Ths. Nguyễn Thị Thu Hà
Trung tâm Thực hành may
ĐẶT VẤN ĐỀ
Để tạo ra một sản phẩm đạt chất lượng, thỏa mãn yêu cầu khách hàng không chỉ phụ thuộc vào chất liệu vải, tay nghề người lao động, thiết bị sử dụng, công nghệ gia công sản phẩm, mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như các loại phụ liệu đi kèm, trong đó mex được cho là phụ liệu được sử dụng nhiều, có tác động đến chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là các loại sản phẩm cao cấp như quần âu, sơ mi, áo dạ, áo vest, áo jacket. Với yêu cầu chất lượng khắt khe, bên cạnh kiểu dáng mẫu mã mặt hàng cần đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng như ngoại quan sản phẩm, độ ổn định kích thước, độ bền cơ học. Vì lý do đó mà chất lượng mex được quan tâm như nguyên liệu chính, nếu như loại mex lựa chọn cho sản phẩm không đảm bảo được về chất lượng, không phù hợp với chất liệu vải, công nghệ gia công thì sản phẩm đó cũng bị ảnh hưởng về chất lượng. Nhận thấy tầm quan trọng của mex dính đối với chất lượng sản phẩm may mặc hiện nay, bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về kết cấu cũng như cách lựa chọn mex phù hợp với chất liệu vải, kết cấu từng loại sản phẩm nhằm tăng giá trị sử dụng cũng như giá trị thẩm mỹ.
-
Khái quát về mex
1.1.1. Cấu tạo của mex
Mex dính được tạo thành từ hai bộ phận: vải đế và nhựa dính. Khi cán ép, sức nóng làm cho lớp nhựa dính chảy ra dính vào mặt trái của vải may. Tùy thuộc vào loại vải đế mà mex có nhiều cỡ từ mỏng đến dày.
Hình 1.1. Hình vẽ cấu tạo mex
a: Nhựa dính b: Vải nền
Vải nền (vải đế): có thể được làm từ vải dệt kim, vải dệt thoi hay vải không dệt. Trọng lượng riêng của vải đế làm từ vải dệt thoi từ 50 đến 150 g/m2, nếu vải nền là vải không dệt thì trọng lượng nhẹ từ 20 đến 80 g/m2. Nguyên liệu dùng để làm vải nền thường là 100% Cotton, 100% Polyeste hoặc pha 65% Cotton + 35% Polyeste, các loại vải nền thường có kiểu dệt đơn giản [1].
Nhựa dính: Thường sử dụng là keo nhiệt dẻo, dưới sức nóng của bàn là hoặc máy ép sẽ làm lớp keo nóng chảy, ở trạng thái này keo có tính chất kết dính dễ thâm nhập sâu vào bề mặt của vải và tạo liên kết chặt với vải sau khi làm nguội làm cho sản phẩm không bị bong rộp hay biến dạng [1].
Chất nhựa dẻo thường dùng là [1]:
- Polyetylen (PE).
- Polyamid (PA).
- Polyvinyclorid (PVC).
- Polyvinylaxetat (PVA).
Mật độ keo: Đánh giá mật độ keo bám trên vải nền thông qua khối lượng của mex, kích thước các hạt keo từ 0,4 đến 0,8 mm. Thông thường sử dụng vật liệu keo có khối lượng từ 25 đến 30 g/m2, nhưng để định hình cho các chi tiết mỏng nhẹ sử dụng vật liệu có khối lượng từ 15 đến 25 g/m2. [1]:
1.1.2. Phân loại mex
*Phân loại theo cấu tạo [1]:
Dựa vào thành phần cấu tạo của lớp vải nền mà mex được chia thành hai loại: mex giấy và mex vải.
- Mex giấy (Hình 1.2): Là loại mex thường được sử dụng làm tăng thêm độ cứng cho những chi tiết có độ cứng vừa phải, các chi tiết cần định hình: nắp túi, nẹp áo, … Lớp vải nền là vải không dệt, mex giấy có thể được cắt theo bất cứ chiều nào cũng không bị tua mép. Khi sử dụng mex giấy ta nên dùng vải đệm lót để bảo vệ mặt bàn là [1]. Nhiệt độ ủi ép của mex giấy khoảng từ 120-1600C, thời gian ép từ 8-10 giây, áp lực từ 2,5-3kg lực/cm2.
Một số loại mex giấy thường dùng: Mex Trung Quốc, mex Nhật, ...
Mex Trung Quốc thường dùng: Nhiệt độ ép khoảng 1700C – 1800C, thời gian ép 10 giây, áp lực 3kg/cm2.
Mex Nhật thường dùng: Nhiệt độ ép khoảng 1600C – 1700C, thời gian ép 8 giây, áp lực 3kg/cm2.
Hình 1.2. Mex giấy
- Mex vải (Hình 1.3): Là loại mex có lớp vải nền là vải dệt thoi hoặc có lớp vải nền là vải dệt kim, có khối lượng vào khoảng 50- 150g/m2. Nếu vải nền là vải dệt kim thường dùng để gia cố những sản phẩm có thể bai giãn như vải thun, vải nhung, …. Chất lượng của mex phụ thuộc vào phương pháp cán nhựa trên bề mặt của lớp vải nền và nguyên liệu keo. Nhựa keo có thể là polyeste (PVC), copolymer, … Nhựa keo dùng làm mex phải đáp ứng yêu cầu về công dụng và điều kiện sử dụng của sản phẩm may, ví dụ: lớp keo đủ bền và dẻo, thành phần của keo không có chất tác hại đối với cơ thể người, chịu được tác động cơ học của quá trình giặt, tác động của hóa chất tẩy rửa và tác động của nhiệt độ khi phơi, là [1].
Hình 1.3. Mex vải
*Phân loại theo phương pháp sản xuất [2]:
Tùy theo cách tráng phủ các chất nhiệt dẻo lên bề mặt vải đế, sẽ có các loại vật liệu mex khác nhau:
- Mex cán láng: gia nhiệt làm cho bột keo chảy dẻo, phủ một lớp đều lên bề mặt của vải nền, loại này thường sử dụng đối với mex có lớp đế là vải dệt thoi, sử dụng cho các chi tiết có độ cứng cao [2].
Hình 1.4. Mex cán láng
+ Mex rải hạt: sử dụng trục lỗ để tráng bột keo lên bề mặt lớp vải nền, với mật độ hạt keo nhất định, gia nhiệt vừa đủ để hạt keo bám dính lên bề mặt của lớp vải nền, loại này thường sử dụng đối với mex có lớp nền là vải dệt kim hoặc vải không dệt [2].
1.1.3. Chức năng của mex trong công nghiệp may
Dán ép (cán ép mex) được hiểu là dán vật liệu dựng vào mặt trái nguyên liệu nhờ một lớp keo có trên bề mặt vật liệu dựng dưới tác dụng của áp lực cán ép, thời gian cán ép và nhiệt độ cán ép.
Vật liệu dựng dính là vật liệu được dùng chủ yếu trong các sản phẩm may mặc. Chức năng chính của vật liệu dựng dính là:
- Tạo hình và tăng khả năng ổn định hình dạng của sản phẩm may:
Một số sản phẩm trong ngành may mặc cần yêu cầu có độ phẳng cao hoặc tạo được hình dáng cần thiết cho sản phẩm. Người ta thường dùng mex dính để tạo phom, tạo dáng cho sản phẩm như trong sản phẩm áo dạ, áo choàng, áo veston, áo Jacket, mũ, quần âu, áo sơ mi, … Mex dùng để tạo sự ổn định cấu trúc, đặc biệt chống lại sự kéo xiên, bai giãn của lớp vải ngoài, mex cũng có thể được dùng làm đệm lót cho việc đính cúc, thùa khuyết. Mex làm tăng độ cứng cho một số chi tiết cần thiết như: bác tay, nẹp áo, cạp quần, cổ áo, … Tăng vẻ đẹp cho bề mặt sản phẩm. Đặc biệt trong công nghệ sản xuất áo dạ, áo veston mex được dùng ép vào rất nhiều chi tiết như thân trước, ve cổ, và các vị trí đầu tay, vòng nách sau, xẻ gấu, thép tay để tạo dáng, làm phẳng toàn bộ thân trước, ve, nẹp áo, cổ áo, nắp túi hay chống lại sự bai giãn vòng nách.
Mex có tầm quan trọng đặc biệt trong sản xuất. Giúp tăng năng suất và sự thuận tiện khi gia công. Nó tạo dáng cho sản phẩm, thuận lợi trong quá trình là chi tiết, làm tăng khả năng chết nếp của đường may.
Chính vì vậy, ép mex khiến năng suất khi may tăng lên, đồng thời giảm được một số thao tác thừa trong sản xuất.
1.2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ép dán mex
Chất lượng của độ bền bám dính giữa mex và vải phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất là thành phần của mex, vải và các thông số công nghệ.
1.2.4.1. Vật liệu vải nền
*Vải dệt thoi (dệt theo kiểu vân điểm): Có trọng lượng riêng từ 50-150g/m2.
*Vải dệt kim: Dùng để gia cố những sản phẩm từ nguyên liệu đàn hồi như thun, nhung. Trọng lượng riêng của vải từ khoảng 60-150g/m2.
*Vải dệt không dệt: như Polye, dựng xốp, … Trọng lượng riêng của vải từ khoảng 20-80g/m2.
1.2.4.2. Nhựa keo
Mỗi loại keo có tính chất vật lý khác nhau, dẫn đến chất lượng mối liên kết giữa mex và vải cũng khác nhau. Độ bền của chất liên kết ảnh hưởng đến độ bền của sản phẩm. Chất liên kết bền cho sản phẩm bền. Tuy nhiên, keo có độ bền cao thường lại có độ cứng cao, do đó làm cho sản phẩm cũng bị cứng.
Bề dày lớp keo càng nhỏ thì độ bền của mối liên kết càng tăng, nhưng với điều kiện lớp keo phải phủ đầy trên bề mặt vật liệu. Bề dày lớp keo phụ thuộc vào bản chất hóa học, tính chất lưu biến (độ nhớt), độ đậm đặc và áp lực ép khi dán keo mật độ các hạt keo trên bề mặt vải đế càng dày thì mối liên kết giữa mex và vải càng tăng [2].
Mật độ keo: Ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ép dán và chất lượng của sản phẩm (độ kết dính và độ bền). Hạt keo càng to thì mật độ càng thưa và ngược lại.
Do vậy khi ép phải lựa chọn loại mex cho phù hợp với từng loại vải. Đối với vải thô và dày chọn loại mex có hạt to, vải mềm và mịn thì chọn loại mex có hạt nhỏ và mật độ dày.
1.2.4.3. Thông số công nghệ cán, ép mex
Khi cán ép mex tức là dùng nhiệt độ và áp suất tác dụng lên mex đã được đính điểm (làm mồi) lên vải chính trong một khoảng thời gian nhất định, như vậy các thông số của quá trình cán ép mex là: áp lực ép (P), nhiệt độ ép (T) và thời gian ép (t).
Áp lực ép (P): phải đủ để chất nhiệt dẻo tan chảy hết và thẩm thấu bề mặt vải. Nếu nhiệt độ để cao quá dẫn đến lớp keo dính bị vàng và có nguy cơ thẩm thấu ra bề mặt vải chính thì lực nén lớn và thời gian kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ bị chảy keo dính ra ngoài bề mặt sản phẩm nguyên liệu chính. Lực ép lớn hay nhỏ sẽ làm thay đổi khoảng cách giữa lớp vải nền và vải chính. Vì vậy nó sẽ làm thay đổi độ bám dính giữa mex và vải.
Nhiệt độ ép (T): phụ thuộc vào độ dày mỏng của vật liệu, tính chất vật lý của vật liệu. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng mối liên kết. Nếu nhiệt độ quá thấp, keo chưa nóng chảy, làm cho chất lượng mối liên kết giảm (hiện tượng rộp keo). Nếu nhiệt độ quá cao, keo chảy lỏng dễ dàng thấm qua bề mặt của lớp vải chính (hiện tượng tràn keo) và gây cháy keo, hoặc làm thay đổi mầu sắc của vải không đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ.
Thời gian ép (t): phụ thuộc vào từng loại vải, từng loại keo. Nếu thời gian ép quá thấp, keo chưa chuyển sang trạng thái chảy dẻo hoàn toàn nên chưa kịp bám dính vào vật liệu làm cho mối liên kết kém bền. Thời giap ép quá lâu sẽ làm cho vật liệu vải bị bóng, cháy và làm giảm độ bền của mối liên kết. Ngoài ra thời gian ép còn phụ thuộc vào gốc keo, vào lực ép và nhiệt độ ép
2.1 Phương pháp chọn mex[3]:
Xác định cách giặt, giặt nước hay giặt khô bằng tẩy hấp.
Xác định sản phẩm loại gì: Áo sơ mi, quần âu, áo khoác, áo veston, .. Kết cấu chi tiết của sản phẩm, đối tượng sử dụng
Tùy theo từng phương pháp thiết kế sản phẩm hay tùy theo kết cấu của từng sản phẩm mà việc lựa chọn mex cũng phải phù hợp với kết cấu chi tiết của sản phẩm.
Trong thực tế đối với các sản phẩm trẻ em, sản phẩm thời trang thường sử dụng các loại mex mỏng, mềm. Đối với các sản phẩm áo sơ mi tùy vào từng chi tiết để lựa chọn mex cho phù hợp: Mex vải dùng cho cổ áo, bác tay. Mex giấy thường được dùng cho nẹp áo, thép tay, … Đối với các sản phẩm áo dạ, áo vest để tạo phom cho sản phẩm có thể sử dụng mex mềm để ép phần thân trước.
Xác định nguyên liệu của sản phẩm: Nguyên liệu là loại nào, có tính đàn hồi hay không
Chọn mex phải phù hợp với nguyên liệu sao cho quá trình ép dán nhiệt độ, áp suất và thời gian không làm biến dạng nguyên liệu.
KẾT LUẬN
Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và sử dụng các tài liệu về mex dính bài viết trên đây có thể giúp hiểu sâu hơn về kết cấu mex, các nguyên tắc lựa chọn mex, cũng như công nghệ cán ép mex ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm hàng may mặc hiện nay. Bài viết có thể làm tài liệu trong quá trình học tập cũng như trong sản xuất các loại sản phẩm, có thể lựa chọn đúng nguyên phụ liệu đặc biệt là mex phù hợp với từng chất liệu vải, kết cấu sản phẩm, thiết bị sử dụng, công nghệ gia công nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sử dụng cũng như giá trị thẩm mỹ của các loại sản phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu Tiếng Việt
1. Nguyễn Văn Dũng, luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, chuyên nghành Công nghệ vật liệu Dệt, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
2. Kiều Thị Lan Anh (2015), Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, chuyên ngành Công nghệ vật liệu Dệt May, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
3. Nguyễn Thị Thu Hà (2017), Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, chuyên ngành Công nghệ vật liệu Dệt May, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
4. Trần Thị Kim Phượng, Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, chuyên ngành Công nghệ vật liệu Dệt, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.