Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

Trung tâm THM tổ chức du xuân đầu năm Mậu Tuất

Ngày đăng: 02:38 - 23/03/2018 Lượt xem: 962
Nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất, ngày 27/2/2018 Trung tâm Thực hành may đã tổ chức chuyến du xuân cho toàn thể cán bộ, giảng viên của Trung tâm tại ba địa điểm rất có ý nghĩa là: Đền Cửa Ông thuộc phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; Đền Cặp Tiên nằm ở xã Đông Xá, huyện đảo Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Ninh và Chùa Ba Vàng thuộc Thành phố Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh.
 
Xe xuất phát tại Trường vào lúc 4h30 sáng đưa 38 thành viên trong đoàn đến địa điểm đầu tiên là Đền Cửa Ông. Đền Cửa Ông, nơi thờ các vị tướng nhà Trần đã có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông. Đây là đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Quốc Tuấn và các cận thần của ông còn lại đến ngày nay với 34 pho tượng lớn nhỏ được chạm trổ công phu tỉ mỉ, có giá trị nghệ thuật cao. Đền Cửa Ông đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích thắng cảnh. Đền Cửa Ông được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 gồm 3 khu vực chính: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Đền chính lúc đầu thờ Hoàng Cần, người anh hùng đia phương, sau thờ Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Trần Quốc Tuấn, có công trấn ải vùng Cửa Suốt. Đền Cửa Ông nằm trên một ngọn núi thấp nhìn thẳng ra biển, cảnh quan rất ngoạn mục có thể thu vào trong tầm mắt toàn bộ cảnh đẹp của vùng than Cẩm Phả và Vịnh Bái Tử Long. Từ lâu, đền Cửa ông đã nổi tiếng linh thiêng không chỉ đối với nhân dânQuảng Ninh, mà nhân dân các tỉnh trong nước cũng tìm đến dâng hương, trẩy hội.
 

Toàn cảnh Đền CửaÔng hiện nay

 
Sau khi dâng hương làm lễ và tham quan Đền Cửa Ông, đoàn tiếp tục hành trình với điểm đến tiếp theo là Đền Cặp Tiên nằm ở xã Đông Xá, huyện đảo Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Ninh.  Đền Cặp Tiên thờ Cô Bé Cửa Suốt và Quan Chánh - Một vị quan có công với dân vùng này và có công tu bổ ngôi đền. Đền Cặp Tiên trước đây chỉ là một ngôi đền nhỏ chỉ có 1 gian thờ nằm trên chân đồi và nhìn ra biển. Ngôi đền có từ rất lâu, nhưng chính xác vào thời nào thì chưa rõ. Ngày nay Đền Cặp Tiên đã được tu bổ trở thành một địa điểm tâm linh linh thiêng với nhiều kiến trúc độc đáo. Đền Cô Bé Cửa Suốt tựa lựng vào một ngọn núi đá và nhìn ra biển xanh. Đây được coi là một vị trí đắc địa, sơn thủy hữu tình tạo nên một không gian yên tĩnh, thơ mộng và linh thiêng. Tương truyền Đền Cặp Tiên thờ vị tiểu thư là con Trần Quốc Tảng nên có tên gọi là “Đền Cô bé cửa suốt”. Sau này, vào thời Nguyễn một ông quan chánh đã được nhân dân địa phương tôn làm hậu thần và thờ tại đền nên xưa kia Đền còn có tên là Đền Quán Chánh. Sau khi được triều đình cử về đây trông coi ở vùng này, ông đã làm được nhiều việc có ích cho dân, chăm lo đời sống nhân dân, giúp dân an cư lạc nghiệp và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, ông còn là người đứng ra góp công, góp của và huy động nhân dân trùng tu, sửa sang lại ngôi đền. Để ghi nhớ ơn đức của ông, sau khi ông qua đời, nhân dân đã phối thờ ông tại đền.Đền Cặp Tiên có cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình, xưa kia đây là nơi có hai vị Tiên ông thường xuống ngắm cảnh và chơi cờ, đi theo phục vụ là hai nàng tiên cô rất xinh đẹp, hai nàng tiên thường xuống giếng ở chân núi lấy nước về đun pha trà cho các tiên ông.
 
 Toàn cảnh Đền Cặp Tiên hiện nay
 
14h00: Xe tiếp tục khởi hành đến với ngôi chùa rất nổi tiếng và được nhiều người trong và ngoài nước chú ý ở Quảng Ninh hiện nay, đó là Chùa Ba Vàng, ngôi chùa có chính điện lớn nhất Việt Nam, ngôi chùa này được Đại Thiền Sư Tuệ Bích xây dựng lần đâu tiên vào năm 1706 nhằm kéo dài dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nhưng sauđó ngôi chùa này bị vùi lấp trong các cuộc chiến tranh thời phong kiến. Năm 2007, nhờ sự trợ giúp của Đại đức Thích, Trúc Thái Minh cùng lòng hảo tâm của các tăng ni phật tử và chính quyền nên ngôi chùa đã được khởi công xây dựng lại. Đến ngày 9/3/2014 thì ngôi chùa Ba Vàng mới đã khánh thành với sự có mặt của nhiều tăng ni phật tử ở khắp cả nước. 
 
Toàn cảnh chùa Ba Vàng hiện nay
 
Sau trọn một ngày cùng nhau du xuân, thưởng ngoạn, chuyến tham quan của Trung tâm Thực hành may đã kết thúc. Dù có chút mệt nhưng chuyến đi đã mang lại sự hào hứng, phấn khởi, thoải mái và một niềm vui trọn vẹn đầu năm mới cho cả đoàn. Thông qua hoạt động du xuân đã giúp cho tập thể giáo viên trong trung tâm có thêm những kiến thức thực tiễn về lịch sử văn hóa của các địa danh nổi tiếng, đồng thời cũng tạo điều kiện để các cán bộ, giảng viên trong Trung tâm có dịp gặp gỡ giao lưu với nhau nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết, tạo thêm niềm phấn khởi, khích lệ tinh thần làm việc cho một năm công tác với nhiều nhiệm vụ quan trọng. 
 
Một số hình ảnh trong chuyến du xuân đầu năm Mậu Tuất của Trung tâm:
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 307 Tổng truy cập: 33.356.194