Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

QUY TRÌNH MAY MẪU ĐỐI TRONG SẢN XUẤT MAY CÔNG NGHIỆP

Ngày đăng: 04:30 - 15/10/2019 Lượt xem: 33.092
Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong may công nghiệp là năng suất và chất lượng sản phẩm và là mục tiêu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng hướng tới.  Do vậy, may mẫu đối là một khâu quan trọng trong quy trình sản xuất may công nghiệp. Chính vì lẽ đó việc xây dựng qui trình may mẫu đối trong mô hình sản xuất gia công sản phẩm may công nghiệp (CMT) rất cần thiết, bài viết này tác giả xin giới thiệu đến sinh viên ngành Công nghệ may giúp các em hiểu rõ mục đích, tầm quan trọng trong may mẫu đối trong sản xuất may công nghiệp.

1. Khái niệm, mục đích, tầm quan trọng của may mẫu đối
    1.1. Khái niệm
            May mẫu đối là quá trình nghiên cứu may hoàn chỉnh một sản phẩm để hiểu, nắm chắc về: kết cấu sản phẩm, tính chất nguyên phụ liệu, yêu cầu kỹ thuật, quy trình may sản phẩm, thao tác, thiết bị cữ dưỡng…sử dụng trong quá trình triển khai sản xuất trong doanh nghiệp.
1.2. Mục đích may mẫu đối
             Nhằm thống nhất bước đầu với khách hàng về quy trình gia công và các yêu cầu mỹ thuật, kỹ thuật trước khi sản xuất đồng loạt mã hàng.
       1.3. Tầm quan trọng của may mẫu đối
 1.3.1. Đối với khách hàng
- Khẳng định niềm tin với đơn vị liên kết gia công sản phẩm
- Thống nhất với đơn vị liên kết về các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật trong gia công sản phẩm.
 1.3.2. Đối với doanh nghiệp
- Khẳng định năng lực gia công sản xuất mã hàng với khách hàng
- Nắm bắt được các tính chất nguyên phụ liệu và các yếu tố ảnh hưởng của nguyên phụ liệu đến năng suất, chất lượng sản phẩm;
- Nắm được quy trình gia công sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và các yếu tố, điều kiện ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm;
- Dự kiến được thiết bị và cữ dưỡng tối ưu để gia công sản phẩm;
- Phân công công việc sản xuất, gia công sản phẩm phù hợp với năng lực các bộ phận.

2. Điều kiện may mẫu đối
 Để triển khai may mẫu đối đảm bảo kế hoạch, năng suất và chất lượng, cần những điều kiện sau:
- Tài liệu kỹ thuật khách hàng
- Mẫu paton, sản phẩm mẫu (nếu có), bảng màu
- Nguyên phụ liệu đầy đủ, đồng bộ, đúng yêu cầu của mã hàng
- Thiết bị may đáp ứng được phương pháp gia công và yêu cầu kỹ thuật của mã hàng.

3. Quy trình may mẫu đối
3.1. Nghiên cứu sản phẩm mẫu
   Nghiên cứu đặc điểm kết cấu sản phẩm, yêu cầu kỹ thuật, quy trình lắp ráp sản phẩm. Nghiên cứu phương pháp gia công các chi tiết của sản phẩm. Vận dụng các kinh nghiệm chuyên môn để xác định độ ăn khớp giữa các chi tiết, nắm vững quy trình lắp ráp từ đó nghiên cứu phương pháp lắp ráp một cách tiên tiến nhất nhằm giảm thiểu vật tư, nguyên liệu và thời gian chế tạo sản phẩm;
So sánh điểm giống, khác nhau giữa sản phẩm mẫu, tài liệu kỹ thuật, mẫu paton giúp quá trình may mẫu đạt hiệu quả;

Nắm rõ được yêu cầu về thiết bị gia công và hoàn thiện sản phẩm, so sánh với điều kiện doanh nghiệp. Căn cứ vào sản phẩm mẫu để xây dựng trình tự may và dự kiến được thiết bị gia công, hoàn thiện sản phẩm tối ưu.
    3.2. Nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật
- Nghiên cứu thông số, vị trí đo các chi tiết chính, chi tiết phụ, độ dung sai cho phép của từng bộ phận
  - Nghiên cứu nguyên phụ liệu

Nắm vững tính chất cơ lý của nguyên phụ liệu: Nguyên liệu (tên, đặc điểm, chủng loại chính, lót…).  Phụ liệu (chủng loại chỉ, khóa, dựng…). Đặc điểm cấu tạo, tính chất, thành phần nguyên liệu: Màu sắc, độ xơ vải, độ dày, mỏng, trơn, đàn hồi…

Ví dụ: Vải thô cứng: thường có độ co lớn, dày, mặt vải dễ vỡ, dễ bị hỏng, khi may dễ gãy kim…Vải lụa: xơ xỏa nhiều….

Để đảm bảo chính xác nguyên phụ liệu sử dụng trong các mã hàng, khi nhận nguyên phụ liệu căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật và bảng màu (nếu có), nhận đủ số lượng, đúng màu, đúng chủng loại: Chỉ, mex, mác, khóa….

Dựa vào nội dung nghiên cứu sản phẩm mẫu, tiêu chuẩn kỹ thuật của khách hàng, xây dựng bảng thống kê chi tiết như sau:
Bảng thống kê chi tiết, phụ liệu
TT Tên chi tiết Số lượng chi tiết Ghi chú TT Tên chi tiết Số lượng chi tiết Ghi chú
A Vải chính …..   C Vải lót    
  ….. …..     ….. ….. …..
B Vải phối     D Phụ liệu    

Bảng thống kê chi tiết thể hiện đầy đủ: tên chi tiết thống kê theo thứ tự chi tiết lớn trước, nhỏ sau, thống kê lần lượt hết chi tiết chính, phối sang chi tiết lót, phụ liệu. Số lượng chi tiết rõ ràng.
  
3.3. Nghiên cứu, kiểm tra các điều kiện khác

  -  Nhận đầy đủ tài liệu kỹ thuật sản phẩm mẫu, bảng màu;
  - Kiểm tra các thiết bị gia công sản phẩm;
   - Nghiên cứu bổ sung các loại cữ, gá, chân vịt, thiết bị nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm;
   - Nghiên cứu thông số mẫu paton, kiểm tra lại toàn bộ về quy cách may sản phẩm, kí hiệu, số lượng chi tiết. Kiểm tra khớp với bản thông số thành phẩm và độ co nguyên liệu, độ xơ vải, đường gấp dư công nghệ;
    - Kiểm tra vị trí in thêu, túi…so với sản phẩm mẫu.
3.4. Xây dựng trình tự may, dự kiến thiết bị gia công sản phẩm (lập bảng)
Thông qua việc nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, sản phẩm mẫu, xây dựng trình tự may cho từng bộ phận của sản phẩm hợp lý, khoa học nhất, rút ngắn thời gian, tăng năng suất đảm bảo kế hoạch thực hiện.
Dựa vào sản phẩm mẫu và tài liệu kỹ thuật chuẩn bị các thiết bị cần thiết để gia công và hoàn thiện sản phẩm tối ưu. (lập bảng)
Bảng trình tự may sản phẩm….
TT Nội dung Thiết bị Ghi chú
       
Khi lập bảng trình tự may cần thể hiện rõ:
           - Nội dung công việc: liệt kê các bước công việc cần thiết để may hoàn chỉnh sản phẩm theo một diễn biến hợp lý nhất.
          - Thiết bị: căn cứ vào phương pháp thực hiện các bước công việc liệt kê các loại thiết bị, cữ, dưỡng cần sử dụng.


3.5. Cắt bán thành phẩm, làm dấu
Thực hiện cắt bán thành phẩm đầy đủ chi tiết, trước khi cắt lưu ý: Xác định đúng vải chính, vải lót, vải phối. Kiểm tra độ co vải, chất lượng vải (loang màu, lỗi sợi, bẩn ….).

Trước khi cắt, kiểm tra các chi tiết đảm bảo đúng canh vải, đủ số lượng, đúng chiều chi tiết, dư đường may các chi tiết đúng quy định, sau đó cắt chính xác theo đường làm dấu.
Cắt xong dùng mẫu paton làm dấu các vị trí theo mẫu trên từng chi tiết, đường làm dấu chính xác, đảm bảo vệ sinh công nghiệp.

3.6. May mẫu
Khi thực hiện may mẫu căn cứ vào chất liệu vải, lựa chọn chi số kim phù hợp tránh vỡ mặt vải, để lại lỗ chân kim khi may. Sử dụng nguyên phụ liệu, thiết bị đúng theo yêu cầu của khách hàng (nếu có vướng mắc trao đổi thống nhất với khách hàng về thiết bị gia công)

May theo trình tự đã lập trước, may các chi tiết độc lập. May xong bộ phận nào kiểm tra bộ phận đó theo tiêu chuẩn kỹ thuật. May xong các bộ phận độc lập tiến hành lắp ráp, may hoàn chỉnh sản phẩm. Sử dụng hợp lý các cữ gá, máy chuyên dùng, may đúng đường thiết kế, đúng thông số và yêu cầu kỹ thuật ghi trên mẫu. Trong quá trình may mẫu vận dụng những kinh nghiệm (kiến thức về công nghệ may, tìm các thao tác may phù hợp với từng chất liệu vải, kết cấu của các chi tiết trên sản phẩm).

Thùa khuy, đính cúc (nếu có): Trước khi thùa khuy, đính cúc kiểm tra máy thùa, chỉnh chiều dài khuyết đúng thông số, phù hợp với đường kính cúc, cúc đính chắc chắn, hoàn thiện sản phẩm theo đúng yêu cầu khách hàng.

Vệ sinh sạch đầu chỉ, xơ vải, dấu phấn. Là hoàn thiện sản phẩm, tránh bóng vải, cháy sản phẩm.

3.7. Giám sát quá trình chế thử, kiểm tra và nhận xét mẫu

Đối với sản phẩm có chi tiết kết cấu phức tạp hoặc có chất liệu đặc biệt như vải chảy, vải co giãn…Trong quá trình may mẫu có sử dụng thiết bị cữ, gá lắp, phải theo dõi quá trình may mẫu để xem xét và điều chỉnh mẫu, lưu ý thao tác may để điều chỉnh cho phù hợp.

Khi có nhận xét mẫu và những yêu cầu của khách hàng phải kết hợp với kết quả kiểm tra thử sản phẩm và độ co giãn vải khi là, ép, giặt để điều chỉnh lại mẫu giấy.

3.8. Tổng hợp phát sinh và điều chỉnh mẫu (nếu có)
Sau khi may mẫu xong, tổng hợp các phát sinh, thông báo với khách hàng hoặc bộ phận giác sơ đồ xem xét và điều chỉnh mẫu cho phù hợp.
Hoàn thiện sản phẩm thực hiện kiểm tra thông số, quy cách may, yêu cầu kỹ thuật so sánh với bản tiêu chuẩn kỹ thuật của khách hàng và sản phẩm mẫu nếu đạt yêu cầu chuyển sản phẩm cho khách hàng đánh giá chất lượng.

4. Quy trình may mẫu đối quần âu mã TEXTILE 32S16 (phụ lục)

Dựa vào quy trình may mẫu đối trên, ta thực hiện qui trình may mẫu đối quần âu mã TEXTILE 32S16 như sau:

Căn cứ vào tài liệu kỹ thuật, nghiên cứu đặc điểm kết cấu sản phẩm, thông số thành phẩm. Bảng thông số thành phẩm là căn cứ kiểm tra mẫu bán thành phẩm, kiểm tra độ co nguyên liệu trước, sau khi may. Nghiên cứu bảng thống kê nguyên phụ liệu, kiểm tra nguyên phụ liệu đầy đủ và đúng với bảng màu của mã hàng, thực hiện quy trình may mẫu theo các bước sau:
Bước 1. Nghiên cứu sản phẩm
 Sản phẩm mẫu mã hàng TEXTILE 32S16 có kết cấu, quy cách, thông số, phương pháp may, nguyên phụ liệu trùng khớp với paton, tiêu chuyển kỹ thuật của khách hàng.


Bước 2. Nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật
   - Quần âu nữ thân trước túi chéo có khóa kiểu dọc lật
   - Cạp rời có chun hai bên sườn, đầu cạp vuông
   - Cửa quần may khóa – Kiểu đáp rời
   - Thân sau có hai túi hậu hai viền
 
Bảng 1: Thống kê chi tiết, phụ liệu.
 
TT Tên chi tiết Số lượng chi tiết Ghi chú TT Tên chi tiết Số lượng chi tiết Ghi chú
A Vải chính màu đen     D Phụ liệu    
1 Thân trước 02 Vải dán 2 lớp 13 Bên trong moi trái 1 Mex 630 đen
2 Thân sau 02 14 Mex cạp 1  
3 Viền túi hậu 01 15 Cạp ngoài, 1 Mex Xa90225  màu xám
4 Đáp túi hậu 02 16 Cơi túi 2  
5 Đáp túi chéo 04 17 Túi chéo 2  
6 Cạp 02 18 Bên trong đáp moi 1  
7 Đáp moi 01 Vải không dán 19 Chun sườn 2  
8 Đáp khóa 01 20 Khóa 3  
9 Dây bắt xăng 05 21 Mác chính gồm cỡ 1  
B Vải phối     22 Mác kẹp 1  
10 Cơi túi sau 02 Vải phối màu cafe 23 Mác giặt 1  
C Vải lót     24 Giấy chống ẩm 1  
11 Lót túi hậu 01 Vải lót tricod 25 Túi nilon 1  
12 Lót túi chéo 02 26 Thẻ bài 1  

Lưu ý: NPL chính xác, khớp với tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu gốc của khách hàng
Bước 3. Nghiên cứu, kiểm tra điều kiện khác
Căn cứ vào bản tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc điểm sản phẩm mẫu, nguyên phụ liệu mã hàng quần TEXTILE 32S16 cần các thiết bị (bảng 2):
  • Kiểm tra mẫu paton
 Nghiên cứu mẫu paton mã hàng TEXTILE 32S16 đầy đủ các chi tiết như mẫu thành phẩm, mẫu bán thành phẩm. Trên mẫu biểu hiện đầy đủ quy cách đường may, canh sợi, vị trí đo thông số. Vị trí túi, chiết, vị trí thêu thân trước…trên các chi tiết mẫu paton khớp với kết cấu của sản phẩm và bảng đo thông số.
Bước 4. Xây dựng trình tự may, dự kiến thiết bị gia công sản phẩm

Bảng 2: Trình tự may mã hàng TEXTILE 32S16
TT Nội dung Thiết bị Ghi chú TT Nội dung Thiết bị Ghi chú
* Ép mex, làm dấu     12 May đũng quần Máy 1 kim  
1 Ép mex cạp, đáp khóa, viền túi Bàn là nhiệt   13 Vắt sổ đũng quần Máy vắt sổ 3 chỉ  
2 Làm dấu     14 Mí diễu đũng Máy 2 kim  
* May     15 Chắp dàng Máy 1 kim + cữ chắp dàng  
3 Vắt sổ cửa quần thân trước, đáp khóa, đáp túi Máy vắt sổ 3 chỉ   16 Vắt sổ dàng quần Máy vắt sổ 3 chỉ  
4 May chiết Máy 1 kim   17 May dây BX Máy may dây BX  
5 May túi thân sau hoàn chỉnh Máy bổ túi tự động + máy 1 kim   18 May cạp hoàn chỉnh Máy 1 kim  
6 Can dọc thân trước Máy 1 kim+ cữ chắp dọc   19 May gấu Máy 1 kim + dưỡng  
7 May túi khóa dọc thân trước Máy 1 kim + dưỡng   20 Thùa khuy, đính cúc Máy thùa khuy, đính cúc  
8 May khóa cửa quần Máy 1 kim   * Hoàn thiện    
9 May chắp dọc Máy 1 kim + cữ chắp dọc   21 VSCN    
10 Vắt sổ dọc quần Máy vắt sổ 3 chỉ   22 Là, hoàn thiện sản phẩm Bàn là hơi  
11 Mí diễu dọc Máy 2 kim          

Bước 5. Cắt bán thành phẩm, làm dấu
Kiểm tra chất lượng vải chính, vải lót mã hàng TEXTILE 32S16 không loang màu, lỗi sợi, vải bẩn khi vận chuyển. Thực hiện cắt bán thành phẩm theo mẫu, loại nguyên liệu. Sau khi cắt sắp xếp bán thành phẩm theo cụm bộ phận khi làm dấu:
- Vải chính dán 2 lớp: thân sau, thân trước, đáp túi chéo, đáp túi hậu;
- Vải chính 1 lớp: đáp khóa, đáp moi, dây băt xăng;
- Vải phối: cơi túi sau;
- Vải lót: lót túi chéo, lót túi hậu;
- Dựng mex: cạp, cơi túi hậu, đáp moi, đáp khóa            .

Bước 6. May mẫu
Thực hiện may mẫu theo trình tự đã xây dựng và thiết bị (bảng 2). Sử dụng phụ liệu theo tài liệu kỹ thuật, bảng màu chỉ định
May các bộ phận túi, khóa cửa quần moi rời trước sau đó tiến hành lắp ráp sản phẩm như: lắp ráp cụm thân trước, thân sau, cạp. Kiểm tra kỹ thông số Dq, Vb, Vm…., chất lượng trước, trong và sau khi may
Thùa khuy: Theo cỡ cúc, khuyết thùa nổi bờ mũi chỉ dày 142 mũi/khuyết
Đinh cúc dấu “X” chữ xuôi theo chiều quần
Phương pháp là: Là chi tiết à hoàn thiện sản phẩm
          Thông số ép dựng mex: T = 1600, P = 3.5kg, t = 3.2’.

Bước 7. Giám sát quá trình chế thử, kiểm tra và nhận xét mẫu

Bảng 3: Thông số quần âu nữ (Đơn vị tính: inch)
Chi tiết Mẫu giấy (gốc trước khi may) Sản phẩm (sau khi may mẫu) Chi tiết Mẫu giấy (gốc trước khi may) Sản phẩm (sau khi may mẫu)
M Dung sai M Dung sai M Dung sai M Dung sai
Cạp đo êm 28-3/4" ±3/4" 28-1/2" ±1/2" Đũng trước gồm cạp 9-3/4" ±3/4" 9-1/2" ±1/4"
Dưới cạp đo êm 31-3/4" ±3/4" 31-1/2" ±1/2" Đũng sau gồm cạp 14-3/4" ±3/4" 14-3/4" ±1/4"
Cao cạp 1-3/4" ±3/4" 1-1/2" ±1/8" Dài quần 39-3/4" ±3/4" 39-1/2" ±1/2"
V. mông cạp xuống 6-1/2" 38-3/4" ±3/4" 38-1/2" ±1/2" Gấu 1/2 5-3/4" ±3/4" 5-3/4" ±1/4"
V.đùi đũng xuống 1" 11- 1/2" ±1/2" 11" ±1/4"          

Sau khi may mẫu, hoàn thiện sản phẩm, kiểm tra so sánh với tiêu chuẩn kỹ thuật, bảng màu, mẫu gốc, sản phẩm mẫu trước và sau khi may, kiểm tra độ co giãn vải khi là, ép, độ nhăn đường may. Ta thấy mã hàng TEXTILE 32S16 đạt yêu cầu, các thông số nằm trong phạm vi dung sai cho phép à thực hiện đối mẫu với khách hàng.         

Bước 8. Tổng hợp phát sinh và điều chỉnh mẫu (nếu có)
Sau khi may mẫu mã hàng TEXTILE 32S16 cần chỉnh sửa theo comment khách hàng gửi (phụ lục).          
Trên đây là quy trình may mẫu đối sản phẩm quần âu nữ mã TEXTILE 32S16, từ sản phẩm trên các em có thể thực hiện may mẫu đối các loại sản phẩm khác nhau. Khi may mẫu phải thực hiện theo một quy trình, thao tác hợp lý để sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật, tạo niềm tin cho khách hàng. Từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng và giảm thời gian chế tạo sản phẩm. Đây là mục tiêu quan trọng, cần thiết cho sinh viên, giúp các em sinh viên ngành Công nghệ may hiểu rõ về quy trình may mẫu đối và thực hiện đúng quy trình, kỹ năng cơ bản, cốt lõi ngay từ những buổi học đầu tiên của học phần may mẫu đối.
                                                                                            Người viết
                                                                                   Th.s Đặng Thị Đan
                                                                                  Trung tâm thực hành may

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 183 Tổng truy cập: 33.348.282