Phương pháp tái chế mới và nhanh hơn chống lại ô nhiễm trong ngành công nghiệp thời trang

Ngày đăng: 10:58 - 22/11/2019 Lượt xem: 1.413

“Ông Ariel Muller, giám đốc điều hành diễn đàn phi lợi nhuận của Châu Á Thái Bình Dương, gần đây đã nêu ra tại Hội thảo sinh thái tại Singapore: Rác thải trong ngành công nghiệp thời trang đang trở thành vấn đề nhức nhối. Lượng rác thải trong ngành công nghiệp thời trang chiếm khoảng 10% khí thải các bon trên toàn trái đất và dự kiến sẽ chiếm trên 26% lượng khí thải vào năm 2050. Ngành công nghiệp thời trang đã tốn khoảng 500 tỷ USD mỗi năm vào quần áo, loại thỉnh thoảng mới được sử dụng và khó tái chế. Cứ mỗi giây đồng hồ, lượng hàng dệt may bị mang đi chôn lấp hoặc đốt tương đương với một xe tải rác.

Theo ông Harsha Vardhan, Giám đốc môi trường toàn cầu H&M thì sản xuất đã bỏ lỡ cơ hội để loại rác thải này có thể được khai thác và mang lại lợi nhuận cao hơn cho ngành công nghiệp thời trang. Với vấn đề này, ông khuyên các thương hiệu thời trang áp dụng mô hình kinh tế khép kín, mô hình này phụ thuộc nhiều vào tái chế. Tuy nhiên, đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn vì theo truyền thống thì rác thải thường bị vứt bỏ và người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng châu Á, thường có khao khát với sự mới lạ.

Sự ưa thích quần áo mới, sáng bóng làm tăng rác thời trang

Ông Edwin Keh, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Dệt May tại Hồng Kông (HKRITA) cho rằng, các nhà tiêu dùng châu Á cần phải thay đổi sở thích loại quần áo mới, trông bắt mắt và “lấp lánh”. Họ cần phải thích ứng với loại sản phẩm mới có chất lượng và giá trị sử dụng. Hơn thế nữa, các phương pháp tái chế truyền thống không thể tái chế các sản phẩm trông bắt mắt bề ngoài, trong khi không mang lại cảm giác thoải mái khi mặc.

Với vấn đề này, giám đốc điều hành và là người sáng lập ra công ty tái chế Miniwiz– ông Arthur Huang – đã nhấn mạnh rằng, các thương hiệu cần phải xem lại phương pháp tái chế. Thậm chí công ty tái chế cần phải nghiên cứu kỹ vật liệu tái chế, sản phẩm tái chế. Ông khuyên các nhà thiết kế cùng chung sức, phối kết hợp với các chuyên gia định vị xu hướng văn hóa hàng đầu trên thế giới, những chuyên gia này sẽ đưa ra dự đoán xu hướng hiện tại của thị trường. Ông Huang đưa ra ví dụ về sự hợp tác giữa Miniwiz với công ty sản xuất hàng thể thao Nike. Miniwiz trộn nguyên liệu tái chế vào giữa lõi đế giày EVA và sử dụng công nghệ độc quyền thân thiện với môi trường Flyknit của Nike. Phương pháp này không chỉ mang lại hiệu quả tốt hơn các phương pháp sản xuất giày truyền thống khác mà còn bảo vệ môi trường tốt hơn.

Với công đoạn đóng gói, Miniwiz giới thiệu túi khí “Air Bag” được sản xuất từ chất liệu tái chế 100% polypropylene, mỗi sản phẩm tái chế được làm từ 180 nắp cốc cà phê dùng một lần. Các túi khí có cấu trúc xếp chồng lên nhau thay thế các túi nylon màu truyền thống được sử dụng trong quá trình vận chuyển và có thể được sử dụng để chèn sản phẩm.

Mở rộng mô hình kinh doanh

Ông Huang cho rằng, trong khi các nhà tiêu dùng mong đợi ý tưởng thay đổi vật liệu, ngành công nghiệp thời trang phải tạo ra sản phẩm độc đáo của chính mình, đó là vật liệu tái chế được, thay vì mở rộng mô hình kinh doanh càng nhanh càng tốt. Ví dụ điển hình là Viện nghiên cứu Dệt May Hồng Kông (HKRITA) tập trung vào các phương pháp tái chế nhanh hơn và ít tốn năng lượng hơn. Với mục đích tái chế xơ thành xơ, sản phẩm may thành sản phẩm may, viện này đã sử dụng nhiệt và áp suất để phân tách và tái xử lý vật liệu nhằm đảm bảo ít tổn hại hơn cho vật liệu, ít năng lượng trong quá trình tái xử lý và không tạo ra chất thải hóa học.

Một trong những đổi mới của Miniwiz là máy tái chế di động Trashpresso. Số lượng người sử dụng máy này để tái chế sản phẩm may mặc của mình ngày càng tăng. Với một công ten nơ 12 mét và một dây chuyền xử lý chất thải rắn, máy Trashpresso đã thu gọn quy trình xử lý còn 3 bước: giảm kích cỡ của chất thải nhựa, thanh lọc và định hình lại. Kết quả là những sản phẩm không sử dụng nữa như đế lót ly, bát, chén được xử lý tái chế trong vòng 4 phút.

Miniwiz kết hợp công nghệ mới nhất với trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu để cung cấp khả năng mở rộng. Công nghệ máy ảnh mới nhất và ngân hàng dữ liệu vật liệu bền cao được sử dụng để phân biệt nguyên liệu sử dụng để tái chế. Quá trình sử dụng trí tuệ nhân tạo AI cho phép áp dụng độ nóng và áp suất chính xác. Sự hợp tác giữa các thương hiệu, nhà thiết kế, nhà sản xuất và nhà khoa học đã giúp ngành công nghiệp hướng tới một mô hình thời trang khép kín. Giờ đây, việc cần phải làm là cùng nhau tìm ra giải pháp cho sự phối kết hợp này.                                                                         

Nguồn: https://www.fashionatingworld.com/new1-2/new-and-shorter-recycling-methods-to-combat-fashion-pollution

Người dịch: Phùng Thị Ái

Nguồn: Vinatex.com.vn

Các bài viết khác

Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.328 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.546 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.924 lượt xem
Thiết bị tang trống nén COMPACT
25/10/2019
1.653 lượt xem

Liên kết website