Nâng cao năng suất ngành dệt may, bắt nhịp xu thế thời đại

Ngày đăng: 08:51 - 06/07/2024 Lượt xem: 712
Sáng ngày 5/7/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phối hợp Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Tổ chức năng suất châu Á (APO) tổ chức chương trình hội thảo “Nâng cao năng suất ngành dệt may Việt Nam thông qua công nghệ và đổi mới sáng tạo” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
 

Chương trình có sự tham gia của TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia; TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; TS. Phạm Thu Hiền – Trưởng nhóm nghiên cứu của CSIRO Úc,… cùng đại diện Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ); Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ); Bộ Tài chính; Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương); và đại diện hơn 20 doanh nghiệp dệt may, trường, viện nghiên cứu khu vực phía Bắc.

 
 
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia. 
 

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp khẳng định, trong bối cảnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với ngành dệt may có ý nghĩa quan trọng giúp ngành dệt may nâng cao năng suất, hướng đến xuất khẩu bền vững, trong đó, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất.

Tiếp theo chương trình, TS. Phạm Thu Hiền, Trưởng nhóm nghiên cứu của CSIRO, Úc có bài trình bày “Tổng quan về ngành dệt may Việt Nam và các xu hướng lớn ảnh hưởng đến ngành”. Theo bà Hiền, một số lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam có thể kể đến như: Vị trí địa lý với hệ thống cảng biển thuận lợi; khả năng sản xuất đa dạng và sản xuất sản phẩm giá trị cao; tốc độ giao hàng nhanh hơn cùng với khả năng sản xuất linh hoạt. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng.

Song song với những thuận lợi bà Hiền cũng chỉ ra một số khó khăn. Về phát triển mở rộng chuỗi cung cứng, hiện nay vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước; đầu tư sản xuất sợi, dệt nhuộm gặp khó do chính quyền địa phương lo ngại về ô nhiễm môi trường, hạn chế thu hút đầu tư hoặc tạm dừng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Khó khăn nữa là chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thiết kế thời trang, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Mặt khác, việc lệ thuộc lớn vào nguồn cung vải và nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc và các thị trường khác đã làm ngành dệt may Việt Nam mất nhiều lợi thế cạnh tranh.

 
 
TS. Phạm Thu Hiền, Trưởng nhóm nghiên cứu của CSIRO, Úc.


Trong bài trình bày, bà Hiền cũng chỉ ra 6 xu hướng lớn của ngành dệt may hiện nay: Thứ nhất là tính bền vững và thời trang tuần hoàn, đề cập đến việc các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG, tiêu chuẩn xanh hướng đến Net Zero.

Thứ hai là số hóa công nghiệp 4.0, đề cập đến việc tăng cường tích hợp công nghệ, tự động hóa và phân tích dữ liệu vào sản xuất dệt may. Thứ ba là người mua chủ động do ảnh hưởng của sử dụng các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng được nhìn thấy và “chốt đơn” sản phẩm ngay trên môi trường thương mại điện tử.

Thứ tư là xu hướng lao động chất lượng cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều có nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề cao như kỹ sư, quản lý, chuyên gia thiết kế, kiểm tra chất lượng và lao động được đào tạo chuyên nghiệp,… Thứ năm là xu hướng sử dụng vật liệu tiên tiến nhằm hướng đến thân thiện môi trường và phát triển bền vững.

Thứ sáu là sự biến động thương mại địa chính trị. Những thay đổi liên tục trong động lực thương mại toàn cầu và thuế quan ảnh hưởng đến ngành dệt may, dẫn đến việc thiết lập lại chuỗi cung ứng lớn. Hơn nữa, động thái dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc sang các quốc gia khác có thể tạo cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam.

 
 
Bài trình bày của các diễn giả tại chương trình thu hút sự lắng nghe của các đại biểu.
 
 
 
Chương trình là diễn đàn để các nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi các vấn đề nóng trong lĩnh vực dệt may. 
 

Tại chương trình, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có nhiều bài trình bày xoay quanh vấn đề phát triển bền vững ngành dệt may như: Sản xuất bền vững ngành dệt may - bà Hoàng Thị Nhung, Phòng Tuân thủ và Phát triển bền vững, Linea Aqua Vietnam; Các kịch bản tăng trưởng cho ngành dệt may Việt Nam – PGS. TS Nông Ngọc Duy – Viện Nghiên cứu CSIRO, Úc; Chính sách giảm phát thải carbon của các quốc gia: Đích đến đối với doanh nghiệp dệt may và phương thức đáp ứng yêu cầu – bà Nguyễn Thanh Ngân, Phó trưởng ban Đầu tư - Phát triển, Tập đoàn Dệt May Việt Nam,...

Chương trình cũng là diễn đàn để các nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi các vấn đề nóng được xã hội quan tâm trong lĩnh vực dệt may. Nhiều vấn đề được mổ xẻ, khúc mắc được tháo gỡ, từ đó mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam phát triển.

 
 
TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
 

Kết thúc hội thảo, TS. Hoàng Xuân Hiệp một lần nữa nhấn mạnh, năng suất, chất lượng là một trong những công cụ cạnh tranh hiệu quả nhất của ngành dệt may. Hiện nay, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt nhịp với xu thế của thời đại.

Nguồn
https://vietq.vn/

Các bài viết khác

Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.543 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
123 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.098 lượt xem

Liên kết website