Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội tham gia Hội nghị về Xây dựng Chương trình Phát triển bền vững

Ngày đăng: 08:21 - 25/03/2023 Lượt xem: 521
Theo lời mời của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), chiều ngày 24/3/2023 TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tham gia Hội nghị về Xây dựng Chương trình Phát triển bền vững thực hiện Chiến lược phát triển Dệt May đến 2030, tầm nhìn 2035. Hội nghị có sự tham gia của đầy đủ ban ngành đoàn thể trong và ngoài nước: Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Tài nguyên Môi trường, các Tổ chức quốc tế như: IDH, WWF, IFC, GIZ, SIPPO, CNV, FWF, Better Work, CCI, VCCI, VNBA, VLA, các doanh nghiệp hội viên và các Brands, Vendors, Retailers… hoạt động tại Việt Nam để cùng đưa ra các ý kiến đóng góp giúp hiện thực hoá Chiến lược phát triển dệt may đến 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt.

TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng HTU (ngồi ngoài cùng phía tay phải)

Tại phiên thảo luận về lao động trong hội nghị, một trong những vấn đề được quan tâm nhất đó là: nguồn nhân lực được đề cập như là một thách thức cũng như là yếu tố then chốt để giúp ngành dệt may phát triển trong vòng 15 năm tới đây, không chỉ tăng trưởng về số lượng mà còn về giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng. Vậy đâu là những kỹ năng quan trọng mà người lao động cần phải có để đáp ứng được yêu cầu của công việc và vai trò của các bên có liên quan để ngành dệt may có thể đào tạo được lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu triển khai chuỗi cung ứng dệt may xanh và bền vững. Để giải đáp cho vấn đề này, TS. Hoàng Xuân Hiệp chỉ rõ:
(1) Về bản chất, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may là sự tích luỹ của trí tuệ con người vào sản phẩm dệt may. Trong giai đoạn 2010-2022, năng suất lao động tính theo kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 10.800 USD/người/năm vào năm 2010 lên hơn 20.000 USD/người/năm vào năm 2022, tức là tăng khoảng 2 lần so với năm 2010. Năng suất lao động tăng cũng chính là giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may được nâng cao. Nguyên nhân nâng cao được giá trị gia tăng là do doanh nghiệp đã nâng cao kỹ năng cho người lao động, đổi mới công nghệ, đổi mới công tác quản trị. Tất cả những đổi mới này có được phần lớn đều do doanh nghiệp có nguồn nhân lực cốt lõi, ước khoảng 5,7% trong tổng số 2 triệu lao động công nghiệp dệt may. Nhu cầu mỗi năm cho nhân lực cốt lõi này là 9.000-10.000 kỹ sư, cán bộ quản lý, trong khi đó, các trường Đại học, Cao đẳng chỉ đào tạo được khoảng 3000 nhân lực này một năm cho ngành dệt may, nghĩa là chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của ngành. Trong 15 năm tới, nếu muốn ngành dệt may phát triển bền vững thì hệ thống  giáo dục phải đào tạo đủ 9.000-10.000 nhân lực này/năm nhằm cung cấp đủ nhân lực có khả năng thiết lập và vận hành chuỗi cung ứng bền vững của ngành dệt may từ khâu thiết kế, sản xuất nguyên liệu, sản xuất may, phân phối đến marketing. Bên cạnh đó nguồn nhân lực cốt lõi này cũng là nhân lực giúp ngành dệt may triển khai thành công phương thức sản xuất ODM, OBM để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.
(2) Về các kỹ năng cần thiết để nguồn nhân lực có thể làm việc hiệu quả trong chuỗi cung ứng dệt may bền vững thì có thể nói tổng quát là nhân lực dệt may cần có đủ kỹ năng để khởi tạo và vận hành tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng dệt may bền vững. Có thể đưa ra một số ví dụ như trong khâu thiết kế, cử nhân thiết kế thời trang cần có kỹ năng sử dụng các thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cao chất lượng thiết kế như phần mềm Clo3D, Lectra, Gerber, Optitex...; nhân lực thiết kế thời trang cũng phải có kỹ năng lựa chọn vải có khả năng tái chế, tự phân hủy, phải có tư duy giảm thiểu thiết kế thời trang nhanh. Hay trong khâu sản xuất nguyên liệu, sản xuất may, nhân lực dệt may cần có kỹ năng lựa chọn công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm lượng nước sử dụng, kỹ năng quản trị doanh nghiệp theo hướng đảm bảo trách nhiệm xã hội, kỹ năng thiết kế và điều hành nhà máy thông minh để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; hay trong khâu phân phối, marketing thì nhân lực cần có kỹ năng sử dụng thương mại điện tử, bao bì tự phân huỷ... để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Nếu nhân lực có đủ các kỹ năng trên thì ngành dệt may Việt Nam sẽ thực thi được chuỗi cung ứng bền vững, đáp ứng đủ cả 3 mục tiêu phát triển bền vững là đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
(3) Vai trò trong đào tạo nhân lực dệt may cho phát triển bền vững thì có 3 bên liên quan chính:
- Doanh nghiệp: cần xây dựng chiến lược kinh doanh đến 2030, từ đó xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp cho các cơ sở đào tạo để làm căn cứ tổ chức đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu.
- Các trường Đại học, Cao đẳng: cần tổ chức phát triển chương trình đào tạo, học liệu đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất để đào tạo được nhân lực có đủ kỹ năng như đã trình bày ở trên cho các khâu trong chuỗi cung ứng dệt may bền vững, ứng dụng các thành tựu của CMCN4.0 vào sản xuất kinh doanh.
- Nhà nước: cần tổ chức xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dệt may như trong Chiến lược phát triển dệt may đến năm 2030 đã nêu ra, tạo tiền đề để vận hành hệ thống đào tạo và phát triển nhân lực cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển dệt may đến 2030. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ưu tiên giải pháp thành lập các khu công nghiệp dệt may lớn, có năng lực xuất khẩu 7-8 tỷ USD/năm để tận dụng lợi thế theo quy mô cho cả khâu đào tạo nhân lực chất lượng cao tập trung cho khu công nghiệp, giảm chi phí xử lý nước thải cho phát triển bền vững. Cuối cùng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất...cho những doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực cho sản xuất xanh, CMCN 4.0 cũng như doanh nghiệp triển khai sản xuất xanh, đầu tư các công nghệ của CMCN4.0 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển mà không vi phạm các quy định về hội nhập.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May là một trong những trường Đại học cung cấp nhân lực chất lượng cao lớn nhất cho ngành dệt may Việt Nam  hàng năm (hơn 30% cán bộ kỹ thuật và quản lý). Vì vậy, các ý kiến đóng góp của TS. Hoàng Xuân Hiệp tại Hội nghị chắc chắn sẽ giúp Hiệp Hội Dệt May Việt Nam cũng như các Bộ, Ngành của Việt Nam xây dựng được Chương trình phát triển bền vững cho ngành Dệt May phù hợp và hiệu quả.

Thu Hằng_phòng Đào tạo
 
 
 

Các bài viết khác

Khám phá ngành Kế toán
10/04/2024
1.184 lượt xem
Thông tin tuyển sinh năm 2024
20/02/2024
14.508 lượt xem
Lời thầy cô
20/11/2023
186 lượt xem
Tri ân người dẫn đường
17/11/2023
177 lượt xem
Ngày chủ nhật xanh 2023
28/10/2023
278 lượt xem
Tuyển sinh bổ sung năm 2023
11/09/2023
21.558 lượt xem

Liên kết website