Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

CÁC TIÊU CHÍ LỰA CHỌN VẢI ĐỒNG PHỤC MÙA HÈ CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

Ngày đăng: 09:29 - 15/12/2020 Lượt xem: 1.421
                                      Ths. Bùi Thái Hưng
                                     Trung tâm Thực hành may
 
ĐẶT VẤN ĐỀ

Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu về sản phẩm may mặc cũng ngày một tăng. Học sinh mặc đồng phục đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá trong nhà trường. Đồng phục sinh viên đính kèm phù hiệu với các thông tin như: tên trường, logo của nhà trường có thể giúp các trường định vị “thương hiệu” của nhà trường, thể hiện đặc trưng riêng của một trường.

Để có những bộ đồng phục tốt phù hợp với lứa tuổi năng động đòi hỏi phải lựa chọn từ các nguyên liệu sản xuất sao cho ra sản phẩm có các tiêu chí phù hợp với các hoạt động của học sinh, phù hợp với khí hậu và về mặt kinh tế chung của các gia đình.

Học sinh tiểu học có tâm sinh lý chưa ổn định, kiểm soát chưa tốt hành vi, hoạt động mạnh, nhiều, dễ ra mồ hôi, da đang phát triển và nhậy cảm với môi trường và quần áo,…Vì vậy trong bài viết này tác giả xin đưa ra một số tiêu chí lựa chọn vải may đồng phục cho học sinh tiểu học phù hợp hơn để góp phần giúp cho nhà trường cũng như phụ huynh học sinh cũng như nhà sản xuất có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp mang lại hiệu quả sử dụng cũng như  giúp cho con em có thể thoải mái trong trang phục đến trường.

NỘI DUNG
1. Tổng quan về đồng phục học sinh
1.1. Khái niệm về đồng phục học sinh
Từ xưa tới nay, đồng phục luôn gắn liền với học sinh, thể hiện phong cách, dấu ấn riêng của từng ngôi trường. Bộ đồng phục không chỉ có ý nghĩa tạo nên sự bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong trường mà còn giúp tôn lên nét đẹp tuổi học trò, xây dựng ý thức gìn giữ truyền thống, niềm tự hào về trường. Đồng phục học sinh có nhiều cách nhận diện khác nhau như sau:

Đồng phục học sinh là trang phục giống nhau và được mặc bởi các học sinh trong cùng một trường, một lớp theo quy định, nội quy của trường lớp đó [1]

Đồng phục học sinh là một bộ trang phục có những tiêu chuẩn riêng và được mặc chủ yếu trong các trường học. [2]

Theo học giả Joseph (1986), quần áo có thể được coi là đồng phục khi nó "(a) được coi như là một biểu tượng nhóm, (b) xác nhận tính hợp pháp của một tổ chức bằng cách thể hiện được vai trò và vị trí của các cá nhân và (c) ngăn chặn yếu tố cá nhân" [3]
Từ những định nghĩa trên ta có thể thấy đồng phục học sinh là một bộ quần áo chuẩn của một cơ sở giáo dục cho một nhóm đối tượng xác định sử dụng khi học tập và sinh hoạt tập thể tại trường, đồng phục học sinh thường được gắn phù hiệu hoặc in logo, để dễ dàng nhận diện và phân biệt các đối tượng ở các trường và các nhóm khác nhau.

1.2. Sự cần thiết của đồng phục học sinh
a. Văn hóa xã hội
Hiện nay với sự phát triển của xã hội đang tồn tại sự phân hóa giàu nghèo. Đối với những gia đình khá giả thì con em có điều kiện tới trường trong những bộ quần áo đẹp, đắt tiền. Nhưng với những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì con em vẫn phải tới trường trong những bộ quần áo cũ, sờn. Trong môi trường học đường, sự bất bình đẳng này chính là vấn đề được sự quan tâm của đông đảo các thầy cô và phụ huynh. Bộ đồng phục học sinh có thể góp phần xóa bỏ sự ngăn cách và mặc cảm giàu nghèo giữa các học sinh trong cùng trường, cùng lớp, giúp làm giảm sự phân biệt giầu nghèo trong trường học, hạn chế tâm lý tự ti mặc cảm về bản thân, ngại hoà đồng với các bạn có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, đồng phục giống nhau giúp tăng cường tình đoàn kết.
Như vậy, đồng phục học sinh không chỉ là sự tự hào về lịch sử và truyền thống của mỗi trường mà còn giúp xoá tan mọi khoảng cách giàu nghèo trong học đường.
b. Điều kiện kinh tế
Với những gia đình có điều kiện cho con cái ăn mặc theo trào lưu với những bộ quần áo hợp thời trang đã vô tình đã khiến các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn cảm thấy tự ti về bộ đồ đi học của mình. Và đây cũng chính là lý do tạo ra khoảng cách, học sinh chia bè kéo phái, môi trường học không hòa đồng… và còn rất nhiều vấn đề khác nữa. Điều này hoàn toàn có thể giải quyết được khi các em mặc đồng phục tới lớp, sẽ không có sự phân biệt nào được thể hiện, môi trường học sẽ trở nên thân thiện và hòa đồng hơn rất nhiều.   
Đồng phục học sinh còn giúp các gia đình hạn chế được nhiều khoảng chi phí tiền bạc và thời gian cho may mặc, mua sắm quần áo đi học của con em mình.
c. Nhu cầu của các trường học
Đồng phục mang theo hình ảnh và phong cách riêng của từng trường, đặc biệt, nó là biểu hiện của niềm tự hào về trường, về bản sắc văn hóa ngôi trường mà học sinh đang theo học, là một giải pháp để quảng bá thương hiệu của trường.
Học sinh mặc quần áo đồng phục giúp tăng cường tình đoàn kết, nâng cao ý chí của tập thể. Làm giảm mức độ bạo lực ở trường học.
Đồng phục giúp dễ dàng phân biệt các nhóm học sinh trong và ngoài trường, giúp dễ dàng xác định người lạ xâm nhập vào trường, tăng cường an ninh trong trường. Khi học sinh mặc đồng phục sẽ biết được học sinh là của trường nào.
Vì những lý do này, đồng phục đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trong hầu hết các trường phổ thông ở Việt Nam và trên thế giới.
 
2. Tiêu chí lựa chọn
2.1. Cơ sở để lựa chọn vải cho đồng phục học sinh
Các trường học ngày nay chọn đồng phục với với thiết kế riêng, từ đơn giản đến cầu kỳ, đôi khi còn mang xu hướng của các thiết kế nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật bản, tuy nhiên để có được những bộ đồng phục học sinh thật sự phù hợp với khí hậu thời tiết Việt Nam, cũng như văn hóa truyền thống phương Đông thì thật sự cần dựa trên rất nhiều tiêu chí.
a. Tâm sinh lý người mặc
Học sinh tiểu học có tâm sinh lý chưa ổn định, kiểm soát chưa tốt hành vi, hoạt động mạnh, nhiều, dễ ra mồ hôi, hay lăn lê bò toài, da đang phát triển và nhạy cảm với môi trường, quần áo …
Học sinh thường rất hiếu động, nhất là học sinh tiểu học, do vậy nhà trường nên chọn các loại vải ít nhăn, ít xù lông để đảm bảo cho quần áo của học sinh luôn thẳng thắn. Vải ít nhăn cũng tạo cho bộ đồng phục trông gọn gàng, sạch sẽ hơn.
Vải cho đồng phục phải bền và có độ thấm hút mồ hôi tốt, ít gây kích ứng da, dễ chăm sóc khi giặt và là phẳng.
b. Điều kiện kinh tế
Ngày nay hầu hết các trường đều quy định học sinh phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần và thường là có đồng phục thường, đồng phục thể dục và đồng phục theo mùa nên đầu năm học phụ huynh sẽ phải đóng một khoản tiền để may đồng phục cho con em. Các em sẽ phải mặc đồng phục được mua hàng năm, chi phí cho đồng phục mỗi năm đều tốn kém. Do vậy việc tiết kiệm chi phí khi lựa chọn chất liệu vải rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến chi phí của thành phẩm cuối cùng.
Vì đối tượng là học sinh nên chọn những loại vải có giá thành phù hợp vừa phải với điều kiện kinh tế phụ huynh của trường, để phụ huynh không mất quá nhiều chi phí cho việc mua đồng phục và đồng thuận trong việc đăng ký đồng phục cho con em.
c. Điều kiện Văn hóa xã hội địa phương nhà trường
Mỗi trường nằm trên địa bàn tỉnh thành cũng mang phong cách thời trang của địa phương. Các vùng miền khác nhau sẽ có kiểu dáng, chất liệu khác nhau. Với các trường ở vùng đồng bằng thì đa phần sử dụng áo trắng, quần đen, xanh, tím than, còn ở vùng cao đồng phục thường lấy theo phong cách sự phối hợp giữa trang phục dân tộc. Nên việc lựa chọn vải để may đồng phục học sinh nên cân nhắc để lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội địa phương.
d. Khí hậu
Khí hậu ở Việt Nam được chia thành mùa khác nhau rõ rệt. Thường từ tháng 4 đến tháng 10 được xem là mùa khô (nóng), còn các tháng còn lại được xem là mùa mưa (lạnh ẩm). Chính bởi sự chênh lệch quá khác biệt của nhiệt độ mà trang phục cũng phải thay đổi sao cho phù hợp.
Với mùa đông thì đồng phục phải giữ được ấm nên hầu hết đồng phục mùa đông sử dụng áo khoác, chất liệu vải giữ nhiệt, chắn gió.
Trong mùa hè nhiệt độ môi trường thường xuyên cao hơn nhiệt độ trên bề mặt da của cơ thể, đặc biệt trẻ em đùa, nghịch, chạy nhảy ra nhiều mồ hôi nên  chất liệu vải thoáng mát và dễ chịu, thấm mồ hôi để học sinh dễ hoạt động và vui chơi tạo cảm giác thoải mái.
Do đó cần lựa chọn loại vải may đồng phục học sinh sao cho đáp ứng được điều kiện khí hậu theo mùa sử dụng.
2.2. Các tiêu chí lựa chọn vải đồng phục
Sự thoải mái, tiện nghi luôn là tiêu chí hàng đầu đối với một bộ trang phục, nhất là ở nơi có khí hậu mùa hè nóng như Việt Nam. Do đó cần lựa chọn loại vải may đồng phục học sinh tiểu học sao cho thân thiện với da trẻ em, thấm hút tốt, và có độ bền phù hợp.
a. Dị ứng và kích ứng da do quần áo
Do đặc điểm sinh lý chưa phát triển toàn diện, nên học sinh tiểu học thường có làn da nhạy cảm hơn các học sinh lớp lớn.
Da nhạy cảm không nhất thiết là da dị ứng, da nhạy cảm là tình trạng da dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại sinh và gây nên các phản ứng tiêu cực trên da. Phản ứng nhạy cảm này liên quan trực tiếp đến tình trạng bị kích thích quá mức của các các mút thần kinh dưới da. Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người, da nhạy cảm sẽ có các biểu hiện khác nhau, ví dụ như cảm giác châm chít, căng kéo, nóng bừng và thường kèm theo mẩn đỏ.
Kích ứng da còn gọi là viêm da tiếp xúc, không liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch, nó gây viêm, tổn thương bề mặt da. Tác nhân gây nên kích ứng thường là các hóa chất mạnh trong hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, tĩnh điện và ma sát với quần áo, hay các phụ trang. Một số người có thể bị kích ứng bởi một chất hoặc  nguyên liệu nào đó, một số khác thì lại không bị. [4]
Tính kích ứng da là một tiêu chí quan trọng hàng đầu cho việc lựa chọn vải làm đồng phục học sinh tiểu học. Với thời gian sử dụng đồng phục liên tục nhiều giờ trong ngày, nhiều ngày trong tuần và với đối tượng có làn da nhạy cảm do vậy nhà trường nên quan tâm đến tiêu chí này để tạo sự thoải mái cho học sinh khi sử dụng đồng phục của nhà trường.
b. Độ bền cơ học của vải
Trong thực tế sản phẩm may mặc chịu nhiều tác động của lực kéo bởi cử động của con người trong quá trình mặc, giặt, giũ, vắt…Thậm chí trong trạng thái có vẻ như nghỉ ngơi sản phẩm may cũng chịu tác động của trọng trường. Do đó sản phẩm may mặc phải đảm bảo độ bền đứt cũng như độ giãn đứt trong quá trình sử dụng tương ứng với chức năng của chúng. Độ bền đứt của vải chịu ảnh hưởng nhiều nhất là độ bền đứt của sợi, sau đó là đến kiểu dệt, và mật độ sợi. Nhưng độ bền của sợi lại phụ thuộc nhiều nhất vào độ bền của xơ tạo ra nó. Vậy một sợi có cấu trúc và chi số hoàn toàn giống nhau nhưng sẽ có độ bền đứt hoàn toàn khác nhau nếu nó được làm ra từ loại xơ khác nhau…
c. Độ thấm hút mồ hôi
Biểu hiện qua khả năng hút hơi nước và mao dẫn của vải
Khả năng hút hơi nước của vải rất quan trọng đối với sản phẩm may mặc, khi các loại vải tiếp xúc với môi trường có độ ẩm cao hoặc trực tiếp với chất lỏng thì trọng lượng của các loại vải tăng lên. Điều đó cho thấy vải đã nhận được một lượng chất lỏng người ta gọi là độ thấm hút hơi nước. Khả năng hấp thụ của vải khác nhau phụ thuộc vào các loại xơ, sợi tạo nên và sự liên kết của các loại sợi này.
Vật liệu dệt có khả năng hấp thụ hơi, khí và chất lỏng ở môi trường xung
quanh và trả trở lại (thải hồi) cho môi trường thể hiện tính hút ẩm. Trong môi
trường ở nhiệt độ 200C và độ ẩm tương đối 65%, không khí chứa 11,2g/m3 hơi
nước. Lượng nước ấy thực tế đã tạo điều kiện cho vật liệu dệt nhiều lần bị làm ướt, hong khô tức là vật liệu dệt đã hút ẩm, thải ẩm. Hiện tượng vật lý này ngoài hấp phụ, hấp thụ còn có quá trình ngưng tụ mao dẫn. Quá trình này xảy ra khi độ ẩm tương đối của không khí cao và giữ vật liệu trong thời gian lâu hàng chục phút hoặc hàng giờ. [5]
Độ mao dẫn là khả năng dẫn chất lỏng bằng mao quản của vải, theo hướng dọc hoặc hướng ngang ở điều kiện khí hậu và thời gian qui định. Điều này cho thấy đối với quần áo mùa hè thì độ mao dẫn càng lớn thì càng tốt cho người khi sử dụng.
2.3. Thứ tự ưu tiên khi lựa chọn vải theo hệ số quan trọng
 Dựa vào đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học ưa hoạt động mạnh, nhiều, dễ ra mồ hôi, hay lăn lê bò toài, da đang phát triển và nhạy cảm với môi trường, quần áo. Thêm nữa vào mùa hè khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ môi trường thường xuyên cao hơn nhiệt độ trên bề mặt da của cơ thể, đặc biệt trẻ em đùa, nghịch, chạy nhảy ra nhiều mồ hôi nên chất liệu vải phải thoáng mát và dễ chịu, thấm mồ hôi để học sinh dễ hoạt động và vui chơi tạo cảm giác thoải mái.
Lựa chọn vải theo thứ tự ưu tiên sẽ dựa vào tổng hợp của 5 tiêu chí sau:
- Tính chống kích ứng da người mặc
- Độ hút hơi nước của vải
- Độ mao dẫn của vải
- Độ bền kéo đứt của vải
- Độ bền xé rách của vải
Tính chống kích ứng da là tiêu chí  rất quan trọng lên sẽ ưu tiên đầu tiên. Thành phần nguyên liệu là một yếu tố ảnh hưởng tính tiện nghi của vải. Nên lựa chọn chất liệu vải thuộc nhóm xơ sợi có nguồn gốc từ thiên nhiên. Theo đó sợi bông và sợi visco có khả năng hút ẩm tốt tạo được sự thoải mái cho người mặc nên được đánh giá cao.
Với đối tượng học sinh tiểu học nằm trong độ tuổi hiếu động hoạt động nhiều dễ ra mồ hôi và khí hậu của nước ta vào mùa hè nóng ẩm, nên độ thấm hút hơi nước và độ mao dẫn là rất cần thiết để giảm nhiệt cho cơ thể nên với hai tiêu chí này được xếp ở vị trí ưu tiên thứ 2 đối với áo và thứ 3 đối với quần. Vì có thể  thường ra mồ hôi ở phần trên nhiều hơn, nên với sản phẩm áo càng thấm hút và thoát mồ hôi nhanh càng tốt nên thứ tự ưu tiên vị trí số 2.
Trẻ em tiểu học nằm trong nhóm tuổi 6-12 tuổi có tính cách hoạt động mạnh, nên đồng phục cần có độ bền cao. Học sinh hay chạy nhảy nên hoạt động mạnh ở phần thân dưới nên hai tiêu chí về độ bền ở quần sẽ được ưu tiên đứng thứ 2, còn ở sản phẩm áo thứ tự ưu tiên sẽ là thứ 3.
Với sản phẩm áo thì thứ tự ưu tiên sẽ lần lượt theo:
1. Tính kích ứng da người mặc
2. Độ hút hơi nước và độ mao dẫn vải
3. Độ bền kéo đứt và độ bền xé rách vải
Với sản phẩm quần đồng phục thì thứ tự ưu tiên:
1. Tính kích ứng da người mặc
2. Độ bền kéo đứt và độ bền xé rách vải
3. Độ hút hơi nước và độ mao dẫn của vải
Ngoài 5 tiêu chí trên thì giá thành của sản phẩm cũng là một tiêu chí để lựa chọn. Đồng phục sẽ được các em học sinh mặc hầu hết thời gian học trên trường nên sản phẩm phải có giá thành phù hợp với đại đa số các gia đình hạn chế được nhiều khoảng chi phí tiền bạc và thời gian cho may mặc, mua sắm quần áo đi học của con em mình
Tùy theo điều kiện của vùng miền có sự khác biệt về văn hóa, điều kiện kinh tế và khí hậu để thay đổi thêm bớt các tiêu chí đánh giá và thay đổi hệ số quan trọng cho các tiêu chí này ở các cấp độ khác nhau cho phù hợp.
 
KẾT LUẬN
Đồng phục học sinh là một bộ quần áo chuẩn của một cơ sở giáo dục cho một nhóm đối tượng xác định sử dụng khi học tập và sinh hoạt tập thể tại trường.
Để lựa chọn được trang phục tạo sự thoải mái cho đối tượng sử dụng là lứa tuổi năng động sự cần thiết của trang phục tới trường cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn vải đồng phục. Bài viết đã đưa ra cái nhìn tổng quan về đồng phục học sinh tiểu học, đưa ra các tiêu chí giúp cho học sinh thoải mái khi mặc đồng phục và đưa ra các ưu tiên lựa chọn tiêu chí theo hệ số quan trọng với mức độ sử dụng nhằm cung cấp cho Nhà trường, cha mẹ học sinh và nhà sản xuất có thể tham khảo nhằm tạo ra các sản phẩm đồng phục không chỉ đẹp và còn mang tính tiện nghi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1](https://thoitrangmantis.com/dong-phuc-la-gi/)
[2] (https://vi.wikipedia.org/wiki/Đồng_phục học_sinh
 [3] ^ Joseph, Nathan (1986). Uniforms and nonuniforms: communication through clothing. New York: Greenwood Press. ISBN 0313251959.
[4]https://www.larocheposay.vn/vi/Da-de-kich-ung-di-ung-khong-dung-nap/3-nguyen-nhan-chinh-gay-kich-ung-da-nhay-cam/a21372.aspx
[5] Lê Hoàng Anh, 2014. “Nghiên cứu lựa chọn nguyên liệu cho vải dệt thoi sử dụng làm bộ đồng phục học sinh”. ” Luận văn thạc sĩ kỹ thuật công nghệ vật liệu dệt may, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
[6] Đỗ Thị Lan, 2015. “Khảo sát và nâng cao tính tiện nghi của trang phục bảo hộ lao động cho công nhân xây dựng ngoài trời” Luận văn thạc sĩ kỹ thuật công nghệ vật liệu dệt may, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
[7] Bùi Thái Hưng, 2019. “Nghiên cứu một số tính chất cơ lý của vải cho quần dài mùa hè dùng làm đồng phục cho học sinh tiểu học” Luận văn thạc sĩ kỹ thuật công nghệ vật liệu dệt may, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 36 Tổng truy cập: 18.714.623