Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội báo cáo nghiệm thu đề tài NCKH cấp Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Ngày 16/7/2021, tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội bảo vệ thành công đề tài NCKH “Nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn triển khai các chỉ tiêu đo lường tích cực và thẻ điểm cân bằng cho doanh nghiệp may”, do TS. Nguyễn Văn Đức, trưởng phòng TCHC làm chủ nhiệm.
Toàn cảnh cuộc họp nghiệm thu đề tài
Theo Hợp đồng đặt hàng giữa Tập đoàn Dệt May Việt Nam và trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội về việc nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn triển khai các chỉ tiêu đo lường tích cực và thẻ điểm cân bằng cho doanh nghiệp may”, Nhà trường đã giao cho TS. Nguyễn Văn Đức và nhóm nghiên cứu thực hiện từ tháng 9/2020 đến tháng 7/2021. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài gặp rất nhiều khó khăn khi khảo sát, thu thập số liệu, thực nghiệm tại doạnh nghiệp do tình hình dịch covid-19, nhiều doanh nghiệp, địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số15, 16 của Chính phủ, như: Tổng công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG, Tổng công ty cổ phần May Bắc Giang – LGG, Tổng công ty cổ phần May Sông Hồng, Tổng công ty May 10-CTCP, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến,... Tuy nhiên, bằng tâm huyết, quyết tâm và kinh nghiệm nghiên cứu, nhóm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo đúng đặt hàng của Tập đoàn. Kết quả chính của đề tài là sách chuyên khảo “Hệ thống thẻ điểm cân bằng-BSC và các chỉ số quản lý chủ chốt cho doanh nghiệp may Việt Nam” và phần mềm “BSC-KPIs cho doanh nghiệp may”. Cuốn sách cung cấp cho các doanh nghiệp may kiến thức tổng quan về thẻ điểm cân bằng (BSC) và các chỉ tiêu đo lường kết quả chủ chốt tích cực (KPIs); các thông tin về yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất, giá thành của ngành may, và thực trạng ứng dụng hệ thống BSC và chỉ tiêu KPIs tích cực tại doanh nghiệp may hiện nay. Từ đó, đề xuất bộ công cụ đo lường, đánh giá và báo cáo KPIs phù hợp với hệ thống BSC tại doanh nghiệp may. Đi kèm với cuốn sách là phần mềm BSC-KPIs, giúp lượng hóa được hiệu quả quản trị doanh nghiệp may bằng các chỉ tiêu đo lường kết quả chủ chốt KPIs. Doanh nghiệp may có thể dễ dàng sử dụng phần mềm để tùy chỉnh bộ KPIs phù hợp với doanh nghiệp, cập nhật thông tin của doanh nghiệp để cho ra kết quả đánh giá nhanh về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo bộ KPIs đã xây dựng theo mô hình BSC. Điều này giúp lãnh đạo doanh nghiệp hàng ngày có được thông tin về các KPIs để từ đó đưa ra được các quyết định điều hành phù hợp.
TS. Nguyễn Văn Đức, Chủ nhiệm đề tài, báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu
Hội đồng nghiệm thu đề tài, do ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam làm chủ tịch, đều đánh giá cao tính khả thi, sự phù hợp của sản phẩm nghiên cứu đối với các doanh nghiệp may. Đặc biệt là ý kiến của hai phản biện, đại diện cho hai lĩnh vực: lĩnh vực hàn lâm, TS. Nguyễn Danh Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội và lĩnh vực sản xuất, ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc, Tổng công ty cổ phần Dệt May Huế, đã giúp cho sản phẩm của đề tài được hoàn thiện cả hàm lượng khoa học và thực tiễn. Đề tài đã được Hội đồng bỏ phiếu đánh giá Đạt với số phiếu tuyệt đối 100%.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài, chủ trì cuộc họp
Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn và tính cạnh tranh ngày cành cao như hiện nay, các doanh nghiệp may có nhiều cơ hội cũng như thách thức. Để tăng cường được khả năng cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp may không chỉ xây dựng các chiến lược tài chính mà cả các chiến lược phi tài chính. Đồng thời, các doanh nghiệp may cũng cần xây dựng cho mình các chỉ tiêu tích cực đánh giá hiệu quả hoạt động gắn liền với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Kết quả của đề tài có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần giúp các doanh nghiệp may giải quyết được bài toán cạnh tranh.
Thu Hằng_Phòng Đào tạo