Sinh viên ngành dệt may ra trường có thể thu nhập 30 triệu đồng/tháng

Ngày đăng: 03:03 - 06/06/2022 Lượt xem: 1.116

Ngày 31.5, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã đón nhận quyết định và giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, cơ quan kiểm định là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam.

Theo luật Giáo dục Đại học, tất cả các trường ĐH phải được kiểm định. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn gần 1/3 số trường ĐH chưa được kiểm định (không tính các trường khối an ninh, quốc phòng). Tại buổi lễ, đại diện Bộ GD-ĐT đã đánh giá cao việc Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, một trường mới có 5 - 6 khoá  tuyển sinh trình độ đại học, hoàn thành kiểm định vào thời gian này.

Ngày 31.5, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã đón nhận quyết định và giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục

Theo cơ quan kiểm định, do đặc trưng là trường đào tạo thiên về ứng dụng, thực hành, một trong các điểm mạnh tiêu biểu của trường là sinh viên có việc làm cao trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt tỉ lệ cao. Cụ thể, trường đạt tỉ lệ 95% sinh viên tốt nghiệp trong vòng 12 tháng có việc làm ngay, với mức thu nhập trung bình 9 triệu đồng/tháng. Trong đó trên 5% sinh viên triển khai các dự án khởi nghiệp.

Có nhiều sinh viên tuy mới ra trường nhưng có mức thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng, những em này chủ yếu tốt nghiệp ngành quản lý công nghiệp chuyên ngành merchandiser (quản lý đơn hàng). Các công nghệ sợi dệt, công nghệ may thu nhập thấp hơn, những cũng có thể đạt 13- 15 triệu đồng/ tháng.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, quan điểm đào tạo của trường là phải dạy cho sinh viên học kỹ năng tư duy đi đôi với thực hành chuyên môn, gắn đào tạo với thực tế doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực của xã hội. Nhà trường đã thực thi chính sách ưu tiên tuyển chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi, từng bước đầu tư cơ sở vật chất hiện đại; đổi mới chương trình đào tạo, nội dung bài giảng theo hướng kết hợp lý luận với cập nhật thực tiễn tại doanh nghiệp.

Tất cả giảng viên của trường không chỉ có trình độ từ thạc sĩ trở lên mà 30% thầy cô đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 3 đến 5 năm... 100% giảng viên dạy thực hành của trường vừa có trình độ đại học trở lên, vừa có trình độ kỹ năng nghề bậc 5 phù hợp với chuyên ngành mà mình hướng dẫn thực hành.

Trong số 400 phòng học các loại của trường thì có tới 197 phòng thực hành theo chuẩn doanh nghiệp xuất khẩu. Trường có một trung tâm sản xuất dịch vụ với 500 lao động, tương đương quy mô của doanh nghiệp loại vừa, chuyên sản xuất hàng xuất khẩu để tạo môi trường thực tập đáp ứng chuẩn quốc tế cho sinh viên.

Cũng trong buổi lễ trên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, cho biết với quy mô đào tạo hiện tại, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10 - 12% tổng nhu cầu nhân lực hàng năm của toàn ngành. Vì thế, đào tạo nhân lực trình độ ĐH ngành công nghiệp dệt may rất triển vọng.

Ông Trường phân tích: “Ngành dệt may hiện có 2,7 triệu lao động. Nếu chỉ xét số lượng cán bộ có trình độ đại học ở con số khiêm tốn là 2% trên tổng số lao động, thì ngành dệt may luôn cần đến 54.000 - 60.000 cán bộ trình độ đại học. Với điều kiện thay thế tự nhiên như nghỉ chế độ, nghỉ chuyển đổi công việc thì hàng năm ngành dệt may có nhu cầu khoảng 7.000 cán bộ trình độ ĐH, nhưng hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại mới chỉ đáp ứng được 2.000 sinh viên, trong đó Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cung ứng khoảng hơn một nửa”.
 

 
 
Nguồn: Báo thanh niên.vn

Các bài viết khác

Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.706 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
188 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.164 lượt xem

Liên kết website