Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, 55 năm xây dựng và phát triển

Ngày đăng: 02:12 - 19/01/2022 Lượt xem: 1.530
Trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội tiền thân là Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ may mặc thuộc Bộ Nội thương, được thành lập ngày 19 tháng 1 năm 1967. Qua nhiều lần đổi tên, nâng cấp từ trường Trung học Kỹ thuật May và Thời trang I lên Trường Cao đẳng Công nghiệp - Dệt May Thời trang Hà Nội và Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội. Trải qua 55, ở giai đoạn nào trường đều được đánh giá là cái nôi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May. Nhiều cựu học sinh, sinh viên đã trở thành cán bộ nòng cốt, nắm giữ các cương vị Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc... trong nhiều doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam.

1. MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT
- Đã phát triển từ một trường chỉ có 2 ngành đào tạo, với quy mô khoảng 300 học sinh lên thành cơ sở giáo dục đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo đại học, cao đẳng phục vụ cho mô hình Chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh với quy mô 5000 sinh viên. bao gồm 8 ngành: Công nghệ Sợi, dệt; Thiết kế thời trang; Công nghệ may; Công nghệ kỹ thuật Cơ khí; Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử; Quản lý công nghiệp dệt may; Marketing thời trang; Kế toán.
 - Tính đến năm 2021 đã có gần 80.000 cử nhân, kỹ thuật viên tốt nghiệp, cung cấp nguồn cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp dệt may và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là trường đào tạo có chất lượng cao theo định hướng ứng dụng. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt từ 94-98%, trong đó có trên 90% sinh viên làm việc ở các vị trí quản lý và kỹ thuật.  
- Nhà trường đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba cho Công đoàn Nhà trường.
- Nhiều cá nhân và tập thể được trao tặng huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ.
- 01 cá nhân là chiến sĩ thi đua toàn quốc, 04 nhà giáo ưu tú.
- Nhiều giáo viên đạt giải nhất, nhì hội giảng giáo viên dạy giỏi chuyên nghiệp toàn quốc.
- Nhiều học sinh sinh viên của trường đạt huy chương vàng hội thi tay nghề ASEAN.
- Nhiều học sinh sinh viên đạt thủ khoa, giải nhất trong các hội thi học sinh giỏi cấp toàn quốc, cấp Bộ, cấp thành phố.
- Là một trong 23 trường đại học đầu tiên của Việt Nam thực hiện tự chủ, đến nay trường đã tự chủ tài chính, tự chủ học thuật và tự chủ về tổ chức.
 
 2. TẦM NHÌN, SỨ MẠNG, GIÁ TRỊ CỐT LÕI 
Trước những yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phương thức sản xuất FOB, ODM của ngành dệt may Việt Nam, tiếp nối những thành tựu đã đạt được, Nhà trường đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trong đó đặt ra tầm nhìn, sứ mạng làm kim chỉ nam cho quá trình đào tạo. Đó là:
Tầm nhìn: phấn đấu trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, phát triển đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ứng dụng, đạt chuẩn quốc tế.
Sứ mạng: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng theo hướng ứng dụng, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo trong môi trường toàn cầu.
Giá trị cốt lõi: Chất lượng – Năng động – Đáp ứng nhu cầu xã hội.
Với tầm nhìn, sứ mạng  phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế, bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục và yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

 
 3. MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG
Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

Cơ sở Thuận Thành, Bắc Ninh

Cơ sở Lệ Chi- Gia Lâm- Hà Nội

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội hiện có tổng diện tích 6 ha, trụ sở chính đặt tại Lệ Chi – Huyện Gia Lâm – Thành phố Hà Nội. Các trang thiết bị được bố trí trong các tòa nhà hiện đại từ 2 tầng đến 12 tầng, các phòng học được trang bị đầy đủ máy tính, máy chiếu, ti vi. Trước yêu cầu chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may, trường ĐHCNDMHN đã đầu tư các phòng học được thiết kế theo mô hình nhà máy thông minh, đầu tư các phần mềm phục vụ quản lý giảng dạy như các phần mềm thiết kế thời trang ảo Clo3D giúp sinh viên thiết kế bộ sưu tập và sàn trình diễn 3D hoàn  toàn trên máy tính, phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP, phần mềm quản lý đào tạo và nhiều phần mềm chuyên dụng khác như Gerber Lectra , Autocad, các phần mềm mô hình ảo...
- Trung tâm thông tin thư viện hiện đại trong một toà nhà 05 tầng hơn 1,2 triệu tài  liệu, sách, giáo trình; 120 trạm máy tính truy cập sách điện tử và Internet miễn phí . Thư viện số được liên kết với 87 thư viện của các trường đại học khác để giảng viên và sinh viên có thể khai thác tư liệu cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
- Khu ký túc xá với 110 phòng ở khép kín, đủ chỗ cho gần 1000 sinh viên có nhu cầu.
- Hội trường lớn, nhà thi đấu đa năng, sân tập thể dục và sân bóng đá phục vụ giải trí và sinh hoạt thể thao của sinh viên.

Phòng học tiếng anh

Phòng học nhà máy may thông minh

Thực tập của sinh viên

Đặc biệt Nhà trường có Trung tâm sản xuất dịch vụ với 500 lao động, tương đương với một doanh nghiệp loại vừa nơi chuyên sản xuất sản phẩm xuất khẩu cao cấp như Veston, jacket thời trang, quần âu...sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Điểm khác biệt hoàn toàn với các doanh nghiệp là 100% cán bộ của Trung tâm có trình độ đại học trở lên và đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật để hướng dẫn sinh viên thực tập.  Trung thực hiện tâm  đồng thời 2 nhiệm vụ: sản xuất và đào tạo. Đây là thế mạnh nổi trội trong công tác đào tạo của trường, giúp học sinh sinh viên được thực tập kỹ thuật, thực tập quản trị kỹ thuật,, ứng dụng mô hình công nghệ mới như LEAN sát với thực tiễn doanh nghiệp, mỗi năm có hàng nghìn lượt SV thực tập tại đây. Với khả năng sáng tạo độc đáo, nhiều sinh viên của Trường được truyền hình Việt Nam, báo chí quan tâm đưa tin, viết bài.
Đội ngũ giảng viên


Trong những năm vừa qua đội ngũ giảng viên được Nhà trường đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ và tiếp cận với môi trường thực tế tại doanh nghiệp.  Tính đến năm 2021, Trường có 283 giảng viên cơ hữu, trong đó trên 80% giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ.  Bên cạnh đó, điểm nổi trội của giảng viên nhà trường là có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 1 – 5 năm. Đây chính là yếu tố quyết định giúp cho các bài học gắn với thực tế sản xuất tại doanh nghiệp.



Ngoài giảng dạy, Giảng viên của Trường còn tích cực thực hiện nghiên cứu khoa học hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp dệt may hiện đại và phát triển bền vững. Ngoài các nghiên cứu chuyên sâu về công nghiệp 4.0, các công trình nghiên cứu của Trường còn tập trung phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, góp phần giúp ngành dệt may Việt Nam chuyển sang phương thức sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao hơn như FOB, ODM. Giai đoạn 2016-2021, hoạt động NCKH đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật
-Bảo vệ thành công 01 đề tài cấp nhà nước
- Bảo vệ 05 đề tài cấp Bộ Công thương
- Bảo vệ 05 đề tài cấp Tập đoàn Dệt May VN
- Nghiệm thu 26 đề tài cấp trường
-Xuất bản được 25 giáo trình, tài liệu để đưa vào giảng dạy

Sản phẩm đề tài cấp Bộ Công thương “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang

- Nhiều bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế danh mục ISI/Scopus, tạp chí khoa học trong nước, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Hội thảo quốc gia.
-Thực hiện chuyển giao công nghệ cho cho các doanh nghiệp dệt may
Giảng viên của trường được mời với vai trò là diễn giả trong Hội thảo quốc tế, các chương trình do đài truyền hình Việt  Nam tổ chức để nói chuyện,  trao đổi về các vấn đề tự chủ, học thuật trong ngành dệt may.

Phát triển các chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ


Buổi bảo vệ chương trình hành động lớp giám đốc xí nghiệp

Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp là mảng đào tạo rất được Nhà trường quan tâm, từ khảo sát nhu cầu, xây dựng chương trình học liệu và bố trí những giảng viên giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm triển khai giảng dạy. Các chương trình  đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp đặt hàng gồm: Giám đốc nhà máy; merchandiser, QC, IE, cán bộ kỹ thuật, thiết kế thời trang, tổ trưởng sản xuất; tiếng Anh chuyên ngành; sửa chữa thiết bị may, kỹ năng mềm...
Hoạt động hợp tác quốc tế 




Hoạt động hợp tác quốc tế đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển của Trường. Hoạt động HTQT được phát triển đa dạng với lĩnh vực hợp tác đa dạng, phong phú như hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thực tập, trao đổi giảng viên, sinh viên. Giai đoạn 2016-2021, Nhà trường đã tổ chức đón tiếp 22 đoàn khách quốc tế đến làm việc; cử 13 đoàn là cán bộ, giảng viên đi công tác nước ngoài. Ký kết thỏa thuận hợp tác với 09 đối tác nước ngoài; tổ chức thành công hội thảo quốc tế.

Các hoạt động khác


Hàng năm Trường tổ chức hoạt động kết nối giữa SV - Nhà trường - Doanh nghiệp thông qua Ngày hội việc làm và các Hội nghị, Hội thảo. Đây chính là cơ hội giúp cho SV của Trường được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, huy động được sự đóng góp của DN cho hoạt động đào tạo như tài trợ học bổng cho SV, cử chuyên gia tham gia đóng góp cho CTĐT, giáo trình, tham gia giảng dạy... và tuyển dụng SV sau tốt nghiệp.
Các hoạt động hiến máu nhân đạo tiếp tục được Đoàn thanh niên, Công đoàn trường tổ chức tối thiểu 01 lần trong năm, với sự hưởng ứng tham gia của CB, GV, SV. Các hoạt động thăm hỏi gia đình chính sách, từ thiện tới các trường tình thương trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh; ủng hộ đồng bào bị thiên tai….tiếp tục được thực hiện.
Đổi mới để phát triển bền vững, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã không ngừng nỗ lực và đã đạt được những thành tựu: Trường đã tự chủ được 100% chi đầu tư và chi thường xuyên, là đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng vào thực tế ngành Dệt May. Sản phẩm đào tạo của Trường không chỉ được các doanh nghiệp đánh giá cao về chuyên môn mà còn có khả năng thích ứng với yêu cầu của chuyển đổi số và trình độ ngoại ngữ, khả năng tiếp cận với công nghệ mới. Trường được chọn là nơi thăm quan, học hỏi của nhiều trường đại học trong và ngoài nước bởi mô hình đào tạo khác biệt và đổi mới, sáng tạo. Năm 2021 trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã hoàn thành tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục. Thời gian tới đổi mới, sáng tạo, hội nhập tiếp tục được Trường duy trì và phát triển, xứng đáng là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, phát triển đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo hướng định ứng dụng, đạt chuẩn quốc tế.
                                                                                    Phòng Tuyển sinh và Truyền thông
 

Các bài viết khác

Khám phá ngành Kế toán
10/04/2024
1.183 lượt xem
Thông tin tuyển sinh năm 2024
20/02/2024
14.508 lượt xem
Lời thầy cô
20/11/2023
186 lượt xem
Tri ân người dẫn đường
17/11/2023
177 lượt xem
Ngày chủ nhật xanh 2023
28/10/2023
278 lượt xem
Tuyển sinh bổ sung năm 2023
11/09/2023
21.556 lượt xem

Liên kết website