Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG QUI TRÌNH MAY SẢN PHẨM QUẦN ÂU NAM

Ngày đăng: 02:01 - 11/06/2019 Lượt xem: 31.550
Phương pháp xây dựng qui trình may sản phẩm là một nội dung quan trọng mà sinh viên ngành Công nghệ may được trang bị kiến thức trong chương trình đào tạo. Để may gia công hoàn chỉnh sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo năng suất, việc xây dựng qui trình may hợp lý nhằm tránh các bước thực hiện thừa hoặc thiếu. Vì vậy, việc xây dựng một qui trình maykhoa học và hợp lý cần thiết trong sản xuất may công nghiệp cũng như trong học tập thực hành may sản phẩm đơn chiếc đối với người mới tiếp cận với môn học này.

Mỗi sản phẩm khác nhau sẽ có qui trình may khác nhau, qui trình may còn phụ thuộc vàomột số yếu tố như: Công nghệ lắp ráp, thiết bị...và năng lực người thực hiện. Vậy tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất loại sản phẩm và năng lực của công nhân mà mỗi cơ sở sản xuất ta cần xây dựng cho đơn vị mình qui trình thực hiện phù hợp. Qui trình may sản phẩm có thể thực hiện theo nhiều dạng khác nhau như: Qui trình may dạng sơ đồ khối, sơ đồ cây, dạng hình, dạng bảng. Trong bài viết này, chúng tôi đề cặp đến phương pháp xây dựng qui trình may sản phẩm quần âu nam cơ bản giúp cho người học hình thành những kiến thức cơ bản về phương pháp xây dựng và lập bảng qui trình may để từ đó xác định được mục tiêu của môn học và thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng qui trình trong quá trình sản xuất may công nghiệp.

Để hiểu rõ về qui trình may một sản phẩm nói chung, chúng ta cần tìm hiểu một số khái niệm, phương pháp xây dựng qui trình may sau đây:


1. Một số khái niệm

- Qui trình: là“Thứ tự, cách thức để thực hiện một công việc cụ thể nhằm đáp ứng mục tiêu đã định”. Qui trình thường được thể hiện bằng văn bản. Như vậy, thông thường các đơn vị phát triển các “Qui trình” nhằm thực hiện và kiểm soát các “Quá trình” của mình. Một qui trình có thể nhằm kiểm soát nhiều quá trình và ngược lại, một quá trình có thể được kiểm soát bằng nhiều qui trình.
- Qui trình may sản phẩm: là bảng liệt kê cách thức thực hiện các bước công việc cần thiết, để may hoàn chỉnh sản phẩm theo một diễn biến hợp lý nhất vớibậc thợ đảm nhiệm,sử dụng trên loại thiết bị dụng cụ và thời gian thực hiện.
2. Phương pháp xây dựng qui trình may
2.1.Cơ sở để xây dựng qui trình may

Muốn xây dựng qui trình may cho bất kỳ một sản phẩm nào thì phải dựa vào ba yếu tố: Sản phẩm mẫu, may chế thử sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong thực tế các doanh nghiệp tổ chức với mô hình sản xuất CMT (Cut - Make –Trim) thường không có đủ ba điều kiện này. Trường hợp không có sản phẩm mẫu cần nghiên cứu kỹ tài liệu kỹ thuật hoặc kết hợp tài liệu kỹ thuật và chế thử sản phẩm để xây dựng qui trình may đảm bảo tính khoa học, hợp lý.

2.1.1. Sản phẩm mẫu: Khi có sản phẩm mẫu đây là yếu tố thuận lợi cho việc liệt kê các bước công việc, hiểu một cách dễ dàng các đường kết cấu trên sản phẩm, qui cách may, phương pháp may… Đặc biệt là qui định về việc sử dụng nguyên phụ liệu.

2.1.2. Chế thử sản phẩm: May chế thử sản phẩm để xác định công đoạn dễ, công đoạn khó,công đoạn nào may trước, may sau. Nghiên cứu chọn phương pháp cách thức may hợp lý, thuận lợi và sơ bộ dự kiến định mức thời gian cho từng công đoạn. Tuy nhiên, để làm được công việc này còn phụ thuộc vào kế hoạch thực hiện của mối đơn hàng (kế hoạch ngắn không đủ thời gian chế thử). Nếu không có điều kiện chế thử sản phẩm cán bộ kỹ thuật phải nghiên cứu kỹ tài liệu kỹ thuật để triển khai nhằm hạn chế xây dựng qui trình thừa hoặc thiếu bước công việc cần thực hiện.

2.1.3.Tài liệu kỹ thuật: Là văn bản pháp lý trong quá trình sản xuất vì vậy cần hiểu rõ các thông tin trong tài liệu.Tài liệu kỹ thuật cho ta biết hình vẽ mô tả, cấu trúc sản phẩm, qui cách đo thông số thành phẩm, số lượng chi tiết, qui cách lắp ráp, các tiêu chuẩn về mũi may, đường may và hướng dẫn sử dụng nguyên phụ liệu và yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm (Phụ lục)
Ngoài ra, trong quá trình phân tích sản phẩm mẫu cũng như tài liệu kỹ thuật thì kinh nghiệm chuyên môn của người xây dựng bảng qui trình rất quan trọng vì nó giúp xử lý công việc nhanh gọn, chính xác.

2.2. Phương pháp xây dựng qui trình may
Phương pháp xây dựng qui trình may thực hiện theo 4 bước sau:

Bước 1: Nghiên cứu sản phẩm mẫu (nếu có), tài liệu mã hàng và chế thử sản phẩm.
Nghiên cứu sản phẩm mẫu, tài liệu kỹ thuật cần phân tích rõ kết cấu sản phẩm, cấu trúc đường may, những nét đặc trưng về hình dáng tổng quát sản phẩm….Phân tích theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, từ mặt trước đến mặt sau của sản phẩm. Nghiên cứu lần lượt từng nội dung theo bản tiêu chuẩn kỹ thuật từ bảng thông số thành phẩm và qui cách đo thông số thành phẩm và thống kê chi tiết, tránh hiện tượng thiếu chi tiết, sai về phương pháp may. Nghiên cứu tiêu chuẩn đường may, hướng dẫn sử dụng nguyên phụ liệu để thực hiện.

Bước 2: Phân tích công đoạn
Để thực hiện may hoàn chỉnh sản phẩm ta thực hiện qua 3 công đoạn: Công đoạn Chuẩn bị - May - Kiểm tra và hoàn thiện sản phẩm.
* Công đoạn chuẩn bị: Phân tíchcác công việcphải làm để chuẩn bị cho công đoạn may theo một trình tự hợp lý.
- Kiểm tra bán thành phẩm: Theo bảng thống kê số lượng chi tiết, chất lượng bán thành phẩm, đầy đủ phụ liệu.
- Làm dấu, vắt sổ các chi tiết: Cụ thể yêu cầu về làm dấu cho từngchi tiết, cụ thể vị trí làm dấu trên chi tiết đó (mặt trái, mặt phải) nhằm thuận lợi cho quá trình gia công may. Những chi tiết cần ép mex, cụ thể loại mex cho từng vị trí (với loại sản phẩm sử dụng nhiều loại mex khác nhau). Là chi tiết, vắt sổ
* Công đoạn may: Căn cứ vào sản phẩm mẫu, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc chế thử sản phẩm để lựa chọn phương pháp xây dựng qui trình may một cách hiệu quả nhất. Xây dựng qui trình may quần âu nam có thể thực hiện theo cách may lần lượt từng cụm chi tiết như: May hoàn chỉnh thân trước, thân sau, lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm.Từ các cụm chi tiết phân tích nhỏ đến từng đường may. 
* Công đoạn kiểm tra và hoàn thiện: Công đoạn này cần kiểm tra thông số tổng thể sản phẩm, dựa vào yêu cầu kỹ thuật chungđể kiểm tra (vì đã có sự kiểm tra công đoạn trong quá trình may).


Bước 3: Xây dựng qui trình may (lập bảng)
- Xây dựng trình tự may các cụm chi tiết
- Phân tích nhỏ các cụm chi tiết theo các nội dung sau:

 
Khi lập bảng qui trình may cần thể hiện rõ:
- Nội dung công việc : liệt kê các bước công việc cần thiết để may hoàn chỉnh sản phẩm theo một diễn biến hợp lý nhất.
- Thiết bị: căn cứ vào phương pháp thực hiện các bước công việc liệt kê các loại thiết bị, cữ, dưỡng cần sử dụng...
- Thời gian: thời gian may thực tế của từng bước công việc cộng phần trăm hao phí.

Bước 4: Kiểm tra
- Đúng, đủ các bước công việc may hoàn chỉnh sản phẩm.
- Đảm bảo đúng qui trình, rõ ràng, chính xác.
Sau khi thực hiệncác bước xây dựng qui trình may sản phẩmtrên, ta lập được bảng qui trình may quần âu nam...mã...như sau:

 

Trên đây là phương pháp xây dựng qui trình may sản phẩm nói chung và quần âu nam ...mã... nói riêng,muốn xây dựng được qui trình may cho tất cả các loại sản phẩm, cần phải nắm vững các yêu cầu sau: Khai thác triệt để cơ sở sẵn có, trình tự thực hiện các bước, phương pháp tiến hành. Từ phương pháp xây dựng qui trình may trên, sinh viên có thể xây dựng được qui trình may của các loại sản phẩm khác nhau. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng, thực hiện qui trình may sản phẩm là công việc không thể thiếu đối với người thực hiện khi may sản phẩm hay triển khai dây chuyền sản xuất để đạt được năng suất cũng như chất lượng cao nhất.

Hy vọng rằng bài viết trên giúp các em sinh viên ngành Công nghệ may hiểu rõ hơn về phương pháp xây dựng qui trình may một sản phẩm theo dạng bảng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong học tập cũng như thực tập sản xuất công nghiệp.

PHỤ LỤC
 
 Người viết 
 Th.s  Dương Thị Tâm
Trung tâm thực hành may
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 35 Tổng truy cập: 18.720.131