Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG ĐÀO TẠO

Hợp tác nhà trường – doanh nghiệp: Chìa khoá gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực

Ngày đăng: 09:41 - 25/05/2022 Lượt xem: 393
Ngày 20/5/2022, tại trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung, Câu lạc bộ (CLB) khối trường Đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm: "Xây dựng hệ thống hợp tác đào tạo và định hướng triển khai sử dụng trong các trường thuộc Bộ Công Thương".

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Toạ đàm
 
Tham gia Tọa đàm có đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương. Các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận của đại diện 4 trường đại học, cao đẳng và nhiều ý kiến thảo luận của đại diện các nhà trường, doanh nghiệp (DN); chứng kiến ký kết hợp tác giữa trường ĐHCN Việt - Hung với các trường, các DN trong đó có trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU).

Ký kết thoả thuận hợp tác giữa HTU và Đại học Công nghiệp Việt – Hung
Tại Tọa đàm, TS. Hoàng Xuân Hiệp, hiệu trưởng nhà trường đồng thời là ủy viên ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã chia sẻ kinh nghiệm hợp tác giữa HTU và DN. Các hoạt động hợp tác chính giữa HTU và DN trong đào tạo gồm: xây dựng, thẩm định CTĐT; biên soạn và thẩm định giáo trình; giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá người học; hướng dẫn SV thực tập, thực hành; đào tạo theo nhu cầu. Việc phối hợp giữa HTU và DN trong hoạt động đào tạo, đặc biệt các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức thực hành, thực tập và đào tạo theo nhu cầu của các DN dệt may đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải bài toán gắn đào tạo với sử dụng. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác trong nghiên cứu khoa học (NCKH) thông qua việc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các DN đặt hàng HTU nghiên cứu, tổ chức khảo sát, thực nghiệm đề tài tại DN và chuyển giao kết quả NCKH đã giúp giải quyết các vấn đề vướng mắc thực tế, góp phần cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cho các DN dệt may. Ngoài ra, sự phối hợp trong tư vấn hướng nghiệp, kết nối sinh viên với DN, tài trợ học bổng, máy móc thiết bị phục vụ đào tạo, NCKH đã mang lại lợi ích to lớn cho cả DN, nhà trường và sinh viên. Trong phần tham luận của mình, TS. Hiệp cũng đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý, các nhà trường và DN để phát huy được vai trò của các bên nhằm khai thác tối ưu những lợi ích của hợp tác giữa nhà trường và DN.
Các đại biểu tham dự rất ấn tượng với mô hình DN trong nhà trường và các kết quả hợp tác với DN của HTU. Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa nhà trường và DN trong nâng cao chất lượng đào tạo theo ứng dụng.

TS. Hoàng Xuân Hiệp báo cáo tham luận tại Toạ đàm
Với việc tham gia các hoạt động của CLB khối trường Đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương, HTU mong muốn được học hỏi và chia sẻ các kinh nghiệm trong đào tạo, NCKH và các hoạt động khác với các trường bạn. Từ đó, HTU sẽ có những giải pháp cải tiến các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng mọi hoạt động nhà trường, trong đó có hoạt động hợp tác với các đối tác.
                                                          Phùng Thị Hạnh – Phòng Đào tạo

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 244 Tổng truy cập: 30.318.544