Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA CÔNG NGHỆ SỢI - DỆT

Ứng dụng công nghệ, định hình sản phẩm mới của ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2022-2025

Ngày đăng: 04:38 - 17/06/2022 Lượt xem: 531

Thời gian qua, ngành Dệt may Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước, có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại cũng như vật liệu mới với đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng như an toàn, thoải mái, tiện ích, đẹp.

 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, dù Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu, song Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế; các thị trường lớn như Mỹ, EU... đã mở cửa trở lại; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, nên doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

Trong bài viết "Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới ngành Dệt giai đoạn 2022-2025: Đón đầu xu thế của thời đại mới" ông Phạm Xuân Trình - Giám đốc điều hành Vinatex đã chia sẻ, để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới, việc sản xuất sản phẩm đòi hỏi phải gắn liền với môi trường xanh, sạch và bền vững, yêu cầu doanh nghiệp luôn phải vận dụng công nghệ để đáp ứng trong từng sản phẩm của mình, ngoài duy trì sản xuất các mặt hàng thông dụng cần có các giải pháp để tạo ra các sản phẩm mới nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và phong phú sản phẩm. Phát triển sản phẩm mới trên nền tảng thế mạnh sản phẩm đang có bằng cách thay đổi, thêm bớt nguyên liệu, công nghệ, kỹ thuật từ phương pháp kéo sợi, nguyên liệu sợi đến hiệu ứng dệt, công nghệ nhuộm, may mặc, đóng gói. Ví dụ như: Trộn xơ visco vào cotton để kéo sợi cellulo sẽ cho màu sắc rất tươi và đậm khi nhuộm. Trộn xơ PVA vào cotton để tạo sợi sẽ tạo nên sản phẩm rất xốp, mềm, thấm nước cao… lúc xử lý hoàn tất nhuộm. Tạo nên sợi Fancy và kiểu dệt chéo nổi gân sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ sau khi wash của quần áo denim.

Phối hợp hai loại nguyên liệu khác nhau tạo hiệu ứng khác nhau trong cùng một điều kiện môi trường. Dùng xơ cotton để bao bọc quanh lõi filament tạo nên sợi để dệt vải nhằm tăng cường lực, độ ma sát, mài mòn, tăng khả năng hút ẩm, giặt mau khô, tạo cảm giác thoải mái trong đồng phục bảo hộ lao động… và rất nhiều cách thức để tạo nên sản phẩm khác lạ từ phương pháp này. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều loại sợi mới được ra đời và ứng dụng vào việc tạo ra sản phẩm được chế biến từ vỏ trấu, vỏ dừa, bắp, chất nhờn từ cat fish, vỏ cua, sữa chua, chai nhựa, than hoạt tính, carbon…

Bên cạnh đó, việc tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về các lĩnh vực đặc thù như chống cháy sẽ dùng sợi aramid kết hợp với nano chống cháy được làm từ vỏ trấu; dùng sợi micro, nano để tạo ra sản phẩm làm sạch bề mặt đòi hỏi độ bóng cao như màn hình điện thoại, vi tính, kính xe hơi; đưa hoạt chất kháng virus vào vải, sản phẩm gia dụng; ứng dụng một số loại sợi vào dệt vải thông minh như biết được tình trạng sức khỏe hoặc có khả năng làm mát khi nhiệt độ cao và làm ấm khi nhiệt độ thấp…

Ngoài ra, những sản phẩm gắn liền với môi trường, xanh, sạch đang là xu thế của thế giới. Các sản phẩm có xơ sợi từ xơ dừa, chuối, đay hoặc cellulo hữu cơ kết hợp với các phương pháp chế biến tiết kiệm năng lượng, dùng năng lượng sạch, có nguồn gốc hữu cơ như thuốc nhuộm từ cây lá, củ quả (mạc nưa, nghệ, chàm…) chủ yếu dùng nước sôi và thời gian hoặc sản phẩm tái tạo như xơ PE recycle, công nghệ nhuộm Clean dye  không nước.

Hiện nay, đại dịch Covid-19 dù chưa kết thúc, nhưng nhờ đã bao phủ vắc-xin với tỷ lệ cao, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh đã vào guồng trở lại. Những mặt hàng tiềm năng tại thị trường Việt Nam chưa có nhà sản xuất lớn như ga chăn áo gối, vải không dệt 100% cotton để làm khăn ăn hoặc dụng cụ tẩy trang, thảm lót sàn theo công nghệ dệt thoi hoặc cấy…Chính vì thế, việc kết hợp giữa doanh nghiệp, viện, trường với đối tác khách hàng, nghiên cứu thị trường để tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới, công nghệ mới, thiết bị mới; việc nghiên cứu gắn với thực hành để tạo ra sản phẩm tại đơn vị sản xuất là rất cần thiết để đưa đến thành công cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may.

 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 576 Tổng truy cập: 33.349.782