"Đại học không học đại" Bài 21

Ngày đăng: 02:44 - 27/10/2021 Lượt xem: 683
CÔNG NGHỆ MAY HTU - NƠI TÔI GỬI TRỌN NIỀM TIN
 
Trong thời đại khoa học tiên tiến như hiện nay, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng. UNESCO đã đề xướng mục đích học tập: ‘‘ Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” như một lời khẳng định về sự bất diệt của việc học. Ai đó đã từng nói: ‘‘Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng là con đường chắc chắn và an toàn nhất để thành công’’. Đối với bản thân mình ‘‘ việc học là vô giá’’ và cánh cửa tương lai mở rộng khi năm 18 tuổi mình đã đỗ vào trường đại học, đó cũng là cái duyên đưa mình đến với trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội(HTU). Hiện tại mình đã theo học được hai năm, có những bài học kinh nghiệm, cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Hưởng ứng cuộc thi viết ‘‘ ĐẠI HỌC KHÔNG HỌC ĐẠI’’ của Đoàn Thanh niên Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, qua đây mình cũng muốn chia sẻ cảm nhận về ngành mình theo học, phần nào giúp định hướng cho những bạn đã và đang có ý định theo học ngành công nghệ may như mình, cũng phần nào truyền lửa đến những bạn đang học có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục học tập thật tốt.

(Ảnh mình tại hội thao được tổ chức hàng năm tại trường)

Bạn nghĩ như thế nào với câu nói: ‘‘Đại học không học đại?’’
Đại học là bậc học sau của cấp trung học phổ thông. Sau khi đỗ đại học và nhập học, bạn sẽ chính thức trở thành sinh viên. Đối với bản thân mình, quãng thời gian là sinh viên thực sự là quãng thời gian tươi đẹp, đầy niềm vui, thậm chí giúp cho mình biết tự lập và trau dồi những kỹ năng, cho mình những bài học, những trải nghiệm mà sách vở không bao giờ có. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không thể thiếu những lo lắng, sợ bị trượt môn và học lại. Vâng, đại học là việc trọng đại mà rất nhiều người ao ước, và thật tuyệt vời nếu bạn đỗ vào trường đại học mà bạn mong muốn. Vấn đề đặt ra là: những bạn không đỗ đại học, không đỗ nguyện vọng một của mình thì họ sẽ làm gì? Chọn học tiếp hay dừng? Có những bạn sẽ chọn đại một trường theo lời của bố mẹ và học cho tròn bổn phận. Số khác, sau khi biết kết quả thi, biết mình đã trượt nguyện vọng mà mình mong muốn vì muốn học cho bằng bạn bằng bè lại chọn đại một trường để tiếp tục học với một tâm thế học đối phó, cho tròn nghĩa vụ. Rất nhiều bạn hiện nay có tư tưởng rằng vào đại học chỉ cho vui, nhiều thời gian rảnh rỗi để chơi bời hơn, chơi game, ngày lên lớp ngủ… Như vậy vừa uổng phí thời gian, tiền bạc, công sức của bố mẹ và của chính mình. ‘‘ Học đại” chính là hệ quả của việc không xác định được mục đích của việc học, không có chứng kiến của bạn thân. Nhưng bạn đâu biết, mỗi một ngã rẽ trong đời đều mang đến cho bạn một con đường mới, chỉ là bạn có dám thử, có dám đi tiếp hay không mà thôi. Và mình cũng đã từng như vậy, năm nhất của mình đã từng trôi qua một cách vô nghĩa như thế nào hẳn bạn sẽ không bao giờ biết. Nhưng rồi mình đã thực sự tìm được đam mê, tìm lại chính mình, mình như được sống thêm một cuộc đời vậy.
 
Hầu như bất kì ai cũng đều có ước mơ cho riêng mình, dù nhỏ nhoi hay vĩ đại. Nhưng ước mơ sẽ chỉ là ước mơ nếu như chúng ta không thực sự cố gắng vượt qua những nan đề của cuộc sống, kiên định giữ vững mục tiêu để đạt được mục tiêu để đạt được ước mơ của mình. Có ai đó đã từng nói rằng: ‘‘Ước mơ giống như một con đường chưa có mà con người cần phải khai phá và vượt qua’’(trích cuốn: 10 điều khác biệt giữa người theo đuổi ước mơ và người giết chết ước mơ). Vậy bạn muốn trở thành người như thế nào? Ước mơ và nuôi dưỡng ước mơ ấy, kiên trì và nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thất bại để đạt được ước mơ của mình hay sẽ đạt ra cho mình nhiều ước mơ và ngồi đó và đợi chờ may mắn? Vì vậy, ngay bây giờ bạn hãy hành động ngay vì thời gian không chờ một ai! Hãy học thật, làm thật theo khả năng, tư duy tích lũy mà nên và nói không với ‘‘học đại”. Dưới đây là những cảm nhận, quan điểm cá nhân của mình, mong sẽ giúp ích đến những bạn quan tâm đến trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nói chung và ngành công nghệ may nói riêng.
 
Thực trạng ngày nay, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường gia tăng đáng kể. Thậm chí, có những trường hợp sinh viên đã ra trường hai, ba năm vẫn không xin được việc làm, số khác thì làm trái ngạch, mất một khoản tiền lớn để xin việc…Điều đó chứng minh rằng, định hướng ngành nghề vừa phù hợp với năng lực vừa đáp ứng nhu cầu xã hội là một vấn đề vô cùng quan trọng. Trước khi quyết định học tại trường, mình cũng đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên hiện tại, mình thực sự tự tin vào quyết định của mình hai năm trước là hoàn toàn đúng đắn. Một trong những điểm khác biệt của trường so với các cơ sở đào cùng ngành là các ngành đào tạo của trường theo định hướng ứng dụng, phục vụ mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp Dệt May. Sau đây, mình sẽ giới thiệu tổng quan về ngành công nghệ may với mã ngành 7540209 để các bạn dễ hình dung nha!
 
Đầu tiên không thể phủ nhận được mức độ hấp dẫn của ngành công nghệ may trong cuộc cách mạng 4.0 (CMCN 4.0). Cuộc CMCN 4.0 mở ra một kỉ nguyên số trong đó xu hướng chủ đạo là sự kết hợp giữa thế các hệ thống thực và ảo, internet kết nối vạn vật( IOT) và các hệ thống kết nối internet ( ISO). Ngành Dệt may là ngành sử dụng khoảng 3 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỉ trọng > 10% so với lao động công nghiệp cả nước, nhưng trình độ nguồn nhân lực trong toàn ngành ở mức rất hạn chế. Số người ở trình độ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 12,08%. Để sử dụng máy móc công nghệ 4.0 và quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm dệt may đòi hỏi lực lượng lớn về lao động đào tạo bài bản. Nói cách khác, nhân lực ngành Công nghệ May có trình độ Đại học, Cao đẳng đã ‘‘hot’’ nay lại càng trở nên ‘‘hot’’ hơn trong CMCN 4.0. Chính vì vậy, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội ngành Công nghệ May là một lựa chọn được đông đảo phụ huynh và thí sinh lựa chọn để khởi tạo nghề nghiệp.
 
Ngành Công nghệ May là gì? Ngành Công nghệ May là ngành trang bị kiến thức về kỹ thuật cắt – may, khuôn mẫu các sản phẩm, cữ gá, máy móc và thiết bị chuyên ngành… đáp ứng nhu cầu về may mặc, thời trang của con người. Với những sản phẩm đa dạng, vai trò của ngành vừa đảm bảo về thẩm mỹ vừa đảm bảo về sản lượng sản xuất, năng lực cạnh tranh khi tham gia xuất khẩu. Sinh viên ngành Công nghệ may được học những gì? Sinh viên sẽ được học: May các loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp; thiết kế, cắt may các loại sản phẩm; thiết kế phát triển mẫu, thiết kế chuyển cỡ, thiết kế phát triển mẫu hướng dẫn sản xuất, mẫu dưỡng; Giác sơ đồ; xây dựng định mức nguyên phụ liệu; thiết kế dây chuyền, thiết kế mặt bằng công nghệ hợp lý theo điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị của doanh nghiệp; kiểm tra chất lượng sản phẩm trên dây chuyền sản xuất may công nghiệp; tổ chức triển khai điều hành sản xuất,…
 
Như đã đề cập ở trên, nỗi lo thất nghiệp của sinh viên mới ra trường gia tăng đáng kể, chuyện ‘‘thừa thầy thiếu thợ’’ và làm trái ngạch ngày càng tăng. Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tự tin hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho hội nhập quốc tế của toàn ngành dệt may trong tương lai. Và câu hỏi đặt ra là: Học ngành Công nghệ May ra trường làm gì? Cơ hội phát triển cũng như định hướng nghề nghiệp khi học ngành học này là gì? Có thể thấy cơ hội việc làm khi bạn ra trường là rất cao bởi: Mỗi năm, trước thời gian các bạn sinh viên ra trường thì có khoảng 50 doanh nghiệp trong và ngoài Tập đoàn Dệt may Việt Nam tham gia tuyển dụng. Các bạn sinh viên HTU có thể thỏa sức lựa chọn một vị trí phù hợp với bản thân để phát huy hết năng lực của mình. Bạn có bao giờ có suy nghĩ là mình sẽ làm ông chủ, bà chủ của một cửa hàng, một doanh nghiệp thời trang chưa? Xã hội ngày nay nhu cầu làm đẹp của mỗi người ngày được nâng cao không chỉ dừng ở việc ăn ngon mà còn phải mặc đẹp nữa. Chính vì vậy tạo lợi thế cho startup- xu hướng khởi nghiệp trong giới trẻ ngày nay. Nhà văn lớn người Trung Quốc Lỗ Tấn từng nói: ‘‘Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng.’’ Đúng vậy, chỉ cần chúng ta chăm chỉ, cần cù thì thành công sẽ đến với chúng ta.‘‘ Nỗi sợ thất bại sẽ giết chết chúng ta’’ vì vậy đối với bản thân mình, mục tiêu học tập luôn rõ ràng: để trau dồi kiến thức và cũng là nền tảng để phục vụ cho kế hoạch sau khi ra trường của mình. Vậy nên, khi còn trẻ mỗi chúng ta hãy thật cố gắng để sau này nghĩ lại đó sẽ không phải là chuỗi ngày sống hoài, sống phí, nhé bạn!
 
Hai năm gắn bó với HTU không phải thời gian quá dài cũng không quá ngắn, đối với mình được học tập ở nơi đây đã mang lại cho mình nhiều bài học cùng những niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Năm nhất có lẽ là năm mình cảm thấy nhạt nhẽo nhất, phần lớn là do tính cách mình khá nhút nhát cùng với sự tự ti về ngôn ngữ địa phương càng làm mình sợ tiếp xúc với những nơi đông người như này. Mình ít khi tham gia các chương trình của trường. Tuy nhiên, sang đến năm hai mình đã hoà cùng, bắt nhịp được với nơi đây. Mình đã tích cực tham gia các hoạt động của trường tổ chức như tham gia hội thao, các chương trình do đoàn trường phát động. Dưới đây là một số hình ảnh của mình cùng bạn bè cùng tham gia các hoạt động của khoa. Mỗi lần xem lại cảm giác hồi hồi, vui sướng lại ùa về.
(Hoạt động ngày chủ nhật xanh được tổ chức thường xuyên để lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường)

Review một chút cho những bạn quan tâm về các hoạt động của trường cũng như cơ sở vật chất của trường. Ngoài những hoạt động lớn hằng năm như hội thao, tri ân thầy cô, văn nghệ chào mừng ngày mùng 8/3 hay 20/11 thì còn có các hoạt động thiện nguyện dành cho sinh viên như hiến máu, khoá tu,… Các hoạt động như: ngày hội việc làm, hội thảo khoa học, ngày hội sách… giúp cho sinh viên hiểu và nắm bắt cơ hội cũng như định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Ngoài ra hằng năm nhà trường còn tổ chức: “đối thoại sinh viên với lãnh đạo nhà trường’’ mục đích giúp sinh viên nêu lên những tâm tư nguyện vọng của mình trong quá trình học, nêu lên những đề xuất và giải pháp bổ ích vì mục tiêu học tập chất lượng, hiệu quả, cũng là rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng ngày càng được nâng cao. Phòng thực hành may, sinh viên sẽ được trang bị mỗi người một tivi giúp cho việc theo dõi bài giảng được hiệu quả. Trường có hẳn phòng catwalk xịn sò, phòng họp câu lạc bộ đa năng cho sinh viên,… và không thể không nhắc đến là hội trường 2000 sinh viên phục vụ nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật,…
 
Hẳn là các bạn đã từng nghe đến câu nói này: 4 thứ may mắn nhất của đời người là:
“ Đi học gặp được thầy tốt
Đi làm gặp được tiền bối tốt
Lập gia đình gặp được bạn đời tốt
Ra đời gặp được chí cốt.’’
Và mình quả thật may mắn khi mình đã gặp được những người thầy cô tốt, đầy tâm huyết tại HTU. Có những giảng viên khó tính, có những giảng viên lại cực kì dễ thương. Nhưng đối với mình họ là những người cha, người mẹ thứ hai của mình. Quý trọng lắm những phút giây mà thầy cô đã bỏ ra để lên giảng đường giảng bài cho lớp, mình yêu cái cảm giác và không khí sôi nổi trong những buổi học, buổi tranh luận khi học nhóm, khi trả lời câu hỏi mà giảng viên đưa ra ở trên lớp. Và hơn thế nữa, mình trân trọng những buổi học mà giảng viên bất chấp thời tiết mưa to, bão lớn nhưng vẫn lên lớp đúng giờ vì sinh viên...
Michale Egerbe từng nói:
 
“ Khi mới chỉ nghe nói bạn sẽ dần quên
Khi được tận mắt thấy, bạn sẽ ghi nhớ
Chỉ khi tận tay làm, bạn mới thực sự hiểu.’’
Đúng thật vậy, dù cho bạn có học ngành nghề gì thì cũng sẽ có những vất vả, khó khăn và hãy mạnh mẽ, đủ dũng khí để vượt qua nó nhé! Hãy luôn nhớ “Không có áp lực, không có kim cương” . Đến bây giờ khi mình đã kết thúc học phần nhưng khi nghĩ tới những ngày tháng còn đi học và lại nhớ đến thầy, mình lại cảm thấy vô cùng bồi hồi. Quý lắm các thầy cô HTU nói chung và thầy Nguyễn Xuân Khán nói riêng, những người lái đò thầm lặng. Chúc cho tất cả thầy cô luôn thật nhiều sức khoẻ để cống hiến tri thức cho những thế hệ tiếp theo.
 
Và điều cuối cùng mình muốn đề cập đến mà mỗi một sinh viên giành bốn năm thanh xuân gắn bó vs HTU đều mong muốn đó là vị trí việc làm. Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ may, các bạn sẽ đảm nhiệm ở các vị trí: Cán bộ kỹ thuật làm mẫu rập, giác sơ đồ, soạn thảo tài liệu kỹ thuật, làm định mức nguyên phụ liệu, làm bảng màu nguyên phụ liệu, lập bảng thiết kế dây chuyền, thiết kế mặt bằng nhà máy may công nghiệp, cải tiến thao tác, cải tiến công nghệ, thiết kế và chế tạo dưỡng, chuyền trưởng, trưởng ca, nhân viên LEAN, QC tại các doanh nghiệp dệt may, quản đốc phân xưởng, trưởng phòng quản lý chất lượng.
 
Steve Job từng nói: “Có những người không bằng cấp vẫn thành công, nhưng chưa từng có ai không học mà thành công cả’’. Vì vậy, ngày hôm nay khi chúng ta còn được đi học hãy biết trân trọng. Tại HTU- ngôi nhà thứ hai của mình, mình đã được sống những tháng ngày sinh viên đầy ý nghĩa với những ước mơ, hoài bão, được gặp những người thầy người cô như cha mẹ mình, bạn bè là anh em gắn bó với nhau như ruột thịt. Dù sau này có đi đâu về đâu, nhưng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội vẫn mãi trong trái tim mình. Chúc các thầy cô thật nhiều sức khoẻ, chúc cho mỗi chúng ta sẽ thật thành công trên con đường mình đã chọn nhé, “ …hẹn gặp nhau ở cuối con đường...’’
 
Tác giả: LÊ THỊ HẰNG

Các bài viết khác

Thủ khoa đầu vào năm 2022
28/10/2022
0 lượt xem
CHUYẾN ĐÒ THẦM LẶNG
20/11/2021
1.105 lượt xem
"Đại học không học đại" Bài 12
27/10/2021
1.013 lượt xem

Liên kết website