Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG CÔNG ĐOẠN MAY ÁO VESTON TRONG SẢN XUẤT MAY CÔNG NGHIỆP

Ngày đăng: 02:19 - 26/12/2023 Lượt xem: 309

                                                                                ThS. Dương Thị Hân
                                                                             Trung tâm Thực hành may

  1. Đặt vấn đề

Chất lượng luôn là yếu tố hàng đầu quyết định khả năng cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, uy tín của một doanh nghiệp trên thị trường. Để sản phẩm đạt chất lượng các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra chất lượng xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị, gia công và hoàn thiện sản phẩm. Kiểm tra chất lượng sản phẩm may được thực hiện theo một quy trình nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo các yêu cầu của khách hàng. Trong các nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm thì việc kiểm tra chất lượng trong quá trình may và kiểm tra sau may là một nội dung rất quan trọng. Kiểm tra chất lượng sản phẩm ngay trong quá trình may sẽ giảm nguy cơ bỏ sót lỗi, phát hiện, xử lý và khắc phục kịp thời các lỗi mắc phải, tiết kiệm được thời gian và chi phí về nhân công, nguyên, vật liệu, …Trên thực tế, tại các doanh nghiệp may việc kiểm tra chất lượng sản phẩm may nói chung và sản phẩm áo veston nói riêng trong quá trình gia công hầu hết do kinh nghiệm hoặc đưa ra một quy trình tổng quát mà chưa có tài liệu nào hướng dẫn một cách cụ thể. Tại các cơ sở đào tạo, cũng như Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng đã có một số tài liệu học tập có đề cập đến quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm áo sơ mi, áo Polo- Shirt nhưng chưa có tài liệu nào đưa ra quy trình kiểm tra chất lượng trong quá trình may sản phẩm áo veston.

Với mong muốn sinh viên ngành Công nghệ may có tài liệu tham khảo, có thể ứng dụng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình may nhất là khi ứng dụng may sản phẩm áo veston hoặc làm tài liệu tham khảo khi ra thực tế tại doanh nghiệp, bài viết dưới đây đưa ra quy trình kiểm tra chất lượng công đoạn may áo veston trong sản xuất may công nghiệp.

2. Nội dung

2.1. Một số thuật ngữ

* Chất lượng

Theo Ishikawa: “Chất lượng là sự thoả mãn nhu cầu thị trường với chi phí thấp nhất”.

Theo Eward Deming: “Chất lượng là sự phù hợp với mục đích sử dụng hay sự thoả mãn khách hàng”. Sự phù hợp là sự đáp ứng một yêu cầu.

Trong ngành công nghiệp Dệt May, chất lượng sản phẩm là tổng hợp các đặc tính của một sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng với mức giá phù hợp. Mức chất lượng, yêu cầu các đặc tính là khác nhau và thay đổi từ nhóm khách hàng này đến nhóm khách hàng khác. Những sản phẩm không đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì bị xem là kém chất lượng cho dù trình độ công nghệ sản xuất ra có thể rất hiện đại. Đánh giá chất lượng cao hay thấp phải đứng trên quan điểm của người tiêu dùng. Cùng một mục đích sử dụng như nhau, sản phẩm nào thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng cao hơn thì có chất lượng cao hơn
[1] .

* Kiểm tra chất lượng

Kiểm tra chất lượng: là sự phân loại sản phẩm đã được làm ra dựa vào các hoạt động đo, xem xét, thử nghiệm, định cỡ, ... và so sánh kết quả với yêu cầu nhằm xác định sự phù hợp của sản phẩm [1], [3].

Kiểm tra chất lượng sản phẩm: là việc đo lường các thông số thực tế của sản phẩm may, so sánh, đối chiếu với các thông số đo được với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thể hiện trong yêu cầu kỹ thuật để xác định sự phù hợp của sản phẩm may [1].

* Quy trình

Theo ISO 9000-2015: Quy trình là cách thức cụ thể để tiến hành một hoạt động hay một quá trình. Quy trình xác định đầu vào, đầu ra của quá trình và cách thức để biến đầu vào thành đầu ra bao gồm việc gì cần phải làm, ai làm, làm lúc nào, ở đâu và như thế nào. Quy trình có thể được lập thành văn bản hoặc không [2].

Cũng có thể hiểu, quy trình là phương pháp được thiết lập để hoàn thành một nhiệm vụ, thường là với các bước được thực hiện theo một thứ tự nhất định.

Từ các thuật ngữ về chất lượng, kiểm tra chất lượng, quy trình cho thấy quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm là việc đo lường các thông số thực tế của sản phẩm may, so sánh, đối chiếu với các thông số đo được với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thể hiện trong yêu cầu kỹ thuật để xác định sự phù hợp của sản phẩm may theo một thứ tự nhất định.

2.2. Quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm áo veston trong sản xuất may công nghiệp

Kiểm tra chất lượng sản phẩm may trong sản xuất may công nghiệp rất quan trọng, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, chính vì vậy ở doanh nghiệp cần tuân thủ quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ. Kiểm tra chất lượng tại các công đoạn may trong quá trình may tiến hành như sau:

Quy trình kiểm tra chất lượng tại công đoạn may:




 Kiểm tra việc chuẩn bị trước khi vào chuyền:

Kiểm tra BTP: trước khi đưa bán thành phẩm vào chuyền, kiểm tra tên mã hàng, đơn hàng, số lượng sản phẩm các màu, các cỡ đối với mã hàng đang sản xuất trên chuyền, thông số bán thành phẩm, các vị trí sang dấu, dấu bấm, màu sắc, chủng loại nguyên liệu các chi tiết.

Kiểm tra phụ liệu: bao gồm việc kiểm tra tên mã hàng, đơn hàng, số lượng, chủng loại phụ liệu, màu sắc phụ liệu, vị trí sử dụng phụ liệu.

Kiểm tra các công đoạn trên chuyền:

Trong dây chuyền may sản phẩm áo veston thường được chia làm ba cụm, cụm chi tiết độc lập, cụm lót và cụm lắp ráp. Cụm chi tiết là các công đoạn độc lập như gia công thân sau, thân trước, túi, cổ, tay,… Cụm lót là các công đoạn may ve nẹp, túi then, thân sau, đề cúp, vai con, tay. Cụm lắp ráp được tính bắt đầu từ các công đoạn lắp ráp các chi tiết độc lập lại với nhau như may chắp vai con, tra cổ, tra tay, lắp ráp lần chính với lót,... kiểm tra chất lượng trên chuyền cũng thường được phân chia riêng rẽ ba cụm này được thực hiện như sau:

Kiểm tra cụm chi tiết độc lập: kiểm tra chất lượng các đường may êm phẳng, đúng thông số, quy cách, các vị trí đối xứng, kiểm tra cổ chính, lót đảm bảo độ mo lé, êm phẳng, đối xứng, chiết thẳng, xẻ lót thân sau đúng vị trí, góc túi vuông, không dúm, không sổ tuột.

Kiểm tra cụm lót: kiểm tra chất lượng các đường may lót êm phẳng, đúng thông số, quy cách, các vị trí đối xứng, kiểm tra túi then đúng vị trí, viền đều, then cân đối, góc túi vuông, không dúm, không sổ tuột.

Kiểm tra cụm lắp ráp: kiểm tra chất lượng các đường may êm phẳng, đúng thông số, quy cách, các vị trí đối xứng trên sản phẩm: cổ, ve đối xứng 2 bên, tra tay tròn đều đúng dáng, đúng điểm rơi tay, làn gấu đều đúng dáng, êm phẳng chính, lót.

Trong quá trình sản xuất sản phẩm áo veston đối với từng công đoạn trên dây chuyền may người công nhân đều phải tự kiểm tra chất lượng các công đoạn liên quan, kiểm tra công đoạn thực hiện trước khi bàn giao cho công đoạn kế tiếp, cán bộ quản lý tổ thường xuyên kiểm tra chất lượng các công đoạn trên dây chuyền để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi ra chuyền nhằm hạn chế lỗi xảy ra trong quá trình gia công.

Kiểm tra sản phẩm đầu chuyền:

Kiểm tra sản phẩm ra chuyền đầu tiên bao gồm kiểm tra nguyên phụ liệu như cúc áo, nhãn, mác chính, mác sử dụng, mác cỡ. Đối chiếu với tiêu chuẩn kỹ thuật và bảng màu, kết hợp với sản phẩm mẫu.

Kiểm tra sản phẩm theo quy trình: kiểm tra lần lót, lần chính, từ trên xuống dưới, từ mặt sau ra trước, tất cả các vị trí trên sản phẩm để không bỏ sót, kiểm tra về quy cách đường may, phương pháp may, thông số, phom dáng, độ êm phẳng giữa chính và lót, độ mo lé các chi tiết cổ, ve nẹp, nắp túi theo quy định, đối chiếu với tiêu chuẩn mã hàng, các comment của khách hàng và sản phẩm mẫu để kịp thời phát hiện sai sót và có biện pháp khắc phục không để xảy ra lỗi hàng loạt làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩn trong dây chuyền may.

Kiểm tra sản phẩm ra chuyền: (kiểm tra sản phẩm thành phẩm) bao gồm việc kiểm tra tính phù hợp giữa nguyên phụ liệu trên sản phẩm đối chiếu với tiêu chuẩn kỹ thuật và bảng màu, kết hợp với sản phẩm mẫu để kiểm tra. Kiểm tra chất lượng tổng thể sản phẩm theo quy trình từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ để đảm bảo các đường may, các bộ phận, vị trí đối xứng, phom dáng, như vị trí túi, cổ, bẻ ve, nẹp, kiểm tra thông số, quy cách đối chiếu theo tiêu chuẩn kỹ thuật kết cấu của chi tiết, tổng thể sản phẩm nhằm đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu của khách hàng.

Kiểm tra áo veston theo trình tự sau:

 

TT

Nội dung kiểm tra

Tiêu chuẩn chất lượng

I

Kiểm tra mặt trong

 

 

- Kiểm tra túi
- Kiểm tra các đường may chắp thân sau, sườn, đề cúp thân trước, chèn tay, bụng tay, tra tay
- Kiểm tra vị trí nhãn

 
- Túi áo đúng vị trí, thông số, quy cách, kết cấu.
- Các đường may chắp thân sau, sườn, sống tay, bụng tay êm phẳng
- Các nhãn được may đúng vị trí, quy cách

II

Kiểm tra mặt ngoài

 

1

Kiểm tra túi áo:
- Kiểm tra vị trí chiết, thông số túi trên, túi dưới
- Kiểm tra kết cấu, phương pháp may túi trên, túi dưới
- Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật

 
- Túi đúng thông số, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật
- Đúng phương pháp, đúng kết cấu
- Đảm bảo sự cân đối, êm phẳng giữa thân áo và thân túi

2

Kiểm tra nẹp, ve:
- Kiểm tra thông số dài nẹp, ve, độ mở ve
- Kiểm tra kết cấu, phương pháp may ve, nẹp
- Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật

 
- Nẹp, ve đúng dáng, đúng thông số
- Nẹp, ve đúng phương pháp, kết cấu
- Nẹp, ve êm phẳng, đúng quy cách, đảm bảo khớp giữa cúc, khuyết

3

Kiểm tra cổ áo:
- Kiểm tra mặt trong, ngoài của cổ. Gập đôi cổ áo kiểm tra đối xứng.
Kiểm tra vai con chính, lót
- Kiểm tra thông số, kết cấu, phương pháp cổ
- Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật

 
- Cổ áo đúng kết cấu, đúng phương pháp, đúng thông số
 
- Vòng cổ thân trước, thân sau đúng form, cạnh cổ, họng cổ đối xứng

4

Kiểm tra vai con, vòng nách bên trái
- Kiểm tra mặt ngoài vai con, vòng nách bên trái
- Gập tay trái về phía trước, kiểm tra vòng nách phía sau
- Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật

 
- Vai con, vòng nách đúng thông số
- Đường may vai con, vòng nách êm phẳng, trơn đều

5

Kiểm tra tay áo, cửa tay bên trái
- Kiểm tra tay áo, đường may sống tay, bụng tay
- Kiểm tra mặt trong, ngoài cửa tay
- Kiểm tra đầu tay, dáng tay

 
- Cửa tay đúng thông số, phương pháp, kết cấu
- Đường may sống tay, bụng tay êm phẳng
- Cửa tay chính, lót êm phẳng
- Đầu tay trơn đều, đủ độ mọng

6

Kiểm tra sườn áo bên trái
- Kiểm tra thông số
- Kiểm tra chất lượng đường may

 
- Sườn áo đúng thông số, quy cách
- Sườn áo êm phẳng

7

Kiểm tra gấu thân trước
- Kiểm tra thông số
- Kiểm tra phương pháp, kết cấu
- Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật

 
- Gấu đúng thông số, quy cách
- Gấu đúng kết cấu, phương pháp
- Gấu đúng dáng, êm phẳng, đối xứng

8

Kiểm tra sườn áo bên phải
- Kiểm tra thông số
- Kiểm tra chất lượng đường may

 
- Sườn áo đúng thông số, quy cách
- Sườn áo êm phẳng

9

Kiểm tra tay áo, cửa tay bên phải
- Kiểm tra tay áo, đường may sống tay, bụng tay
- Kiểm tra mặt trong, ngoài cửa tay
- Kiểm tra đầu tay, dáng tay

 
- Cửa tay đúng thông số, phương pháp, kết cấu
- Đường may sống tay, bụng tay êm phẳng
- Cửa tay chính, lót êm phẳng
- Đầu tay trơn đều, đủ độ mọng

10

Kiểm tra vai con, vòng nách bên phải
- Kiểm tra mặt ngoài vai con, vòng nách bên phải
- Gập tay phải về phía trước, kiểm tra vòng nách phía sau bên phải
- Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật

 
 
- Vai con, vòng nách đúng thông số
- Đường may vai con, vòng nách êm phẳng, trơn đều

11

Kiểm tra thân sau
- Lật thân sau kiểm tra cấu trúc chi tiết
- Kiểm tra  thông số đường may sống lưng, xẻ sau, gấu
- Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật

 
- Đường may sống lưng, xẻ, gấu sau đúng thông số, quy cách
- Đường may sống lưng, xẻ sau, gấu êm phẳng
- Đường may gấu trơn đều, đúng dáng

 
Để sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt thì các doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình kiểm tra chất lượng trong sản xuất một cách nghiêm ngặt.

Đối với học phần cắt may trang phục việc kiểm tra chất lượng sản phẩm áo veston rất quan trọng nên rất cần thực hiện theo quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm giúp cho sinh viên phát hiện và xử lý lỗi trong quá trình may kịp thời nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian may hoàn chỉnh sản phẩm.

3. Kết luận

Kiểm tra chất lượng tại công đoạn may là khâu vô cùng quan trọng để tạo nên các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Áp dụng quy trình kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất giúp các doanh nghiệp giảm tỉ lệ mắc lỗi trong quá trình sản xuất đồng thời tăng được năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bài viết có thể làm tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành Công nghệ may trong quá trình học các học phần cắt may trang phục về quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm áo veston. Ngoài ra quy trình kiểm tra chất lượng có thể áp dụng vào các học phần kỹ thuật may khác (hình thức triển khai may chuyền). Thực hiện đúng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm giúp sinh viên hoàn thiện được sản phẩm đúng thời gian và đạt chất lượng tốt.
 
Tài liệu tham khảo
[1] TS. Hoàng Xuân Hiệp (2021), Giáo trình quản lý chất lượng trong doanh nghiệp may công nghiệp, NXB Giáo  dục Việt Nam;

[2]  Tiêu chuẩn ISO 9000-2015;

[3] Trần Thanh Hương (2007), Giáo trình Kiểm tra chất lượng sản phẩm may, Trường ĐHSP kỹ thuật TP. HCM;

[4] Chu Thị Ngọc Thạch (2023) Đề tài:“Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng suất chất lượng gia công trên dây chuyền sản xuất áo veston tại Trung tâm SXDV Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội”.


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 224 Tổng truy cập: 31.728.357