quy khóa 2017-2021, 282 sinh viên đại học chính quy khóa 2016-2020, 162 sinh viên cao đẳng chính quy khóa 2017-2020, 897 sinh viên cao đẳng chính quy khóa 2018-2021; 507 sinh viên đại học chính quy khóa 2018-2022 và 11 sinh viên đại học liên thông vừa học vừa làm khóa 2018-2020.
Cũng theo ông Lê Văn Tán, trường có bộ phận tư vấn tâm lý sinh viên nhưng ít khi các sinh viên tìm tới để được trợ giúp, trong khi đó quy mô sinh viên lớn nên trường cũng không có điều kiện liên lạc với sinh viên bị cảnh báo để tìm hiểu nguyên nhân.
Tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), có giai đoạn được cho là “sát thủ” của sinh viên khi số lượng sinh viên bị buộc thôi học có năm lên tới hơn 500 người. Thế nhưng, trong 7-8 năm trở lại đây, số sinh viên bị buộc thôi học đã giảm dần. Cơ bản do giảng viên thay đổi cách giảng dạy để tạo hứng thú cho sinh viên. Mặt khác, công tác chăm sóc sinh viên hoạt động hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết nhiều năm gần đây, số lượng sinh viên bị buộc thôi học do không đi học, kết quả học tập kém đã giảm đáng kể. Đạt được kết quả này phải kể đến sự vào cuộc của nhiều phòng ban liên quan, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Chẳng hạn, khi sinh viên bị cảnh báo học vụ, giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm liên lạc với từng sinh viên bị nhắc nhở để tìm hiểu nguyên nhân và tháo gỡ. Sinh viên bị cảnh báo học vụ nhiều khi không phải do học yếu mà do không chịu đi học. Nếu sinh viên còn quyết tâm học thì thường sẽ quay lại trường. Trường hợp khác thì khuyên sinh viên nên chuyển hướng để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay hiện tại mỗi năm trường có khoảng 400 sinh viên bị buộc thôi học, giảm so với trước đây. Theo ông Dũng, chất lượng đầu vào tăng cùng với công tác chăm sóc sinh viên tốt cũng giúp giảm số sinh viên bị buộc thôi học, bởi nhận thức của sinh viên tốt hơn.
Như vậy có thể thấy các trường không đến nỗi bất lực, nhưng nhiều trường chưa thực sự quan tâm. Sinh viên bị buộc thôi học hiểu ở ý nghĩa tích cực là sự sàng lọc, nhưng hiệu suất đào tạo thấp cũng cho thấy sự bất ổn trong chất lượng đào tạo. Mặt khác, với các trường thực hiện tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên thì việc hao hụt số lượng lớn sinh viên vì bị buộc thôi học sẽ ảnh hưởng đến cân đối tài chính và các hoạt động của trường.
Trương Mẫn