Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH

Nhân viên mất bình tĩnh, là sếp bạn sẽ xử trí như thế nào?

Ngày đăng: 09:06 - 27/02/2019 Lượt xem: 874
Rất nhiều nhà quản lý cảm thấy lúng túng và khó chịu khi chứng kiến nhân viên của mình mất bình tĩnh, cụ thể là khóc khi nói chuyện hoặc làm việc với họ. Trong trường hợp này, không phải người sếp nào cũng đủ bản lĩnh để xử trí và rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc như thế này trong suốt sự nghiệp làm lãnh đạo. Dưới đây là một số cách bạn có thể xử lý khi gặp phải tình huống trên giúp nhân viên cũng như chính bạn cảm thấy tốt hơn mà không có sự ngại ngùng nào.
 
Trước hết hãy giữ sự thoải mái thay vì mất bình tĩnh
 
Nếu nhân viên của bạn khóc trong lúc làm việc, đầu tiên hãy thể hiện sự đồng cảm và giữ im lặng trong vài giây. Đừng cố gắng hỏi họ quá nhiều thứ thay vào đó hãy để họ nói những gì họ cần. Nếu tình huống này xảy ra trước nhiều người, bạn nên đưa họ sang một khu vực riêng tư hơn để nói chuyện và giúp đỡ.
 
Còn nếu nó xảy ra trong văn phòng hoặc cuộc họp, tốt nhất hãy đưa khăn giấy cùng với một cốc nước sẽ giúp người đó cảm thấy thoải mái và dễ dàng chia sẻ hơn. Nên nhớ, những hành động tiếp xúc như ôm, vỗ vai là không cần thiết vì điều này có thể làm cho tình huống trở nên khó xử hơn.
 
Hoặc bạn cũng có thể chủ động bước ra ngoài một lát để nhân viên tự điều chỉnh lại cảm xúc của mình.
Thể hiện sự quan tâm
 
Đứng trước một nhân viên có tâm trạng bất ổn, hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thể hiện sự quan tâm của mình cùng với những câu hỏi để giúp cuộc trò chuyện cởi mở hơn như: “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”, “Tôi có thể giúp được gì không?”…
 
Với tư cách là nhà quản lý, bạn không cần phải biết quá chi tiết trừ khi vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến công việc hoặc hiệu suất của người đó. Vì vậy, bạn có thể quan tâm nhưng hãy tôn trọng quyền riêng tư của họ.
 
Xem xét lại nguyên nhân có xuất phát từ phía bạn
 
Có thể họ khóc vì liên quan đến công việc, hoặc thậm chí là những gì bạn nói hoặc làm trực tiếp khiến họ khó chịu…
 
Ví dụ: Nếu bạn đưa ra phản hồi trung thực nhưng có hơi quá gắt về công việc của họ, hãy tự hỏi liệu bạn có ứng xử một cách tử tế và mang tính xây dựng để công việc tốt hơn hay không. Đừng ngần ngại xin lỗi nếu bạn sai và cho người đó biết bạn sẽ khắc phục vấn đề này.
 
Hoặc giả sử họ buồn vì phải làm việc nhiều giờ trong mệt mỏi, áp lực. Hãy dành thời gian để lắng nghe những lo lắng của họ và cố gắng đưa ra giải pháp giảm bớt một phần gánh nặng, cho dù đó là để họ làm việc ở nhà một ngày một tuần hay đẩy lùi deadline.
 
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện mong muốn của họ, vì vậy nếu bạn thấy mình không có giải pháp, điều tốt nhất nên làm là tiếp tục lắng nghe họ và thông cảm. Thậm chí chỉ cần để họ nói lên sự bất bình cũng có thể khiến cho tâm trạng của họ và mối quan hệ của bạn trở nên tốt hơn.
 
Theo dõi và quan sát biểu hiện của nhân viên
Sau khi đã nói chuyện, bạn cũng nên quan sát nhân viên xem họ có tiếp tục có những biểu hiện tiêu cực nữa hay không. Việc phát hiện những bất thường kịp thời của nhân viên và nhắc nhở, hỗ trợ họ vượt lên sẽ giúp cho công việc chung được tiến triển thuận lợi hơn mà không bị ảnh hưởng.
 
Bạn cũng có thể lấy thông tin từ những người đồng nghiệp thân thiết với họ và thảo luận xem vấn đề nằm ở đâu để ngăn chặn sự  ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ công việc hàng ngày của họ cũng như cả công ty.
 
Thừa nhận rằng việc chứng kiến nhân viên của mình khóc không hề dễ xử lý. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và giúp họ vượt qua tình huống này một cách lịch sự và chuyên nghiệp.
 
https://viectotnhat.comNhân viên mất bình tĩnh, là sếp bạn sẽ xử trí như thế nào?
 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 354 Tổng truy cập: 31.835.263