Mô hình doanh nghiệp tại trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, điểm đột phá trong đào tạo ĐH theo định hướng ứng dụng

Ngày đăng: 01:27 - 15/04/2023 Lượt xem: 4.128
Bài: TS Hoàng  Xuân Hiệp
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Tại Việt Nam, các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân được chia thành hai định hướng là nghiên cứu và ứng dụng. Các trường đại học theo định hướng ứng dụng có điểm khác biệt lớn so với các trường đại học theo định hướng nghiên cứu ở một điểm là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể làm việc hiệu quả tại các doanh nghiệp. Để đảm bảo được sứ mệnh này, các trường đại học theo định hướng ứng dụng phải tập trung áp dụng phương pháp đào tạo lý thuyết gắn liền với hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập, trải nghiệm trong môi trường sản xuất kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp. Tuy vậy, hiện nay các trường đại học theo định hướng ứng dụng đều gặp nhiều khó khăn khi phối hợp với các doanh nghiệp ngoài trường trong hướng dẫn sinh viên thực hành do thiếu kỹ năng sư phạm… Tất cả các vấn đề trên có thể được giải quyết với mô hình doanh nghiệp trong trường đại học.

Vì vậy, bài viết này hướng đến việc đánh giá các kỹ năng mà sinh viên các trường đại học hiện nay còn thiếu so với yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó đánh giá được lợi ích mô hình doanh nghiệp tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội mang lại đối với người học, nhà trường và xã hội.

Kỹ năng của nguồn nhân lực đối sánh với nhu cầu của doanh nghiệp
 Xu hướng phát triển của công nghệ trong nền công nghiệp toàn cầu được nhiều chuyên gia đánh giá là có ảnh hưởng mạnh nhất đến tất cả các ngành công nghiệp kể cả ngành công nghiệp dệt may; trong bối cảnh đó, việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động là hết sức cần thiết để đáp ứng xu thế phát triển nhanh của nền công nghiệp trên thế giới. Sự tác động của công nghiệp đến kỹ năng của người lao động tại Việt Nam được thể hiện trong hình sau:  
 
Hình 1: Nhận thức của doanh nghiệp về xu hướng công nghiệp toàn cầu tác động đến kỹ năng của người lao động
Nguồn: [3]

Số liệu tại hình 1 do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản JICA thực hiện khảo sát với 1000 doanh nghiệp và cơ sở giáo dục tại Việt Nam giai đoạn 2021-2022. Số liệu cho thấy việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 sẽ có tác động mạnh nhất đến kỹ năng của người lao động khi có tới 63% tổ chức được khảo sát xác nhận việc này. Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp công nghiệp thì việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong công nghiệp còn thúc đẩy sự lan tỏa của số hóa và tự động hóa nên mức độ ảnh hưởng của số hóa, tự động hóa đến kỹ năng của người lao động cũng rất lớn, tương ứng ở mức 49% với số hóa và 46% với tự động hóa. Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng của việc triển khai sản xuất xanh và phát  triển bền vững cũng tác động khá lớn tới kỹ năng của người lao động (ở mức 28%).

Trong bối cảnh nền công nghiệp sẽ tác động đến kỹ năng của người lao động lớn như trên nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu của doanh nghiệp, khoảng cách giữa kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp với mong muốn của doanh nghiệp thể hiện trong hình  sau:
 
 
Hình 2: Nhận thức của các doanh nghiệp đối với khoảng cách kỹ năng của các sinh viên tốt nghiệp đại học, chia theo ngành
Nguồn: [3]

Số liệu tại hình 2 cho thấy 84% doanh nghiệp sản xuất cho rằng kỹ năng mềm của sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; 56% doanh nghiệp sản xuất đánh giá kỹ năng chuyên môn của sinh viên đại học không đáp ứng nhu cầu sử dụng; 64% doanh nghiệp cho rằng kỹ năng nhận thức bậc cao của sinh viên như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy logic, kỹ năng học tập chủ động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Các đánh giá cụ thể bằng phương pháp phỏng vấn sâu trong nghiên cứu của JICA cho thấy: Sinh viên thiếu cập nhật kinh nghiệm thực tế sau khi ra trường, chủ yếu chỉ biết lý thuyết nên chậm thích ứng với môi trường làm việc, chưa nghiêm túc trong việc xác lập mục tiêu nghề nghiệp và con đường sự nghiệp, chưa hiểu rõ bản chất thực tiễn của công việc, không kiên định mục tiêu, dễ chuyển việc, bỏ việc khi gặp khó khăn. Kỹ năng mềm của sinh viên mới ra trường chưa đủ cho môi trường làm việc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, quản lý công việc, khả năng làm việc độc lập và tư duy logic. Về thái độ, phần lớn sinh viên tốt nghiệp thiếu chuyên nghiệp trong công việc, thiếu tích cực trong học việc.

Với thực trạng khoảng cách về cả kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng bậc cao đều khá xa với yêu cầu của doanh nghiệp như trên thì một trong những giải pháp được thực hiện khá hiệu quả để san bằng khoảng cách này tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là sử dụng mô hình doanh nghiệp trong trường để giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp với yêu cầu của doanh nghiệp một cách thường xuyên ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Đột phá mô hình “2 trong 1”

          Trung tâm sản xuất dịch vụ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là đơn vị được tổ chức như một doanh nghiệp loại vừa, thực hiện đồng thời hai chức năng là tổ chức sản xuất theo chuẩn quốc tế một cách có hiệu quả và hướng dẫn sinh viên thực tập tại tất cả các vị trí thiết kế mẫu, chuẩn bị sản xuất, quản lý đơn hàng, quản lý chất lượng, điều hành nhà máy, xuất nhập khẩu. Với quy mô 600 lao động, trên 500 thiết bị hiện đại như máy trải vải tự động, cắt tự động, máy lập trình, CNC cắt dưỡng, hệ thống CAD/CAM cho thiết kế mẫu, giác sơ đồ và chuẩn bị sản xuất; phần mềm quản trị nhà máy thông minh hiện tại cũng đang được phát triển tại trung tâm. Thị trường chính của Trung tâm sản xuất dịch vụ (TTSXDV) là hơn 30 nước trên thế giới trong đó có những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao như : Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Doanh thu hằng năm của TTSXDV khoảng 60-70 tỷ đồng. Với mô hình tổ chức như trên, TTSXDV của trường đã có  những đóng góp hết sức tích cực vào sự phát triển bền vững của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trên những khía cạnh sau:

          - Hướng dẫn sinh viên thực tập tại môi trường doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế: Khác với nhiều doanh nghiệp đơn thuần về sản xuất, do phải đảm nhiệm chức năng hướng dẫn sinh viên thực tập nên đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý tại TTSXDV đều có  trình độ từ đại học trở lên, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ sư phạm để hướng dẫn sinh viên thực tập tại tất cả các khâu trong nhà máy. Hằng năm, TTSXDV chịu trách nhiệm hướng dẫn từ 1800-2000 lượt sinh viên thực tập tốt nghiệp, thực tập sản xuất tại các khâu như: thiết kế mẫu, chế thử mẫu, làm mẫu đối, chế tạo dưỡng, thiết kế chuyền, chuẩn bị tài liệu kỹ thuật, giác sơ đồ, quản lý đơn hàng, thiết kế và quản lý hệ thống đảm bảo chất lượng, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kế toán doanh nghiệp, điều hành sản xuất, đánh giá nhà máy theo chuẩn quốc tế…



Khi thực tập tại TTSXDV, sinh viên được hướng dẫn quá trình thực hiện công việc theo chuẩn quốc tế, thời gian và nội dung thực tập được thực hiện theo đề cương thực tập và được đánh giá kết quả theo tuần. Hằng ngày, sinh viên được làm việc với khách  hàng quốc tế ở những vị trí công việc thực tế như cán bộ của TTSXDV; chính vì vậy, sinh viên được rèn luyện kỹ năng làm việc theo đúng quy chuẩn sản xuất hàng xuất khẩu, ý thức tác phong công nghiệp của sinh viên thay đổi rõ rệt theo hướng chuyên nghiệp hơn do các công việc được thực tập đều là những công việc đòi hỏi chất lượng cao, đáp  ứng yêu cầu của khách hàng quốc tế.

- Xây dựng học liệu đào tạo từ tình huống thực tế của TTSXDV: Khối các khoa/trung tâm đào tạo của trường luôn luôn tiếp cận với các tình huống thực tế tại TTSXDV để thiết kế các tình huống sử dụng trong đào tạo. Nhiều tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn của khách hàng quốc tế, các chuẩn mực quốc tế về sản xuất… đều được giảng viên khảo sát tại TTSXDV để đưa vào bài giảng lý thuyết trên giảng đường, chính vì vậy mà các bài giảng tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn mang hơi thở của thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, do TTSXDV ở cạnh khu giảng đường nên sinh viên hoàn toàn có thể thăm quan thực tế bất kỳ lúc nào sau giờ học lý thuyết để tìm hiểu sâu hơn các kiến thức được học, giúp các em hiểu bài sâu hơn và dần hình thành tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên do được tiếp cận nhiều với môi trường sản xuất kinh doanh thực tế. Đây là điểm nổi trội, được sinh viên và xã hội đánh giá cao vì đã giúp người học tiếp cận được với công nghệ mới ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

- Nghiên cứu thử nghiệm khoa học tại TTSXDV: TTSXDV của trường được tổ chức theo mô hình sản xuất công nghiệp ngay trong nhà trường nên đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, thử nghiệm các kết quả nghiên cứu mới của giảng viên nhà trường. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học như: ứng dụng các thành tựu của cách  mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất  tinh gọn Lean, thiết kế phần mềm quản lý năng suất trên nền tảng Web, cải tiến sản xuất IE, mô hình quản lý nhà máy thông minh… đã được nghiên cứu thử nghiệm thành công tại TTSXDV.



- Cử chuyên gia của TTSXDV, chuyên gia của các hãng quốc tế tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo: Vì TTSXDV thuộc trường nên nhà trường thường xuyên điều động chuyên gia của TTSXDV tham gia vào Hội đồng xây dựng cũng như Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo vì vậy các chương trình đào tạo và giáo trình của trường luôn luôn đáp ứng ở mức cao cả yêu cầu về học thuật và yêu cầu về định hướng ứng dụng trong trường. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia của TTSXDV cũng như chuyên gia của các nhãn hàng còn tham gia sâu vào quá trình đào tạo thông qua các buổi nói chuyện theo chuyên đề với sinh viên về kinh nghiệm thực tế trong sản xuất phù hợp với nội dung học phần trong chương trình đào tạo đại học.

- Bồi dưỡng kỹ năng điều hành sản xuất cho đội ngũ giảng viên: Đội ngũ  giảng viên của trường thường xuyên được điều động đi thực tế hoặc tham gia điều hành sản xuất tại TTSXDV, chính vì vậy trên 30% giảng viên của trường vừa có trình độ sau đại học,vừa có khả năng điều hành sản xuất trong thực tế. Đây là điểm mạnh của đội ngũ giảng viên của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, giúp trường thực hiện thành công định hướng ứng dụng trong đào tạo đại học. Bên cạnh bồi dưỡng giảng viên trong nước, TTSXDV còn cùng khối đào tạo tham gia vào quá trình trao đổi giảng viên với các nước như Thụy Sĩ, Nhật Bản... để trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong cả đào tạo và sản xuất kinh doanh dệt may.

- Hỗ trợ tài chính cho sinh viên thực tập, cho khối đào tạo: Điểm đặc biệt nữa mà TTSXDV đã thực hiện được là trả lương và ăn ca cho sinh viên thực tập sản xuất như đối với người lao động của trung tâm. Trong thời gian thực tập, sinh viên được hưởng mức lương theo kết  quả công việc, nhiều em đạt mức 2-3 triệu đồng/tháng, đủ bù tiền nộp học phí và một phần tiền sinh hoạt trong quá trình học tại trường; ngoài tiền lương, trong thời gian thực tập, sinh viên còn được hưởng ăn ca với mức 20.000 đồng/sinh viên/ngày. Đối với công tác đào tạo, TTSXDV đã hỗ trợ phần vật tư như vải, chỉ tiết kiệm trong quá trình sản xuất cho học tập. Đây cũng là nguồn hỗ trợ đáng  kể cho khu vực đào tạo, đóng góp vào mục tiêu tự chủ của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.



Với các điểm đột phá như trên, TTSXDV trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng thương hiệu một trường đại học theo định hướng ứng dụng của ngành dệt may, là mô hình được nhiều trường đại học khác ở trong và ngoài nước đến tham khảo và nghiên cứu. Trong tương lai, mô hình đột phá này sẽ được nhà trường nghiên cứu cải tiến để nâng tầm cả về công nghệ và quản trị, làm cơ sở vững chắc hơn cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng ứng dụng của trường.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (2022), Báo cáo tổng kết năm học 2021-2022, phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023, Hà Nội
  2. Chính  phủ (2022), Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm  nhìn 2035, Hà Nội.
  3. JICA (2022), Báo cáo nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam, Hà Nội
 
 

Các bài viết khác

Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.696 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
183 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.163 lượt xem

Liên kết website