Các mức xử phạt về tiền lương từ năm 2022 người lao động và doanh nghiệp cần biết
Ngày đăng: 04:46 - 11/03/2022
Lượt xem: 583
Ngày 17/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó tại Điều 17 quy định nhiều mức phạt mới đối với các vi phạm liên quan đến tiền lương của người lao động nhằm hạn chế tình trạng vi phạm của doanh nghiệp, giúp quyền lợi của người lao động được đảm bảo hơn.
Dưới đây là những mức xử phạt vi phạm hành chính về tiền lương người lao động và doanh nghiệp cần biết:
1. Tăng mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về tiền lương và bổ sung một số hành vi vi phạm với mức xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng
Người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau bị xử phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (thay vì bị xử phạt 2 - 5 triệu đồng theo quy định Nghị định 28/2020/NĐ-CP trước đây):
- Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;
- Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;
Nghị định 12/2022/NĐ-CP bổ sung thêm các hành vi vi phạm sau (Nghị định 28/2020/NĐ-CP không quy định xử phạt):
- Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định. Quy định xử phạt này được bổ sung nhằm phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 95 của Bộ luật Lao động 2019, trong đó yêu cầu mỗi lần trả lương, doanh nghiệp phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
- Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Quy định này cũng được được bổ sung nhằm phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Lao động 2019: Doanh nghiệp phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
2. Bổ sung một số hành vi vi phạm với mức xử phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng
Khoản 2, Điều 17 bổ sung một số hành vi xử phạt người sử dụng lao động vi phạm quy định tiền lương mà trước đó không quy định, cụ thể bổ sung một số hành vi sau:
- Người sử dụng lao động hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định;
- Người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm;
- Người sử dụng lao động không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động
3. Quy định chặt chẽ và bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với người sử dụng lao động khi có hành vi không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật
Nghị định 28/2020/NĐ-CP chỉ quy định Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi "không trả thêm" thì tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP đã bổ sung phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi "không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ trả lương" một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tại khoản 5, Điều 17 biện pháp khắc phục hậu quả đã bổ sung ngoài việc người sử dụng lao động buộc trả đủ khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động đối với hành vi vi phạm thì người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm.
Trên đây là một số nội dung đáng chú ý về xử phạt vi phạm hành chính quy định về tiền lương tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/01/2022 người sử dụng lao động, người lao động cần biết về quyền và trách nhiệm của mình để thực hiện đúng quy định.