Ngày 18/3/2019, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo triển khai kế hoạch “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông Hà Nội” năm 2019 tại trụ sở UBND Thành phố.
Hội thảo chính là một trong những biện pháp để triển khai thực hiện Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 04/12/2018 của UBND Thành phố về triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ”.
Mục đích của Hội thảo là nhằm xây dựng Kế hoạch năm 2019 về “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông Hà Nội” cũng như xây dựng các giải pháp thực hiện đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, liên thông cao đẳng, đại học.
Chủ trì Hội thảo là đ/c Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Tham dự Hội thảo có đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các quận/huyện trên địa bàn TP, các Trung tâm GDNN-GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã nêu rõ mục tiêu đến 2020 TP Hà Nội cần đạt 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Ông Quý cũng định hướng các nội dung thảo luận liên quan đến đề xuất các chương trình đào tạo cấp bằng; đề xuất chính sách thực hiện; dự kiến phương thức tổ chức thực hiện (cam kết việc làm sau đào tạo, sự phối hợp của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp với các Trung tâm GDTX-GDDN…).
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu
Ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội đã báo cáo kết quả phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của Hà Nội; các giải pháp thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học; đề xuất chính sách thực hiện; dự kiến phương thức tổ chức triển khai từ 2019 đến 2025.
Ông Lê Văn Quang – Phó GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội báo cáo đề xuất
Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, có 4 chương trình đào tạo cấp bằng cho các học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đề án: Chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung cấp; Chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT; Chương trình đào tạo liên thông để cấp bằng cao đẳng; Chương trình đào tạo liên thông để cấp bằng cử nhân/kỹ sư.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó GĐ Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hà Nội phát biểu
Thay mặt Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hà Nội, bà Nguyễn Thanh Nhàn cũng chỉ rõ những khó khăn khi thực hiện phân luồng cho học sinh THCS khi mà tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn khá nặng nề trong xã hội trong khi công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS còn chưa được quan tâm và triển khai chưa tốt.
Tham dự Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã bày tỏ sự ủng hộ của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đối với đề án phân luồng. Bà Hường đã chia sẻ những khó khăn của các trường ĐH, CĐ khi phải độc lập thực hiện công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp đến các học sinh phổ thông. Đồng thời bà Hường cũng đề xuất phương thức triển khai công tác truyền thông hướng nghiệp, phương thức phối hợp giữa các trường TC, CĐ, ĐH với các trung tâm giáo dục thường xuyên để hướng nghiệp đến học sinh phổ thông nhằm đảm bảo tính khả thi của đề án.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường – Phó HT trường ĐHCN Dệt May Hà Nội phát biểu
Trong hơn 3 giờ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã bày tỏ những băn khoăn khi chưa có sự phối hợp tốt giữa các sở, các trung tâm GDTX, các trường TC, CĐ, ĐH trong công tác truyền thông và phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ về các giải pháp định hướng phân luồng cho học sinh nhằm hướng tới mục tiêu 30% học sinh THCS của Hà Nội tiếp tục học tập tại các trường TC, CĐ, ĐH.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, đ/c Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP đã kết luận và chỉ đạo các Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo HN, Sở Lao động, Thương binh và xã hội HN cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai và đề xuất các chính sách tốt nhất hỗ trợ cho các đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học nghề. Đồng thời giao cho các quận, huyện tổ chức tuyên truyền đến cả học sinh và các phụ huynh học sinh để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra của thành phố Hà Nội.
Với việc tham gia Hội thảo, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội mong muốn đóng góp ý kiến cho đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Trường phối hợp với các TTGDTX tổ chức tuyển sinh và đào tạo nhân lực dệt may cho lao động Hà Nội vừa góp phần tạo cơ hội việc làm tốt cho người dân Hà Nội, vừa góp phần phát triển ngành dệt may Hà Nội nói riêng và phát triển ngành dệt may Việt Nam nói chung.
Phùng Thị Hạnh – Phòng Đào tạo