Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

HỆ THỐNG 4 ĐIỂM TRONG KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG VẢI

Ngày đăng: 02:44 - 08/06/2022 Lượt xem: 31.555
                                                                                ThS. Dương Thị Hân
                                                                             Trung tâm Thực hành may
  1. Đặt vấn đề
Quá trình sản xuất trong doanh nghiệp may việc kiểm tra chất lượng nguyên phụ liệu sẽ được thực hiện sau khi nguyên phụ liệu nhập kho. Thực tế cho thấy rằng, vải từ các nhà cung cấp đều có các vấn đề liên quan đến chất lượng như ánh màu, rút sợi. Do đó các vấn đề này cần phải được kiểm soát trong quá trình gia công. Đây là bước kiểm tra đầu tiên trong quy trình sản xuất một sản phẩm may mặc. Bởi vì lỗi vải được cho là nguyên nhân dẫn đến phần lớn các vấn đề trong quá trình sản xuất may công nghiệp. Việc kiểm tra, kiểm soát lỗi vải sẽ giúp giảm các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu. Vải được kiểm tra để phân loại các dạng lỗi khác nhau. Có 1 số hệ thống kiểm tra chất lượng vải như hệ thống 4 điểm, 10 điểm. Tuy nhiên hệ thống 4 điểm được các doanh nghiệp sử dụng nhiều và đem lại hiệu quả cao. Bài viết này sẽ giới thiệu về hệ thống 4 điểm trong kiểm tra chất lượng vải.
2. Nội dung
 2.1. Khái quát về hệ thống 4 điểm
           Hệ thống 4 điểm được sử dụng rộng rãi trong ngành dệt và may. Hệ thống này có ưu điểm là dễ sử dụng và dễ hiểu đối với các doanh nghiệp. Hệ thống 4 điểm xác định lỗi và mức độ nghiêm trọng của lỗi, từ đó cho điểm lỗi tương ứng. Hệ thống này phù hợp cho cả vải mộc, vải thành phẩm và vải dệt kim [1].
        Phương pháp kiểm tra vải này được thực hiện theo tiêu chuẩn ASTM D5430-93 (Phương pháp thử tiêu chuẩn để kiểm tra bằng mắt và phân loại vải). Các lỗi được xác định ở khoảng cách có thể nhận thấy rõ ràng là 3 feet (0.9144 m) và được đánh dấu bằng điểm. Mọi lỗi có thể đều có điểm đánh giá tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó trong hệ thống này.
            Để sử dụng được hệ thống này, người sử dụng cần phải biết:
  - Phương pháp kiểm tra hoặc chuẩn bị vải
  - Bản chất của lỗi vải (các dạng lỗi, đặc điểm)
  - Tiêu chí cho điểm phạt dựa trên lỗi và độ dài lỗi
- Phương pháp tính tổng số điểm phạt cho tổng số lỗi được tìm thấy trong một cuộn vải hoặc hơn.
  - Mẫu biểu kiểm tra để ghi dữ liệu
Hệ thống 4 điểm gồm 1, 2, 3 và 4 điểm phạt tùy theo độ lớn, chất lượng và mức quan trọng của lỗi. Không có quá 4 điểm phạt cho bất kỳ lỗi nào. Một lỗi có thể được đo theo chiều dài hoặc chiều rộng. Không có điểm phạt nào được chỉ định cho các lỗi nhỏ. Bất cứ khi nào lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra vải theo hệ thống 4 điểm và lỗi phải được chỉ định một số điểm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng hoặc độ dài của lỗi vải (Bảng 1).
Bảng 1. Hệ thống điểm phạt lỗi vải theo độ dài
Inch mm Điểm
    Từ 0 ÷ 3 (dài/rộng) 0 ÷ (<75) 1
Từ 3.1 ÷ 6 (dài /rộng) 75 ÷ (<150) 2
Từ 6.1 ÷ 9 (dài /rộng) 150 ÷ (<230) 3
> 9 (dài /rộng) > 230 4
 * Dựa trên số lượng và kích thước của các lỗi trong 1 yard (~0.91m), đánh giá tối đa 4 điểm /yard chiều dài.
 * Có thể cho 4 điểm cho mỗi yard tính theo chiều dài khi một lỗi chạy liên tục dọc theo chiều dài của vải.
 * Điểm lỗi vải dạng lỗ có thể được đánh giá theo kích thước (Bảng 2).
    Bảng 2. Điểm phạt cho lỗi vải dạng lỗ thủng tùy theo kích thước
Lỗ và độ rộng (chỗ rộng nhất) Điểm
≤ 1 inch 2
> 1 inch 4
 
2.2. Quy trình kiểm tra vải áp dụng hệ thống 4 điểm
 -  Kiểm tra vải được thực hiện trong môi trường thích hợp và an toàn với đủ thông gió và ánh sáng thích hợp.
-  Vải đi qua khung máy ở góc từ 45 - 60º so với người kiểm tra và phải được thực hiện trên bóng đèn huỳnh quang F96 có ánh sáng trắng trên khu vực quan sát. Đèn nền có thể được sử dụng khi cần thiết.
- Kiểm tra tốc độ vải trên máy không được quá 15 yard/ phút.
- Kiểm tra độ đồng đều màu của cuộn vải tại các vị trí: đầu, cuối, giữa, biên của mỗi cuộn và ghi lại kết quả
- Kiểm tra vải dệt kim theo khối lượng (g/m2) thực tế so với thông số của nhà cung cấp.
- Kiểm tra vải từ biên đến biên và phải được so với  khổ vải theo tiêu chuẩn.
- Đánh dấu tất cả các lỗi trong quá trình kiểm tra.
- Kiểm tra chiều dài mỗi cuộn vải phải được so sánh với chiều dài ghi trên thẻ có phiếu của nhà cung cấp và bất kỳ sai lệch nào phải được ghi lại và báo cáo cho nhà máy để thay thế bổ sung tránh thiếu hụt.
- Kiểm tra vải in hoặc nhuộm phải kiểm tra lặp lại từ phần đầu, giữa và cuối của các cuộn vải.
2.3. Tính toán điểm và mức chấp nhận
 * Một số công thức tính điểm phạt [1]:
Trong hệ thống 4 điểm, chất lượng vải được đánh giá bằng điểm đơn vị / 100 yard2
           - Nếu sử dụng đơn vị đo chiều dài cuộn vải là yard, khổ vải là inch thì công thức tính điểm/100 yard2 được thể hiện như sau:
Điểm/ 100 yard2 = Tổng điểm của cuộn x 36'' x 100
Chiều dài vải (yard) x khổ vải (inch)
    
(36” số quy đổi: 1yard = 0,9144m = 91,44cm, 91,44/2,54 = 36’’)
- Nếu sử dụng đơn vị đo chiều dài cuộn vải là mét, khổ vải là mét thì công thức tính điểm/ 100 m2  được thể hiện như sau:
  Điểm/ 100 m2  = Tổng điểm của cuộn x 100
Chiều dài cuộn vải (m) x khổ vải (m)
         
         - Nếu sử dụng đơn vị đo chiều dài là mét, khổ vải là inch, thì công thức tính điểm/100 yard2 được thể hiện như sau:
  Điểm/ 100 yard2   = Tổng điểm của cuộn x 36'' x 91,44
Chiều dài cuộn vải (m) x khổ vải (inch)
 
         - Công thức tính điểm cho cả lô vải:
  Điểm/ 100 yard2   = Tổng điểm của cả lô vải x 36'' x 100
Chiều dài cả lô vải (yard) x khổ vải (inch)
 
*Mức chấp nhận [1]:
            Vải dệt thoi: yêu cầu trung bình cuộn không quá 20 điểm/100 yard2, trung bình cho cả lô không quá 15 điểm/100 yard2 .
           Vải dệt kim: yêu cầu trung bình cuộn không quá 28 điểm/100 yard2, trung bình cho cả lô không quá 20 điểm/100 yard2 .
         Căn cứ vào số điểm bị trừ, vải thường được phân cấp thành các loại sau:
         Loại A: < 20 điểm/100 yard2
              Loại B: Từ 20 điểm - 28 điểm/100 yard2
              Loại C: Từ 28 điểm - 34 điểm/100 yard2
              Loại X (loại khác): Trên 34 điểm/100 yard2
          Lưu ý: Nếu vải sau khi đạt loại A, có thể sản xuất bình thường. Nếu vải đạt loại B,C, phải thông báo cho bộ phận chức năng (ví dụ như phòng kỹ thuật) giải quyết. Nếu vải đạt loại X mà khách hàng vẫn muốn sử dụng thì doanh nghiệp phải giác sơ đồ đặc biệt để tránh vị trí lỗi, thông thường các cuộn vải này sẽ được báo với khách hàng để thay thế.
* Phiếu kiểm tra lỗi vải
Để ghi lại hoặc thu thập các lỗi trong quá trình kiểm tra phải sử dụng một phiếu kiểm tra. Phiếu kiểm tra bao gồm các thông tin chung, thông tin về lô vải, các lỗi của vải theo kích cỡ, tóm tắt các lỗi vải, số lượng đã kiểm tra, tổng điểm phạt và kết quả của lô vải sau khi kiểm tra.

2.4. Một số quy định kiểm lỗi
 - Một lỗi liên tục trên 1 mét phải được đánh giá 4 điểm
 - Bất kỳ cuộn vải nào có lỗi chạy dài hơn ba mét liên tục sẽ bị loại.
 - Bất kỳ cuộn vải nào có lỗi toàn bộ khổ kéo dài trên sáu inch chiều dài sẽ bị loại.
 - Bất kỳ cuộn vải nào có nhiều hơn ba lỗi toàn bộ khổ trên một trăm mét chiều dài sẽ bị loại.
 - Không có cuộn vải nào được chấp nhận có lỗi toàn bộ khổ trong ba mét đầu và cuối cùng của cuộn vải
- Cấu trúc và trọng lượng vải không có dung sai cho phép.
 - Khoảng cách giữa các lỗi lớn phải lớn hơn 20 mét.
- Không chấp nhận gợn sóng, nếp nhăn lớn trên mặt vải khiến vải không phẳng khi trải theo cách thông thường.
3. Kết luận
Kiểm tra chất lượng vải trước khi đưa vào sản xuất là khâu vô cùng quan trọng để tạo nên các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Áp dụng hệ thống 4 điểm để kiểm tra vải trước khi đưa vào sản xuất giúp các doanh nghiệp giảm được 1 số phát sinh trong quá trình sản xuất, giảm được thời gian đổi bán thành phẩm lỗi, tiết kiệm được nhân công.

Tại trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội sinh viên được ứng dụng may các bộ phận chủ yếu, may các mã hàng đa dạng về kiểu cách, chất liệu sản phẩm. Trong quá trình học bộ phận cũng như ứng dụng may trên các sản phẩm thực tế, sinh viên đôi lúc cũng nhận được các sản phẩm bị lỗi vải. Bài viết này giúp sinh viên có thể tham khảo để học tập được cách kiểm tra, nhận biết các lỗi khi nhận bán thành phẩm. Kiểm tra nhận biết được chất lượng của vải trước khi may giúp sinh viên hoàn thiện được sản phẩm đúng thời gian và đạt chất lượng tốt.

Tài liệu tham khảo
[1] TS.Hoàng Xuân Hiệp, Giáo trình quản lý chất lượng trong doanh nghiệp may công nghiệp, NXB Giáo  dục Việt Nam.
[2] ASTM D5430 – 93 (2000), Standard Test Methods for Visually Inspecting and Grading Fabrics.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 266 Tổng truy cập: 32.428.220