Địa điểm : Xã Lệ Chi – huyện Gia Lâm – thành phố Hà Nội
Mã trường : CCM
Tên quốc tế: Hanoi industrial textile garment University
Website: http://hict.edu.vn
Tổng quan về ngành quản lý công nghiệp – trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Mã ngành: 7510601
Học quản lý công nghiệp là học kết hợp giữa kinh tế, kỹ thuật và quản lý. Quản lý công nghiệp cung cấp cho sinh viên những kiến thức về quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý công nghệ, quản lý vật tư -thiết bị, quản lý đơn hàng, quản lý doanh nghiệp ...
Hiện nay, một số trường Đại học có đào tạo ngành Quản lý công nghiệp phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp nói chung. Trong khi đó, quản lý công nghiệp Dệt May có đặc thù riêng, đòi hỏi phải được đào tạo chuyên ngành trong lĩnh vực Dệt May mới có thể làm việc hiệu quả trong ngành công nghiệp ở lĩnh vực Dệt May. Theo đó, ngành Quản lý Công nghiệp của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được đào tạo khác hẳn với các ngành Trường khác có đào tạo cùng ngành. Cụ thể, ngoài việc được trang bị các kiến thức chung về quản lý, sinh viên còn được học các môn chuyên sâu trong lĩnh vực Dệt May như: Quản lý bảo trì thiết bị dệt may; Nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng dệt may; Quản trị chuỗi cung ứng ngành Dệt May; Merchandiser trong doanh nghiệp dệt may...
Sau tốt nghiệp sinh viên được Trường cấp bằng cử nhân ngành Quản lý Công nghiệp với các chuyên ngành Quản lý công nghiệp dệt may và Quản lý đơn hàng dệt may.
1. Kỷ niệm đáng nhớ trong tôi khi theo học ở trường
Khi ấy tôi mới là sinh viên năm nhất, bước chân vào cánh cửa đại học với bao sự háo hức. Có những điều mới mẻ và lạ lùng. Trước mắt tôi là một ngôi trường rộng lớn khang trang. Tôi được làm quen với thầy cô mới, các bạn mới. Các thầy cô và bạn bè rất thân thiện và hoà đồng. Thầy cô rất nhiệt tình hướng dẫn cho chúng tôi những địa điểm, từng khu vực trong trường để chúng tôi dễ hình dung. Ngày đầu tiên vào lớp học, tôi cùng các bạn đã đi nhầm thang máy, rồi tò mò đến những phòng học, ngắm nghía những thứ mới lạ của giảng đường đại học, với rất nhiều trang thiết bị hiện đại, gian phòng thiết kế rộng lớn, rồi phòng tin học được trang bị rất nhiều máy tính, công nghệ hiện đại...
Tới khi đến giờ vào lớp mà chúng tôi còn chưa biết mình học ở khu nào, phòng nào...rất may tôi gặp được cô Dương Thị Tân – giảng viên Khoa Kinh tế của trường cũng thật trùng hợp khi đó cũng là buổi dạy đầu tiên cô vào lớp tôi. Cô rất nhiệt tình hướng dẫn tôi đến tận phòng học. Khi vào lớp Cô niềm nở, chào đón, giao lưu cùng các tân sinh viên, tôi cảm thấy rất thân thiện. Đây là ngôi nhà thứ 2 của tôi, với những thành viên chan hoà, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau học tập, trao đổi kiến thức, trải nghiệm các khoá học, cùng nhau tiến bộ.
Bản thân được gắn liền với trường, với hoạt động của khoa là những điều tôi hạnh phúc nhất. Hiện tại tôi đã và đang theo học tại trường năm thứ hai. Có biết bao những hoạt động, kỷ niệm hữu ích của lớp, của khoa. Nhà trường luôn cùng khoa tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi, vui chơi, trao đổi, truyền đạt cảm hứng đam mê với ngành học, kiến thức, động lực trong cuộc sống.
2. Một số hoạt động
Hằng năm, nhà trường đều tổ chức những hoạt động rất ý nghĩa và bổ ích để thầy cô và sinh viên tham gia với rất nhiều hoạt động như: Ngày hội hiến máu, ngày hội đọc sách, rung chuông vàng,…đặc biệt là Ngày hội việc làm với hơn 40 doanh nghiệp lớn trực tiếp tuyển dụng tại trường.
Nhà trường có Trung tâm sản xuất dịch vụ với lưu lượng 600 lao động, đây cũng là nơi đón sinh viên tham gia thực tập để có thêm kỹ năng trong ngànhmình theo học.
3. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp
Sinh viên có bằng cấp trong lĩnh vực quản lý công nghiệp có thể làm các việc như sau: Giám đốc quản lý công nghiệp, kỹ sư quản lý công nghiệp, giám đốc kỹ thuật, quản đốc xưởng, giám đốc quản lý sản xuất hoặc tham gia ở nhiều vai trò khác nhau như:
- Cán bộ quản lý công nghệ, thiết bị;
- Cán bộ quản lý đơn hàng (Merchandiser);
- Cán bộ quản lý kế hoạch sản xuất;
- Cán bộ quản lý xuất nhập khẩu;
- Cán bộ quản lý nhân sự;
- Cán bộ quản lý sản xuất trong nhà máy dệt may;
- Tự tổ chức kinh doanh và điều hành doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may.
4. Mức thu nhập sau tốt nghiệp
Thu nhập khởi điểm của cử nhân làm việc trong lĩnh vực quản lý công nghiệp Dệt May từ 6 - 9 triệu đồng/tháng.
“Trường đại học công nghiệp dệt may Hà Nội luôn là niềm tin trong tôi và các bạn trẻ hướng tới một tương lai tươi sáng”.