Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG ĐÀO TẠO

Nhà tuyển dụng cần gì ở lao động trẻ?

Ngày đăng: 02:19 - 20/05/2022 Lượt xem: 38

Ngoài kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng còn có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trẻ năng động, ham học hỏi và có kỹ năng trong công việc

Khi lấy người học làm trung tâm thì ngoài đào tạo, các trường còn liên tục phối hợp với doanh nghiệp (DN), đơn vị dịch vụ việc làm tổ chức ngày hội tuyển dụng, vừa tạo việc làm cho sinh viên (SV) sắp ra trường vừa tạo cơ hội cho SV khác thử sức.
Tự tin thử sức
Đặng Trung Kiên (SN 2001, quê An Giang), hiện là SV năm 3 Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính - Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, thường xuyên tham gia các ngày hội tuyển dụng do nhà trường và các đơn vị khác tổ chức. Mục đích của Kiên là sớm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của DN, tập làm quen với các buổi phỏng vấn, từ đó bổ sung kiến thức, kỹ năng mà bản thân còn thiếu để vững tin hơn sau khi tốt nghiệp. "Điều tôi học hỏi được từ các buổi phỏng vấn là nhà tuyển dụng không chỉ coi trọng kiến thức, thái độ trong công việc mà khả năng làm việc nhóm cũng là yếu tố hàng đầu được họ quan tâm. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng còn rất quan tâm đến việc SV có tham gia các hoạt động ngoại khóa hay không, bởi họ đánh giá cao những người có tinh thần làm việc nhóm" - Kiên cho biết.

Sinh viên tham gia “Ngày hội việc làm CSE Job Fair” tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ
Còn với Nguyễn Ngọc Duy (SN 1998, quê Vĩnh Long), trải nghiệm trong quá trình thực tập đã giúp anh có cơ hội thể hiện năng lực và chính thức trở thành nhân viên Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), sau hơn 9 tháng là kỹ sư tập sự tại phòng nghiên cứu và phát triển của công ty này. Khi còn là SV năm cuối ngành kỹ thuật y sinh Trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TP HCM, Duy đã tham gia chương trình "Ngày hội việc làm" do trường tổ chức và nộp hồ sơ ứng tuyển tại một số DN. Nhận được lịch phỏng vấn, Duy đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về DN như ngành nghề hoạt động, thị trường, nhân lực… Dù công việc hiện tại không hề liên quan chuyên ngành Duy đã học song chỉ sau 1 năm cố gắng, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía công ty, đến nay mọi thứ đã ổn định. Theo Duy, kiến thức, kỹ năng tích lũy được trong 4 năm đại học và khả năng tiếng Anh là hành trang giúp anh nhanh chóng chinh phục được nhà tuyển dụng. "Trong thời gian thực tập, tôi được hưởng mức lương 9-11 triệu đồng/tháng. Sau khi trở thành nhân viên chính thức của công ty, thu nhập của tôi đạt gần 15 triệu đồng/tháng" - Duy cho biết.
Yêu cầu ngày càng cao
Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group, nhìn nhận trong việc tuyển dụng nhân sự trẻ, nhất là SV mới ra trường, kiến thức chỉ quyết định 50%, phần còn lại phụ thuộc vào kỹ năng mềm. Theo bà Linh, thị trường lao động việc làm song hành cùng sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Vì vậy, nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi cao hơn với mọi ứng viên. Ở đó, kỹ năng xử lý công việc, tình huống, làm việc nhóm, sử dụng thành thạo và làm chủ công nghệ được đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, những thách thức từ đại dịch Covid-19 cũng làm cho nhà tuyển dụng có xu hướng trọng dụng nhân sự có thể tự chủ trong công việc và sẵn sàng làm việc từ xa. Nói về xu hướng đến tận những cơ sở đào tạo để tuyển nhân sự, bà Linh cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng của các DN. Tuyển dụng ngày nay khác xưa rất nhiều - không còn việc đăng tuyển và chờ ứng viên đến nộp hồ sơ. Thay vào đó, DN chủ động tìm ứng viên tương lai. Đó là SV sắp ra trường, là những nhân sự chuẩn bị gia nhập thị trường lao động. "Chủ động tuyển dụng đang được nhiều DN thực hiện để việc mở rộng sản xuất - kinh doanh diễn ra hiệu quả hơn. Khi tuyển dụng chủ động, DN sẽ định biên được nguồn nhân lực của mình, từ đó đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung cho đội ngũ nhân lực chủ chốt tại DN" - bà Linh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Hà Nội của Adecco Việt Nam, cũng khẳng định nhà tuyển dụng đang nỗ lực chủ động tuyển nhân sự từ nguồn SV đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. SV hiện là nguồn nhân lực chất lượng mà bất cứ DN nào cũng chờ đón. Tuy vậy, nhà tuyển dụng kỳ vọng nhiều hơn những gì mà SV nghĩ. "Nhiều khảo sát của chúng tôi cho thấy các DN mong muốn thấy được sự đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ - khí chất mà SV đang có nhiều nhất. Tiếp theo là mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên trẻ. Thêm nữa là sự sáng tạo, dám đối diện và nói lên quan điểm của bản thân" - bà Nguyễn Thu Hà lưu ý.
Theo báo Người lao động

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 170 Tổng truy cập: 30.182.038