Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH

Lương trước cống hiến sau hay cống hiến trước

Ngày đăng: 03:03 - 27/02/2020 Lượt xem: 963
Mức lương như mong muốn đôi khi lại vô tình vẽ ra một vùng an toàn mà ai cũng chọn ở lại, hoặc đi tìm cho bằng được, đánh đổi cả cơ hội nuôi lớn năng lực, tiềm lực bản thân.
Theo Báo cáo của VietnamWorks về “Nhu cầu mức lương của người tìm việc tại Việt Nam năm 2019”, có đến 1/3 ứng viên tìm việc sẽ dừng ứng tuyển nếu như thông tin về lương thưởng không được nhắc đến hoặc thể hiện rõ ràng trong mô tả công việc của nhà tuyển dụng. Đồng thời, cũng có đến 80% nhân viên tại các công ty sẽ phản ứng lại nếu không được tăng lương trong vòng 6 tháng tới. Ngoài ra, vấn đề nhảy việc cũng diễn ra khá phổ biến với nguyên nhân chính là do mức thu nhập hiện tại chưa thỏa mãn người đi làm.
Và không chỉ tại Việt Nam, lương thưởng là mối quan tâm của tất cả mọi người đi làm trên thế giới, đại diện cho sự đãi ngộ xứng đáng luôn là mục tiêu làm việc chăm chỉ của người lao động. Theo như báo cáo năm 2018 của Glassdoor, 67% người tìm việc tại Hoa Kỳ cho rằng lương thưởng là vấn đề tiên quyết trong lựa chọn công việc.
Hơn thế nữa, nhiều người còn cho rằng người lao động ở những thế hệ trước luôn sẵn lòng cống hiến và thể hiện năng lực trong công việc, trên cả mức thu nhập của bản thân, nhưng người trẻ ngày nay, thế hệ Millennials lại quá đặt nặng mức lương và phúc lợi nhận được từ công việc do tư tưởng hưởng thụ cuộc sống quá sớm thay vì cống hiến.
 
Ngoài lương, đi làm là vì điều gì?
Sự nghiệp nói chung hay mỗi một công việc nói riêng là một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người, không chỉ để mưu sinh, mà là tạo ra những giá trị và ý nghĩa thực sự cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Đi làm vì lương không có gì sai cả, nhưng có được những giá trị vừa nhắc đến là chưa đủ.
Đi làm là để lớn lên, về thu nhập, về năng lực, tiềm lực, trải nghiệm sống,… và nhiều hơn thế nữa. Ở mỗi giai đoạn, độ tuổi khác nhau, chắc chắn điều mà người đi làm muốn tích lũy, muốn phát triển và hướng đến sẽ khác nhau.
Chẳng hạn, một điểm chung mà chắc chắn sẽ được nhiều người đồng thuận chính là sinh viên mới ra trường đi tìm việc không nên đặt mức lương lên đầu tiên, mà là đi tìm cơ hội học hỏi, trải nghiệm càng nhiều càng tốt.
Vậy những bạn ở độ tuổi từ 24 – 30, đã có phần nào những trải nghiệm trong công việc, nhiều bạn đã bước lên các vị trí quản lí, lãnh đạo thì sao? Liệu đã đến lúc gạt đi mục tiêu cống hiến, chạy theo mức lương. Thực tế, rất nhiều bạn đang loay hoay trước câu hỏi “Lương trước cống hiến sau hay cống hiến trước lương sau?”
 
Lương trước, cống hiến sau
Có người nói những người đi làm vì lương là những người khá dễ thỏa mãn. Nghĩa là mức lương mong muốn, và đạt được nó hay chưa là điều dễ đo lường được. Bạn muốn một mức lương A nào đó, bạn tìm công việc cho bạn được mức lương đó, và hài lòng với nó.
Vậy nên tìm kiếm động lực làm việc cũng dễ hơn nhiều.
“Vì tôi được trả lương xứng đáng, nhận được đãi ngộ xứng đáng, nên tôi vui vẻ hoàn thành, thậm chí hoàn thành tốt công việc của mình!”
Người ta nhảy việc vì lương nhiều đến vậy, nên mức lương như kì vọng cũng cũng sẽ là một sợi dây liên kết gắn bó nhân viên với công ty hơn, nhờ vậy hiện tượng nhảy việc cũng sẽ được hạn chế. Các nhân viên hài lòng với mức lương và gắn bó với công ty lâu dài sẽ dần dà tích lũy được nhiều kinh nghiệm và chỗ đứng tại chính công ty của mình.
Tuy nhiên, tại sự kiện Begin.Again trong chuỗi hành trình Begin.Again do VietnamWorks tổ chức tại TP. HCM vào ngày 27/7/2019, anh Tăng Gia Hải Lam, Managing Director tại Buzzmetrics chia sẻ:
“Coi mức lương quá quan trọng cũng rất nguy hiểm, vì bạn sẽ chỉ nhìn vào nó mà che mờ những yếu tố khác.”
Mức lương ổn không đồng nghĩa với một công việc ổn. Nhiều bạn không nhận ra ngoài mức lương, vẫn có nhiều thứ không như mong đợi. Hoặc nhiều bạn có nhìn ra, nhưng vẫn đang loay hoay, trăn trở trong công việc vì chưa tìm thấy cơ hội học tập, phát triển, chưa được phát huy đúng, phát huy hết thế mạnh của bản thân những vẫn dùng dằn nửa muốn ở nửa muốn đi vì sợ chỗ mới không có được mức lương như kì vọng, vì sợ “uổng”!
Mức lương như mong muốn đôi khi lại vô tình vẽ ra một vùng an toàn mà ai cũng chọn ở lại, hoặc đi tìm cho bằng được, đánh đổi cả cơ hội nuôi lớn năng lực, tiềm lực bản thân. Thậm chí, nhiều công ty e ngại, không tăng lương thì nhân viên nhảy việc, mà tăng lương đều đặn thì người ta không còn động lực cống hiến hết mình nữa.
 
Cống hiến trước, lương sau
Các cá nhân lựa chọn cống hiến trước thường sẽ tìm được đam mê và động lực làm việc trong chính công việc của mình hơn là động lực về lương. Vì tiền lương không phải là tiên quyết nên các bạn trẻ có thể thỏa sức thử mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà không phải dè chừng thất bại, hay sợ không được trả công xứng đáng.
Đối với các bạn theo lối tư duy này sẽ chú trọng sự trải nghiệm để học hỏi nhằm nâng cao năng lực, vì thế mà tác phong làm việc của các bạn sẽ nhiệt huyết và cống hiến hơn, cũng sẵn sàng đòi cho bằng được cơ hội được làm cái mình thích, cái mình chưa biết, chưa dám. Lựa chọn cống hiến trước sẽ giúp các bạn có thời gian và điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu cá nhân trong môi trường làm việc một cách tốt hơn, tạo đà cho những bước đi sau này của mình.
Tuy nhiên, sự không thỏa mãn về mức lương có thể sẽ gây ra những khó khăn trong quá trình làm việc của các bạn trẻ. Tiền lương không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng sẽ là mối bận tâm và dễ gây xao nhãng khi làm việc. Ngoài ra, đãi ngộ không phù hợp sẽ tạo khoảng cách giữa công ty và nhân viên của mình, dẫn đến các bạn trẻ thường xuyên có hiện tượng nhảy việc, đi tìm một môi trường mới đáp ứng cả hai – cơ hội phát triển và mức lương, hoặc chú trọng hẳn ở mức lương.
Vậy, đâu là lựa chọn phù hợp cho lứa tuổi 24-30, có được mức thu nhập như mong muốn, hay có một bước đệm tạo đà chắc chắn hơn trong tương lai? Hãy cân nhắc để chọn ra hướng đi phù hợp cho mình nhé!
http://hrinsider.vietnamworks.com/
 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 24 Tổng truy cập: 18.620.945