Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

ÁP LỰC TIỆN NGHI VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐO ÁP LỰC TIỆN NGHI CỦA QUẦN ÁO BÓ SÁT LÊN CƠ THỂ NGƯỜI MẶC

Ngày đăng: 02:29 - 23/11/2021 Lượt xem: 1.244
 
Tác giả:Ths Hà Thị Định
                                                                                                       Đơn vị: TTTHM 

1. Giới thiệu chung

Người tiêu dùng hiện đại yêu cầu các sản phẩm may mặc có tính đa năng và thoải mái vượt trội để thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý. Kích thước trang phục, độ vừa vặn và áp lực tiện nghi là những yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất hướng đến. Dù bộ trang phục được làm từ chất liệu có độ truyền nhiệt, truyền ẩm tốt mà kích thước không vừa vặn, áp lực lớn thì vẫn gây cảm giác khó chịu cho người mặc. Mối quan hệ giữa kích thước cơ thể người và kích thước trang phục đặc biệt là đối với trang phục bó sát là mối quan hệ gắn bó mật thiết. Áp lực tới các điểm trên cơ thể tối đa bao nhiêu là đảm bảo độ thoải mái cho người mặc, đó chính là câu hỏi mà các nhà thiết kế quan tâm. Chính vì thế trong bài viết này tác giả tìm hiểu về áp lực tiện nghi cũng như các phương pháp đo áp lực tiện nghi của quần áo bó sát trên cơ thể người, bài viết sẽ trở thành tài liệu tham khảo cho các nhà sản xuất sản phẩm quần áo bó sát phục vụ thị trường tiêu dùng hàng nội địa Việt Nam, hướng dẫn cho các nhà thiết kế tính toán kích thước để đảm bảo khả năng định hình và tính tiện nghi của áp lực lên cơ thể người.
Áp lực tiện nghi của quần áo lên cơ thể là giá trị áp lực mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng trong quá trình sử dụng, nếu nằm ngoài giá trị áp lực tiện nghi người mặc sẽ cảm thấy khó chịu và sản phẩm có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. [1]
Sự tiện nghi của quần áo được thể hiện qua các khía cạnh:
-    Sự tiện nghi về sinh lý nhiệt: Đạt được một trạng thái nhiệt và ẩm tiện nghi, nó liên quan đến sự truyền nhiệt và ẩm qua vải.
-    Sự tiện nghi về cảm giác: Là cảm giác thần kinh khác nhau khi vải tiếp xúc với da.
-    Sự tiện nghi về chuyển động cơ thể: Khả năng của vật liệu dệt cho phép tự do chuyển động, làm giảm gánh nặng và tạo hình cơ thể như yêu cầu.
-    Sự tiện nghi về thẩm mỹ: Sự cảm nhận chủ quan của quần áo đối với mắt, tay, tai và mũi, nó điều chỉnh sự khỏe mạnh cả về thể xác và tinh thần của người mặc.
Nhìn chung thì càng ngày các nhà sản xuất quần áo may sẵn càng tiến gần hơn tới việc thỏa mãn nhu cầu tối đa về yêu cầu tiện nghi trong trang phục của người sử dụng. Việc xác định các yếu tố đảm bảo cho tính tiện nghi cũng ngày một rõ ràng hơn, nó không phải là sự thỏa mãn của tất cả mọi yếu tố mà còn tùy thuộc từng loại trang phục. Chính vì vậy tính áp lực tiện nghi trang phục có vai trò quan trọng trong việc thiết kế trang phục đặc biệt là đối với các sản phẩm bó sát như: quần legging, áo bra, quần áo bó sát, đồ bơi, đồ lặn [2]
2. Các phương pháp đo áp lực quần áo lên cơ thể con người
Áp lực của quần áo bó sát lên cơ thể người là áp lực xuất hiện khi quần áo ôm sát tiếp xúc với bề mặt cơ thể tạo ra một lực nén tác dụng lên da.[1]
Để đo áp lực của quần áo nên cơ thể người ta có 2 phương pháp chính sau đây:
  • Phương pháp đo áp lực trực tiếp
  • Phương pháp đo áp lực gián tiếp
2.1. Phương pháp đo áp lực trực tiếp
Phương pháp đo áp lực trực tiếp là phương pháp sử dụng các loại cảm biến chèn vào giữa cơ thể người và quần áo để đo lực, sau đó chia cho phần diện tích tiếp xúc của đầu đo để thu được áp lực. [1]

Hình 2.1. Hình ảnh thiết bị và sản phẩm dùng để đo áp lực trực tiếp [1]
Phương pháp đo áp lực trực tiếp là dùng máy đo có các phần tử cảm biến được chèn vào giữa cơ thể và quần áo.

Hình 2.2. Hình ảnh các cảm biến đo áp lực lên cơ thể người
Phương pháp này đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước sử dụng. Nhóm tác giả Guo Mengna, Victor E Kuzmichey đã sử dụng phương pháp đo áp lực trực tiếp để đo áp lực tại một số vị trí trên cơ thể khi mặc váy bó sát để xác định khoảng áp lực tiện nghi. Nhóm tác giả đã tính đến áp lực tiện nghi của trang phục tại các tư thế cử động khác nhau. Tuy nhiên phương pháp này còn một số hạn chế về vật liệu sử dụng cũng như cấu trúc trang phục, do đó kết quả nghiên cứu chỉ phù hợp với một số trường hợp nhất định chưa đạt được mức độ tổng quát [6]    

Nhóm tác giả Nguyễn Quốc Toản, Đinh Văn Hải, Phan Thanh Thảo xây dựng phương pháp xác định áp lực của quần định hình tạo dáng lên cơ thể người mặc ở các tư thế vận động cơ bản, kết hợp với đánh giá chủ quan của người mặc để xác định áp lực tiện nghi lên vùng bụng, vùng mông, vùng đùi của nữ sinh Việt Nam có độ tuổi từ 21 ÷ 23 tuổi. Nhóm tác giả đã xác định áp lực tiện nghi lên từng vùng cơ thể người mặc: Vị trí vòng bụng 4.56-9.84 mmHg, vị trí vòng mông 4.06-11.7 mmHg, Vị trí đùi trên 3.56-8.84 mmHg. Và qua nghiên cứu tác giả đã khẳng định rằng khả năng chịu áp lực của mỗi vùng cơ thể là khác nhau, vị trí cạnh ngoài vòng eo, cạnh ngoài vòng mông, mông sau, đùi phía ngoài và phía đùi trước có khả năng chịu được áp lực lớn hơn so với các vị trí còn lại trên các vòng cơ thể trong nghiên cứu.[3]

Ưu điểm của phương pháp đo: đơn giản, nhanh

Nhược điểm: Các phép đo thực tế thường bị hạn chế bởi kích thước của các cảm biến áp lực với điểm đo cơ thể người. Hơn nữa, cơ thể người là một mặt cong, lồi lòm sẽ làm cho việc sử dụng các thiết bị cảm biến sẽ không còn được chính xác như khi sử dụng trên một mặt phẳng. 

2.2. Phương pháp đo áp lực gián tiếp
Nhờ những tiến bộ khoa học mà ngoài phương pháp đo áp lực trực tiếp giữa quần áo lên cơ thể con người, người ta còn có phương pháp gián tiếp thông qua mô phỏng áp lực quần áo.
Phương pháp đo áp lực gián tiếp (phương pháp mô phỏng) sử dụng phương pháp phân tích phần tử hữu hạn là phương pháp số để giải các bài toán được mô tả bởi các phương trình vi phân riêng phần cùng với các điều kiện biên cụ thể. [1]

Để mô phong áp lực của trang phục, các nhà khoa học đã đưa ra trạng thái biến dạng của vải về các dạng mô hình vật liệu sẵn có. Tiến hành mô hình hóa biến dạng vĩ mô của các loại sợi.

Hiện có 2 phương pháp phân tích phổ biến được sử dụng là mô hình ma trận lưới kết hợp với các thành phần đàn hồi đẳng hướng và mô hình ma trận lưới kết hợp với các thành phần đàn hồi không đẳng hướng

                 Hình 2.3.   Hình ảnh minh họa mô phỏng quần áo với cơ thể người
Ưu điểm: Áp dụng được công nghệ vào nghiên cứu mà không tốn nhiều chi phí để thiết kế thiết bị đo.
Nhược điểm: Phương pháp mô phỏng vẫn cần có nhiều giả thiết phi thực tế như: ma sát giữa vải và cơ thể rất nhỏ và được bỏ qua, cơ thể người có hình dạng tròn xoay và áp lực của quần áo lên cơ thể là đồng nhất tại mọi vị trí. Do đó khi so sánh với phép đo bằng phương pháp thực nghiệm sẽ tồn tại một sai số nhất định.

Phương pháp đo áp lực bằng phương pháp gián tiếp đem lại rất nhiều thuận tiện và đã được các nhà khoa trong nước và thế giới áp dụng. Nhóm tác giả Xia Lei, Yin Ling và Jiang YueJing đã sử dụng máy quét 3d với kích thước của ô cảm biến là 30 × 30mm và độ chính xác của phép đo có thể được giới hạn đến ± 0,001kpa. Bằng phần mềm SPSS nhóm tác giả đã đưa ra được các biểu đổ áp lực tại một số vị trí trên cơ thể người. Ưu điểm của nghiên cứu là nhóm tác giả đã đền cập đến mức độ đa dạng của vật liệu sử dụng tuy nhiên chưa tính đến các trạng thái khác nhau khi cử động cũng như điều kiện môi trường đo nghiêm ngặt [7].

Trong khi đó nhóm tác giả Phan Thanh Thảo và Nguyễn Quốc Toản đã áp dụng cả 2 phương pháp đo áp lực là phương pháp đo trực tiếp bằng một hệ thống thiết bị do nhóm tác giả chế tạo và phương pháp đo gián tiếp, trong nghiên cứu nhóm tác giả đã tập trung đo áp lực tại các điểm xung quanh eo bằng cả hai phương pháp. Kết quả đạt được là kết quả của cả 2 phương pháp này mang giá trị tương đồng. Kết quả cho thấy mức độ tin cậy của hệ thống thiết bị quét 3D của nhóm tác giả và thiết bị có giao diện thân thiện với người dùng.[4] 
Cả phương pháp đo trực tiếp và đo gián tiếp được sử dụng song song và đồng thời phụ thuộc vào mục đích cũng như quy mô mỗi doanh nghiệp mỗi công trình nghiên cứu. Nhưng dù thực hiện theo phương pháp nào thì kết quả đem lại vẫn tương đồng nhau.


 
Bảng 2.1. Áp lực tiện nghi tại một số điểm tại phần trên cơ thể [6]
STT Vị trí Áp lực [Pa]
    Thoải mái Có thể chịu đựng được Không thoải mái
1 Vòng cổ 1039±97 1402±8 2097±346
2 Vòng bắp tay 1107 ± 10 1301 ± 56 1745 ± 86
3 Vòng bắp tay 1190 ± 179 1491 ± 91 2090 ± 454
4 Vòng khuỷu tay 2870 ± 355 5776 ± 2775 9466 ± 490
5 Vòng ngực nữ 1303 ± 196 1509 ± 238 1823 ± 155
6 Vòng chân ngực 1133 ± 123 1348 ±90 1472 ± 125
7 Vòng bụng 1110 ± 21 1247 ± 70 1423 ± 100
8 Vòng eo 1017 ±68 1058 ± 66 1197 ± 9
 
Bảng 2.2.  Áp lực tiện nghi tại một số điểm phần dưới cơ thể người [5]
STT Vị trí Khoảng áp lực tiện nghi
1 Vùng đùi trên 4,56-9,84 mmHg
2 Vùng đùi dưới 6.04-11,71 mmHg
 
Nhóm tác giả Chen Dongsheng, Liu Hong, Zhang Qiaoling, Wang Hongge cũng chỉ ra trong nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của vật liệu và áp lực của quần áo, kết  quả chỉ ra rằng mô đun đàn hồi, độ giãn dài và thời gian giãn của vải đều ảnh hưởng đến áp lực của quần áo. Áp lực quần áo do vải có tính đàn hồi mô đun lớn hơn nói chung là cao hơn so với mô đun của vải có mô đun đàn hồi thấp hơn khi độ giãn dài như nhau. Độ giãn càng lớn thì áp lực quần áo càng cao và áp lực quần áo tăng tuyến tính với sự gia tăng độ giãn của vải [8]. Do đó, ảnh hưởng của các đặc tính cơ học của vải lên quần áo áp lực nên được đề cập khi thiết kế quần áo kích thước cho hàng may mặc chật, có thể tạo cơ sở cho thiết kế hàng may mặc thoải mái áp lực.

Từ những ảnh hưởng của áp lực tiện nghi cũng như các áp lực tiện nghi tại một số điểm trên cơ thể nhà thiết kế có thể gia giảm đường may, xác định thông số thiết kế cho phù hợp để đem lại những bộ trang phục không chỉ đẹp lại còn thoải mái.

3. Kết luận
Bài viết đã đưa ra một số khái niệm cơ bản về áp lực tiện nghi và hai phương pháp chính sử dụng trong việc xác định áp lực tiện nghi của trang phục. Bài viết sẽ góp phần giúp các nhà sản xuất hiểu và vận dụng việc xác định được áp lực tiện nghi của trang phục đặc biệt là đối vối với quần áo bó sát. Kết hợp với các đặc tính của vật liệu đó sẽ là cơ sở cho các nhà tạo mẫu, nhà thiết kế gia giảm lượng cử động phù hợp với từng loại sản phẩm, chất liệu vải nhằm đảm bảo độ vừa vặn và thoải mái cho người mặc.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hà Thị Định, 2018. “ Nghiên cứu thực nghiệm đo áp lực của áo lót ngực lên cơ thê nữ thanh niên thành phố Hà Nội độ tuổi từ 18-25”. Luận văn thạc sĩ kỹ thuật công nghệ vật liệu dệt may, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
[2] Hoàng Thị Thuỷ (2018), “ Nghiên cứu thực nghiệm đo áp lực lên cơ thể nữ thanh niên Việt Nam độ tuổi từ 18-25 trong quá trình vận động cơ bản khi mặc quần áo bó sát”. Luận văn thạc sĩ kỹ thuật công nghệ vật liệu dệt may, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
 [3] Nguyễn Quốc Toản, Đinh Văn Hải, Phan Thanh Thảo (2018) “Nghiên cứu xác định áp lực tiện nghi lên cơ thể nữ thanh niên Việt Nam trong quá trình mặc quần định hình tạo dáng cơ thể.” Tạp chí khoa học và công nghệ.
[4] Nguyễn Quốc Toản, Phan Thanh Thảo (2020) ‘’ A Study Determining Pressure Of Tight-Fit Clothing On Human Body By Experimental Measuring And Numerical Simulatiol Method’’ Journal of Mechanical Engineering Research and Developments ISSN: 1024-1752 CODEN: JERDFO Vol. 43, No. 1, pp. 204-216.
 [5] Nguyễn Quốc Toản, Đinh Văn Hải, Phan Thanh Thảo (2018); “Nghiên cứu mối quan hệ giữa kích thước thiết kế trang phục mặc bó sát vải dệt kim và áp lực của chúng nên cơ thể người trong quá trình mặc”.
[6] Guo Mengna, Victor E. Kuzmichev (2013); “Pressure and Comfort perception in the system “Female body Dress”; AUTEX Research Journal, pp 71 – 78.
[7] Chen Dongsheng; Liu Hong; et al (2012); “A study of the relationship between clothing pressure and garment bust strain, and Young’s modulus of fabric, based on a finite element model”; Textile Research Journal, Vol. 81, No. 13, pp. 1307–1319.
 [8] Chen Dongsheng, Liu Hong, Zhang Qiaoling, Wang Hongge, “Effects of Mechanical Properties of Fabrics on Clothing Pressure” Przegląd elektrotechniczny, ISSN 0033-2097, R. 89 NR 1b/2013.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 47 Tổng truy cập: 18.419.790