hời gian qua, các trường đại học tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng xây dựng, triển khai các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng với thiết chế, tiêu chí cụ thể. Kết quả, các giảng viên, các nhà khoa học có môi trường cống hiến, sáng tạo, từng bước liên kết các trường, viện nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng là nhóm tập hợp nhiều nhà khoa học đầu tàu trong một lĩnh vực, có hướng nghiên cứu chuyên sâu, có mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế tốt, có nhiều công bố hoặc các bài báo công bố tốt, có chỉ số ảnh hưởng cao. Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng làm nên các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng tại các trường đại học thời gian qua là thu hút được những người đứng đầu thật sự nổi trội về năng lực khoa học, có khả năng tập hợp, điều tiết nhóm nghiên cứu. Việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng, giao quyền chủ động cho các nhóm đã tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học trong các trường đại học.
Không đứng ngoài xu thế đó, mặc dù là trường đại học còn non trẻ, chưa có nhiều bề dầy kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng đã sớm triển khai hoạt động này nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế sản xuất, tăng cường công bố quốc tế.
Trong năm học 2020 - 2021, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội xây dựng kế hoạch phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu tiềm năng trong toàn trường, sau đó tiến hành xem xét để ra quyết định thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng. Với các định hướng chiến lược và các tiêu chuẩn cụ thể, trường đã thành lập được một nhóm nghiên cứu mạnh và ba nhóm nghiên cứu tiềm năng:
(1) Nhóm nghiên cứu về khoa học công nghệ quản lý trong ngành may do TS. Tạ Văn Cánh - Phó trưởng khoa Kinh tế làm Trưởng nhóm với 05 thành viên;
(2) Nhóm Công nghệ may do TS. Nguyễn Thị Hường - Phó trưởng khoa Công nghệ may làm Trưởng nhóm với 06 thành viên tham gia;
(3) Nhóm Nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất ngành sợt dệt do ThS. Vũ Đức Tân - Trưởng khoa Công nghệ Sợi Dệt làm Trưởng nhóm với 07 thành viên;
(4) Nhóm nghiên cứu và ứng dụng lý luận chính trị do ThS. Phạm Thị Đào - Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản làm Trưởng nhóm với 05 thành viên.
Các nhóm nghiên cứu đã quy tụ đội ngũ các cán bộ, giảng viên có thành tích cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học, có khả năng giải quyết các bài toán khoa học và công nghệ ở cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ cũng như nghiên cứu các hình thái kinh tế- chính trị - xã hội. Các nhà khoa học đứng đầu nhóm sẽ lên kế hoạch triển khai hoạt động để tạo ra các kết quả là các bài báo trong nước, quốc tế, các đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp, các cải tiến khoa học trong công tác đào tạo và sản xuất,...
Với kế hoạch hoạt động cụ thể, có thể khẳng định các nhóm nghiên cứu sẽ hoạt động hiệu quả và gây được hiệu ứng về hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động phát triển nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu tiềm năng trong Nhà trường. Hoạt động này nhận được rất nhiều sự quan tâm trực tiếp của ban lãnh đạo nhà trường và các khoa chuyên môn. Đây là kinh nghiệm nền tảng để các chính sách, đề xuất dành cho khoa học công nghệ, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng trở thành những nội dung quan trọng đột phá thúc đẩy đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà trường.
Với niềm tin về mô thức hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu tiềm năng với vai trò trọng điểm, tính lan tỏa, hiệu ứng tương tác và cả những sức mạnh thu hút, kết nối và phân bổ, nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu tiềm năng sẽ là một trong những điểm nhấn cho hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian tới của Nhà trường.
Bùi Anh Tuấn – Phòng Đào tạo