HTU - NGÔI TRƯỜNG, MÁI NHÀ VÀ TRÁI TIM
Lê Thị Vân Anh -Lớp ĐHM4-K1
Trường ĐHCN Dệt May Hà Nội
Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Tôi có đọc được ở đâu đó rằng : “Khi thời gian qua đi, chúng ta sẽ tiếc nuối về những điều chúng ta không dám thử hơn là những việc chúng ta đã làm,dù kết quả thành công hay thất bại. Hãy sống sao để thanh xuân không hối tiếc !”. Và đến giây phút này, tôi chắc chắn có một điều mà cả quãng đời về sau tôi sẽ không bao giờ hối hận là đã lựa chọn mái Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội để gắn bó thanh xuân,bắt đầu và nuôi dưỡng đam mê của cuộc đời mình.
Kết thúc ba năm cấp ba bình lặng với kết quả học tập tốt, tôi đã lựa chọn một trường đại học theo định hướng của gia đình : Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi theo học được một kỳ, tôi chợt suy nghĩ về chặng đường mình đã đi qua và những ngày sắp tới rồi tự hỏi: “Đam mê của mình là gì? Chẳng lẽ lại sống cả đời để thực hiện giấc mơ của người khác.” Và tôi quyết định nghỉ học để tìm kiếm và bắt đầu lại đam mê của chính mình. Khi đó bố mẹ đã vô cùng buồn bã vì chỉ muốn tôi có một cuộc sống ổn định trong vòng tay bảo bọc của gia đình.
Lúc ấy tôi tìm kiếm được khá nhiều trường có đào tạo chuyên ngành này. Nhưng khiến tôi lưu tâm nhất là Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội- ngôi trường đào tạo về chuyên ngành dệt may. Tôi không do dự, một mình bắt xe từ Thanh Hóa ra tận trường để nộp hồ sơ. Tôi chọn dự thi theo phương thức xét tuyển học bạ THPT. Ngày khai giảng, tôi vô cùng bất ngờ và hãnh diện khi nhà trường cũng ghi nhận sự cố gắng của mình trong ba năm THPT như các bạn xét theo phương thức điểm thi. Tôi được nhận một phần thưởng cho thủ khoa khóa đại học đầu tiên của trường. Đó cũng là nguồn động lực của tôi trong suốt quãng đường về sau.
Trước đây tôi hay được nghe rằng học đại học cả kỳ chơi thoải mái, lúc nào thi mới phải ôn. Và giấc mộng ấy dập tắt ngay sau tuần đầu tôi đi học. Người đầu tiên dạy cho tôi biết rằng đại học không phải là nơi để hưởng thụ tuổi trẻ là thầy Nguyễn Hữu Uẩn, giảng viên môn Vật liệu dệt của chúng tôi. Buổi học thứ hai, thầy bước vào lớp với áo sơ mi cộc tay, quần âu đóng thùng và khuôn mặt khá nghiêm nghị , thầy gọi sinh viên lên kiểm tra bài cũ. Tôi không nghĩ rằng đại học cũng phải trả bài. Và tôi lại là người được gọi lên. Với tâm hồn bay bổng ngoài cửa sổ tiết học trước và những cuộc thảo luận sôi nổi trên facebook với bạn bè đêm qua thì tôi nghiễm nhiên không trả lời được câu nào của thầy và nhận 0 điểm. Chính vi thầy không nói nặng lời nào càng làm tôi xấu hổ . Từ đó tôi quyết tâm sẽ chăm chú từng lời thầy giảng và gỡ lại ấn tượng đầu tiên không tốt đẹp ấy. Chính nhờ chú ý như thế mà môn học này với tôi không hề là nỗi ám ảnh như những bạn khác. Tôi liên tục trả lời và làm bài kiểm tra tốt, đạt năm điểm 10. Điểm tổng kết học phần đạt 9.2. Nhưng kết quả tốt nhất tôi có được là bài học từ một người thầy tâm huyết, một kỷ niệm sâu sắc mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Với những người mới bắt đầu một lĩnh vực hoàn toàn mới như chúng tôi, thầy cô kiên trì dạy từ cách điều chỉnh tốc độ máy may rồi may đường thẳng, đường cong cho đến bây giờ kết thúc ba kỳ học, chúng tôi có thể may áo sơ mi, may quần âu và những sản phẩm khác theo ý thích, thật sự là một chuyến hành trình dài và gian nan mà chỉ nghe thôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Có những lúc nản lòng, những lúc gần như muốn bỏ cuộc. Nhưng chúng tôi lại được tiếp thêm sức mạnh từ những lời động viên, chia sẻ về nghề, về định hướng tương tai của các thầy cô. Chúng tôi được nhà trường tạo điều kiện gặp gỡ, nghe các anh chị đã ra trường chia sẻ về công việc và những lời khuyên hữu ích. Ngọn lửa tâm huyết của cô thầy đã tiếp thêm năng lượng để ngọn lửa đam mê trong tôi không bao giờ tắt.
Có lúc tôi đọc được những câu nói hài hước của bạn bè trên trang mạng xã hội : “Nhiều lúc cũng muốn bỏ chút thời gian đi tìm anh, nhưng mà khổ nỗi em bận đi xưởng mất rồi.” Khi mới bắt đầu vào học ở đây, “đi xưởng” quả thực là quãng thời gian nặng nề với sinh viên. Nhưng khi đã quen rồi, cái vất vả ấy lại trở thành một điều đặc biệt mà chỉ có ở Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội này mới có, cũng đáng để lấy làm tự hào lắm chứ. Trong lúc có thể ở nội thành hay trung tâm vui chơi xô bồ nhộn nhịp nào đó, nhiều bạn trẻ đang háo hức theo đuổi những thú vui riêng thì ở mảnh đất Lệ Chi yên bình này, các bạn sinh viên HTU đang “vật lộn” với đống giấy thiết kế, sao mẫu, hay sửa hàng, may bài. Ở cổng các trường đại học khác là nhan nhản quán Internet, quán ăn vặt thì đặc trưng ở đây lại là các quán cho thuê máy may lúc nào cũng tấp nập sinh viên ra vào. Túi xách của các bạn sinh viên khác nào phấn son, gương lược,.. còn chúng tôi lúc nào cũng lỉnh kỉnh ba lô với kim chỉ, kéo, vải, thước dài,thước dây... Đó là những điều đặc biệt mà không biết từ khi nào tôi lại lấy làm tự hào khi nhắc đến mái trường thân yêu này.
Không biết từ khi nào, một thứ tình cảm vô hình với thầy cô, bạn bè và mái trường đã hình thành và ăn sâu bén rễ trong lòng tôi. Khoảnh khắc trông thấy ánh mắt nuối tiếc của những bạn sinh viên sắp phải chia tay mái trường cũng là lúc tôi tự hứa với mình sẽ làm thật tốt, thật trọn vẹn những tháng ngày còn là sinh viên, ngồi trên giảng đường HTU.
Trở thành sinh viên của mái Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội là điều sáng suốt nhất mà tôi đã chọn trong suốt tuổi trẻ của mình. Ở đây, tôi được sống với đam mê của mình và tận hưởng tuổi trẻ theo một cách trọn vẹn và rực rỡ nhất. Để tôi có thể tự hào nói rằng : Tôi đã có một thanh xuân không hề hối tiếc.
Hà Nội, ngày 23/12/2017