Ngành dệt may cần nhân lực kỹ thuật cao
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp dệt may có xu hướng yêu cầu cao hơn về trình độ nghề, giảm số lao động chưa qua đào tạo. Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Công nghệ may.
Ngành Dệt may học gì?
Nhóm ngành Dệt may, Thiết kế Thời trang cũng được xem là một ngành học năng động và có nhiều cơ hội việc làm. Sinh viên ngành thiết kế thời trang học các kỹ năng phác họa, sáng tác, thiết kế sản phẩm thời trang, biết dự đoán xu hướng phát triển thời trang trong tương lai gần. Tốt nghiệp có tay nghề cắt may thành thạo, biết kỹ thuật tạo mốt và thực hiện các ý tưởng về thời trang. Có khả năng tổ chức quản lý các hoạt động trong lĩnh vực thời trang từ ý tưởng đến tổ chức sản xuất, giới thiệu sản phẩm và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sinh viên ngành công nghệ may được học các kiến thức về quy trình may, chuẩn bị sản xuất, thiết kế trang phục và ứng dụng các phần mềm giác sơ đồ, thiết kế trên máy tính, biết xây dựng phát triển sản xuất. Sau tốt nghiệp có tay nghề cắt may thành thạo và tổ chức thực hiện các công đoạn theo quy trình sản xuất hàng may công nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm tại tất cả các vị trí trong các doanh nghiệp may như: nhân viên phòng kỹ thuật, phòng giác sơ đồ, phòng cắt, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhân viên trực tiếp sản xuất tại phân xưởng sản xuất, tổ trưởng - chuyền trưởng, nhân viên giao dịch khách hàng, giới thiệu sản phẩm dệt may,... Ngành công nghệ may trình độ cao đẳng học trong 3 năm và chương trình học toàn khóa hoàn thành 100 tín chỉ thì tốt nghiệp.
Có việc làm và cơ hội học liên thông
Việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề được các cơ sở đào tạo đặc biệt quan tâm. Theo cơ sở đào tạo, đối với các ngành như: công nghệ may, thiết kế thời trang, công nghệ sợi dệt, công nghệ kỹ thuật cơ khí, sửa chữa thiết bị may, tiếng Anh, quản trị sản xuất dệt may. Tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay hoặc có việc làm sau 3 tháng đạt tới 100%. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo đều chú trọng các hoạt động cầu nối giữa sinh viên tốt nghiệp và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Với việc tổ chức các “Ngày hội việc làm”, hầu hết các sinh viên đều có thể lựa chọn cho mình một việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Ngành Dệt may Việt Nam đang có khoảng 2,5 triệu lao động, dự kiến đến năm 2025 số lao động sẽ tăng lên thành 5 triệu người. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu lao động tăng thêm cho ngành Dệt may đến năm 2020 khoảng 20.250 lao động, trong đó nhu cầu tăng thêm về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà thiết kế lần lượt là 500 và 1.000 người mỗi năm.