Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động đến tình hình lao động trong ngành dệt may

Ngày đăng: 10:00 - 21/01/2020 Lượt xem: 11.602

TS Hoàng Xuân Hiệp

               Hiệu trưởng trường Đại học

             Công nghiệp Dệt May Hà Nội

 

          Một trong những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ  được đề cập đến trong những năm gần đây là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Đây là cuộc cách mạng lần thứ tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ và có tác động sâu rộng đến tất cả các ngành kinh tế trong đó có ngành công nghiệp dệt may. Hiện nay trên thế giới, việc ứng dụng những thành tựu của công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm dệt may đã được các nước phát triển thực hiện một cách phổ biến trên cả bốn khía cạnh là đổi mới sản phẩm dệt may, đổi mới quy trình sản xuất dệt may, đổi mới công tác quản lý trong ngành dệt may và đổi mới marketing cho sản phẩm dệt may. Tại Việt Nam, việc ứng  dụng công nghiệp 4.0 vào ngành dệt may được triển khai khá chậm nhưng cũng đã có một số doanh nghiệp dệt may lớn hoặc doanh nghiệp FDI đầu tư các công nghệ của cuộc cách mạng này vào sản xuất. Thực tế cho thấy khi đầu tư các công nghệ hiện đại của CMCN 4.0 vào sản xuất thì lực lượng lao động trong doanh nghiệp dệt may sẽ chịu tác động khá lớn về nhu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng, thái độ mới; số lượng nhân lực trong doanh nghiệp dệt may cũng có sự biến động theo cả hướng tăng lên do tạo ra việc làm mới cũng  như giảm đi do việc làm bị công nghệ thay thế. Bài báo này hướng đến mục tiêu đánh giá tác động của CMCN 4.0 đến tình hình lao động dệt may Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện nguồn nhân lực cho ngành đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0.

          Từ khóa: công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực, dệt may.

1- CMCN 4.0 trong lĩnh vực dệt may

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự mở ra một kỷ nguyên số trong đó xu hướng chủ đạo là sự kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, internet kết nối vạn vật (IOT) và các hệ thống kết nối internet (IOS). Nền tảng của cuộc cách mạng này là các đột phá của công nghệ số về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Các công nghệ nền tảng của thời kỳ Internet vạn vật (Internet of things – IoT) là nhận dạng vô tuyến (RFID), cảm biến (sensor) có dây và không dây, in 3D, điện toán đám mây (cloud computing), các robot có kết nối, phần mềm có khả năng tự kết nối và tương tác qua mạng, phân tích dữ liệu lớn (big data). Các giải pháp trên đã và sẽ tạo ra nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm dệt may bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketing.

Trong khâu thiết kế: khác với phương pháp truyền thống, các số đo cơ thể người được thu thập bằng cách sử dụng máy quét 3D. Nguyên lý của công nghệ này là sử dụng các kỹ thuật quang học kết  hợp với các thiết bị cảm biến ánh sáng để thu thập số đo cơ thể người ở bất cứ địa điểm nào mà không cần phải di chuyển đến địa điểm đó. Ưu điểm của phương pháp này là có thể đo cơ thể người từ tất cả các thị trường  khác nhau trên thế giới mà không cần tiếp xúc trực tiếp, sau đó có thể phân chia cơ thể người thành 25 cỡ khác nhau với chỉ khoảng 1000 quan sát nhằm cá nhân hóa số đo cho từng cơ thể riêng...Với công nghệ này, việc kết hợp số đo thu được với các phần mềm thiết kế sản phẩm sẽ tạo ra một quy trình thiết kế bằng các số đo ảo, phần mềm ảo, người ảo nhưng cuối cùng sẽ tạo ra sản phẩm thực và được cá nhân hoá đến từng người dùng.

Trong khâu sản xuất sợi: quá trình tự động hóa, sử dụng robot... được áp dụng rộng rãi vào tất cả các công đoạn từ chuẩn bị bông đến đóng gói sản phẩm. Theo nhiều chuyên gia, cách đây 10 năm, doanh nghiệp sợi cần sử dụng 100 -110 lao động cần thiết để vận hành một nhà máy có quy mô một vạn cọc sợi, nhưng khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, số lượng nhân lực giảm chỉ còn 25-35 lao động để vận hành nhà máy có quy mô tương tự.

Trong khâu dệt vải: công nghiệp 4.0 đã giúp sáng tạo ra máy dệt kim 3D để dệt trực tiếp ra sản phẩm bằng cách nhập các thông số sản phẩm vào máy tính và sử dụng phần mềm điều khiển máy dệt 3D tạo ra sản phẩm mà không cần quá trình may. Bên cạnh đó, trong công nghệ dệt thoi, hệ thống Internet kết nối vạn vật IoT kết hợp với sử dụng công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến RFID cho phép chuyển chính  xác các ống sợi tự động vào các máy dệt để sản xuất vải nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất. Công nghệ 4.0 đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các máy dệt và đã tạo ra sự thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà máy dệt. Bên cạnh công nghệ dệt, những thành tựu của công nghiệp 4.0 đã sáng tạo ra nhiều vật liệu mới có tính năng đặc biệt để sản xuất các sản phẩm may như vật liệu có tính năng kiểm soát tình trạng sức khỏe, tự thay đổi màu sắc theo sở thích của người mặc hoặc vật liệu có thế kết nối Internet...

Trong khâu nhuộm, hoàn tất: bên cạnh việc ứng dụng các robot và tự động hóa cao trong quy trình sản xuất, ngành nhuộm còn có sự thay đổi căn bản về quá trình làm ra công thức màu và kiểm soát quá trình nhuộm bằng cách sử dụng dữ liệu lớn. Với phương thức này, các nhà máy nhuộm có thể tổ chức lưu trữ các công thức nhuộm trong quá khứ thành công, chất lượng tốt để từ đó sáng tạo ra các  công thức nhuộm mới với độ chính xác cao và chất lượng tốt cho quá trình sử dụng, giúp nhà máy nhuộm nâng cao tỷ lệ nhuộm chính xác ngay lần đầu tiên lên tới 95-99%.

Trong khâu may: đối với các sản phẩm cơ bản như áo T-Shirt, áo sơ mi cơ bản, quần âu, quần jean thì quá trình sản xuất đã được thay thế bằng robot giúp nâng cao chất lượng và đặc biệt là nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Đối với các sản phẩm thời trang nhưng được chế tạo bằng vật liệu có thể kết dính như plastic hay sợi polyester...thì quá trình sản xuất sản phẩm được thực hiện trên máy in 3D, vừa cho năng suất cao, vừa giảm được giá thành sản phẩm. Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đối với ngành may cũng có nhiều hạn chế. Cụ thể là để sản xuất các sản phẩm có những tính chất đặc biệt như: sản phẩm thời trang được thiết kế thành nhiều lớp, có kiểu dáng và kết cấu phức tạp, thay đổi thường xuyên theo thị trường và được sản xuất bằng vật liệu không kết dính thì việc ứng dụng công nghệ 4.0 rất khó khăn, chi phí đầu tư rất lớn trong khi lại thiếu linh hoạt khi thị trường thời trang biến động nhanh, vì vậy chưa mang lại hiệu quả để có thể triển khai ngay trong 10 – 15 năm tới.

Trong toàn bộ các khâu sản xuất từ sợi, dệt, nhuộm, may, bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ 4.0 trong sản xuất, các doanh nghiệp còn đổi mới cả quy trình quản  lý doanh nghiệp theo công nghệ 4.0 bằng cách sử dụng các phần mềm chuyên dụng như phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP cho phép quản lý toàn bộ nguồn lực chủ yếu của doanh nghiệp từ đầu vào đến khi xuất hàng. Ngoài phần mềm ERP, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm PLM nhằm truy cập và quản lý thông tin sản phẩm một cách an toàn; duy trì tính toàn vẹn thông tin trong suốt vòng đời sản phẩm; xây dựng, quản lý và chia sẻ quy trình kinh doanh dựa trên dữ liệu sản phẩm. Phần mềm quản lý vòng  đời sản phẩm được đánh giá là phương tiện liên kết các bộ phận và cho phép tạo nên sự giao tiếp rõ ràng, hiệu quả giữa nhiều bên trong sản xuất kinh doanh.

Trong khâu logistic: khi ứng dụng công nghệ 4.0,  bộ phận logistics có thể phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác trong toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm như: kết nối các công đoạn của quá trình sản xuất, quản lý kho nguyên liệu và thành phẩm, quản lý quá trình phân phối, bán hàng, quản lý quá trình thanh toán đơn hàng...từ đó, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí cho công tác vận hành chuỗi cung ứng mà vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. 

Trong khâu marketing: công nghệ 4.0 cho phép phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử trong lĩnh vực dệt may. Hiện nay, Tổng công ty may 10 đã đưa sản phẩm lên quảng bá và bán hàng tại cổng thông tin điện tử của Amazon và một thống kê cũng cho thấy  có tới 55% khách hàng vào thẳng trang Amazon để tìm kiếm sản phẩm, thay vì vào các trang bán hàng riêng của nhà sản xuất; đặc biệt là nếu thực hiện thương mại điện tử thông qua các thiết bị di động thì doanh nghiệp dệt may hoàn toàn có thế quảng bá sản phẩm qua hình ảnh 3D, thu thập dữ liệu về khách hàng để phân tích nhu cầu thị trường.

2- Tác động của CMCN 4.0 đến lao động ngành dệt may Việt Nam

2.1 Thực trạng ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2010-2017

Bảng 1:Thống kê một số chỉ tiêu ngành dệt may Việt Nam

giai đoạn 2010-2017

TT

Chỉ tiêu so sánh

ĐVT

Thống kê theo năm

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

1

Kim ngạch xuất khẩu

Triệu

USD

    11.209

    15.831

    17.200

    20.096

    24.500

    27.300

    28.400

    31.000

2

Số lượng doanh nghiệp dệt may

Doanh nghiệp

      5.854

      6.792

      7.188

      7.599

      8.271

      8.770

      9.298

      9.826

3

Số lượng doanh nghiệp dệt may tăng thêm

Doanh nghiệp

         521

         938

         396

         411

         672

         499

         528

         528

4

Số lượng nhân lực thực tế

Người

  1.043.039

  1.153.364

  1.197.884

  1.333.149

  1.477.072

  1.580.560

  1.705.989

  1.751.753

5

Số nhân lực tăng thêm so với năm trước

Người

    89.246

  110.325

    44.520

  135.265

  143.923

  103.488

  125.429

    45.764

6

Năng suất lao động tính theo kim ngạch xuất khẩu

USD/

người

    10.746

    13.726

    14.359

    15.074

    16.587

    17.272

    16.647

    17.697

Nguồn:Tổng hợp của tác giả từ dữ liệu của Tổng cục thống kê

Số liệu tại bảng 1 cho thấy nhân lực thực tế trong lĩnh vực dệt may tăng bình quân 7,7%/năm trong giai đoạn 2010-2017. Lao động công nghiệp dệt may vào 2017 là 1.705.989 trong đó lao động trong ngành may là 1.467.767 người (chiếm 83,8%), lao động trong lĩnh  vực sợi, dệt, nhuộm là 283.986 người (chiếm 16,2%). Ngay trong giai đoạn 2016-2017, khi các doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu xu hướng đầu tư CMCN 4.0 thì xu thế tăng lao động vẫn là chủ  đạo. Số liệu lao động công bố cũng cho thấy tỷ lệ lớn lao động làm việc trong lĩnh vực may công nghiệp nên biến động lao động trong lĩnh vực này sẽ tác động lớn đến biến động lao động của ngành dệt may.

          Tuy lực lượng lao động có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2010-2017 nhưng trình độ của lao động trong lĩnh vực dệt may không cao. Số liệu cụ thể về trình độ lao động dệt may Việt Nam năm 2019 được thể hiện trong bảng sau:

Bảng 2: Trình độ lao động dệt may năm 2019

Đơn vị: %

Lĩnh vực

Phổ thông

Cao đẳng

Đại học

Sau Đại học

Sợi

76,9

16

7

0,10

Dệt

66,65

23

10

0,35

Nhuộm

73,35

17

9

0,65

May

87,92

8

4

0,08

Nguồn: khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài đánh giá tác động của CMCN 4.0 đến ngành dệt may

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy có đến 84.4% lao động trong ngành dệt may chỉ có trình độ phổ thông, số lượng nhân lực có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ chiếm 15,6%.

Vào 2010, để có 1 tỷ USD xuất khẩu, cần 93.053 lao động, vào 2017 chỉ cần 56.500 lao động, chứng tỏ năng suất lao động đã tăng 1,65 lần từ 2010 đến 2017. Nguyên nhân năng suất lao động tăng được đánh giá là do các doanh nghiệp đã đổi mới cả công nghệ sản xuất, quy trình quản lý, nâng cao năng lực người lao động nhưng yếu tố công nghệ sản xuất là yếu tố có tác động mạnh đến nâng cao năng suất lao động trong giai đoạn 2-3 năm gần đây.

2.2 Tác động của CMCN 4.0 đến tình hình lao động dệt may Việt Nam

2.2.1 Tác động của CMCN 4.0 đến số lượng việc làm trong ngành dệt may

Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng mức giảm của lao động dệt may dưới tác động của CMCN 4.0 là khoảng 306.393 người, tương đương là 18,2%, trong đó “lực lượng lao động giảm 70% tại lĩnh vực sợi, 50% tại dệt, nhuộm nhưng chỉ 10% đến 15% trong lĩnh vực may”. Tuy nhiên tỷ lệ lao động ngành dệt may nằm trong nhóm sợi, dệt, nhuộm chỉ là 16,2% nên nếu nhóm này bị ảnh hưởng tới 50% lao động thì tính ra, lao động toàn ngành chỉ bị ảnh hưởng 7,5-8%. Cùng với đó là sự tăng trưởng ổn định của giá trị xuất khẩu, hay nói cách khác là khối lượng công việc, đòi hỏi cần phải tăng số lượng lao động tham gia vào sản xuất với mức cần thêm 293.000 lao động mới vào năm 2025 và 378.000 lao động mới vào năm 2030. Tựu chung lại, số lượng công việc, nhu cầu về lực lượng lao động của ngành dệt may trong bối cảnh cuộc CMCN4.0 sẽ biến động tăng khoảng 130.000 người so với hiện tại.

Các đánh giá trên cho thấy dự báo 85% lao động trong ngành may của Việt Nam sẽ bị rủi ro về việc làm dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 cách đây 3 năm (vào tháng 7 năm 2016) của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO đưa ra là chưa có khả năng xảy ra. Có bốn lý do giải thích cho điều này như sau:

- Thứ nhất: Báo cáo tương lai việc làm Việt Nam của WB (2018, trang 12) đã chỉ  ra rằng dự báo này là quá mức so với thực tế vì báo cáo này cho rằng việc tự động hóa của áo T-Shirt chỉ gồm khoảng 8 công đoạn cũng tương đồng như việc tự động hóa quá trình sản xuất một sản phẩm may phức tạp tới 78 công đoạn, chưa kể còn có tác động biến đổi liên tục của thời trang mà không thể tự động hóa bằng máy móc,thiết bị.

- Thứ hai: Dự báo về tương lai việc làm 2018 của WEF xuất bản năm 2018 cũng dự báo trong giai đoạn 2018-2022, dưới tác động của công nghiệp 4.0 thì thế giới sẽ có 75 triệu việc làm hiện tại mất đi nhưng sẽ có thêm 133 triệu việc làm mới sinh ra. Trong ngành dệt may, các việc làm liên quan đến thiết kế, quản trị chuỗi cung ứng  dệt may...là những vị trí việc làm chắc chắn tăng cao so với hiện tại.

- Thứ ba: Với việc tận dụng thành tựu của CMCN 4.0, năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam sẽ không ngừng gia tăng, thị phần tăng (điển  hình là thị phần hàng dệt may VN tại Mỹ tăng từ 6%  vào 2010 lên 12% vào 2017. Năng lực sản xuất dệt may Việt Nam được mở rộng thì nhu cầu sử dụng lao động cũng sẽ tăng lên dù có cả sự hỗ trợ của CMCN 4.0.

- Thứ tư: Phương pháp nghiên cứu được ILO sử dụng để dự báo sự biến động của lao động dệt may dưới tác động của CMCN 4.0 là dựa trên phương pháp nghiên cứu của 2 nhà khoa học Frey và Osborne trong tác phẩm “Tương lai việc làm-Việc làm bị ảnh hưởng như thế nào dưới tác động của tin học hóa” tại Mỹ. Nghiên cứu này được xuất bản vào năm 2013 và cũng dự báo khoảng 47% lao động Mỹ sẽ bị mất việc làm do tác động của tin học hóa nhưng thực tế tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chỉ khoảng 4-6% trong cả giai đoạn 2014-2018. Như vậy, có thể thấy phương pháp dự báo này chỉ có tính chất cảnh báo để các chính phủ chú trọng đến hậu quả nếu không có giải pháp thích hợp, không thể coi đó là tỷ lệ mất việc làm sẽ xảy ra trong thực tế.

2.2.2 Các kiến thức, kỹ năng mới phát sinh trong lĩnh vực dệt may dưới tác động của CMCN 4.0

2.2.2.1 Đối với kỹ thuật viên bảo trì thiết bị dệt may

          Các kiến thức và kỹ năng mới phát sinh đối với kỹ thuật viên bảo trì thiết bị dệt may bao gồm :

- Kỹ thuật sửa chữa, bảo trì dự báo ứng dụng công nghệ số

- Kiến thức liên ngành về cơ điện tử trong thiết bị dệt may: sợi, dệt, nhuộm, may

2.2.2.2  Đối với kỹ thuật viên trong lĩnh vực may công nghiệp

          Các kiến thức và kỹ năng mới phát sinh đối với kỹ thuật viên trong nhà máy may bao gồm :

- Kỹ thuật chuẩn bị sản xuất thông minh : chế tạo cữ dưỡng cho máy lập trình; thiết kế dây chuyền may sử dụng công nghệ số; thiết kế mẫu bằng công nghệ 3D.

- Kiểm soát chất lượng thông minh;

- Điều hành dây chuyền may dạng tế bào ứng dụng công nghệ số

2.2.2.3  Đối với nhân lực ngành sợi, dệt

          Các kiến thức và kỹ năng mới phát sinh đối với kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực sợi, dệt bao gồm :

- Hệ thống xử lý ảo trên từng thiết bị và kết nối toàn nhà máy

          - Công nghệ nhận dạng RFID và các cảm biến để thu thập và lưu trữ, xử lý thông tin về thiết bị, tình trạng hoạt động của máy, hiệu suất máy hoặc các thông tin bảo trì khác.

          - Chia sẻ thông tin toàn bộ trên mạng từ nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm, các thiết bị kỹ thuật số này được liên kết với nhau theo các giao thức chuân để phân tích dữ liệu và dự báo lỗi.

          - Kỹ thuật vận hành nhà máy sợi tự động từ khâu đập xé bôngèđóng gói

          - Kỹ thuật sử dụng thiết bị số hóa cao trong thí nghiệm sợi: USTER 6, KBS

          - Kỹ thuật sử dụng dệt 3D

          - Kỹ thuật khai thác công nghệ in 3D

          - Phát triển vật liệu mới có khả năng dẫn điện,phát sáng, kết nối Internet...

2.2.2.4 Đối với nhân lực quản lý

          Các kiến thức và kỹ năng mới phát sinh đối với nhân lực quản lý doanh nghiệp dệt may bao gồm :

- Lập chiến lược (kinh doanh, đầu tư) với sự trợ giúp của công nghệ, trí tuệ nhân tạo như hệ thống DSS, ESS, CRM,SCM, MES, PLM=> ERP.

- Phân tích dữ liệu trong Big data, Cloud

- Lãnh đạo nhóm qua hệ thống thông tin

- Quản trị dây chuyền được số hóa

- Đảm bảo chất lượng thông qua hệ thống phần mềm tự động (tinh giản đội ngũ).

 -Vận hành thiết bị tích hợp với dữ liệu trung tâm.

- Kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp trong môi trường số.

2.2.3 Các vị trí việc làm mới phát sinh trong lính vực dệt may dưới tác động của CMCN 4.0

Dưới tác động của CMCN 4.0, nhìn chung xu thế lao động có trình độ và kỹ năng trung bình trở lên sẽ đòi hỏi nhiều hơn, trong khi đó những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp sẽ bị thu hẹp dần.  Các công việc mới có thể bao gồm:

+  Mô phỏng, vẽ mẫu trên mô hình 3D

+  Đánh giá, phân tích mô hình trong môi trường số với sự trợ giúp của công nghệ VR

+  Gửi nhận các mô hình, bản vẽ thiết kế, mẫu sản phẩm đến hệ thống cắt thông qua mạng wifi sử dụng nền tảng công nghệ đám mây.

Bảo trì dự báo, đây là công việc trở nên quan trọng khi doanh nghiệp chuyển sang môi trường nhà máy thông minh với những hệ thống máy móc liên kết với nhau. Bảo trì dự báo bao gồm tập hợp những công cụ, kỹ thuật phân tích và thống kê dữ liệu nhằm xác định những nguy cơ tiềm tàng các máy móc có thể bị lỗi để từ đó có được kế hoạch bảo trì hợp lý, nâng cao hiệu suất hoạt động  (bảo trì số hóa).

+ Quản trị chuỗi cung ứng số, đây là công việc mới thay cho các công việc truyền thống trong theo dõi và quản trị luồng hàng hóa dịch vụ nhờ công nghệ RFID và các công nghệ khác. 

+ Thương mại điện tử đây là công việc sẽ được mở rộng trong tương lai, khi mà những điều kiện về hạ tầng công nghệ đảm bảo sẽ cần thu hút lượng lớn lao động trong lĩnh vực này.

+ Lập trình Robot trong các doanh nghiệp dệt may

+ Các công việc liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong công việc kiểm soát chất lượng, nhận diện những lỗi trong lĩnh vực dệt may.

+ Các công việc liên quan đến Cloud, IoT, Big Data, Cyber space liên quan đến vải, sợi thông minh.

+ Thiết kế và in 3D

3- Giải pháp hoàn thiện nguồn nhân lực cho ngành đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CMCN 4.0

3.1 Chính sách của nhà nước để chuẩn bị nhân lực dệt may cho CMCN 4.0

Hỗ trợ đào tạo cho khoảng 850.000 nhân lực dệt may cần bồi dưỡng chuyên môn, chuyển đổi nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làm việc trong bối cảnh CMCN 4.0;

Thiết lập chính sách nâng cao năng lực đào tạo nhân lực dệt may cho 2 trường trọng điểm, một trường tại phía Bắc, một trường tại phía Nam.

Đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực dệt may cho CMCN 4.0

3.2 Giải pháp từ phía các doanh nghiệp dệt may

          Đầu tư có lựa chọn các công nghệ của CMCN 4.0 đi kèm với chuẩn bị nhân lực tiếp cận phù hợp.

          Tham gia xây dựng chuẩn nghề nghiệp của các vị trí việc làm trong thời kỳ CMCN 4.0

3.3 Các giải  pháp về đào tạo từ các cơ sở  đào tạo chính quy

          - Chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng cập nhật với công nghệ 4.0 trong cả lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và lĩnh vực quản lý.

          - Mở thêm các chuyên ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận với công nghệ 4.0 như: kỹ thuật cơ điện tử trong thiết bị dệt may, tin học ứng  dụng trong lĩnh vực dệt may, thương mại điện tử, thiết kế thời trang bằng công nghệ 3D.

          - Đào tạo đội ngũ  giảng viên theo hướng nghiên cứu, cập nhật với công nghệ 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, quản lý...

          - Đầu tư thiết bị đào  tạo theo hướng cập nhật với công nghệ 4.0 như thiết bị tự động, robot công nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     {C}{C}Bộ Công Thương (2018), Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 của các doanh nghiệp thuộc các ngành Công nghiệp ở Việt Nam: Kết quả phân tích số liệu điều tra khảo sát, Hà Nội.

2.     {C}{C}CIEM. (2017b). Mức độ sẵn sàng tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam: So sánh với trường hợp của Trung Quốc, Hà Nội

3.     {C}{C}Chen, Z., & Xing, M. (2015). Upgrading of textile manufacturing based on Industry 4.0. Paper presented at the 5th International Conference on Advanced Design and Manufacturing Engineering (ICADME).

4.     {C}{C}German Institutes for Textile and Fiber Research Denkendorf (2016),The New Revolution in  Textiles and Fashion Manufacturing:  Industry 4.0 and its Implications“, Amsterdam.

5.     {C}{C}J. Jerzembeck (2016). "Industry 4.0 potential in textile production (dyeing and finishing)," Mellian International, vol. 4/2016, 2016.

6.     {C}{C}Jayatilake, H., & Withanaarachchi, A. S. (2016). Industry 4.0 In The Apparel-Manufacturing Sector: Opportunities For Sri Lanka.

7.     {C}{C}Michelini and Razzoli (2013),“Robotics in clothes manufacture“,  International Journal of Mechanical Engineering and Applications, Vol. 1, No. 1, pp. 17-27, Italy

8.     Tổng cục thống kê (2019), Niên giám thống kê 2018, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội.

9.    Nguyễn Văn Thông (2018), "Nhà máy dệt thông minh trong cách mạng công nghiệp 4.0", Kỷ yếu Hội thảo khoa học dệt may 10/2018, Hà Nội

10. {C}{C} Wilfried Aulbur and all (2016), “Skill development for Industry 4.0”, India

 


Các bài viết khác

Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.078 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.300 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
5.910 lượt xem
Thiết bị tang trống nén COMPACT
25/10/2019
1.290 lượt xem

Liên kết website