Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH

Những chính sách mới về bảo hiểm và lao động - tiền lương có hiệu lực từ tháng 3/2022

Ngày đăng: 04:48 - 11/03/2022 Lượt xem: 612
Từ tháng 3/2022, nhiều Thông tư liên quan đến chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương chính thức có hiệu lực, đó là: Hướng dẫn mới về chi trả trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN); quy định cụ thể cách tính tần suất tai nạn để giảm mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); Thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin về thị trường lao động…Bài viết dưới đây sẽ cập nhật một số quy định mới như sau:
1. Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động (thay thế cho Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH) có hiệu lực từ ngày 01/3/2022 có một số điểm mới đáng chú ý sau:
Quy định bảo đảm quyền lợi hơn cho người lao động
Theo quy định cũ (Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH), trường hợp người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng người sử dụng lao động (NSDLĐ) không đóng BHXH cho họ thì với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên, NSDLĐ phải trả trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng bằng mức quy định của Luật BHXH. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
Điểm b, khoản 2, Điều 8, Thông tư 28/TT-BLĐTBXH quy định mức NSDLĐ phải trả trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng bằng mức quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động.  Bên cạnh việc vẫn quy định chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên. Để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, đã bổ sung quy định trường hợp nếu hai bên không thống nhất được thì thực hiện hình thức chi trả theo yêu cầu của NLĐ.
Bổ sung quy định tiền lương làm căn cứ chi trả cho NLĐ bị TNLĐ, BNN phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động
Theo quy định cũ (Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH) chỉ quy định tiền lương làm căn cứ tính bồi thường, trợ cấp TNLĐ, BNN. Điều 5 Thông tư 28/TT-BLĐTBXH về cơ bản các quy định về tiền lương làm căn cứ và mức tiền lương gần như giữ nguyên như quy định cũ nhưng có bổ sung thêm nội dung quy định tiền lương làm căn cứ chi trả cho NLĐ bị TNLĐ, BNN phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng.
2. Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH quy định cụ thể cách tính tần suất tai nạn để giảm mức đóng BHXH
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12.2021, theo đó hướng dẫn cách tính tần suất TNLĐ  tại Điều 8. Công thức tính tần suất TNLĐ này sẽ là căn cứ để thực hiện mức đóng BHXH thấp hơn mức đóng bình thường vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Điều 5,Nghị định 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020, theo đó nếu tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất, hoặc không để xảy ra tai nạn lao động trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất, thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội được xem xét giảm mức đóng BHXH vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống còn 0,3%.  
3. Thông tư 01/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin về thị trường lao động
Để có nguồn thông tin cho các cơ quan chức năng tiến hành phân tích, tổng hợp, đánh giá, lưu trữ làm căn cứ để các ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, việc làm cho phù hợp với đặc thù của từng ngành, địa phương cũng như quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/03/2022, với một số nội dung cần quan tâm như sau:
- Thu thập thông tin về cung lao động: đối tượng thu thập là người từ 15 tuổi trở lên với các thông tin về họ tên, ngày sinh, giới tính, trình độ giáo dục phổ thông, công việc hiện tại, tình trạng thất nghiệp, nhu cầu đào tạo, việc làm (Điều 6, 7);
- Thu thập thông tin về cầu lao động: đối tượng thu thập là người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định pháp luật: Nội dung thu thập: việc sử dụng lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động (Điều 9, 10);
- Trách nhiệm của người lao động: cung cấp thông tin về tình hình lao động, việc làm kịp thời, đầy đủ cho người trực tiếp thực hiện thu thập thông tin thị trường lao động trên địa bàn hoặc cung cấp, cập nhật thông tin vào hệ thống mẫu biểu (dạng số hoặc trên giấy) (Điều 19);
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động: cung cấp, cập nhật thông tin về việc sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cung cấp, cập nhật vào hệ thống mẫu biểu (dạng số hoặc trên giấy) (Điều 19).
Trên đây là một số các chính sách về bảo hiểm, lao động - tiền lương có hiệu lực từ tháng 3/2022 mà người sử dụng lao động, người lao động cần biết về quyền và trách nhiệm của mình để thực hiện đúng quy định.
 
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 184 Tổng truy cập: 31.818.431