Chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may

Ngày đăng: 08:52 - 04/09/2021 Lượt xem: 1.677
Chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
cho ngành dệt may
                                                              TS Hoàng  Xuân Hiệp
Trường  Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
 
1- Chuyển đổi số trong giáo dục đại học
          Chuyển đổi số là một trong những nhu cầu cấp thiết đối với hầu hết các tổ chức hiện nay trong đó có trường đại học. Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng diễn ra ngày càng nhanh và mạnh, đặc biệt là do tác động của đại dịch covid-19 đòi hỏi các trường đại học phải chuyển đổi số quyết  liệt hơn để đáp  ứng nhu cầu của các bên liên quan trong bối cảnh giảng viên và sinh viên không thể tiếp xúc trực tiếp như trước đây tại các nhà trường.
 
         Có thể hiểu chuyển đổi số trong giáo dục đại học là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một trường đại học, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động, văn hóa nhà trường và cung cấp các giá trị mới cho trường đại học, giảng viên, sinh viên và các bên liên quan khác. Như vậy, chuyển đổi số trong trường đại học chính là quá trình thay đổi từ mô hình trường đại học truyền thống sang trường đại học số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…để thay đổi phương thức quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, quy trình làm việc, văn hóa tại nhà trường.
       Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu về mô hình chuyển đổi số trong các trường đại học nhưng tựu trung tại, có thể tổng kết trong hình 1. Mô hình cho thấy bao trùm quá trình chuyển đổi số trong trường đại học là chiến lược chuyển đổi số nhà trường. Chiến lược chuyển đổi số của nhà trường nhấn mạnh vào việc xác định các mục tiêu tổng thể và nêu rõ định hướng mong muốn của quá trình chuyển đổi số. Chiến lược chuyển đổi số được xem là bước đầu tiên trên hành trình và là cơ sở để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số khi các điều kiện bên ngoài và bên trong thay đổi.
          Quá trình thực thi chiến lược chuyển đối số trong trường đại học bắt đầu từ việc xây dựng quy trình quản trị nhà trường bao gồm việc hình thành dần từng bước mô hình quản lý đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng khung quy định quản lý nhà trường về công tác tổ chức, đào tạo, nghiên cứu khoa học… trong đó tích hợp các yêu cầu về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, công tác quản trị trong quá trình chuyển đổi số còn được thể hiện trong việc xây dựng thương hiệu nhà trường trên môi trường số và thúc  đẩy truyền thông về nhà trường trong không gian số.
          Hình 1: Mô hình chuyển đối số trong giáo dục đại học
Nguồn: [1], [2] và phát  triển của tác giả
           Trong đào tạo, quá trình chuyển đổi số thể hiện ở nhiều mặt trong đó có việc rút ngắn quy trình tuyển sinh bằng cách sử dụng các công cụ số, tổ chức giảng dạy trên môi trường số để sinh viên có thể học tập ở bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet mà  không phải đến trường. Muốn thực hiện có hiệu quả việc giảng dạy này thì nhà trường phải xây dựng hệ thống học liệu trực tuyến một cách có hệ thống để sinh viên có tài liệu học tập từ xa qua mạng Internet, có bài giảng trực tuyến để tự học, có hệ thống đánh giá trực tuyến để sinh viên có thể tự đánh giá sự tiến  bộ của bản thân trong quá trình đào tạo.
           Nghiên cứu khoa học là một trong những trụ cột quan trọng của một trường đại học, vì vậy quá trình chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà trường. Chuyển  đổi số trong nghiên cứu khoa học trước hết phải giúp giảng viên, sinh viên có điều kiện tham gia nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế được thực hiện trên môi trường số. Giảng viên và sinh viên phải được tiếp xúc, khai thác các tài liệu khoa học trên môi trường số phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học như: các sách chuyên khảo, các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học của trường đại học trong quá trình chuyển đổi số cũng được thực hiện theo định hướng giúp thúc đẩy quá trình số hóa tại các doanh nghiệp.
        Muốn thực hiện quá trình chuyển đổi số trong trường đại học thì không thể không đề cập tới hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ điển hình cho chuyển  đổi số  đầu tiên phải đầu tư là đường truyền Internet tốc độ cao, hệ thống máy chủ để quản trị dữ liệu trong toàn hệ thống nhà trường, hệ thống phần mềm để điều hành thống nhất trong toàn bộ cơ cấu quản lý. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ của trường đại học khi chuyển  đổi số cần có là cổng thông tin điện tử để kết nối với thế giới trong không gian số, thư viện số để sinh viên có thể truy cập tài liệu học tập từ xa.
         An ninh mạng là một trong những thành phần quan trọng của quá trình chuyển đổi số tại các trường  đại học. Muốn thực hiện chuyển đổi số một cách an toàn, bảo mật và giữ được bản quyền các tài sản trí tuệ của nhà trường thì trường đại học phải xây dựng quy chế an ninh mạng, bảo mật hệ thống tài khoản trong trường; thiết lập các tường lửa và cài đặt các phần mềm diệt virus để đảm bảo an toàn thông tin cho tất cả các thiết bị công nghệ thông tin tại trường.
       Văn hóa nhà trường cũng là một trong những thành phần giúp cho quá trình chuyển đổi số của trường đại học đạt hiệu quả cao. Để nhà trường vận hành có hiệu quả trong chuyển đổi số thì trường đại học phải xây dựng được văn hóa làm việc từ xa thay cho văn hóa làm việc trực tiếp như truyền thống; xây dựng được quy tắc ứng xử chuẩn mực của cán bộ viên chức, sinh viên khi làm việc trên không gian mạng; xây dựng được văn hóa học tập suốt đời trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên viên và thúc đẩy sự liêm chính về học thuật khi mà các dữ liệu được khai thác dễ ràng qua Internet.
          Vấn đề quan trọng nhất, có tính quyết định đến quá trình chuyển đổi số trong trường đại học chính là vấn đề đào tạo nhân sự đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đội ngũ phải được đào tạo đầu tiên là giảng viên vì giảng viên quyết định chất lượng đào tạo của trường và giảng viên là nhân tố chủ chốt vận hành hệ thống đào tạo, hằng ngày  tiếp xúc với sinh viên trên môi trường số. Giảng viên phải được đào tạo để có thể sử dụng các công cụ số trong giảng dạy trực tuyến, đánh giá sinh viên trực tuyến và hỗ trợ sinh viên học tập trực tuyến. Giảng viên cũng phải là người thành thạo trong việc khai thác các tài nguyên trực tuyến cho công tác nghiên cứu  khoa học và hướng  dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Đội ngũ thứ hai phải được đào tạo thích ứng với chuyển đổi số là đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên của các đơn vị chức năng làm nhiệm vụ quản lý nhà trường bằng các công cụ số. Đội ngũ này phải được đào tạo để sử dụng thành thạo các nghiệp vụ trên nền tảng số như: quản lý đào tạo, quản lý sinh viên, quản lý  nhân sự, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất, quản lý tài nguyên số…..Cuối cùng là đội ngũ kỹ thuật viên quản lý và bảo trì phải được đào tạo một cách có hệ thống để có thể vận hành và bảo trì toàn bộ thiết bị phần cứng và phần mềm của nền tảng số trong trường đại học.
2- Chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
          Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may. Nhà trường có định hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong giai đoạn 2015-2020 và hiện đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào khung chuyển đổi số trong giáo dục đại học, nhà trường đã thực hiện chuyển đổi số từng phần trong nhà trường trên các trụ cột sau:
2.1 Chuyển đổi số trong quản lý
         Nhà trường đã thiết kế mô hình quản lý theo hướng từng bước đáp ứng chuyển đổi số, theo đó có bộ phận chuyên trách quản lý phần cứng của hệ thống công nghệ thông tin, có bộ phận chuyên trách theo dõi hệ thống quản lý đào tạo chạy trên nền tảng số, có các nhân sự chuyên trách nhập dữ liệu và quản lý  dữ liệu phân tán tại các khoa/trung tâm đào tạo.
       Về các quy định quản lý trong giai đoạn chuyển đổi số: nhà trường đã xây dựng quy chế quản lý đào tạo dựa trên nền tảng số thống nhất trong toàn trường từ năm 2015; đây là khung pháp lý quan trọng để số hóa toàn bộ công tác quản lý đào tạo đại học. Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng chính sách khuyến khích giảng viên xây dựng các bài giảng, học liệu số một cách có hệ thống theo chuẩn SCORM để chia sẻ trực tuyến; xây dựng quy định quản lý thi trực tuyến, quy định quản lý hoạt động truyền thông qua cổng thông tin điện tử và Fanpage của trường.
2.2 Chuyển đổi số trong đào tạo
          Bắt đầu từ năm 2020, việc chuyển đổi số trong đào tạo tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được thúc đẩy mạnh mẽ lên một tầm cao mới để ứng phó với sự tác động của đại dịch covid-19. Cụ thể như sau:
          Công tác tuyển sinh được chuyển đổi số ở mức độ cao bằng cách giúp thí sinh có thể nộp hồ sơ xét  tuyển, dự các buổi tư vấn ngành nghề, nhận kết quả xét tuyển, nhận giấy báo nhập học, làm thủ tục nhập học...hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, vì vậy đã tối ưu hóa quy trình tuyển sinh đại học năm 2020 và 2021.
 
Hình ảnh giao diện nhập học trực tuyến trên website của trường
          Việc đào tạo các học phần lý thuyết và thực hành tư duy trong thời kỳ dãn cách do dịch được nhà trường thực hiện hoàn toàn trực tuyến bằng phần mềm Zoom, Ms Team, Google meet. Công tác đánh giá người học trực tuyến được thực hiện bằng nhiều phần mềm như Google form hay Ms Team. Bên cạnh đó, việc đánh giá người học tại trường còn được thực hiện thông qua phần mềm thi trực tuyến, tổ chức bảo vệ khóa luận, bài  tập lớn bằng hình thức trực tuyến.
 
Một tiết học của thầy, trò trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội qua phần mềm zoom
          Hơn 20.000 học liệu đào tạo và giáo trình, tài liệu học tập được số hóa hoàn toàn để sinh viên có thể đọc trong thư viện điện tử hoặc truy cập vào thư viện số để tìm kiếm và nghiên cứu vào bất cứ thời gian nào, bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet.
2.3 Chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học
          Trong giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã cử 24 giảng viên tham dự các hội thảo khoa học trực tuyến trong nước và quốc tế để trao đổi học thuật và kết quả nghiên cứu.
          Để thu thập tài liệu, số liệu phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng  viên và sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã khai thác nhiều công bố khoa học được phát  hành trực tuyến. Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, cấp tập đoàn đều được nhà trường tổ chức khảo sát theo hình thức trực tuyến.
          Chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học tại trường còn được định hướng vào việc đề xuất và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về chuyển đổi số như Ứng dụng Lean trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ in 3D...
2.4 Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số
          Nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số tại trường. Hiện nay, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được trang bị hai đường  truyền Internet cáp quang tốc độ cao phục vụ cho việc kết nối mạng của hơn 750 máy tính để phục vụ cho công tác nghiệp vụ trên không gian số, đào tạo trực tuyến. Bên cạnh đó, nhà trường còn có hai phòng học được thiết kế theo mô hình nhà máy thông minh, đầu tư phòng quay video chuyên nghiệp để dựng các bài giảng trực tuyến.
  
Sinh viên ngành Công nghệ May thực hiện cân bằng chuyền tại phòng học may thông minh
  
SV trong tiết học Thực hành may tại phòng học đa phương tiện máy tính được kết nối mạng Lan và internet
 
           Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư các phần mềm phục vụ quản lý, giảng dạy như các phần mềm thiết kế thời trang ảo Clo3D giúp sinh viên thiết kế bộ sưu tập và sàn trình diễn 3D hoàn  toàn trên máy tính, phần mềm sáng  tác mẫu Illustrator, phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP, phần mềm quản lý đào tạo và nhiều phần mềm chuyên dụng khác như Gerber, Lectra, Autocad, các phần mềm mô hình ảo…
          
Phần mềm thiết kế thời trang kỹ thuật số
 
       Bên cạnh thiết bị cho chuyển đổi số như  trên, nhà trường cũng đã hợp tác với đối tác để xây dựng thư viện số trong đó có hơn 1,2 triệu tài  liệu, sách, giáo trình; thư viện số này cũng được liên kết với 87 thư viện của các trường đại học khác để giảng viên và sinh viên có thể khai thác tư liệu cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
          Cổng thông tin số của trường được thiết  lập chủ yếu qua Website với những thông tin, bài viết, nghiên cứu, video sống động, có thể truy cập trực tuyến qua mạng Internet. Bên cạnh đó, cổng giao tiếp qua Fanpage của trường cũng được đầu tư khai thác cho công tác truyền thông với hơn 200 video đã được đưa lên trong giai đoạn 2020-2021.
2.5 An ninh mạng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
          An ninh mạng là một trong những  công tác được chú trọng tại trường với nhiều hạng mục đã triển khai hiểu quả như : Đầu tư hệ thống tưởng lửa của CISCO, trang bị phần mềm diệt virus cho hơn 100 máy tính thực hiện công tác nghiệp vụ. Nhà trường cũng  đã xây dựng nhiều quy định về công tác bảo mật tài khoản truy cập các hệ thống  trực tuyến như  email, thư viện điện tử, phần mềm quản lý đào tạo…
2.6 Xây dựng văn hóa nhà trường đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
          Văn hóa làm việc từ xa là một trong những nội dung được hết sức chú trọng. Để giám sát chất lượng giảng dạy trực tuyến, bộ phận thanh tra đều được tham dự 100% các giờ học. Kết quả làm việc trực tuyến của chuyên viên khối văn phòng được đo lường bằng  các sản phẩm tạo ra như: kế hoạch, quy chế, báo  cáo…và đều được phê duyệt trực tuyến để thực hiện.
          Văn hóa giáo tiếp, ứng xử trên không gian mạng đã được cụ thể hóa vào quy chế văn hóa nhà trường; mặt khác trường còn thành lập tổ tư vấn truyền thông để thường xuyên theo dõi tư tưởng của sinh viên trên không gian mạng nhằm tư vấn, cung cấp thông tin…kịp thời cho sinh viên, giúp sinh viên giải quyết được các vướng mắc trong quá trình học tập tại trường.
2.7 Đào tạo nhân sự cho chuyển đổi số
          Đội ngũ giảng viên của trường với 276 người trong đó 189 người có trình độ tiến  sĩ, thạc sĩ (chiếm 68,4%) là lực lượng tiên phong và đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vì vậy nhà trường đã tổ chức bốn đợt tập huấn trong giai đoạn 2020-2021 cho toàn bộ giảng viên về phương pháp giảng dạy từ xa, làm học liệu theo chuẩn SCORM để chia sẻ trực tuyến, sử dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến, tập huấn  sử dụng các phần mềm chuyên dụng như Clo3D, ERP, Janet…
          Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên đều được tổ chức tập huấn sử dụng các phần mềm cho chuyên môn như phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm kế toán, phần mềm tuyển sinh…; tập huấn kỹ năng giao tiếp với sinh viên trên không gian mạng cho đội ngũ cố vấn học tập và phòng  công tác sinh viên.
          Đội ngũ kỹ thuật viên tin học phục vụ chuyển đổi số cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm với việc đầu tư cho đội ngũ này dự các khóa tập huấn của Microsoft, CISCO,  Bộ thông tin truyền thông….về thiết  kế hệ thống mạng, quản trị mạng, bảo trì, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin.
3- Định hướng chuyển đổi số tại trường  Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội giai đoạn 2021-2025
          -  Xây dựng chiến lược chuyển đổi số của trường để có cơ sở khoa học triển khai toàn diện và có chiều sâu hơn công tác chuyển đổi số.
          - Xây dựng nhà máy thuộc trường thành nhà máy thông minh để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất  kinh doanh, vừa làm mô hình điển hình về chuyển đổi số cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.
          - Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành dệt may được học tập tối thiểu 30% thời lượng trong môi trường số.
          - Đầu tư các phòng học được chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu đào tạo các ngành mới như Logistic và quản trị chuỗi cung ứng, thương mại điện tử bao gồm: phòng học digital marketing, phòng  học livestream, các phần mềm quản trị chuỗi cung ứng thông minh hoàn chỉnh.
- Tăng cường kết nối giảng viên, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với giảng viên, sinh viên quốc tế tại các trường đối tác qua các công cụ số để trao đổi học thuật, kinh nghiệm học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Jamshed Khalid et all (2018), Promising digital university: a pivotal need for higher education transformation, Int. J. Management in Education, Vol. 12, No. 3
2. Norwegian Government (2017) Digitalisation strategy for the higher education sector: 2017-2021. Available at: https://www.regjeringen.no/en/dokumenter/digitalisationstrategy-for-the-higher-education-sector-2017-2021/id2571085/sec6. [Accessed 30th August 2021].
3. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (2021), Báo cáo tổng kết năm học 2020-2021, Hà Nội.
4. Rodríguez-Abitia and Bribiesca-Correa (2021), Assessing Digital TransformationinUniversities, Future Internet 2021.
 

Các bài viết khác

Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.707 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
189 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.164 lượt xem

Liên kết website