Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

HƯỚNG DẪN VẬN HÀNH MÁY BỔ TÚI TỰ ĐỘNG APW-895

Ngày đăng: 03:49 - 20/05/2022 Lượt xem: 3.052
                                                                           Th.s Hà Thị Định
                                                                     Trung Tâm Thực hành may

1. Giới thiệu chung

Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, các thiết bị máy móc tiên tiến ra đời đã tiết kiệm thời gian và công sức của người công nhân và chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao. Để theo kịp với tốc độ phát triển ấy, ngành dệt may nói chung và may mặc nói riêng cũng không ngừng nghiên cứu, chế tạo và áp dụng những máy móc hiện đại vào trong thực tế sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm.
Các máy may lập trình, máy may tự động đã không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp may mặc. Trong đó có thể kể đến máy bổ túi tự động. Bổ túi là một trong những công đoạn khó và yêu cầu kĩ thuật cao trong sản phẩm may, để thực hiện công đoạn này cần những người thợ có tay nghề cao, đòi hỏi sự cẩn thận, tỷ mỉ và chính xác chính vì thế mà không phải bất cứ công nhân nào cũng có khả năng may công đoạn này.
Đáp ứng nhu cầu cần thiết của thực tế sản xuất từ năm 2007 hãng Juki đã cho ra đời máy bổ túi tự động APW-895, máy tích hợp các bước may từ đặt cơi, may, bổ túi, …vào trong một công đoạn thao tác trên máy. Nhờ sự tích hợp này mà thời gian thực hiện bổ túi đã được giảm đi đáng kể. Khi thực hiện may túi thủ công cần thời gian hoàn thành khoảng 2 phút nhưng thực hiện trên máy bổ túi tự động khoảng 20 giây. Như vậy thời gian rút ngắn bằng 1/6 so với thực hiện may thủ công.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào giảng dạy. Tác giả đã tiếp cận thực tế tại Trung tâm Sản xuất Dịch vụ để tìm hiểu cách thức vận hành máy bổ túi tự động APW-895 và hướng dẫn sử dụng trong bài viết giúp cho sinh viên cũng như người công nhân có thể dễ dàng vận hành máy.

2. Cấu tạo cơ bản của máy APW-895

Máy bổ túi tự động APW-895 được cấu tạo là mô tơ liền trục, là loại mô tơ truyền toàn bộ năng lượng cho trục máy không thất thoát nên máy bổ túi tự động APW-895 tiết kiệm lượng điện tiêu thụ. Với sự hỗ trợ của bộ bàn kẹp dài và rộng, máy có thể may túi với nhiều kích thước. Máy hỗ trợ may túi thẳng trên áo (có nắp), có thể thay đổi may 2 kiểu/1 lần bằng thao tác chạm đơn giản trên bảng điều khiển. Là dòng máy Juki đầu tiên trên thế giới có chức năng điều khiển chém góc bằng điện tử, dễ dàng điều chỉnh vị trí chém của dao góc chỉ cần ấn nút trên bảng điều khiển.
 
Lợi ích đầu tiên mà ta nhắc đến khi sử dụng thiết bị này là năng suất, tốc độ tối đa 3.000 vòng/phút, chân kẹp chuyển động nhanh hơn (nhảy và chuyển tiếp) giúp thời gian may ngắn hơn. Bên cạnh đó máy APW-895 được đánh giá là đảm bảo tiết kiệm năng lượng và hiệu quả chi phí vượt trội.
 
2.1. Thông số kĩ thuật cơ khí
Dưới đây là bảng Thống số kĩ thuật của máy bổ túi tự động APW-895.
Bảng 1 Thống số kĩ thuật của máy bổ túi tự động APW-895

STT Thông số kĩ thuật APW-895
1 Máy may LH-895 mô hình của 2 kim, máy lockstitch với một con dao trung tâm
2 Tốc độ máy 3.000 mũi / phút (tối đa)
3 Chiều dài mũi may
 
Tiêu chuẩn 2.5 mm (2.0 -3.4 mm)
Lại mũi: 2.0 mm (0.5-3.0 mm)
4 Loại viền túi Mẫu túi 1 viền/ 2 viền
(có nắp/không có nắp túi)
5 Chiều dài túi 18mm-220mm
6 Cự ly kim (8, 10, 12, 14, 16, 18 và 20mm)
Tùy chọn (22, 24, 26, 28, 30 và 32 mm)
7 Chủng loại kim Organ DPx17 tiêu chuẩn #16 (#14-#18)
8 Hành trình trụ kim 33.3mm
9 Áp lực khí nén 0.5MPa
7 Số mẫu may độc lập 99 mẫu (999 mẫu khi lưu trên thẻ CF)
8 Số mẫu may vòng (chu kì) 20 mẫu
9 Số mẫu may luân phiên (trái/phải) 20 mẫu
12 Trọng lượng 238.5KG
 
2.2. Cấu tạo cơ bản của máy APW-895
Máy APW-895 được cấu tạo gồm:
A: Khung máy và các chi tiết liên quan
B: Cụm bàn kẹp
C: Cụm dao
D: Cụm bàn ép
E: Bộ điều khiển khí nén (thiết bị, điều khiển khí nén và hệ thống ống hơi)
F: Cụm gạt vải
G: Đầu máy may là bộ phận rất quan trọng, chức năng vận hành và đảm bảo yêu cầu công nghệ.
H: Hộp điều khiển điện
I: Bảng điều khiển hoạt là bộ phận điều khiển chế độ công nghệ và lựa chọn kiểu dáng túi

 
Hình 1: Cấu tạo cơ bản của máy bổ túi tự động APW-895

3. Cách vận hành máy APW-895.

3.1. Quy trình chung
  1. Chuẩn bị
- Chuẩn bị BTP cụm chi tiết cần may
- Lựa chọn loại kim phù hợp và lắp vào máy:
Với các loại vải mỏng ta dùng kim chi số nhỏ và tương ứng với các loại vải dày cần dùng kim chi số lớn..
+ Khi thay thế kim, ta xoay ốc vít số 2, rãnh dài của 2 kim quay lưng lại với nhau như hình 2.
+ Lưu ý là xoay công tắc về off trước khi thay kim.
 
Hình 2: hình ảnh mô tả cách lắp đặt kim

Hình 3: Đường đi của chỉ
- Lắp chỉ
+ Luồn chỉ AB vào giá đỡ chỉ, sau đó xâu chỉ ra lỗ ngoài của thanh đỡ. Tiếp đến,  kéo căng 2 sợi chỉ này ra để luồn vào lỗ bên phải rồi lỗ bên trái của tai máy.
+ Kéo hai sợi chỉ ra, lồng vào 2 đồng tiền thứ nhất và luồn chỉ vào dây thép được gắn với đồng tiền. Tương tự kéo chỉ qua đồng tiền thứ 2.
+ Kéo chỉ xuống dưới, luồn qua cần gạt rồi xâu qua lỗ trên cần gạt.
+ Tiếp tục xâu chỉ vào lỗ ở bên tay trái rồi kéo chỉ xuống dưới và luồn chỉ vào lỗ nhỏ trên thanh cắm kim.
+ Cuối cùng xâu chỉ qua lỗ kim theo hướng từ giữa 2 kim ra hai bên là hoàn tất
- Chuẩn bị bố trí nơi làm việc: đối với những chi tiết lớn có thể để bên dưới ghế ngồi, chi tiết to sắp xếp để trên bàn.
  1. Hiệu chỉnh máy và may
- Lựa chọn chế độ  
  1. Bật công tắc nguồn bằng cách xoay công tắc về “ON”
Hình 4 Công tắc (bên trái) và bảng điều khiển điện tử (bên phải)

Hình 5: Trình tự thực hiện trên bảng điều khiển (5a, 5b, 5c, 5d)
  1. Bật công tắc nguồn màn hình hiện lên, ấn nút RESET (hình 5a)
  2.  Lựa chọn ngôn ngữ màn hình và ấn ENTER  (hình 5b)
  3. Lựa chọn kiểu túi cần may. Ấn nút và nhập thông số túi (hình 5c)
  4. Ấn nút . May (hình 5d)
 
- May: sau khi chọn xong chế độ máy tiến hành đưa BTP vào thanh kẹp, sau mỗi lần đặt chi tiết có thao tác ấn bàn ga gằng mũi bàn chân sau đó ấn gạt gối để may.
  1. Kiểm tra
Kiểm tra túi theo thông số, quy cách và yêu cầu của sản phẩm
3.2. Ứng dụng may túi 2 viền có nắp áo vest nam.

  1. Chuẩn bị
  •  Chuẩn bị bán thành phẩm:
+ Thân trước x 2
+ Viền túi x 2
+ Nắp túi x 4
+ Đáp túi x 2
+ Lót túi to x 2
+ Lót túi nhỏ x2

Hình 6: Các chi tiết bán thành phẩm
         -  Chọn kim: Với may túi 2 viền có nắp áo vest nam mã PCLĐ Mã: R14 ROEMCJ04A  sử dụng vải có độ dày trung bình ta sử dụng kim 12.
-  Chuẩn bị bố trí nơi làm việc; với chi tiết to như thân áo ta có thể xuống ghế bên trái người may, còn với các chi tiết nhỏ nhưng cơi túi, nắp túi và lót ta có thể để ở 2 bên bàn máy.

  1. Hiệu chỉnh máy và may
Lựa chọn chế độ
Bước 1: Nhập thông số túi
Sau khi bật công tắc khởi động máy (hình 4, hình 5a-5b) ta lựa chọn kiểu túi 2 viền có nắp theo hình 5c. Tại bước 5 ta nhập thông số kĩ thuật của túi. Chiều dài túi bằng 16, chiểu rộng túi bằng 1,5 cm và khoảng cách dao bổ túi đến hai cạnh bằng 1 cm.

Hình 7: Màn hình điều khiển lựa chọn thông số túi bổ
Trong trường hợp muốn chuyển từ kiểu túi khác sang túi 2 viền có nắp áo vest nam. Ta ấn nút trở về  và chọn lại kiểu túi.
Tùy từng loại vật liệu mà yêu cầu công nghệ lựa chọn bổ tự động hay chỉ chọn chế độ may và không bổ. Với những sản phẩm làm từ vải dệt thoi vân điểm, độ dày vải mỏng dễ tuột sợi ta không nên để chế độ bổ tự động trên máy sau đó bổ thủ công. Đối với những sản phẩm làm từ vải dày hơn ít bị tuột mép vài thì ta có thể lựa chọn bổ tự động trực tiếp trên máy. Các bước lựa chọn chế độ được mô tả ở hình 7. Sau khi lựa chọn chế độ ta tiến hành may như bình thường.


Hình 8: Lựa chọn chế độ bổ tự động trên máy và không bổ tự động
Bước 2: Đặt lót túi vào thanh kẹp (mặt trái lót túi lên trên, chú ý khoảng cách từ miệng túi đến cạnh trên lót túi 2.5cm, chiều đáy lót túi), sau đó ấn bàn ga bằng gót bàn chân để thanh kẹp giữ lót túi. (Hình 9)

Hình 9  Hình ảnh mô tả bước 2
Bước 3: Đặt thân áo (mặt phải lên trên). Khi mình nhập thông số túi và kiểu túi thì tia lazer đã được cài đặt sẵn ứng với kiểu túi đó nên ta chỉ cần căn đúng vị trí túi theo tia laze trùng vị trí làm dấu túi (chú ý cạnh nẹp đối xứng, gấu bên tay phải, chiều đáy lót túi) sau đó ấn bàn ga bằng mũi bàn chân để thanh kẹp giữ thân áo. (Hình 10)


Hình 10  Hình ảnh mô tả bước 3
Bước 4: Đặt cơi (mặt trái lên trên, chú ý cơi đặt lệch để đảm bảo mí chân cơi) sau đó ấn bàn ga bằng mũi bàn chân để thanh kẹp giữ cơi.
(Hình 11)



Hình 11  Hình ảnh mô tả bước 4
Bước 5: Đặt nắp túi vào thanh kẹp bên phải (chú ý vị trí nắp túi có định vị trên dưỡng, lá lót nắp túi lên trên) sau đó ấn bàn ga bằng mũi bàn chân để thanh kẹp giữ cơi. (Hình 12)
 


Hình 12  Hình ảnh mô tả bước 5
 
Cuối cùng khi đặt xong tất cả các chi tiết của túi, ấn gạt gối để máy tự động may và bổ túi.
          
Hình 13 Sản phẩm hoàn thành
c. Kiểm tra
Sau khi hoàn thành tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm: kiểm tra mặt trước và sau của sản phẩm.
          Kiểm tra túi theo thông số, quy cách, yêu cầu kỹ thuật

3. Một số lỗi thường gặp, nguyên nhân và cách khắc phục

Mã lỗi Mô tả lỗi Nguyên nhân Biện pháp khắc phục
E490

Dao chém không tới mũi may cuối cùng
Nguyên nhân có thể do vật liệu quá mỏng hay quá dày khiến cho góc dao di chuyển không chính xác.
 
Đối với những vật liệu khó có thể đưa góc bổ vát ta chỉ nên bổ thẳng sau đó bổ góc vát bằng kéo bổ túi.
E492
E493

Chiều dài khung bổ quá ngắn hoặc quá dài
Do thông số cài đặt không phù hợp với giới hạn của máy Chọn chế độ may không cần bổ túi, sau đó bổ tay bên ngoài
A203
Cảnh báo thời gian thay dầu
Nguyên nhân là do máy không được vệ sinh bảo trì thường xuyên Trước khi vận hành máy cần phải kiểm tra hiện trạng của máy và thay dầu và vệ sinh máy
E052

Chỉ bị đứt
Đứt chỉ có thể do nhiều nguyên nhân
  • Tốc độ máy nhanh và thao tác không dứt khoát.
  • Sức căng chỉ lớn
  • Chọn chỉ chưa phù hợp với vải và kim.
- Giảm tốc độ may và thao tác dứt khoát hơn.
- Điều chỉnh sức căng chỉ.
- Thay đổi loại chỉ phù hợp.
 
 

4. Kết luận

Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm thì việc áp dụng những thiết bị máy may hiện đại vào trong thực tế sản xuất là không thể thiếu được. Việc sử dụng máy móc đã giảm được các thao tác thừa khi may và giúp sản phẩm đồng đều và đẹp hơn. Bài viết này đã đưa ra các thông số kĩ thuật cơ bản của máy giúp người dùng có thể hiểu và lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tiếp đó có đưa ra các bước thao tác may trên máy giúp sinh viên có thể tự vận hành máy trong trường hợp cụ thể  may hoàn chỉnh túi 2 viền có nắp áo vest nam.Bài viết là tài liệu giúp sinh viên hiểu rõ hơn và có thể áp dụng vào vận hành máy trong thực tế sản xuất.
Tài liệu tham khảo
[1] Juki Corporation Co.Ltd, APW-895/IP420 INTRUC (2017)
[2] wesibe youtube: youtube.com/watch?v=8bKU-buUAa8
[3] Tiêu chuẩn kỹ thuật mã PCLĐ  Mã : R14 ROEMCJ04A
 
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 170 Tổng truy cập: 30.060.617