Là một nhà quản lý, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là lãnh đạo và đảm bảo đội ngũ nhân viên hoạt động hiệu quả để hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra của doanh nghiệp. Để công ty ngày một phát triển thì chất lượng của nhân viên cũng cần phải được nâng cao. Trách nhiệm của một nhà quản lý chính là vạch ra kế hoạch giúp đội ngũ nhân viên ngày càng tiến bộ.
Để phát triển nhân viên, việc đưa ra phê bình khi cấp dưới làm việc không tốt là điều các nhà quản lý phải làm. Tuy nhiên, nếu không có cách hành xử khéo léo sẽ khiến cấp dưới cảm thấy bất mãn từ đó dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Hãy luôn nhớ rằng, những điều bạn nói với nhân viên trong những buổi họp góp ý là để họ rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn trong tương lai chứ không phải là để trách mắng hay trút giận lên họ. Hãy ghi nhớ 3 điều sau trong quá trình quản lý đội ngũ nhân viên.
1. Không nên mãi nhìn về những sai lầm trong quá khứ
Lỗi lầm trong quá khứ là để nhắc nhở mỗi người rút kinh nghiệm và tránh lặp lại điều tương tự trong tương lai thay vì cứ đem nó ra để chỉ trích. Khi nhân viên mắc sai lầm, bạn nên tập trung vào những điều có thể khắc phục hơn là cứ nhắc mãi về những điều không thể thay đổi. Bởi vì cách góp ý như vậy vô tình khiến cho họ cảm thấy mất động lực và tinh thần làm việc. Điều mà một nhà quản lý thực thụ nên làm là giúp nhân viên vượt qua được những rào cản, hạn chế đang gặp phải và truyền cho họ năng lượng tích cực để cống hiến cho tổ chức. Đây là phương pháp để phát triển nhân viên một cách hiệu quả nhất.
2. Chỉ ra những điểm tốt lẫn chưa tốt của nhân viên
Trong mỗi buổi họp phê bình, bạn có thể góp ý cho nhân viên bằng cách chỉ ra 3 điểm quan trọng sau đây. Đầu tiên là những điều mà nhân viên không nên tiếp tục làm. Đó là những sai lầm họ mắc phải trong quá trình làm việc và cần rút kinh nghiệm để không lặp lại trong tương lai. Tiếp theo là những điểm mà nhân viên nên tiếp tục thể hiện vì đây là những việc họ đang làm tốt, cần duy trì và tiếp tục phát huy. Cuối cùng là những điều mới nhân viên nên học hỏi hoặc bắt đầu thay đổi. Đây chính là những điểm họ cần rèn luyện để ngày một phát triển bản thân hơn.
Cách góp ý như vậy sẽ giúp nhân viên hiểu được những điểm tốt lẫn chưa tốt của bản thân. Đôi khi, bạn cần đủ bao dung để bỏ qua những chuyện cũ và cần khách quan khi đánh giá mặt tích cực lẫn tiêu cực ở nhân viên. Không nên vì lỗi lầm của của nhân viên mà bạn phớt lờ đi những đóng góp họ đã dành cho công ty. Việc công nhận và khẳng định những thành tích của họ là phương pháp để phát triển nhân viên và giúp họ có thêm động lực cống hiến cho tổ chức.
3. Áp dụng phương pháp 60 – 30 – 10 để phát triển nhân viên
Thay vì tập trung quá nhiều vào những việc đã qua, tốt hơn hết là bạn nên dành thời gian chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra trong tương lai. 60 – 30 – 10 là tỉ lệ thời gian bạn lần lượt dành ra để nói về những việc trong tương lai, hiện tại và quá khứ.
Tuy nhiên, bạn có thể linh động điều chỉnh tỉ lệ giữa tương lai và hiện tại. Đôi khi, cần thực tế và dành nhiều thời gian phân tích các vấn đề đang gặp phải ở hiện tại hơn là nói quá nhiều về những gì chưa xảy ra. Đặt trọng tâm ở tương lai có thể dẫn đến hậu quả là bạn sẽ đặt mục tiêu hão huyền nếu như không có cái nhìn thực tế cho hiện tại. Điều này cũng nguy hiểm không kém việc quá đặt nặng quá khứ.
Hãy tập trung vào những bài học rút ra từ lỗi lầm, thay vì xoáy sâu vào những chuyện không thể thay đổi. Nhìn lại quá khứ là để biết bản thân đã tiến bộ như thế nào, không phải để mắc kẹt lại trong những chuyện đã qua. Có tư duy đúng đắn như vậy, bạn sẽ biết cách để phát triển nhân viên và giúp hiệu suất làm việc chung ngày càng tăng lên. Hy vọng 3 bí quyết trên sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình quản lý đội ngũ nhân viên của mình.
https://viectotnhat.com