Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

Nghiên cứu tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm áo Jacket

Ngày đăng: 02:49 - 07/02/2020 Lượt xem: 13.017

Chất lượng sản phẩm luôn được chú trọng nghiên cứu và đưa vào giảng dạy trong các trường Cao đẳng, Đại học để SV dần tiếp cận các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm của các Doanh nghiệp.

Với mong muốn SV có thể hiểu rõ về tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm trong các Doanh nghiệp may hiện nay và cũng là tiêu chí để đánh giá được chất lượng sản phẩm một cách toàn diện, bài viết dưới đây đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm áo Jacket để làm tài liệu tham khảo cho SV ngành Công nghệ may.

1. Khái niệm

Đánh giá chất lượng

Chất lượng sản phẩm là tổng tính chất đặc trưng của sản phẩm thể hiện ở mức độ thoả mãn những yêu cầu định trước cho nó trong những điều kiện xác định về kinh tế, kỹ thuật, xã hội. Chất lượng sản phẩm được xác định bằng những thông số có thể đo được hoặc so sánh được. Những thông số này lấy ngay trong sản phẩm hoặc giá trị sử dụng của nó. Chất lượng sản phẩm là tập hợp những tính chất của sản phẩm có khả năng thỏa mãn được những nhu cầu phù hợp với công dụng của sản phẩm đó, chất lượng sản phẩm là sự phù hợp với các tiêu chuẩn hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo quan điểm triết học của Mác thì chất lượng sản phẩm là mức độ, thước đo biểu thị giá trị sử dụng của nó. Giá trị sử dụng của một sản phẩm làm nên tính hữu ích của sản phẩm đó và nó chính là chất lượng của sản phẩm.

2. Tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm

          Mỗi loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp đều có quy định cụ thể được thể hiện rõ trong bảng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng mã hàng như những quy định về sử dụng nguyên phụ liệu, bảng thông số, quy cách từng đường may,

Sau khi hoàn thành bài luyện tập SV tự đánh giá sản phẩm theo các tiêu chí để nắm được mức độ chất lượng và thời gian hoàn thành bài đạt yêu cầu ở mức độ nào. SV tự nhận xét được sản phẩm những mặt đã đạt và chưa đạt. Nếu chưa đạt cần phân tích nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Tiếp theo là nhận xét và đánh giá của GV chỉ ra những lỗi mà SV có thể chưa nhìn nhận được hết, SV khắc phục lỗi để sản phẩm hoàn thiện và đạt những tiêu chí và chất lượng sản phẩm.

2.1. Đánh giá chất lượng sản phẩm Doanh nghiệp thực hiện

Mỗi loại sản phẩm đều có đặc điểm riêng cần phải xác định tiêu chí đánh giá chất lượng của sản phẩm. Trong các Doanh nghiệp muốn sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng thì phải xây dựng các tiêu chí đánh giá cho từng khâu. Từ những tiêu chí đó xây dựng thành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật được ban lãnh đạo công ty phê duyệt. Để đạt được những tiêu chuẩn đó, bộ phận kỹ thuật của các công ty, doanh nghiệp phải nghiên cứu đưa ra các tiêu chuẩn dựa trên kinh nghiệm và tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó tập hợp lại thành một hệ thống các tiêu chí, dựa trên hệ thống tiêu chí đó nhằm xây dựng bản tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm may mặc đối với từng mã hàng của công ty, Doanh nghiệp và các sơ sở đào tạo để sinh viên ngành công nghệ may hướng tới và tiếp cận thực tế.

Vai trò, ý nghĩa cụ thể của từng tiêu chí khác nhau. Mỗi loại sản phẩm cụ thể sẽ có những tiêu chí mang tính trội và quan trọng hơn tiêu chí khác. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải có lựa chọn và quyết định những tiêu chí quan trọng nhất làm cho sản phẩm của mình mang sắc thái riêng phân biệt với những sản phẩm cùng dạng trên thị trường. Có rất nhiều các tiêu chí phản ánh chất lượng sản phẩm. Dưới đây là một số nhóm tiêu chí cụ thể:

Bảng: Tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm

TT

Tiêu chí

Ý nghĩa

1

 

Tiêu chí sử dụng

Đặc trưng cho các tiêu chuẩn xác định, các chức năng chủ yếu của sản phẩm và quy định lĩnh vực sử dụng sản phẩm đó.

2

Tiêu chí độ tin cậy

Là một tiêu chí phức tạp của sản phẩm hàng hoá, nó đặc trưng cho tính chất của sản phẩm liên tục giữ khả năng tin cậy trong một khoảng thời gian.

3

Tiêu chí về tính thẩm mỹ

Đặc trưng cho hình thức mẫu mã của sản phẩm, mầu sắc, họa tiết, kiểu cách, phom dáng.

4

Tiêu chí về công nghệ

Là khả năng gia công, dễ chế tạo, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, bảo đảm thông số kỹ thuật, tiết kiệm các chi phí nhất.

5

Tiêu chí về sinh thái

Thể hiện mức độ độc hại của việc sản xuất sản phẩm tác động đến môi trường.

6

Tiêu chí về an toàn

Đảm bảo cho tính an toàn trong sản xuất cũng như khi sử dụng sản phẩm, đảm bảo sức khoẻ và tính mạng cho người tiêu dùng. Đây là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng đối với sản phẩm.


2.2. Tiêu chí chất lượng bán thành phẩm, nguyên phụ liệu may

Các chi tiết bán thành phẩm, nguyên phụ liệu phải kiểm tra kỹ đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến chuyền may. Các tiêu chí cần kiểm tra: chất liệu, vị trí các dấu bấm, hình dáng, chủng loại, số lượng. Những chi tiết đạt yêu cầu là những chi tiết đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

 Bảng: Tiêu chí chất lượng bán thành phẩm, nguyên phụ liệu may

TT

Nguyên phụ liệu

Tiêu chuẩn

Ghi chú

1

Dựng

Dựng không dính: đúng chủng loại, kích thước, phẳng

Dựng dính: đúng chủng loại, kích thước, khi kết dính không được chảy nhựa sang mặt phải vải, không bong dộp, phẳng 

 

2

Bán thành phẩm

Dấu bấm: Đảm bảo đầy đủ, đúng vị trí, kích thước theo mẫu paton

Dấu khoan: Đảm bảo đầy đủ, đúng vị trí, kích thước theo mẫu paton không quá nhỏ hoặc quá lớn

Đánh số: Đảm bảo chính xác rễ nhìn, không ảnh hưởng đến khâu hoàn thiện.

Phối kiện: Phối theo màu, theo size đảm bảo đủ chi tiết số lượng, bó buộc chặt gọn gàng

 

3

Phụ liệu

Đồng bộ đầy đủ theo size, theo màu của mã hàng.

 


- Đảm bảo mật độ mũi chỉ may: 4,5 mũi/cm;

- Kiểm tra thông số các chi tiết trên sản phẩm theo thứ tự bảng thông số thành phẩm;

- Các chi tiết đảm bảo đối xứng đúng dáng, đúng thông số, qui cách;

- Sản phẩm sau khi hoàn thiện phải đảm bảo độ êm phẳng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đường may, các tiêu chuẩn về ngoại quan;

- Sản phẩm phải phẳng, sạch sẽ, không có đầu chỉ, xơ vải, vết bẩn, phấn, …

Bảng: Tiêu chí kiểm tra chất lượng các công đoạn gia công sản phẩm may

 -  Một số dụng cụ cần thiết trong quá trình kiểm tra chất lượng

+ Thước dây:  Thước dây bằng vải là dụng cụ  đo thích hợp nhất để đo những đường cong trên sản phẩm. Lên kiểm tra độ chính xác của thước trước khi đo.

 + Manơcanh/ cốt, móc treo:  Việc kiểm tra sẽ dễ dàng hơn khi được mặc lên người, chẳng hạn như quần áo veston là cách tốt nhất.


 H
ình ảnh kiểm tra chất lượng sản phẩm trên giá treo

- Những điển lưu ý khi kiểm tra kích thước

+ Căn cứ vào tài liệu kỹ thuật làm cơ sở tiến hành kiểm tra

+ Cần trải phẳng, để êm sản phẩm mới tiến hành đo.

+ Điểm quan trọng khi đo phải xác định chính xác điểm đầu và điểm cuối khi đo
+ Tuỳ thuộc vào kiểu dáng sản phẩm có phương pháp kiểm tra phù hợp. Việc tiến hành đo theo đúng vị trí tại các bộ phận theo quy định của bảng thông số trong tài liệu.

          
                 Hình ảnh đo thông số kiểm tra sản phẩm áo jacket

-  Mặt ngoài

1) Mũ, cổ: Kiểm tra sự cân đối, đối xứng, quy cách, đường may êm phẳng.
2) Khoá, nẹp áo: Kiểm tra khoá, nẹp che, độ êm phẳng đúng vị trí, đối xứng đúng quy cách.

3) Túi: Kiểm tra túi  đúng vị trí đối xứng hai bên, kiểu dáng và phương pháp may, túi may xong êm phẳng đảm bảo giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ.

4) Thân sau: Kiểm tra quy cách may, độ êm phẳng

5) Tra tay áo: Kiểm tra đường tra tay trơn tròn êm phẳng, đúng mang tay, đúng dáng.
6) Chắp sườn, bụng tay: Kiểm tra vị trí đối xứng gầm nách, đường may êm phẳng, bền chắc.

7) Cửa tay: Cửa tay áo là bộ phận quan trọng của tay áo. Cửa tay may chắc chắn, đúng quy cách.

8) Gấu áo: Kiểm tra thông số, quy cách, độ êm phẳng, đối xứng sườn gấu.

- Mặt trong

Thân trước:  Kiểm tra sự cân đối, quy cách, sự êm phẳng, độ súp lót.
2) Túi: Kiểm tra sự cân đối, quy cách, độ êm phẳng, hướng đặt túi.
3) Thân sau: Kiểm tra sự cân đối, quy cách, sự êm phẳng, độ súp lót.
4) Tay áo: Kiểm tra sự cân đối, quy cách, sự êm phẳng, độ súp lót.
5) Khuy, cúc, nhám, dây: Vị trí, số lượng, khoảng cách.
6) Nhãn, mác: Vị trí, số lượng

7) Dây giằng: Vị trí, số lượng, khoảng cách

- Vệ sinh công nghiệp

Sản phẩm phải được vệ sinh sạch đầu chỉ, sơ vải, phấn dầu.

          Khi sản phẩm may được hoàn thiện, công đoạn kiểm tra thành phẩm phải được thực hiện kiểm tra kỹ từng chi tiết. Việc thực hiện tốt tiêu chí kiểm tra ở từng công đoạn góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm sản xuất ra được giao cho khách hàng. Từng sản phẩm phải được kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn đã được qui định.

* Kết luận

Đánh giá chất lượng sản phẩm rất quan trọng trong mỗi Công ty, Doanh nghiệp cũng như trong đào tạo vì vậy việc xây dựng tiêu chí đánh chất lượng sản phẩm là rất cần thiết. Tiêu chí đánh giá của các Doanh nghiệp là tài liệu giúp cho việc đánh giá chất lượng trong các bài tập thực hành may sản phẩm áo jacket được gần với thực tế sản xuất hơn.

Quá trình đánh giá chất lượng các sản phẩm của sinh viên sau khi luyện tập là việc làm rất cần thiết. Nhằm đánh giá đúng chất lượng sản phẩm do sinh viên luyện tập và khuyến khích sự ham học hỏi, sáng tạo và sự nhận thức đúng sai của sinh viên trong mỗi sản phẩm do chính các em tạo ra. Ngoài ra để tiếp cận với thực tế sản xuất may công nghiệp tại các doanh nghiệp hiện nay là rất cần thiết vì giúp cho sinh viên biết được năng lực thực tế của mình đang ở mức độ nào so với thực tế sau ra trường để có ý thức phấn đấu trong học tập.

Bài viết trên đây phần nào giúp SV ngành Công nghệ may hiểu rõ hơn về tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm áo Jacket của các Doanh nghiệp, đây là tài liệu tham khảo cho các em để có thể học hỏi tiếp cận dần với thực tế.

 

 

                                                                                                 Người viết

                                                                                      Ths: Chu Thị Ngọc Thạch

                                                                                      Trung tâm thực hành may


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 175 Tổng truy cập: 31.739.825