Trước thềm xuân Canh Tý, báo DĐDN có cuộc PV ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP DamSan xung quanh vấn đề này.
Ông Đông cho biết, năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, chưa có nhiều khởi sắc. Ngành dệt may đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 42 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD.
- Vậy ông nhìn nhận gì về bức tranh xuất khẩu sợi 2020?
Về chủ quan, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, năm 2020 các doanh nghiệp sản xuất sợi tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ không tăng, giá chưa thể hồi phục bởi 60% sợi xuất khẩu ra nước ngoài của Việt Nam là xuất sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) để đối phó với Mỹ cũng làm cho hiệu quả thu được của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc giảm. Tuy vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp chịu thua lỗ.
Một yếu tố nữa khiến ngành sợi theo chiều hướng xấu là sự cạnh tranh về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi FDI cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan.
- Như vậy năm 2020 Trung Quốc vẫn phá giá CNY để đối phó với Mỹ?
Đúng vậy! Việc phá giá CNY của Trung Quốc đã có tác động không nhỏ đến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, đặc biệt đối với ngành sợi đang xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.
Cụ thể, nếu tỷ giá USD/CNY giảm 1%, tương đương giá sợi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc mất 3 cent Mỹ/kg. 8,9% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc sang Mỹ, tương đương 3,8 tỷ USD đã và đang phải chịu thêm thuế nhập khẩu với số tiền lên đến 1 tỷ USD. Khi các mặt hàng sợi, vải của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế thêm 10% và sau đó là 25%, các nhà nhập khẩu sợi Trung Quốc đã ép giá sợi Việt Nam xuống một mức tương đương nhằm bù đắp cho một phần thuế phải trả.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về thăm Nhà máy Công ty CP DamSan.
Điều đáng nói nữa là, đồng tiền của các quốc gia cạnh tranh thị phần xuất khẩu sợi với Việt Nam như Ấn Độ, Pakistan cũng mất giá. Do đó, giá sợi xuất khẩu của các nước này lại càng cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
- Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất sợi năm 2020, theo ông đâu là giải pháp?
Đối với ngành sợi muốn phát triển, không phải bán giá rẻ sang Trung Quốc thì Việt Nam cần đầu tư vào dệt và đưa công nghệ tẩy nhuộm vào. Tuy nhiên, hiện vấn đề môi trường đang được Việt Nam cũng như thế giới đặc biệt quan tâm nên vấn đề tẩy nhuộm không được khuyến khích mặc dù công nghệ tẩy nhuộm của Việt Nam cũng như thế giới đã giải quyết được vấn đề môi trường.
Tôi cho rằng, các địa phương nên có cơ chế dành một quỹ đất cho cụm công nghiệp chuyên sản xuất cho tẩy nhuộm và quản lý các cụm công nghiệp này thật chặt chẽ, đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý môi trường, nếu không tuân thủ đúng pháp luật, quy định thì đóng cửa... Vấn đề là các địa phương và doanh nghiệp hợp tác để giải quyết vấn đề này hay không?
Thực tế, nếu Việt Nam không giải quyết được khâu dệt, tẩy nhuộm thì ngành dệt may sẽ khó tận dụng được hết các cơ hội ưu đãi từ 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là CPTPP và EVFTA. Bởi phải đảm bảo được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP. Trong khi các doanh nghiệp dệt may đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP...
- Thưa ông, với doanh nghiệp sản xuất sợi thì cần chủ động ứng biến?
Các doanh nghiệp sản xuất sợi cần phải tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều quan trọng số một là các doanh nghiệp sản xuất sợi cần tự chủ đầu tư vào ngành dệt để sản xuất ra vải và từ vải cung cấp cho các doanh nghiệp may của Việt Nam.
Riêng với DamSan, hiện chúng tôi cũng đang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, cụm công nghiệp. Đặc biệt, DamSan còn đầu tư nhà máy dệt may tại chính cụm công nghiệp do DamSan làm chủ đầu tư tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với diện tích 50 ha, dự kiến quý II năm 2020 nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
- Xin cảm ơn ông!
Khắc Lãng thực hiện