Tri ân thầy cô! Khi nhắc đến ngày nhà giáo việt nam là nhắc đến một ngày trọng đại và ý nghĩa. Là ngày để toàn nhân loại hướng về các thầy cô - những người lái đò âm thầm, lặng lẽ, những người ươm mầm xanh cho đất nước chính vì vậy mà Nghề nhà giáo được ca tụng ở cả trong nước lẫn ngoài nước.
Đôn-ki-xtôi đã có câu nói nổi tiếng là “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”.Bác Hồ đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn chở những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ giúp học trò đến được những bến bờ mới lạ., để sau này, mỗi học sinh sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Về vị trí của người thầy trong xã hội, trải qua nhiều thời kỳ của đất nước, nghề dạy học luôn được xã hội và nhân dân ta kính trọng. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nên vị trí của người thầy càng được tôn vinh.
Tục ngữ cũng đã dạy: Không thầy đố mày làm nên… đủ thấy được lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân ta dành cho nhà giáo- những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại như thế nào. Chính vì ở một đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo như vậy nên Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 có một vị trí thật đặc biệt. Gọi là ngày Nhà giáo, nhưng nó không đơn thuần chỉ là ngày lễ hội của một ngành nghề, của riêng các thầy cô giáo mà đã trở thành một ngày hội của toàn dân, ngày lễ tôn vinh sự học, tôn vinh những người dạy chữ. Trong không khí tưng bừng dào dạt niềm vui của ngày Nhà giáo Việt Nam, là những sinh viên năm tư sắp ra trường chúng em xin phép được bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với toàn thể giảng viên của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội và đặc biệt là các thầy cô trong khoa Công nghệ Sợi dệt – nơi mà đã dẫn dắt chúng em gần hết chặng đường của một người sinh viên.
Sau đây chúng em xin phép gửi những lời cảm ơn sâu sắc nhất tới thầy cô trong Khoa Công nghệ Sợi dệt thông qua cảm nhận của những “cô cậu sinh viên sắp ra trường “.
Như các bạn biết, khoa Công nghệ Sợi dệt là khoa đào tào các cán bộ , kỹ sư, kỹ thuật viên,… cho ngành Sợi dệt. Ngành Sợi dệt hiện nay là ngành có cơ hội lớn với nhiều công ty nước ngoài và trong nước đang đẩy mạnh kinh doanh và mở rộng sản xuất, cùng với đó là nhu cầu lao động qua đào tạo rất lớn. Để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu đó hằng năm khoa luôn có những hoạt động tuyển sinh thu hút được sinh viên đăng ký theo học, hằng năm số lượng sinh viên ra trường mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Có thể nói sinh viên Sợi dệt nhận được rất nhiều sự “quan tâm” từ phía lãnh đạo nhà trường cũng như giảng viên trong khoa và kể cả các doanh nghiệp. Cũng chính vì ngành Sợi dệt đang là ngành công nghiệp đang rất phát triển hiện nay nên sinh viên khi được đào tạo bài bản tại trường sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm rất lớn với mức lương cao hơn so với sinh viên các ngành khác. Hiểu rõ tiềm năng của ngành các giảng viên trong khoa là những người luôn phải tìm hiểu phương pháp giảng dạy mới phù hợp hoạt động của doanh nghiệp để mỗi khóa sinh viên ra trường khi đi làm tại các doanh nghiệp sẽ không bị bỡ ngỡ. Và để tri ân những người thầy cô đã cống hiến sức mình cho các thế hệ sinh viên trong không khí ngày 20/11 đang tới gần chúng em xin gửi tới quý thầy cô những câu chuyện, những kỉ niệm chân thành nhất.
Câu chuyện đầu tiên là của một cô sinh viên sống rất tình cảm hiện đang phải thực tập xa nhà xa trường. Cô tâm sự: “mái trường đại học như là ngôi nhà thứ hai, là nơi lưu lại những dấu ấn đáng nhớ nhất cuộc đời mỗi con người. Ở nơi đó, Thầy Cô là cha mẹ, bạn bè là anh em gắn bó với nhau như ruột thịt và cùng nhau tạo nên những kỉ niệm khó phai. Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, chắc hẳn ai cũng sẽ có những ấn tượng khó quên trên giảng đường và đặc biệt là ấn tượng với những người để lại cho ta kinh nghiệm suốt đời hay vực ta đứng dạy từng những nơi tối tăm, hay đơn giản là cách giảng bài sâu sắc mà không sao quên được. Em cũng vậy, suốt ba năm học đại học vừa qua em cũng có những kỷ niệm muốn chia sẻ với mọi người”. Cô chia sẻ thêm: ”Là sinh viên khóa đại học đầu tiên của khoa Công nghệ Sợi Dệt. Lúc đăng ký nguyện vọng vào khoa em còn chưa có nhiều thông tin về ngành mình học nhưng ngay ngày đầu tiên nhập học, được nghe thầy Tân – Phó Trưởng khoa Công nghệ Sợi Dệt giới thiệu về nghành, về kiến thức chúng em cần trang bị và cơ hội việc làm sau khi ra trường em đã cảm thấy an tâm về ngành học cũng như công việc mình theo đuổi khi ra trường. Hiện nay nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất khá đầy đủ cho khoa Sợi Dệt. ngoài ra chúng em còn có những tuần đi thực tế doanh nghiệp sợi dệt, các thầy cô theo sát chỉ bảo rất tận tình.”
Em nhớ mình đã có một kỷ niệm không bao giờ quên về một chuyến đi thực tập ở nhà máy sợi Yên Mỹ - Hưng Yên. Em thực tập ở đây 2 tháng, vì lần đầu tiên thực tập xa nhà lâu như vậy em còn rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, lúc đó chúng em đã được cô Dịu giảng viên khoa Sợi Dệt giúp đỡ, cô đã liên hệ với người quen của mình để nhờ vả họ tìm nhà trọ giúp chúng em. Khi chúng em xuống đến nơi, bạn của cô đã ra đón chúng em và dẫn chúng em đi thuê phòng, chú rất nhiệt tình còn mặc cả tiền phòng giúp chúng em nữa. Chú nói với chúng em là nhận được sự nhờ vả của cô Dịu nên chú hết lòng giúp đỡ nếu chúng em có khó khăn gì có thể trực tiếp liên lạc với chú bất cứ lúc nào.Cũng nhờ vào mối liên hệ giữa cô và nhà máy nên việc thực tập tìm hiều của chúng em rất suôn sẻ. Các cô chú và anh chị trong công ty đều nhiệt tình giúp đỡ. Hằng ngày ngoài việc tìm hiểu các kiến thức chúng em còn được đào tạo thao tác đứng các máy, được cô Dịu hướng dẫn tận tình trên lớp và sau đó chúng em thực hiện được dễ dàng hơn. Rồi thỉnh thoảng cô xuống thăm chúng em theo sát và kiểm tra.
( Hình ảnh thầy cô trong khoa xuống doanh nghiệp thăm sinh viên.)
Lần đó, cô xuống kiểm tra tay nghề, thao tác chúng em còn chậm nhưng cô không hề cáu gắt và còn tận tình chỉ bảo hơn. Rồi cô nhìn thấy trên máy sợi con có một lỗi, cô quay lại hỏi em rằng có biết đây là lỗi gì không? Em đã trả lời đúng, rồi cô lại hỏi tại sao em thấy sai không sửa. Em trả lời “vì công nhân không sửa nên em cũng không sửa theo”. Lúc đó em nhìn thấy nhìn thoáng qua ánh mắt cô có chút buồn. sau đó cô nói với em “ các em được đào tạo để trở thành một người quản lý, một người quản lý tốt là phải biết công nhân công nghệ sai ở đâu và phải sửa cho họ, nhắc nhở họ, các em không thể thấy họ làm sai, làm tắt quy trình mà không để ý bỏ qua như vậy. Đây là một chuyện nhỏ nhưng nếu cái nhỏ mà không sửa chữa ngay thì cái lớn làm sao có thể làm được. Cô biết các em nghĩ mình chỉ là sinh viên mình không thể chỉ đạo được công nhân nên rụt rè e ngại. Nhưng các em có thể nói với các cô chú quản lý về vấn đề em nhìn thấy, khi đó các em sẽ nhận được lời khen về sự quan sát, còn nếu sai các em sẽ được nghe họ giải thích”. Những câu nói đó của cô đã cho chúng em thêm bài học giá trị, hiểu hơn vấn đề, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề được tốt hơn. Em càng thấy sự lựa chọn của mình giành cho nghề này là đúng và cảm thấy yêu nghề hơn.
( Hình ảnh: Niềm vui trong đợt thực tập khi được các thầy cô xuống tận nơi động viên.)
Người tổng hợp: Nguyễn Nhật Thành
( Hình ảnh các thầy cô hướng dẫn thao tác sinh viên tại doanh nghiệp)
Em muốn nói lời cảm ơn tới tất cả mọi người. Cảm ơn các thầy cô vì đã truyền cảm hứng cho em, cảm ơn các anh chị khóa trên đã chỉ dạy và hướng dẫn, cảm ơn những người bạn đã cho em mạnh mẽ và luôn sát cánh cùng em. Và em cũng muốn xin lỗi, xin lỗi thầy cô vì đã có lúc em chưa được chăm chỉ và chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cuối cùng, em muốn nói rằng: “Em luôn mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi người. Em cảm thấy may mắn vì có cơ hội bày tỏ tình cảm với các thầy cô”. Mặc dù sau này bạn có thành công, hay có vấp ngã thì đối với thầy cô bạn vẫn luôn là đứa trẻ nghịch ngợm ngày nào, vẫn cần được quan tâm che chở.
Có ai đó đã từng nói rằng “Tuổi học trò cũng như người thợ đang xây nền móng cho tòa nhà...”, con cũng như bao đứa trẻ kia, vô tư đùa nghịch để đôi khi tự làm vỡ những viên gạch của đời mình. Con đâu biết sau lưng mình là bóng dáng Thầy Cô hao gầy theo năm tháng, mong mỏi cho con từng bước trưởng thành để đến khi nhận ra con chợt thấy bâng khuâng, nuối tiếc.“Một mùa thi như bao mùa thi trước Nắng hồng lên trong mắt biếc học trò Phấn trắng bảng đen nét mực Thầy vẫn đó Sao con tìm mà chẳng thấy ngày xưa...”
Chắc chắn Thầy cô sẽ không cần những món quà quí giá, đắt tiền. Hãy nhớ rằng điều mà Thầy cô mong muốn lớn nhất đó là nhìn thấy sinh viên của mình chăm ngoan, học giỏi và thành công trên con đường sắp tới. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để sau này khi ra trường rời xa vòng tay thầy cô có thể đứng vững và thành công trong cuộc sống để không phụ lòng thầy cô nhé.
Cuối cùng, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11, những người học trò chúng em xin gửi đến Thầy Cô những lời tri ân thật sâu sắc. Chúc các thầy cô trong khoa Công nghệ sợi dệt nói chung và toàn thể thầy cô trong trường nói chung có một ngày 20/11 vui vẻ ,một năm công tác thật nhiều thành công.
Nguyễn Nhật Thành- Ban biên tập website khoa Sợi Dệt