Ngày 23/12/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp năm 2019, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2020. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được Tổng cục dạy nghề mời tham dự Hội thảo.
Theo báo cáo của TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng vụ Giáo dục chính quy, năm 2019 hoạt động gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN đã được thực hiện và đem lại hiệu quả lớn. Các kết quả trên là minh chứng cho cơ chế phối hợp hiệu quả 3 bên: Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp.
TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng vụ Giáo dục chính quy báo cáo tại Hội thảo
Qua phần trình bày của đại diện VCCI và chia sẻ về kết quả hoạt động của Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistic, với tầm quan trọng của ngành Dệt May trong sự phát triển kinh tế các ý kiến đều hướng tới và đề nghị thành lập Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Dệt May.
Đ/c Nguyễn Thị Thu Hường, phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo đại diện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, đ/c Nguyễn Thị Thu Hường, phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc gắn kết với doanh nghiệp. Nhà trường đã thực hiện tốt mười hai hình thức hợp tác nêu tại Hội thảo. Trường đã thành lập bộ phận Quan hệ với doanh nghiệp với nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và giới thiệu việc làm. Từ năm 2011 Trường thực hiện mô hình đào tạo kép với Tổng công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ, đào tạo tại Trường 18 tháng + tại Doanh nghiệp 18 tháng (thực tập tại các vị trí công việc), sau này đã phát triển thêm với nhiều Công ty khác như Tổng công ty may Bắc Giang, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG...Nhà trường thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu doanh nghiệp, giảng dạy của các chuyên gia doanh nghiệp chiếm 30% thời lượng chương trình. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng đề thi, đánh giá tốt nghiệp người học. Về vấn đề thực tập của sinh viên, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác (MOU) với doanh nghiệp trong việc trao đổi, tiếp nhận sinh viên thực tập tốt nghiệp theo đúng đề cương, nhiều sinh viên của Trường đã được nhận học bổng của doanh nghiệp...
Qua kinh nghiệm của Đức trong đào tạo kép, đ/c Hường cho rằng cần có sự hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, trong đó lao động của ngành Dệt May. Những năm qua Dệt May là ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2018 đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, năm 2019 tiếp tục đóng góp 39 tỷ USD xuất khẩu (tăng 7,55% so với 2018), đang sử dụng gần 3 triệu lao động với đối tượng chủ yếu là lao động nông thôn và phụ nữ. Toàn ngành có khoảng 7000 doanh nghiệp, trong đó trên 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với tầm quan trọng của ngành Dệt May đối với nền kinh tế nước nhà và để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đề nghị đẩy mạnh sự hỗ trợ cho Dệt May trong đào tạo nhân lực.
Để gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững, đại diện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho rằng năm 2020 cần tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: (i) Trình chính phủ nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động Giáo dục nghề nghiệp; (ii) Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng; (iii) Tổ chức thí điểm đề án đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phòng Tuyển sinh và Truyền thông