Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

ỨNG DỤNG MÔ HÌNH LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC TRONG GIẢNG DẠY HỌC PHẦN KTM1

Ngày đăng: 02:15 - 01/07/2022 Lượt xem: 2.710
Tác giả: Ths. Phạm Thị Hương
Đơn vị: TTTHM
1. Đặt vấn đề
 Hiện nay, việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong các môn thực hành may luôn được quan tâm và thực hiện theo từng kỳ học. Tuy nhiên vẫn thực hiện theo trình tự: Hướng dẫn mở đầu giảng viên giảng bài mới, sinh viên nghe giảng, quan sát, mất nhiều thời gian. Tiến trình học theo một trình tự lặp đi lặp lại chưa tạo hứng thú cho sinh viên, nhất là đối với sinh viên đại học đòi hỏi tư duy. Một trong những mô hình học tập đang được ứng dụng nhiều trên thế giới và ở Việt Nam là lớp học đảo ngược. Với mục tiêu “Lấy người học làm trung tâm” phương pháp này khai thác triệt để những ưu điểm của công nghệ thông tin và góp phần giải quyết những hạn chế của phương pháp truyền thống.
2. Mô hình lớp học đảo ngược
a. Khái quát về mô hình lớp học đảo ngược
Lớp học đảo ngược là một kiểu học tập kết hợp đảo ngược môi trường truyền thống bằng cách cung cấp nội dung hướng dẫn học tập, cho sinh viên học tập ở nhà còn việc thực hành ứng dụng, làm bài tập được thực hiện trên lớp.
Một buổi lên lớp truyền thống sẽ bắt đầu với việc giảng viên chuẩn bị bài giảng lên lớp, sinh viên chuẩn bị bài tập về nhà buổi trước. Vào giờ học giảng viên sẽ giảng bài mới sau đó sinh viên sẽ luyện tập. Với lớp học đảo ngược sinh viên sẽ xem bài giảng ở nhà nắm được nội dung chính và định hướng của bài giảng. Khi vào lớp sinh viên sẽ cùng giảng viên thảo luận, phân tích sâu hơn về nội dung bài giảng đã xem và tham gia vào các hoạt động thực hành, đồng thời giảng viên kiểm tra khả năng áp dụng kiến ​​thức của sinh viên.
Trong mô hình giảng dạy truyền thống trong lớp học, giảng viên thường là trọng tâm chính của một buổi học và là người phổ biến chính thông tin trong suốt thời gian học.
Lớp học đảo ngược cố ý chuyển sự hướng dẫn học tập sang mô hình lấy người học làm trung tâm, sinh viên sẽ được cung cấp tài liệu, nội dung bài học trước khi đến lớp, trong đó thời gian lên lớp được sử dụng để khám phá sâu hơn các nội dung và tạo ra cơ hội học tập có ý nghĩa.
 
Không gian Người dạy Người học
Ngoài lớp học Soạn bài, xây dựng kịch bản, thiết kế video, chuẩn bị tài liệu.
Đưa bài giảng video lên hệ thống, phần mềm quản lý lớp học.
Giao bài cho sinh viên.
Xem bài giảng trên hệ thống quản lý lớp học, nghiên cứu trả lời các câu hỏi trong bài.
Đặt câu hỏi hoặc ghi chú các nội dung chưa rõ chưa hiểu.
Trong lớp học Quản lý điều phối lớp học, Giải quyết các vấn đề sinh viên chưa nắm được, trả lời, phân tích, hoặc thao tác lại. Chủ động tham gia lớp học, đặt câu hỏi, thảo luận, vận dụng kiến thức đã xem đã học để thực hành.
 
Như vậy lớp học đảo ngược sẽ thay đổi vai trò của người dạy và người học. Giảng viên không phải lên lớp để dạy những nội dung kiến thức trong bài giảng mà chỉ thảo luận phân tích, giải thích các vấn đề mà người học vướng phải không tự giải quyết được. Người học sẽ tiếp thu kiến thức qua video thu lại lời giảng của giảng viên. [1,2]
b. Nguyên tắc khi tổ chức lớp học đảo ngược
Lớp học đảo ngược đảm bảo nguyên tắc phải lấy người học làm trung tâm. Thời gian ở lớp được dành để khám phá các kiến thức sâu hơn và tăng thêm thời gian luyện tập. Những bài giảng, những video giáo dục trực tuyến do Giảng viên thiết kế, tuyển chọn để truyền tải nội dung kiến thức sẽ được sinh viên sử dụng ở bên ngoài lớp học.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là điều kiện quan trọng để triển khai mô hình lớp học đảo ngược. Các công cụ công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ người học trong quá trình tự lực khám phá kiến thức:
- Sinh viên có thể nắm bắt được các nội dung chính một cách thuận lợi, phù hợp với năng lực, phong cách học và với tốc độ học tập của từng cá nhân
- Các học liệu có thể được trình bày đa dạng, phù hợp với phong cách học, phương thức học khác nhau (ví dụ: văn bản, video, âm thanh, đa phương tiện…).
- Các công cụ có các chức năng tạo cơ hội cho người học có thể thảo luận, trao đổi và tương tác trong và ngoài lớp học.[4]
3. Ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong học phần KTM1
Để ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong học phần KTM1 cần thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1. Giảng viên chuẩn bị bài giảng
Giảng viên xây dựng video bài giảng hoặc khai thác video trên mạng với nội dung phù hợp với bài giảng trên lớp.
Ở bước này đòi hỏi Giảng viên phải xác định mục tiêu và nội dung để xây dựng kịch bản bài giảng, sử dụng một số phần mềm để chuyển tải các nội dung thành dạng video bài giảng hoặc bài giảng elearning. Lớp học có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn, năng lực và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của giảng viên. Điều này thể hiện qua việc thiết kế và xây dựng video bài giảng.
 Bước 2. Sử dụng phần mềm đưa video bài giảng lên
Có rất nhiều công cụ và phần mềm hỗ trợ trực tuyến giúp ích cho công tác dạy học online. Bài viết này giới thiệu một công cụ học tập hữu ích có nhiều ưu điểm đó là Edpuzzle.
Graphical user interface, text, applicationDescription automatically generated
Hình 1. Giao diện Edpuzzle
  Edpuzzle là phần mềm học tập được sử dụng để tạo ra các video bài giảng có thể đính kèm câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi mở, các lời chú thích bằng văn bản hoặc bằng bản thu âm tại thời điểm nhất định trong video.
Đưa video bài giảng lên có thể chỉnh sửa thêm câu hỏi hoặc chú thích và giao bài cho sinh viên.
Graphical user interfaceDescription automatically generated
Hình 2. Biên tập, thêm câu hỏi vào video
- Để sử dụng Edpuzzle giảng viên phải đăng ký tài khoản Edpuzzle, đưa video bài giảng lên. Có thể chỉnh sửa cắt, thêm âm thanh hoặc chèn các câu hỏi tương tác hay chú thích.
- Tạo lớp học trên Edpuzzle, gửi đường link hoặc mã lớp để mời sinh viên vào lớp.
Bước 3. Giao bài cho sinh viên trong lớp học trên Edpuzzle, xác định thời gian xem bài và thời gian hoàn thành bài. Yêu cầu sinh viên thực hiện
Bước 4. Sinh viên tham gia lớp học trên Edpuzzle theo đường link hoặc mã lớp do giảng viên cung cấp.
Vào lớp học xem video bài giảng Giảng viên đã gửi và trả lời một số câu hỏi để hoàn thành bài tập.
Sinh viên sẽ phải chú ý theo dõi video để trả lời câu hỏi thì mới có thể tiếp tục xem tiếp. Nếu không trả lời, timeline của video sẽ ngừng tại thời điểm đó.
Bước 5. Kiểm soát quá trình học của sinh viên trong lớp học trên Edpuzzle.
 Kiểm tra chi tiết sinh viên đã xem video trong thời gian bao lâu, tỉ lệ câu trả lời đúng là bao nhiêu phần trăm qua báo cáo của ứng dụng. Đây chính là cách để Giảng viên có thể tương tác với sinh viên một cách gián tiếp mà vẫn nhận được phản hồi tương đối chính xác cũng như hình thành, bồi dưỡng cho sinh viên năng lực tự học.
Graphical user interface, applicationDescription automatically generated
Hình 3. Kiểm soát bài học trong Edpuzzle
Bước 6. Nhận xét mức độ hiểu bài của sinh viên để có thể giải đáp trao đổi trên lớp phù hợp.
Bước 7. Giảng dạy trên lớp
- Tổ chức thảo luận các nội dung để làm rõ sâu hơn các vấn đề của bài học.
- Trao đổi kiểm tra đánh giá mức độ nắm bắt bài học, tìm hiểu các vấn đề sinh viên chưa hiểu để phân tích.
- Với các bài giảng liên quan đến kỹ năng như học phần KTM1 khi sinh viên xem trước video bài giảng, trên lớp Giảng viên có thể thao tác lại một số bước khó để phân tích kỹ giúp sinh viên nhớ lâu hơn, giảm bớt thời gian hướng dẫn đầu giờ có thêm thời gian rèn kỹ năng.
*Thực nghiệm
Tiến hành thực nghiệm tại 4 lớp: KTM1.1_LT.2_TH, KTM1.2_LT.1_TH, KTM1.2_LT.2_TH, KTM1.3_LT.2_TH,  với tng số 104 sinh viên.
Sau khi thực nghiệm thì tiến hành khảo sát, qua khảo sát 104 sinh viên của 4 lớp thu về 101 phiếu khảo sát
 

Qua tổng hợp kết quả 100 % sv đều cho rằng với mô hình lớp học đảo ngược cung cấp trước video bài giảng là rất cần thiết và mong muốn được xem trước video bài giảng.
 
Hình 4. Kết quả khảo sát mức độ cần thiết khi xem trước video bài giảng
Chart, pie chart

Description automatically generated
 
 
Với nội dung khảo sát là bạn cho biết khi được xem trước video bài giảng kết hợp với giảng viên giảng dạy trên lớp chất lượng bài luyện tập như thế nào? So với việc bài chỉ có giảng viên giảng trên lớp mà không xem trước video: thì có  59 sinh viên cho rằng chất lượng bài luyện tập tốt chiếm 58,4%, 42 sinh viên đánh giá  khá tốt chiếm 41,6%.
   
 


 
Hình 5. Kết quả khảo sát chất lượng bài luyện tập
Qua tổng hợp kết quả khảo sát, 100% giảng viên được khảo sát đều cho rằng với mô hình lớp học đảo ngược cung cấp trước video bài giảng cho sinh viên luyện lập là rất cần thiết và mong muốn được áp dụng mô hình này. Hầu hết các giảng viên cho rằng khi được xem trước vdeo bài giảng giảm bớt thời gian hướng dẫn mở đầu.
Ngoài ra hầu hết sinh viên đều thực hiện đúng quy trình và phương pháp may, có rất ít sinh viên thỉnh thoảng đảo lộn một số đường may nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng bài.
Qua kháo sát việc ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược thì thấy rằng phần nào thu được kết quả tốt, kich thích tính tự học của sinh viên.
4. Một số khó khăn khi ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong học phần KTM1.
- Việc ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược có vẻ giảm thời gian hướng dẫn đầu giờ nhưng thực tế lại tăng lượng công việc. Bởi vì, để xây dựng video bài giảng là những công việc cần thời gian và kỹ năng mà không phải giảng viên nào cũng có chuyên môn trong việc này.
Ngoài việc chuẩn bị video bài giảng giao cho sinh viên, giảng viên còn cần chuẩn bị nội dung lên lớp sao cho không bị trùng lặp phù hợp với từng đối tượng sinh viên.
- Một số giảng viên thường gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ hoặc quản lý hệ thống dữ liệu học tập và hoạt động của sinh viên trên hệ thống.
- Với mô hình này một số sinh viên chưa tự giác và thiếu kỷ luật bản thân khi phải chủ động học tập.
* Giải pháp
Để ứng dụng tốt mô hình lớp học đảo ngược vào giảng dạy học phần KTM1 cần có một số biện pháp sau:
- Cần có sự kết hợp của các giảng viên trong bộ môn trong việc xây dựng hoàn thiện video bài giảng học phần KTM1. Bộ môn có kế hoạch chỉnh sửa rút kinh nghiệm qua từng khóa để có bộ video đảm bảo chất lượng.
- Giảng viên cần hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ người hướng dẫn, chứ không phải là trung tâm của lớp học, giảng viên phải hiểu rõ hơn về vấn đề sinh viên đang gặp phải và dành nhiều thời gian giúp sinh viên thực hành, tương tác và trải nghiệm.
- Học phần KTM1 là học phần thực hành kỹ năng nên giảng viên phải kết hợp giữa nội dung chuẩn bị trước và nội dung trên lớp cho phù hợp với từng đối tượng. Kiểm soát phần tự học trên phần mềm qua câu hỏi được đính kèm, kết hợp trao đổi kiểm tra để nắm bắt kiến thức. Tùy theo đối tượng sinh viên để có phương pháp cụ thể: Lấy sinh viên khá hướng dẫn sinh viên yếu; thao tác những bước khó, trọng tâm hoặc thao tác mẫu cho sinh viên yếu…
- Giảng viên cần học hỏi trau dồi kỹ năng về công nghệ thông tin, học hỏi những giảng viên có kinh nghiệm để năng cao trình độ phục vụ tốt yêu cầu công việc.
- Kết hợp cố vấn học tập giáo dục sinh viên lòng yêu nghề, tinh thần tự học.
5. Kết Luận
Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược là hình thức dạy học tiên tiến và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Với mô hình học tập này sinh viên sẽ chủ động hơn trong việc tự học các nội dung mới. Học phần  KTM1 có thể áp dụng mô hình này trong phần hướng dẫn mở đầu giúp sinh viên có thêm thời gian luyện tập. Giảng viên có thể kết hợp các phương pháp giảng, phương tiện giảng dạy một cách linh hoạt để việc giảng dạy thực sự có hiệu quả. Phương pháp học tập này giúp sinh viên xóa dần thói quen thụ động, tạo thói quen tương tác, hình thành thái độ, tư duy và kỹ năng quan trọng của công dân trong thời đại số.
 
Tài liệu tham khảo
 
  1. Đỗ Tùng, Hoàng Công Kiên (2020).  Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học trực tuyến tại Trường Đại Học Hùng Vương. Tạp chí Khoa học và công nghệ Trường Đại học Hùng Vương. Tập 19, Số 2 (2020): 37-45
  2. Lê Thị Minh Thanh (2016). Xây dựng mô hình “lớp học đảo ngược” ở trường đại học. Tạp chí Khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, 61 (3), 20-27.
  3. Lê Thị Phượng & Bùi Phương Anh (2017). Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh. Tạp chí Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, 10, 1-8.
  4. Trần Tín Nghĩa (2016). "Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong hoạt động dạy học ngoại ngữ", Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ, số 46
  5. https://mona.media/giao-duc/lop-hoc-dao-nguoc-flipped-classroom/
  6. https://www.bdu.edu.vn/tin-noi-bat/lop-hoc-dao-nguoc.html
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 166 Tổng truy cập: 30.061.688