Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

Tầm quan trọng khi thực hiện các thao tác cơ bản của sinh viên ngành may

Ngày đăng: 09:22 - 26/03/2019 Lượt xem: 8.981
Trong các Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp may nói riêng thì năng suất chất lượng của sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Một trong các yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng đó là các thao tác chuẩn. Để có các thao tác chuẩn thì ngay từ ban đầu sinh viên ngành Công nghệ may phải nắm được các thao tác cơ bản, hiểu được tầm quan trọng củaviệc thực hiện những thao tác cơ bản là một vấn đề rất cần thiết. Bởi những thao tác cơ bản ban đầu không chính xác sẽ dẫn đến những thao tác thừa, làm giảm năng suất và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hơn thế nữa sẽ tạo thành thói quen. Việc thực hiện đúng các thao tác cơ bản ngay khi bắt đầu tiếp cận với kỹ năng thực hành may, trang bị cho sinh viên nền tảng cốt lõi ban đầu.
 
Bài viết sau đây đề cặp về tầm quan trọng các thao tác cơ bản dành cho sinh viên ngành Công nghệ may.
 
1 Khái niệm về thao tác
- Thao tác là hành động của con người nói chung, nhưng trong hoạt động sản xuất thì thao tác là tác động vào đối tượng để tạo thành một sản phẩm có thể sử dụng được.
- Thao tác là trình tự thực hiện công việc bao gồm tổng hợp các động tác được tạo nên bởi các cử động và các bước thực hiện công việc.
- Thao tác lao động là những nội dung công việc thực hiện trong mỗi bước công việc. Thao tác là tổng hợp hoàn chỉnh các hoạt động nhằm mục đích nhất định. Nhờ việc xác định thao tác ta có thể phân tích, xác định hợp lý quá trình làm việc đảm bảo không có thao tác thừa, trùng lặp gây tổn thất tăng thêm thời gian hoàn thành công việc.
 
2. Một số thao tác cơ bản
Trong quá trình gia công may để hoàn thiện sản phẩm, việc thực hiện các thao tác cơ bản như: làm dấu, may, cạo bẻ và thao tác sửa lộn các chi tiết…
2.1. Thao tác làm dấu:
Để may hoàn chỉnh một công đoạn, bộ phận hoặc hoàn chỉnh một sản phẩm đảm bảo đúng hình dáng, thông số thì trước khi may tiến hành làm dấu. Đây là công việc đầu tiên chuẩn bị cho việc thực hiện may lắp ráp sản phẩm. Một số phương pháp như: làm dấu bằng phấn, bằng dùi hay… Trong đó phương pháp làm dấu bằng phấn được sử dụng thường xuyên dành cho người bắt đầu luyện tập hình thành kỹ năng cơ bản.
- Làm dấu được sử dụng ở các vị trí cần độ chính xác về thông số và đúng dáng sau khi may lộn. 
+ Đối với áo sơ mi, áo jackét thường được sang dấu tại các chi tiết may lộn chi tiết cổ áo, bác tay, nắp túi, nẹp áo, vị trí may túi, mác …. 
+ Với quần âu dang dấu các vị trí ly, túi hậu, túi chéo…
- Khi sử dụng phấn sang dấu cạnh phấn phải nhỏ gọn, các chi tiết cần làm dấu phải được trải phẳng, các cạnh của chi tiết cần độ chính xác đặt phía trên thuận tiện cho việc đưa phấn vào sát cạnh mẫu. Nếu sang dấu không chính xác (nét phấn to, nét phấn gẫy, không sát mẫu) dẫn đến khi may các chi tiết sai thông số, sai dáng. 
- Trình tự thực hiện làm dấu chi tiết:
Bước 1. Xác định mặt vải cần sang dấu, đặt chi tiết cần làm dấu lên mặt bàn
Bước 2. Đặt mẫu lên chi tiết, đúng chiều và hướng theo yêu cầu. 
Bước 3. Dùng phấn làm dấu các vị trí theo mẫu sang dấu lần lượt từ trái qua phải, từ trong ra ngoài.
Ví dụ: Làm dấu thân trước áo sơ mi (hình 1)
Bước 1. Để thân trước áo lên mặt bàn, mặt phải lên trên sao cho nẹp áo song song với mặt bàn.
Bước 2.  Đặt mẫu lên mặt phải thân áo, chỉnh cho mẫu trùng với thân áo.
Bước 3. Dùng phấn vẽ vào các đường trổ trên mẫu để lấy dấu vị trí may túi, nắp túi, nẹp áo từ trái qua phải từ trong ra ngoài.
 
 

 
2.2. Thao tác may:
Đây là các hoạt động thực hiện các thao tác của người thợ kết hợp với thiết bị may (máy may) để lắp ráp các chi tiết hoặc hoàn thiện các cụm chi tiết.
Bước 1. Lấy và đưa bán thành phẩm vào máy tùy theo công đoạn để lấy chi tiết: chi tiết bán thành phẩm tại các vị trí được bố trí thuận lợi để thao tác lấy dễ dàng và rút ngắn thời gian khi đưa bán thành phẩm đến chân vịt để may như các chi tiết nắp túi, cơi túi lót túi được để trên mặt bàn máy, lấy chi tiết bằng một tay, hai tay (cùng lúc hay tuần tự) để giảm các thao tác thừa và tiết kiệm được thời gian khi may (Hình 2)
Bước 2. Đưa bán thành phẩm vào may: để cần giật chỉ ở vị trí cao nhất, đưa sản phẩm vào giữa chân vịt và răng cưa, cắm kim định vị đường may. Hạ chân vịt, tiến hành may (Hình 3)
Bước 3. Căn mép vải thẳng, cách đều cạnh chân vịt bên phải một khoảng tùy theo quy cách đường cần may, đầu và cuối đường may lại mũi 3 lần chỉ trùng khít (Hình 4)
 
 
2.3. Thao tác sửa các chi tiết:
 Để tạo ra một sản phẩm đẹp đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật thì ngoài việc làm dấu chính xác, may đúng phương pháp… thì việc sửa các chi tiết cũng đảm bảo theo từng yêu cầu của bộ phận. 
- Chi tiết nhỏ thì cầm trên tay để sửa, đầu góc nhọn (Hình 5) , hình cong lồi (Hình 6) sửa cách đường may từ 0,2 - 0,3 cm tùy theo từng loại vải (Vải xơ ít hay xơ nhiều). Đường cong lõm có thể bấm nhả chéo 450 cách đường may 0,2 cm. Góc vuông chất liệu vải dày sửa vát góc lá lót.
- Chi tiết lớn: đặt chi tiết phẳng trên mặt bàn tay trái giữ chi tiết, tay phải cầm kéo để sửa.
- Cách cầm kéo: lưỡi kéo có đầu vát to ở trên, lưỡi kéo có đầu thon, nhọn ở dưới tì sát mặt bàn để khi cắt lách mũi kéo dưới lớp vải dễ dàng không làm xô lệch các lớp vải, tùy đường cắt ngắn hay dài, thẳng hay cong khi cắt, mở hai lưỡi kéo vừa tầm, điều khiển cho lưỡi kéo bám sát đường phấn thiết kế, các nhát cắt nối tiếp nhau, đường cắt đều, gọn, không bị răng cưa.
- Sửa chi tiết không đúng theo yêu cầu sẽ dẫn đến các lỗi sai dáng chi tiết, với chất liệu vải mỏng, sáng màu sẽ bị ánh màu đường may.
- Sửa chi tiết thường được ứng dụng sửa góc cổ, nắp túi, bác tay, vòng nách.
 
 
2.4. Thao tác cạo các chi tiết: Tùy theo yêu cầu của các bộ phận mà sử dụng phương pháp cạo khác nhau và thao tác cạo gồm cạo rẽ và cạo lật.
- Cạo rẽ: để đường may song song mép bàn, tay trái giữ sản phẩm, ngón cái tay phải cạo rẽ đường may theo hướng từ trái sang phải (Hình 7)
- Cạo lật: mặt phải sản phẩm để trên, đường may cần cạo song song mép bàn, lật 2 mép vải về 1 phía, tay trái giữ sản phẩm, ngón cái tay phải cạo sát đường may theo hướng từ trái sang phải (Hình 8)
- Ứng dụng: cạo rẽ các đường may chắp dọc quần, dàng quần, sườn áo. Cạo lật sống cổ, bác tay.
 

 
 - Đối với góc vuông: đưa ngón tay trỏ của tay trái vào giữa hai lớp vải, tay phải gấp các mép vải về phía lá lót chi tiết, ngón cái giữ chắc mép gấp lộn ra mặt phải (Hình 9)
- Đối với góc nhọn: đặt chỉ lộn đầu góc nhọn, khi lộn cầm đầu dây chỉ kéo lộn góc theo chiều dọc vải hoặc theo đường phân giác của góc đó (Hình 10)
- Đối với đường lộn hình cong lồi/lõm: đưa ngón cái tay trái vào giữa 2 lớp vải, cạo sát đường may tại góc tròn của chi tiết. Dùng ngón tay trỏ lật đường may về mặt trái lá lót, ngón cái giữ chắc chi tiết lộn ra mặt phải (Hình 11)
- Khi lộn chi tiết không thực hiện theo đúng yêu cầu thì sẽ dẫn đến các lỗi góc chi tiết không thoát, sai dáng.
- Ứng dụng lộn góc bản cổ, nắp túi, bác tay….
 
 
Người viết
Th.s Nguyễn Thị Thơm
Trung tâm thực hành may
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 605 Tổng truy cập: 33.349.811