Giám đốc trẻ Việt Mốt và hành trình theo đuổi đam mê thời trang

Ngày đăng: 03:42 - 18/12/2020 Lượt xem: 997

TTTĐ - Anh Nguyễn Mạnh Cường (Cựu sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội) hiện đang là Giám đốc Học viện Thiết kế Thời trang Việt Mốt. Bằng đam mê mãnh liệt với ngành thời trang, anh nỗ lực không ngừng nghỉ đã trải qua nhiều năm “lăn lộn” với nghề và đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ.

Sứ mệnh giúp đỡ những người thợ may giỏi

Sau 7 năm hoạt động, học viện Thiết kế Thời trang Việt Mốt đã đào tạo hơn 2600 học viên, đều là chủ các cửa hàng may lớn trên khắp cả nước. Anh Cường dùng kiến thức học được trên giảng đường, kết hợp với kĩ năng của nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới – Giáo sư Sato, cùng kinh nghiệm và đam mê với ngành thời trang, để truyền tải cho học viên.

“Tôi nhận thấy sứ mệnh của mình là giúp đỡ những người thợ may giỏi. Tôi mong muốn họ thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, áp dụng những kĩ thuật tân tiến nhất trên thế giới và có thể bộc lộ hết tài năng của mình”, anh Cường chia sẻ.

Giám đốc trẻ Việt Mốt và hành trình theo đuổi đam mê thời trang
Chuyên gia thời trang Nguyễn Mạnh Cường

Chuyên gia thời trang Nguyễn Mạnh Cường cũng thường xuyên tổ chức các show diễn thời trang đình đám, được giới chuyên môn trong nghề đánh giá cao. Anh còn giúp đỡ, đầu tư cho các học viên giỏi đến khi họ thành thạo với nghề.

Dù năm 2020 là một năm nhiều biến động vì dịch Covid-19 nhưng tính từ đầu năm đến nay anh Cường vẫn có doanh thu gần 4 tỉ đồng.

Luôn rõ ràng và kiên trì với mục tiêu

Sinh ra trong một gia đình khó khăn tại làng nghề may Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội; anh Cường đã sớm tiếp xúc với vải vóc, quần áo từ năm 12 tuổi. Khi lớn lên, hiểu được tầm quan trọng của việc học hành bài bản, anh đăng kí thi tuyển vào trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội (lúc ấy là Cao đẳng Công nghiệp Dệt may Thời trang Hà Nội).

Đối với anh Cường, khi bắt đầu lựa chọn ngành thiết kế thời trang, anh biết đây là đam mê của mình và nhận thức được đam mê này có khả năng phục vụ xã hội cao.

Giám đốc trẻ Việt Mốt và hành trình theo đuổi đam mê thời trang
Anh Cường trao đổi cùng các học viên tại Học viện Thiết kế Thời trang Việt Mốt

Ngày còn đi học trên giảng đường, anh Cường vừa tập trung học hỏi những kiến thức chuyên môn, vừa chủ động đi xin học việc không lương tại các công ty may. Sau nhiều lần gõ cửa các công ty, anh được nhận vào học việc tại một công ty ở thành phố Bắc Ninh.

Anh Cường còn nhớ những ngày đầu với công việc là dọn giấy, cuộn giấy thậm chí phồng hết tay nhưng anh vẫn không từ bỏ. Từ đó anh Cường có thể áp dụng các kiến thức trên lớp vào môi trường chuyên nghiệp, thực tế.

Khi được hỏi về những khó khăn thời sinh viên, chuyên gia thời trang Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: “Tôi không bao giờ coi đó là khó khăn, với tôi đó là thử thách mà tôi phải vượt qua. Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã xác định đích đến của mình và rõ ràng, kiên trì tuyệt độ trong mọi hành động để đạt được mục tiêu”

Những năm tháng là sinh viên, anh Cường đã đại diện cho Đại học Công nghệ Dệt may Hà Nội tham gia các cuộc thi thiết kế thời trang và đạt được nhiều giải thưởng; liên tục nhận được học bổng của trường. Cùng với đó, anh làm nhiều công việc khác để nuôi sống bản thân. Anh Nguyễn Mạnh Cường tâm sự: “Thời đi học mình đã không phải xin tiền của bố mẹ, sau này trong tất cả các hoạt động kinh doanh mình cũng luôn làm chủ về tài chính".

Giám đốc trẻ Việt Mốt và hành trình theo đuổi đam mê thời trang
Chuyên gia thời trang Nguyễn Mạnh Cường luôn nghiệt huyết, đam mê với nghành thời trang

Sau khi ra trường, anh Cường đã xác định được mục tiêu tiếp theo của mình là sẽ thành lập một doanh nghiệp về thời trang. Anh làm rất nhiều nơi để thử sức và học hỏi. Nơi nào học hỏi được nhiều, anh sẽ ở lại lâu cho dù mức lương thấp. Với anh, đó là môi trường học thực tế nhất.

Sau 2 năm nhiều biến cố, anh Cường chính thức có một xưởng may riêng. Làm xưởng may được 2 năm, anh nhận thấy mình cần có sự bứt phá và quyết định trau dồi kiến thức chuyên môn tại Viện Đại học Mở Hà Nội.

Dần dần, chuyên gia thời trang sinh năm 1990 nhận thức được mong muốn cống hiến cho xã hội, cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn nếu giúp đỡ được ai đó thành công. Năm 2013 anh Nguyễn Mạnh Cường thành lập Học viện Thiết kế Thời trang Việt Mốt.

Vừa kinh doanh xưởng may, vừa học ở trường và làm việc tại học viện; một ngày anh Cường chỉ ngủ 4 tiếng. Thời gian ấy, xưởng may là nguồn thu nhập lớn và ổn định nhất nhưng anh vẫn quyết định dừng kinh doanh. “Với tôi việc học là rất quan trọng và học viện mới thành lập lại là nơi tôi được thỏa đam mê, truyền cảm hứng cho những người thợ giỏi nên tôi quyết định dừng công việc kinh doanh tại xưởng may”, anh Cường chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, anh còn học hỏi kiến thức của các nhà thiết kế lớn trên thế giới, tiêu biểu là Giáo sư Sato – người được tạp chí FinacialTimes (Anh) bình chọn là 1 trong 5 nhà thiết kế đã làmthayđổingànhcôngnghiệpmay mặctoàn cầu. Cùng với những gì đã học được trên giảng đường, kết hợp kết thức truyền thống tại làng nghề, anh Cường lựa chọn, phối hợp và cho ra đời bộ công thức tại học viện. Công thức của anh được nhiều người có chuyên môn trong nghề đánh giá cao.

Ngoài việc đào tạo các khóa học chuyên môn, anh Cường luôn tạo cơ hội cho những người không có điều kiện theo học bằng các lớp online miễn phí, các hội nhóm trên mạng xã hội. Các lớp học online của anh nhận được lượt tương tác khủng lên đến hàng nghìn bình luận, lượt thích và chia sẻ.

Trong tương lai, chuyên gia thời trang Nguyễn Mạnh Cường hướng đến việc thành lập một hãng thời trang riêng, đồng thời phát triển và đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao trình độ thợ may tại Việt Nam.

Anh Cường nhấn mạnh: “Trong cuộc đời mỗi người, có 2 ngày quan trọng nhất, một là ngày mình sinh ra, hai là ngày biết mình sinh ra để làm gì”. Cũng bởi phương châm sống ấy, anh luôn kiên định với ước mơ, theo đuổi đam mê một cách rõ ràng và có những thành công đáng ngưỡng mộ.

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/giam-doc-tre-viet-mot-va-hanh-trinh-theo-duoi-dam-me-thoi-trang-143969.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

Các bài viết khác

Liên kết website