Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến về Đề án thí điểm đào tạo đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0

Ngày đăng: 08:43 - 15/08/2019 Lượt xem: 1.014

Ngày 14/8/2019, tại thành phố Hải Phòng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

           Mục đích của Hội thảo nhằm lấy ý kiến cho Dự thảo “Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đây là lần lấy ý kiến thứ hai nhằm hoàn thiện đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án dự kiến có lộ trình thực hiện từ 2019-2025. Kết quả thực hiện Đề án sẽ là cơ sở để triển khai hiệu quả và nhân rộng mô hình đào tạo nhân lực này trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

            Chủ trì Hội thảo là TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng vụ Giáo dục chính quy. Tham dự Hội thảo có đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; 50 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; đại diện các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

            Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Xuân Hùng đã nhấn mạnh những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt những tác động đối với GDNN. Cuộc CMCN 4.0 làm cho việc làm, nghề nghiệp thay đổi; sẽ có một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động, nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới. Những ngành nghề giản đơn, có khả năng tự động hóa cao sẽ là những ngành nghề có khả năng mất việc cao. Các yêu cầu kỹ năng ngay tại nơi làm việc cũng thay đổi theo hướng chuyển từ kỹ năng kỹ thuật sang các kỹ năng tư duy hệ thống, lập trình, giải quyết vấn đề. Chính vì thế, nội dung đào tạo GDNN cần phải được cập nhật thường xuyên phù hợp với các yêu cầu mới của ngành nghề đào tạo trong cuộc CMCN 4.0.

TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng vụ Giáo dục chính quy phát biểu

            Sau phần trình bày tóm tắt Đề án của đại diện Vụ Giáo dục chính quy, các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng thảo luận và góp ý để Đề án hoàn thiện hơn. Các ý kiến đóng góp liên quan đến làm rõ đối tượng của Đề án, bổ sung đào tạo ngoại ngữ, bổ sung hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo, sự tham gia của các doanh nghiệp, việc đẩy mạnh tuyên truyền về 4.0 cho DN, người lao động và học sinh, sinh viên...

            Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường đại học duy nhất được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mời tham dự Hội thảo. Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hường – Phó hiệu trưởng nhà trường đã bày tỏ sự ủng hộ của Trường đối với Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bà Hường cũng chia sẻ một số thông tin liên quan đến nhận định về sự thay đổi việc làm trong lĩnh vực dệt may. Khi đầu tư công nghệ 4.0, năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng mạnh. Do vậy, dù đầu tư công nghệ 4.0 thì lao động trong ngành dệt may không những không giảm về số tuyệt đối mà còn tăng lên khoảng 1 triệu lao động so với hiện nay vào năm 2025 do quy mô sản xuất dệt may sẽ tăng mạnh hơn. Mặt khác, lao động trong ngành dệt may hiện nay có tay nghề thấp, số lao động qua đào tạo không nhiều nên khó có khả năng đáp ứng khi công nghệ mới được đầu tư. Để tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may, số lao động hiện có cần được đào tạo lại để đáp ứng khi công nghệ, thiết bị mới được đầu tư. Đồng thời, bà Hường cũng kiến nghị bổ sung các cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tham gia đề án nhằm tận dụng thế mạnh của các cơ sở và đem lại hiệu quả cao cho đề án.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường – Phó HT trường ĐHCN Dệt May Hà Nội phát biểu

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng vụ Giáo dục chính quy đã cảm ơn các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự Hội nghị. Ông Hùng chỉ đạo Vụ Giáo dục chính quy nghiên cứu các ý kiến để hoàn thiện đề án trước khi trình Chính phủ.

Tham gia đóng góp ý kiến cho các chính sách của nhà nước, bộ, ngành chính là thể hiện trách nhiệm xã hội của Trường đối với ngành dệt may cũng như đối với đất nước. Với việc tham gia Hội thảo lần này, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội mong muốn đóng góp ý kiến cho “Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đồng thời, Trường cũng mong muốn có cơ hội được tham gia vào Đề án góp phần đào tạo nguồn nhân lực dệt may đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại 4.0.

                                                                                Phùng Thị Hạnh – Phòng Đào tạo


Các bài viết khác

Khám phá ngành Kế toán
10/04/2024
715 lượt xem
Thông tin tuyển sinh năm 2024
20/02/2024
13.439 lượt xem
Lời thầy cô
20/11/2023
180 lượt xem
Tri ân người dẫn đường
17/11/2023
170 lượt xem
Ngày chủ nhật xanh 2023
28/10/2023
272 lượt xem
Tuyển sinh bổ sung năm 2023
11/09/2023
21.020 lượt xem

Liên kết website