ĐỘT PHÁ VỀ ỨNG DỤNG THÀNH TỰU CỦA CMCN 4.0 TRONG MÁY BÔNG, MÁY CHẢI THÔ, MÁY GHÉP, MÁY CHẢI KỸ VÀ MÁY KÉO SỢI THÔ TẠI ITMA 2019

Ngày đăng: 08:12 - 21/01/2020 Lượt xem: 3.269

 

          Triển lãm thiết bị dệt may thế giới 2019 được tổ chức tại Barcelona, Tây ban nha (ITMA 2019) được xem là “World cup 2019” của các nhà sản xuất thiết bị dệt may trên toàn thế giới với mục tiêu giới thiệu những công nghệ mới nhất hiện tại và xu hướng công nghệ tương lai trong sản xuất hàng dệt may. ITMA 2019 thu hút 1717 nhà sản xuất thiết bị tham gia trong đó có tới 281 nhà sản xuất thiết bị ngành sợi thuộc nhiều quốc gia trên thế giới như: Đức có Trueztschler, Saurer, hay Thụy sĩ có Rieter, Uster hoặc của các nhà sản xuất máy sợi Trung quốc như Jingwei, CHTC, Huatian Machinery; Ấn độ như Lakshmi, Nhật bản như Toyota…

          Điểm nổi bật về công nghệ sản xuất sợi được thể hiện tại ITMA 2019 là tập trung vào lĩnh vực tự động hóa kết nối giữa các công đoạn trong quá trình sản xuất sợi, kiểm soát thông minh toàn bộ quá trình sản xuất sợi từ khâu bông, chải đến khâu đóng gói thành phẩm. Mục tiêu chính của các ứng dụng công nghệ số vào  ngành sợi là giảm lao động trực tiếp trong nhà máy sợi, nâng cao năng suất kéo sợi, kiểm soát tốt hơn chất lượng sợi, giảm tiêu hao năng lượng, trên cơ sở đó tiến dần tới hình thành nhà máy sợi thông minh thông qua việc ứng dụng đồng bộ công nghệ sản xuất thực ảo trong ngành sợi.

          Một trong những khâu được các nhà sản xuất máy sợi tập trung đầu tiên để cải tiến là các máy ở công đoạn đầu của quá trình sản xuất sợi như các thiết  bị chuẩn bị bao gồm máy bông, máy chải thô, máy ghép, máy chải kỹ.

Nhà sản xuất thiết bị hết sức có uy tín trong khâu chuẩn bị kéo sợi đầu tiên phải kể đến Truetzschler của Cộng hòa Liên bang Đức. Truetzschler đã phát triển các thiết bị sợi thông minh, có khả năng tự tối ưu hóa và kết nối các thiết bị này với nhau thông qua hệ thống giám sát sử dụng công nghệ số. Giải pháp giám sát dựa trên công nghệ điện toán đám mây đã giúp khách hàng của hãng có thể theo dõi sát sao tình trạng nhà máy và tối ưu hóa nhà máy kéo sợi khi họ ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Việc kết  hợp giữa thiết bị thông minh và hệ thống hỗ trợ được số hóa đã tạo ra một bước tiến mới về tự động hóa và đảm bảo cho nhà máy sợi luôn có chất lượng sản phẩm cao.

Đổi mới gần đây nhất của Truetzschler trong máy xé đập đã nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng một cách rõ rệt: máy mở kiện bông BO-P có  khổ rộng 2900 mm hoặc 3500 mm cho phép đặt nhiều kiện bông hơn cạnh nhau và xử lý chúng  đồng thời bằng việc sử dụng hai trục mở kiện. Công nghệ như trên sẽ giúp quá trình trộn tốt hơn đáng kể, năng suất đạt được cao hơn, có thể tới 3000 kg/giờ.

Máy mở kiện bông dòng BO của Truetzschler

Tại ITMA 2019, Truetzschler đã sử dụng giải pháp chuẩn bị kéo sợi thông minh nhằm giúp khách hàng giải quyết được các sức ép về chi phí, nhân công và sự biến  động trong chất  lượng nguyên liệu; đồng thời, việc chuẩn bị kéo sợi được quyết định theo chất lượng sợi yêu cầu. Để đáp ứng được các yêu cầu trên, Truetzschler đã sử dụng công nghệ cảm biến và kỹ thuật tích hợp số tiến bộ nhất trong công nghệ chải. Thế hệ máy chải thông minh mới TC19i đã tối ưu hóa một cách tự động và liên tục khe chải mà việc đặt khoảng hở này tác động rất lớn đến chất lượng và hiệu suất. Với sự chính xác mà con người không thể làm được, máy chải thông minh sẽ liên tục xác định chính xác khe hở chải nhỏ nhất tới 3/1000 inch.

Máy chải thông minh TC19i

Lợi thế kể trên của máy chải thông minh TC19i cho phép khách hàng có thể tận dụng tối đa các nguyên liệu thô, duy trì được hiệu suất máy cao trong khi vẫn giữ được chất lượng sản phẩm cao. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và giám sát nhà máy sợi thông minh dựa trên nền tảng công nghệ số và điện toán đám mây sẽ cung cấp cho nhà máy sợi tính minh bạch trong cả quá trình kéo sợi. Hiện nay, trên App đã có phần mềm “My Wires” của Truetzschler dùng để cung cấp thông tin về trạng thái lớp kim chải và thông tin về khoảng thời gian cần bảo dưỡng lớp kim chải nhằm giúp cho quá trình lập kế hoạch đặt hàng bổ sung các phụ kiện thay thế.

 

Thông tin bảo dưỡng lớp kim chải bằng phần mềm My wire

Cũng trong ITMA 2019, một công ty của Italia là Marzoli đã giới thiệu một sản phẩm máy chải có tính cách mạng CMX.

 

 

Máy chải CMX của Marzoli

          Máy chải CMX với công nghệ mới nhất là một máy chải gồm có 10 đầu, công suất 115Kg/giờ và đảm bảo năng suất tăng 25% so với đời máy trước trong khi năng lượng tiêu thụ giảm 20% kW/kg. Tương tự như vậy, máy kéo sợi con MDS2.4 gồm 2400 cọc sợi đã giảm tiêu hao năng lượng tới 50% trong khi vẫn đảm bảo hiệu suất cao, chi phí đầu tư và chi phí bảo dưỡng đều giảm.

Cũng tại ITMA 2019, một nhà sản xuất máy  sợi nổi tiếng của Ấn độ là Lakshmi đã giới thiệu các thiết bị sản xuất sợi mà công nghiệp 4.0 là yếu tố cốt lõi của tất cả các công nghệ ứng dụng trong các thiết bị này. Điển hình là máy chải LC636 với khổ chải rộng hơn, máy ghép LDF3 được trang bị các công nghệ tiên tiến như nối tự động giúp giảm lao động cần thiết. Máy chải tiên tiến nhất của Lakshmi là LK69 được trang bị động cơ Servo để kéo.

Với vai trò là một nhà  cung cấp hoàn chỉnh các thiết bị chuẩn bị kéo sợi, Truetzschler đã có  những cải tiến mạnh mẽ trong máy ghép. Máy ghép tự động làm đều TD 10 có thể điều chỉnh tự động bội số kéo dài một cách hợp lý nhất để đạt được chất lượng cúi tối ưu và giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ thiết kế chặt chẽ và hệ thống hút tiết kiệm năng lượng. TD 10 cũng được trang bị màn hình LED hiện thị các thông tin quan trọng của máy và quá  trình sản xuất trên máy, tạo môi trường giao tiếp người - máy hết sức thân thiện.

Máy ghép  tự động làm đều TD 10                     Cơ chế ghép trên máy TD 10

Đối với việc cải tiến máy ghép, tại ITMA 2019 Rieter cũng có nhiều đổi mới giúp cải thiện đáng kể về hiệu suất của quá trình kéo sợi rotor. Mô đun máy ghép RSB-Mô đun 50 có thể sử dụng kết hợp với máy chải hiệu năng cao C 80 và có thể được cấu hình kết hợp với máy bán tự động R 37 hoặc máy tự động hoàn toàn R 70. Các máy kéo sợi rotor có hiệu quả về chi phí có đặc tính là tiêu thụ năng lượng thấp, năng suất cao, khả năng sẵn sàng của máy cao với chi phí nguyên liệu thô thấp.

 

Máy kéo sợi Rotor bán tự động R 37 của Rieter

Trong khâu chuẩn bị kéo sợi, Rieter cũng là một nhà sản xuất có  nhiều thiết bị có tính đột phá. Thiết kế phòng cung bông kết hợp với máy  làm sạch UNIclean B 15 của Rieter đã cải thiện đáng kể mức tiêu hao năng lượng cũng như hiệu quả làm sạch đối với tất cả quá trình kéo sợi. Việc áp dụng tương tự đối với máy chải hiệu năng cao C 80 đã giúp tạo ra mức năng suất chưa từng có. Để làm tăng hiệu quả đầu tư của quá trình kéo sợi nồi khuyên và kéo sợi compact, Rieter đã cho ra đời máy chải kỹ E90, máy thô hoàn toàn tự động F 40, robot nối sợi ROBOspin và 3 mô đun khác mà có thể dễ dàng tháo lắp khỏi máy kéo sợi nồi khuyên như: COMPACTdrum, COMPACTapron, COMPACTeasy. Máy sợi thô tự động F40 có ưu điểm là chỉ mất 90 giây để đổ sợi nhờ có thiết kế đặc biệt của hệ thống đổ sợi trên máy này.

Máy kéo sợi thô hoàn toàn tự động F40 của Rieter

Tại ITMA 2019, Electro-Jet cũng là một trong những hãng phát triển được nhiều sản phẩm máy sợi thông minh mà điển hình là máy kéo sợi thô tự động ADR với dạng gàng được chọn giữa 16 x 6” hoặc 16 x 7”. Máy  này có khả năng đổ sợi rất nhanh (90 giây) và máy tự động khởi động sau khi đổ sợi xong, không cần có sự can thiệp của người vận hành. Tính năng này cho phép giảm đáng  kể thời gian dừng máy, nâng cao đáng kể hiệu suất của máy sợi thô.

Máy kéo sợi thô tự động ADR của Electro-Jet

 

          Các máy trong khâu chuẩn bị kéo sợi và máy kéo sợi thô được giới thiệu tại ITMA 2019 có nhiều ưu điểm nổi trội như trên. Tuy vậy,          các thiết bị nêu trên cũng có một số nhược điểm mà các doanh nghiệp Sợi Việt Nam, nếu muốn cân nhắc đầu tư các thiết bị nêu trên đều cần chú ý:

Thứ nhất: Các doanh nghiệp sản xuất sợi tại Việt Nam đa số đều đang vận hành các thiết bị thuộc thế hệ cũ, vì vậy nếu đầu tư các thiết bị chuẩn bị kéo sợi thế hệ mới nêu trên thì cần cân nhắc khả năng tương thích của các thiết bị với nhau, đặc biệt là khi thiết bị trong một dây chuyền kéo sợi lại do các hãng khác nhau sản xuất.

Thứ hai: Các thiết bị nêu trên tuy đều là các thiết  bị được số hóa nhưng thiết  bị của các hãng khác nhau được số hóa với kỹ thuật khác nhau. Chính vì vậy nếu đầu tư thiết bị số hóa của các hãng khác nhau thì các thiết bị này không thể kết nối với nhau trong cùng một dây chuyền kéo sợi nếu sau này muốn sử dụng phần mềm để kết nối chúng trong một nhà máy sợi thông minh.

Thứ ba : Các công nghệ tại triển lãm ITMA 2019 là mới nhất tuy nhiên những công nghệ này chưa có nhiều ở nhà máy tại Việt Nam, do đó tính xác thực về độ bền, các dịch vụ sau bán hàng như mua bán phụ tùng hoàn toàn chưa được kiểm chứng.

          Thứ tư: Các thiết bị nêu trên nếu được sản xuất tại Châu âu thì đều có giá thành đầu tư ban đầu tương đối cao so với các thiết bị được nhập khẩu từ các nước Châu á như Trung Quốc, Ấn độ. Giá bán chính thức của các thương hiệu Châu âu đều không được công khai nhưng qua khảo sát thì giá thành đầu tư sẽ cao hơn khoảng 20%-25% so với các thương hiệu được sản xuất tại các nước Châu á nếu đầu tư cùng một loại thiết bị.

          Mặc dù còn một số nhược điểm nêu trên nhưng về cơ bản có thể thấy rằng xu hướng số hóa, tự động hóa trong khâu chuẩn bị kéo sợi và kéo sợi thô là xu hướng tất yếu trong thời gian tới và các doanh nghiệp sản  xuất sợi tại Việt Nam nếu muốn duy trì sức cạnh tranh bằng cách tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may thì chắc chắn phải cân nhắc đầu tư các thiết bị nêu trên.

                                                                            

 

Các bài viết khác

Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.228 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.443 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.571 lượt xem
Thiết bị tang trống nén COMPACT
25/10/2019
1.535 lượt xem

Liên kết website