Sáng ngày 04/08/2022, để nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học vừa qua, nhằm phát huy những thế mạnh đã đạt được , khoa Công nghệ Sợi dệt – Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022.
Tham dự buổi tổng kết về phía Ban giám hiệu nhà trường có đồng chí Nguyễn Thu Phượng – Phó hiệu trưởng. Khoa Công nghệ Sợi dệt có đồng chí Vũ Đức Tân – Trưởng khoa Công nghệ Sợi dệt cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên khoa Công nghệ Sợi dệt.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết năm học
Chủ trì Hội nghị, đồng chí Vũ Đức Tân trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Năm học 2021-2022 là năm cuối đào tạo ĐHSD-K3 và giảng dạy các học phần Vật liệu may, Kiểm định CL nguyên phụ liệu DM, Kiểm soát CL sản phẩm dệt may… cho các trình độ cao đẳng và đại học. Ngoài ra khoa còn tham gia nghiên cứu đề tài khoa học các cấp, hướng dẫn một số sinh viên làm nghiên cứu khoa học.
Trong năm học, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên ngày càng được nâng lên; tập trung chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. 100% giảng viên lý thuyết sử dụng bài giảng điện tử thông qua hệ thống máy tính, máy chiếu, ti vi, mạng wifi giúp cho tiết giảng sinh động hơn, đặc biệt việc tìm tư liệu tham khảo, trình bày bài giảng, bài báo cáo kết quả học tập của sinh viên cũng được thực hiện dễ dàng và hiệu quả.
Bên cạnh công tác giảng dạy trên lớp, khoa Công nghệ Sợi dệt cũng quan tâm đến tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho sinh viên. Để tạo điều kiện giúp sinh viên hiểu rõ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hiện nay, định hướng đúng đắn cho quá trình học tập, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết để sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay được với yêu cầu của doanh nghiệp. Khoa đã mời chuyên gia tại DN về nói chuyện và giao lưu tọa đàm với sinh viên trong ngày hội việc làm, giải đáp các thắc mắc của sinh viên về vị trí làm việc sau khi ra trường.
Theo sát phương châm “ Lý thuyết gắn liền với thực tiễn”, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tế tại các doanh nghiệp, khoa Công nghệ Sợi dệt đã liên hệ các doanh nghiệp cho sinh viên thực tập, nghiên cứu thực tế để làm đồ án, khóa luận; như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương Mại Lam Giang; Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong; Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy sợi Vinatex Nam Định, Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh…
Trong năm học qua, khoa Công nghệ Sợi dệt cũng mạnh dạn đăng ký tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học: 01 đề tài của giảng viên chuẩn bị bảo vệ cấp trường, 03 đề tài của sinh viên; 02 đề tài của giảng viên đang thực hiện, 01 đề tài cấp tập đoàn, 01 đề tài của Cục Công nghiệp đang thực hiện. Có thể nói kết quả này là sự cố gắng nỗ lực của giảng viên và sinh viên của khoa, mặc dù kết quả thực hiện vẫn còn 1 vài thiếu xót, xong đây cũng là tiền đề tạo động lực cho giảng viên và sinh viên thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 đã cho thấy tập thể cán bộ, giảng viên khoa Công nghệ Sợi dệt đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế cần khắc phục. Tại hội nghị, các đồng chí giảng viên cũng có nhiều đóng góp sôi nổi để cùng đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế còn tồn đọng của năm học 2021-2022.
Bên cạnh tổng kết những kết quả đã đạt được trong năm học 2021-2022, hội nghị cũng triển khai phương hướng, nhiệm vụ của năm học 2022-2023. Nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022-2023 là: Phát triển chương trình đào tạo mới: chuyên ngành Nhuộm; Kết hợp cùng Doanh nghiệp để xây dựng chương trình 2+2, chương trình ngắn hạn; Mời chuyên gia về đào tạo cho giảng viên về những nội dung còn thiếu; Đẩy mạnh hơn nữa công tác triển khai xây dựng chương trình, giáo trình bài giảng đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ đại học; Tiếp tục rà soát, đánh giá chương trình đào tạo trình độ Đại học theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; đổi mới phương pháp giảng dạy linh hoạt, tích cực nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy đáp ứng trình độ đại học theo hướng ứng dụng và nhu cầu xã hội.
Nguyễn Nhật Thành- Ban biên tập website khoa Sợi Dệt