Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA CÔNG NGHỆ SỢI - DỆT

Buổi tọa đàm Chia sẻ cơ hội và triển vọng nghề nghiệp ngành Công nghệ Sợi Dệt năm 2020

Ngày đăng: 09:04 - 30/06/2020 Lượt xem: 1.035
 
Ngày 23/6/2020, tại Hội trường C4-503, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ cơ hội và triển vọng nghề nghiệp với Công ty Vinatex Nam Định, Nhà máy sợi Đồng Văn và các em sinh viên ngành Công nghệ Sợi Dệt. Buổi giao lưu giúp sinh viên hiểu rõ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hiện nay, từ đó định hướng đúng đắn cho quá trình học tập, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết để sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay được với yêu cầu của doanh nghiệp.

Tham dự buổi giao lưu, về phía Công ty Vinatex Nam Định có ông Đỗ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định; đại diện Nhà máy sợi Đồng Văn có ông Nguyễn Tuấn Đạo - Phó Giám Đốc Nhà máy Sợi Đồng Văn. Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có cô Nguyễn Thu Phượng, Phó Hiệu trưởng; thầy Vũ Đức Tân - Phụ trách Khoa Sợi Dệt, cùng toàn bộ giảng viên và sinh viên của khoa Công nghệ Sợi Dệt.
Mở đầu buổi tọa đàm, Sinh viên khoa Công nghệ Sợi dệt có chuẩn bị một số tiết mục văn nghệ chào mừng.
 
Tiết mục văn nghệ của Sinh viên Trần Đức Toàn lớp ĐHSD K1 tại buổi tọa đàm
 
Ông Vũ Đức Tân - Phụ trách Khoa Sợi Dệt giới thiệu về đào tạo ngành Sợi dệt tại Trường
Để bắt đầu buổi tọa đàm, ông Vũ Đức Tân - Phụ trách Khoa Sợi Dệt giới thiệu về ngành công nghệ Sợi Dệt của Nhà trường, vị trí việc làm và cơ hội tốt khi theo học ngành Công nghệ Sợi Dệt.

Ông Nguyễn Tuấn Đạo - Phó Giám Đốc Nhà máy Sợi Đồng Văn phát biểu

Ông Đỗ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định phát biểu
Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Tuấn Đạo – Phó Giám Đốc Nhà máy sợi Đồng Văn cho biết, Nhà máy sợi Đồng Văn có diện tích nhà xưởng: 11,628 m2, năng lực sản xuất: Sợi đơn: 4.500 Tấn/năm - 30.000 cọc sợi. Máy móc thiết bị: Được nhập từ các hãng nổi tiếng như: Truetzschler, Muratec, Rieter, Toyota……Nguồn nguyên liệu: Bông: Nhập từ Mỹ, Uzbekistan, Tây Phi….Các mặt hàng chính bao gồm: Sợi 100% cotton chải thô, chải kỹ chất lượng cao Ne 30-60. Ông cũng cho biết hiện tại có rất nhiều các vị trí việc làm mà sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm tại Công ty, cụ thể là Kỹ sư sợi (Quản lý thiết bị); Trưởng công đoạn; Kỹ sư điện; Kỹ sư công nghệ sợi (Quản lý công nghệ quản lý từ bông cho đến sợi thành phẩm). Sau khi trở thành nhân viên chính thức của công ty mức lương sẽ là từ 10,000,000 -12,000,000 đồng/tháng.
Tiếp sau đó là phần chia sẻ của ông Đỗ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định, ông Tùng giới thiệu một số thông tin chung về Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định và chia sẻ tóm tắt nội dung về chuỗi cung ứng Dệt may. Chuỗi cung ứng Dệt may bao gồm: Bông – Sợi – Dệt – Nhuộm – May. Nội dung đầu tiên là giới thiệu về cách trồng bông, tiếp đó là chia sẻ về mức độ hiện đại về công nghệ ngành sợi và mức độ hiện đại về công nghệ ngành dệt. Từ đó, ông Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của Kỹ sư công nghệ Sợi dệt trong thời điểm hiện nay và các sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Sợi dệt sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm tốt.

 



Sinh viên đặt câu hỏi tại Buổi Tọa đàm
Tuy thời gian có hạn nhưng rất nhiều câu hỏi từ phía sinh viên đã được đặt ra cho đại diện Công ty. Các câu hỏi tập trung về các vấn đề như cơ hội việc làm, chương trình đào tạo, chế độ chính sách đãi ngộ, yêu cầu của Công ty về kiến thức, kỹ năng cần có của người lao động. Những băn khoăn, thắc mắc của các bạn sinh viên đã được các thầy/cô, đại diện Công ty trả lời nhiệt tình, cụ thể.
Đại diện cho lớp DHSD K1, bạn Trần Đình Điệp có đặt câu hỏi như sau: Trong các đợt thực tập trước em đã thực tập tại Nhà Máy Sợi Đồng Văn, sau khi tốt nghiệp tại trường em có nguyện vọng được về công ty để công tác, vậy thì công ty có thể tạo điều kiện cho em được quay lại làm việc tại công ty được không và nếu được thì em sẽ bắt đầu từ vị trí nào? Ông Nguyễn Tuấn Đạo có giải đáp như sau: Thời gian đầu khi bạn về làm thì công ty đang có định hướng là sẽ đào tạo bạn cho vị trí Trưởng công đoạn. Sau đó thì vị trí công việc của bạn sẽ phụ thuộc vào sự cố gắng học hỏi, trau dồi và nâng cao trình độ của bản thân.
Bạn Nguyễn Ngọc Minh Châu – lớp ĐHSD-K1 có đặt câu hỏi như sau: Em có định hướng là sau khi ra trường sẽ muốn được làm tại vị trí quản lý chất lượng, vậy xin cho em hỏi là vị trí quản lý chất lượng thì cần có những yêu cầu công việc như thế nào? Ông Nguyễn Tuấn Đạo có giải đáp như sau: Đối với vị trí quản lý chất lượng thì cần đảm bảo được sản phẩm khi đưa đến cho khách hàng sẽ không có những phản hồi tiêu cực. Đây là vị trí cần nhiều kinh nghiệm, để có thể làm tốt vị trí này có thể cần 3, 4 năm kinh nghiệm. Để quản lý tốt chất lượng tại nhà máy sợi thì cần nhiều sự nỗ lực, phấn đấu học hỏi và nâng cao trình độ.
Bạn Vũ Thị Hồng Mỹ - lớp ĐHSD-K1 có đặt câu hỏi như sau: Em có định hướng là sau khi ra trường sẽ muốn được làm tại vị trí nhân viên kỹ thuật, nhân viên công nghệ, vậy xin cho em hỏi là vị trí này thì cần có những yêu cầu công việc như thế nào? Ông Đỗ Thanh Tùng có giải đáp như sau: Vị trí nhân viên kỹ thuật, nhân viên công nghệ đòi hỏi bạn phải nắm bắt được loại bông, loại sợi nào mình đang sử dụng và cần nắm vững các chỉ tiêu kỹ thuật. Về tính chất công việc thì đòi hỏi bạn phải có tính tỉ mỉ, làm việc có trách nghiệm, nỗ lực cao trong công việc.
Đại diện cho lớp ĐHSD-K2, bạn Nguyễn Thị Liên có đặt câu hỏi như sau: Em là 1 sinh viên khóa 2, còn 1 năm nữa em sẽ ra trường, vậy các anh có thể cho em được biết là em cần chuẩn bị gì từ bây giờ để tới khi ra trường em có thể đáp ứng được yêu cầu công việc sau này? Ông Nguyễn Tuấn Đạo có giải đáp như sau: Đầu tiên, em cần tập trung để hoàn thành tốt chương trình học tập tại nhà trường, có nền tảng vững về kiến thức và tư duy sẽ giúp em có thể tiếp cận thực tế một cách dễ dàng hơn. Tiếp đó, trong quá trình đi thực tế, thực tập sắp tới tại Doanh nghiệp, em cần chăm chỉ, tập trung tìm hiểu kỹ, ghi chép đầy đủ những thông tin thu thập được trong quá trình đi thực tập, trong quá trình ở nhà máy thì cần có ý thức kỉ luật tốt, chấp hành nghiêm nội quy. Ngoài ra, em cần tìm hiểu kỹ về các thông số công nghệ và cần tìm hiểu thông tin về công ty mà mình muốn ứng tuyển để tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.
Buổi Tọa đàm là cơ hội tốt để các em sinh viên Công nghệ Sợi Dệt biết và hiểu rõ hơn về ngành, giúp các em xác định rõ mục tiêu học tập, yên tâm với ngành học mình đã lựa chọn.
 
Nguyễn Nhật Thành- Ban biên tập website khoa Sợi Dệt

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 34 Tổng truy cập: 18.692.562