Thật ra môi trường công sở cũng chẳng có gì quá khắc nghiệt, chỉ cần bạn chăm chỉ, chân thành và khôn khéo một chút là có thể vượt qua sóng gió, cập bến thành công.
Môi trường công sở chưa bao giờ là nơi dễ tồn tại đối với nhiều người. Để có thể "sống sót" cũng như từng bước thăng tiến trong con đường sự nghiệp, người ta phải không ngừng trau dồi, học tập, tiếp thu thêm cái mới; nhanh nhạy cũng như tinh tế ứng biến với các tình huống bất ngờ.
Bên cạnh đó, việc chan hòa, phối hợp cùng những người xung quanh cũng là kỹ năng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để thuần thục những kỹ năng này là điều không hề đơn giản và người mới đi làm cũng như những người đã đi làm lâu năm cũng đôi lần mắc phải. Cùng điểm qua 10 "quả bom hẹn giờ" có thể dễ dàng phát nổ khiến sự nghiệp của bạn tuột dốc không phanh:
1. Gặp khó khăn không biết mở miệng nhờ giúp đỡ
Công sở là nơi bận rộn và tất bật, chẳng ai có đủ thời gian để theo sát, kèm cặp bạn từng ly từng tí, đoán ý để biết bạn đang gặp thuận lợi hay khó khăn trong công việc. Công việc là của bạn và tất nhiên bản thân bạn phải tự chịu trách nhiệm về những sản phẩm mình làm ra. Do đó, nếu gặp bất cứ khó khăn, ngăn trở nào thì cách tốt nhất là mở lời tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều nguồn khác nhau.
Tiếc thay, có những người chỉ biết ôm khư khư những khó khăn bên mình mà chẳng thèm nói với ai tiếng nào để rồi tự một mình tìm cách giải quyết và sớm đi vào bế tắc. Những kiểu người này, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị những khó khăn đè bẹp, mất lửa tinh thần và tiêu tùng ý chí.
2. Không suy nghĩ kĩ càng trước khi hỏi
Ngày bé, khi còn cắp sách đến trường, chắc hẳn không ít lần chúng ta được nghe thầy cô giáo rao giảng "muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học". Trong môi trường công sở cũng vậy, việc hỏi và tìm hiểu một cách kỹ càng trước khi làm việc sẽ phần nào giúp bạn tiết kiệm được thời gian và gia tăng năng suất.
Tuy nhiên, không hẳn vì thế mà bất cứ câu gì cũng có thể hỏi, một cách vô tội vạ và bất chấp. Có những câu hỏi ngây ngô và xuẩn ngốc đến mức khiến người được hỏi bực mình và chẳng mặn mà giải đáp. Bên cạnh đó, trước khi đặt câu hỏi, hãy thử tự suy nghĩ một cách nghiêm túc về vấn đề rồi đưa ra luận điểm cũng như cách xử trí của bản thân để sau, bạn cùng người được hỏi sẽ tranh luận và làm sáng tỏ vấn đề từ từ. Đó là một cách vô cùng hay ho để có thể vừa hỏi vừa học vừa tăng tính gắn kết cùng đồng nghiệp và sếp.
3. Thói quen kéo dài 'deadline'
Dân văn phòng có một nỗi ám ảnh vô cùng lớn lao và sâu đậm mang tên "deadline". Và "deadline" thường được đặt ra nhằm mục đích giúp tổ chức thể hiện sự cam kết với công việc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, "deadline" không ít lần bị dời.
Hoàn thành công việc đúng "deadline" là một nguyên tắc vô cùng cơ bản khi đi làm, và người không thể hiện được sự cam kết này chính là thành tố không phù hợp với tổ chức, sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải.
4. Bị động, tốc độ làm việc chậm chạp
Bị động chưa bao giờ là một giải pháp hay trong một thế giới người người nhà nhà chủ động giành lấy phần công việc cũng như thể hiện bản thân mình. Người bị động sẽ không thể tạo được sự liên kết với cả nhóm, dẫn đến công việc bị đình trệ và sếp cũng khó có thể nắm được tình hình cũng như tiến độ công việc để kịp thời có biện pháp hỗ trợ cũng như hướng dẫn phù hợp.
Năng suất làm việc cũng là yếu tố quan trọng để sếp đánh giá năng lực làm việc của bạn. Nên dù có hoàn thành công việc tốt đến mấy nhưng tốc độ xử lý chậm chạp cũng khiến vị trí của bạn lung lay ít nhiều.
5. Không biết làm cũng không dám nói, chỉ vùi đầu vào làm
Chẳng ai có thể hoàn thành công việc một cách hoàn hảo trong những lần đầu tiên cả. Có va vấp, có khó khăn, thử thách, bạn mới có thể học được nhiều bài học quý giá. Tuy nhiên, trong tiến trình làm việc cũng như học hỏi từ công việc ấy, có không ít người vẫn quyết tâm đóng vai "nhân vật thầm lặng" nơi công sở - không hỏi xin sự giúp đỡ, không lên tiếng nhờ hướng dẫn, chỉ vùi đầu vào làm trối chết. Cho dù đến cuối cùng, công việc của bạn có được hoàn thành đi chăng nữa thì thái độ này cũng không mấy tích cực trong mắt sếp và đồng nghiệp.
Do đó, không nên cứ nhận việc xong là bắt tay vào làm luôn mà trước tiên phải suy nghĩ xem nên làm thế nào, sắp xếp lên kế hoạch hợp lý rồi hãy bắt đầu. Không làm được thì nói không làm được, khi thời gian vẫn còn, mọi người có thể cùng nhau bàn bạc nghĩ cách, hoặc chia lại công việc, đừng ép bản thân quá vì sẽ dẫn đến tình trạng việc mình lỡ dở, đồng nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
6. Bệnh nặng bệnh nhẹ không bệnh, đủ loại lý do xin nghỉ
Khi bạn nghỉ, phần công việc do bạn đảm trách sẽ phải chuyển giao cho người khác, hoặc nếu trong trường hợp xấu nhất sẽ bị dồn ứ lại. Nên chỉ những lý do bất khả kháng như ốm đau, bệnh tật, ma chay, cưới hỏi mới nên là lý do chính đáng cho việc xin nghỉ.
Nơi công sở tồn tại một dạng người có vô vàn lý do không chính đáng để có thể xin nghỉ một cách bất chấp mà chẳng màng đến việc mình sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ và phần việc của người khác.
7. Chưa làm xong việc đã ung dung bỏ về
"Việc hôm nay chớ để ngày mai" là câu nói mà rất nhiều người làm việc trong môi trường công sở tâm niệm. Bởi hoàn thành công việc không chỉ thể hiện sự chăm chỉ, kỹ năng và năng suất mà đâu đó còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, cũng tồn tại đâu đó rất nhiều dạng người có phương châm sống bất chấp, để mình thả trôi theo công việc và rồi tới đâu thì tới, miễn đúng giờ là bỏ về. Những dạng người này sớm muộn gì cũng nhận cái kết chẳng mấy tốt đẹp bởi công việc mỗi ngày tồn đọng một ít rồi đến thời điểm nhất định cũng sẽ bùng nổ.
8. Mượn công việc để đi giải quyết việc riêng
Việc công là việc công, việc tư là việc tư hai việc này cần lắm sự tách bạch. Tuy nhiên, vẫn có một số kiểu người mượn cớ đi gặp khách hàng để dành thời gian giải quyết những công việc cá nhân.
9. Làm việc qua loa, không vận dụng kĩ năng chuyên nghiệp
Việc dù nhỏ, nếu không đầu tư kỹ lưỡng cũng khó có thể hoàn thành một cách xuất sắc. Do đó, bất kỳ một công việc nào được giao, dù chỉ là làm báo cáo hoặc nghiên cứu, thu thập thông tin cũng cần được làm một cách kỹ càng, chuẩn mực và đặt cái tâm của người làm việc vào từng câu chữ, con số.
10. Làm việc không rõ ràng, gặp vấn đề lập tức thoái thác trách nhiệm
Có một số người, rõ ràng là chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề, lại cứ đổ cho công ty không tạo điều kiện. Chẳng công ty nào không muốn tạo điều kiện cho nhân viên, nhưng họ luôn mong rằng, cùng với những điều kiện thuận lợi họ cung cấp, nhân viên có thể cho họ thấy sự nỗ lực và hiệu quả công việc. Khi làm việc, hãy làm cho ra hồn trước, rồi hãy bàn đến chuyện nên có cái này cái kia thì sẽ tốt hơn.