Nhà giáo "chuyển động" trong bối cảnh chuyển đổi số

Ngày đăng: 03:48 - 20/11/2021 Lượt xem: 1.392
Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 hết sức phức tạp – điều chưa có tiền lệ trong lịch sử hình thành và phát triển của Nhà trường. Đồng thời, đây cũng là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2015-2020.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và sáng tạo trong triển khai thực hiện, Nhà trường đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 20/23 chỉ tiêu thực hiện chính như: bài báo đăng trên tạp chí khoa học có tính điểm (vượt 52%), hội thảo khoa học (vượt 100%), tự chủ 100% chi thường xuyên và một phần chi đầu tư,... Cụ thể, kết quả một số lĩnh vực chính như sau:
GIỮ NHỊP ĐÀO TẠO
Năm học 2020-2021, kết quả tuyển sinh đại học chính quy của Nhà trường chỉ đạt 86,96% so với chỉ tiêu và bằng 91,7% so với năm học trước. Sự sụt giảm này là do năm 2020 và 2021, dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch, điều này đã tác động đến tâm lý chọn ngành của thí sinh.
Đứng trước những thách thức, đón bắt được các yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, Nhà trường đã linh hoạt áp dụng các hình thức và khai thác hiệu quả ứng dụng CNTT để thu hút thí sinh như: thiết kế phần mềm đăng ký tuyển sinh trực tuyến chạy trên nền website của trường, tổ chức truyền thông trực tiếp tại các trường THPT (phối hợp cùng các trường THPT, DN, báo Tuổi trẻ); tổ chức chương trình “HTU – một ngày trải nghiệm”; tổ chức truyền thông online trên website hict.edu.vn (đăng tải các bài viết về các hoạt động của trường, video giới thiệu ngành nghề, giới thiệu môn học/học phần, đăng tải các thông tin tuyển sinh); truyền thông tuyển sinh qua ứng dụng Zoom Meeting,...
Đối với hệ đào tạo đại học khóa 2, trường tuyển đầu vào 980 sinh viên, có mặt đến thời điểm tốt nghiệp là 815 sinh viên. Hiện đã có 585 sinh viên hoàn thành chương trình, tốt nghiệp đợt 1, những sinh viên còn lại sẽ được công nhận tốt nghiệp sau khi hoàn thành chương trình thực tập (bị kéo dài do ảnh hưởng của dịch covid-19).

Trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên

Tỷ lệ SV có việc làm sau 12 tháng, tỷ lệ có việc làm của SV đại học là 94,2%, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên môn là 90,5%, thu nhập bình quân là 8,5 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ có việc làm SV cao đẳng sau 12 tháng là 91,5%, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên môn là 84,3%, thu nhập bình quân là 7,9 triệu đồng/tháng. Cả SV đại học và cao đẳng sau 12 tháng tốt nghiệp đều có tỷ lệ việc làm và thu nhập được cải thiện so với thời gian tốt nghiệp 3 tháng.

Do dịch bệnh bùng phát, đặc biệt có thời gian trường nằm trong vùng thực hiện cách ly y tế của tỉnh Bắc Ninh 6 tuần và sau đó Thành phố Hà Nội thêm 8 tuần nên lịch học, lịch thi và các kế hoạch đào tạo khác đã phải điều chỉnh nhiều lần, hoán đổi khung thời gian nghỉ hè để ứng phó với dịch bệnh, cho phù hợp với đặc thù của Trường và đảm bảo quyền lợi học tập của SV. Đây là một trong những vấn đề mới đặt ra đối với công tác lập kế hoạch và tổ chức thực hiện trong điều kiện bất lợi, nhưng công tác đào tạo vẫn phải diễn ra bình thường.
Nhà trường vận hành hệ thống phần mềm quản lý đào tạo chạy trên hệ thống máy chủ, điều này giúp cho việc cập nhật, lưu trữ và tra cứu thông tin về sinh viên nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.
Công tác đổi mới phương pháp giảng dạy được BGH đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao, đảm bảo nâng cao “chất đại học” của từng bài giảng (cập nhật thiết bị, công nghệ mới, các tình huống thực tế phù hợp với bài giảng; tăng cường việc tương tác giữa GV và SV để giải quyết các tình huống thực tế, phân tích các ưu nhược điểm của các giải pháp giúp SV hiểu rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn tại các vị trí công việc sau này mình sẽ đảm nhận).

Phòng học thông minh ngành Công nghệ may

Nhà trường tăng cường bố trí các phòng học được trang bị thiết bị (TV, máy chiếu, máy tính) có kết nối internet để khai thác tối đa công suất và tăng cường việc ứng dụng CNTT phục vụ giảng dạy; áp dụng phần mềm quản lý đào tạo tín chỉ vào công tác quản lý điểm, tổ chức thi, quản lý SV, đăng ký khối lượng học tập,…đảm bảo thực hiện đồng bộ, liên thông dữ liệu ở tất cả các đơn vị liên quan trong trường.
Giảng viên tận dụng các ứng dụng mạng xã hội (Zalo, facebook...) để quản lý SV, chuyển tải thông tin và tài liệu đến SV và làm phương tiện kết nối, trao đổi, giải đáp liên quan đến bài học giữa,…



Các phần mềm: Google Meet, Zoom Meeting, Zavi, Kahoot, Flipgrid, Quizizz… được đưa vào giảng dạy trực tuyến nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong hoạt động giảng dạy trực tiếp hoặc online, sử dụng nền tảng và phần mềm Shub, Google Classroom, Google form, Khaothionline… để kiểm tra và đánh giá trực tuyến, giúp SV dễ dàng tiếp cận bài học và kiểm tra được kịp thời, chính xác. Trường đã tổ chức thi trực tuyến cho 12 học phần. Các bài thi trực tuyến thực hiện chủ yếu qua ứng dụng Google form (9/12 học phần).
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ ĐÁP ỨNG XU THẾ ĐỔI MỚI
Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, điều này đòi hỏi trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phải nhanh chóng bắt  kịp xu thế này nếu không muốn tụt lại phía sau.
Ngành Dệt May Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ chậm hơn giai đoạn 2015-2020, do đó tính hấp dẫn của ngành không cao nên sẽ khó thu hút nhân lực trình độ cao vào ngành cũng như SV khá giỏi vào Trường.



Năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Đồng thời, trong bối cảnh chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải đáp ứng các yêu cầu:
Có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực vì những nội dung của các môn học cơ bản sẽ phải được rút ngắn và thay thế vào đó là những nội dung cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động theo phương châm “bán cái thị trường cần” và giúp người học thực hiện được phương châm “học tập suốt đời”. Bên cạnh đó, giáo dục phải giúp người học phát triển về năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong môi trường làm việc thường xuyên thay đổi.
Có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi mọi hoạt động của nhà trường, cụ thể là phải: đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, quản lý sinh viên, phương pháp kiểm tra, đánh giá chuẩn đầu ra, với sự ứng dụng mạnh mẽ CNTT.



Để có thể cập nhật những kiến thức hiện đại mang tính toàn cầu, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên phải giỏi về ngoại ngữ và công nghệ thông tin, làm chủ công nghệ và tạo ra sự tự do, sáng tạo trong công tác đào tạo.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn được coi việc nâng cao chất lượng đội ngũ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Nhà trường; điều này càng trở nên cấp bách hơn trong thời kỳ chuyển đổi số, bởi người giảng viên được coi như những “máy cái” trong hệ thống đào tạo của Nhà trường. Nhiều giải pháp trọng tâm đã được Nhà trường đưa ra để phát huy chất lượng đội ngũ:
Giải pháp về tổ chức
Xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Củng cố hệ thống quản trị nhà trường, đề xuất bộ máy đáp ứng nhu cầu CĐS trong thời kỳ mới và mô hình tổ chức Trường trong thời gian tới.
Hoàn thiện hệ thống đánh giá năng lực thực hiện chính (KPIs) và tiến tới trả lương theo KPIs nhằm tạo động lực mới, phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ giảng viên, chuyên viên trong toàn trường; đồng thời, thể hiện tính rõ ràng, minh bạch, tính chịu trách nhiệm của từng cán bộ, giảng viên đối với Nhà trường, khoa và bộ môn.
Thu hút đội ngũ GV có trình độ cao về làm việc tại trường bằng cách: đa dạng hóa nguồn tuyển; chủ động tiếp cận đối tượng đáp ứng đủ yêu cầu và có nhu cầu chuyển công tác; ưu tiên tuyển dụng người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ loại xuất sắc hoặc giỏi từ nhiều nguồn để bổ sung cho đội ngũ giảng viên, đảm bảo các ngành đã mở có từ 1-2 tiến sĩ/ngành; mời thỉnh giảng là các cán bộ khoa học, nhà quản lý tại DN tham gia vào công tác giảng dạy của trường. Lập kế hoạch sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu và thỉnh giảng.
Hoàn thiện quy chế tuyển dụng đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý; tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng giảng viên thực hiện theo quy định chung của Luật giáo dục đại học, trong đó cần xác định các tiêu chuẩn riêng phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù đối với từng khoa đào tạo chuyên ngành; về phương thức tuyển dụng, cần kết hợp cả phương thức thi tuyển và xét tuyển, chú trọng xét tuyển đặc cách không qua thi đối với trường hợp có năng lực vượt trội hoặc ngành ưu tiên.
Giải pháp về cơ chế, chính sách
Tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ để cấp học bổng cử giảng viên trẻ đi học tập và nghiên cứu, đặc biệt là làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài phù hợp định hướng đào tạo của Nhà trường.
Chủ động bố trí kinh phí và tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi thực hiện chủ trương đào tạo, xây dựng đội ngũ có trình độ cao. Cải thiện chính sách đãi ngộ thích đáng với các cán bộ, giảng viên thực sự có năng lực, tâm huyết với nghề nghiệp.
Xây dựng kế hoạch và phương pháp đánh giá hợp lý các hoạt động giảng dạy của giảng viên; chú trọng triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học với hệ thống chỉ số đánh giá chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua khối lượng giờ giảng đảm nhận, các công trình NCKH, các tài liệu, giáo trình biên soạn, quỹ thời gian dành cho học tập, NCKH, tự đào tạo, đảm bảo khoa học, chính xác.
Giải pháp về nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn cho GV bằng nhiều hình thức: tự học, tự bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên, cử tham gia các khóa đào tạo sau đại học; đưa GV đi thực tế tại các DN may, sợi dệt để nâng cao trình độ phục vụ công tác giảng dạy và yêu cầu đủ tiêu chuẩn giảng dạy trình độ đại học.
Xây dựng lộ trình cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo:
- Trong thời gian 1 năm sau khi được tuyển dụng và tập sự: GV hoàn tất việc học ngoại ngữ (trình độ A2 trở lên), nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng sử dụng CNTT,…
- Năm thứ 2 trở đi: khi được bổ nhiệm vào chức danh giảng viên sẽ được Nhà trường cử đi học nghiên cứu sinh hoặc đi thực tế DN dệt may ít nhất 1 năm.
Trong khoảng thời gian 5 năm sau khi được tuyển dụng, bắt buộc giảng viên đạt trình độ tiến sĩ đối với giảng dạy lĩnh vực có ngành đào tạo, khuyến khích đối với các lĩnh vực không hoặc chưa có ngành đào tạo.
Việc đào tạo sau đại học kết hợp gửi đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thông qua các chương hợp tác quốc tế, nhà trường tạo điều kiện cho các giảng viên đi tham quan, học tập tại nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng vốn kiến thức về văn hóa.
Giải pháp về NCKH và hợp tác quốc tế
Giảng viên phải chủ động đề xuất tham gia các nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài NCKH cấp Nhà nước, các đề tài nhánh từ đề tài cấp Nhà nước và đề tài các cấp.

Nhà trường duy trì hợp tác với các đối tác quốc tế 

Nhà trường duy trì hợp tác với các đối tác quốc tế và phát triển các hình thức hợp tác phù hợp tình hình thực tế; thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng AI, công nghệ số khác vào doanh nghiệp dệt may để giảng viên có môi trường giao lưu, cập nhật, nâng cao trình độ.
Giải pháp hỗ trợ khác
Thúc đẩy chuyển đổi số, chú trọng chính sách hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý giáo dục, theo các quy định về chia sẻ, khai thác dữ liệu; hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hình thức dạy - học trực tuyến qua mạng; chính sách quản lý các khóa học trực tuyến đảm bảo chất lượng thông qua các quy định về điều kiện mở trường mở lớp, thẩm định cấp phép nội dung, kèm theo chế tài phù hợp, tránh tình trạng mất kiểm soát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị CNTT thiết thực phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho người học có nhu cầu, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.
Phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, NCKH) gắn với việc thẩm định nội dung, kết nối, chia sẻ học liệu trong phạm vi nhà trường; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, liên kết với các trường đại học, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời của người học; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ GV thử nghiệm, áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
Với một số giải pháp chính như trên, cùng sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên trong Nhà trường, hy vọng năm học 2021-2022 trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, đội ngũ nhà giáo tiếp tục được nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn nghề nghiệp và chuyển đổi số, Nhà trường tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng./.

                                  TS. Nguyễn Văn Đức – Trưởng phòng TCHC, Thư ký HĐT
                                          Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội


 

Các bài viết khác

THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG GIẢNG VIÊN
13/12/2024
194 lượt xem
Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.843 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
242 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.223 lượt xem

Liên kết website