Sẽ không sai khi nói công việc chính của các nhà quản lý là đối diện và giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên quá trình này chưa bao giờ là quá trình dễ dàng. Vì nguồn lực thì luôn hữu hạn nhưng vấn đề trong tổ chức thì luôn vô hạn “khôn lường”. Thấu hiểu khó khăn đó, bài viết này sẽ cung cấp vài quy tắc đáng giá bạn có thể áp dụng khi đương đầu với các vấn đề trong tổ chức.
1. Trao đổi thẳng thắn
Vấn đề chỉ được giải quyết khi các bên liên quan thẳng thắn thể hiện quan điểm từ góc nhìn của họ và cố gắng để người đối diện nhận ra rằng, từ những góc khác nhau, mọi người sẽ có cái nhìn đa chiều hơn. Nếu các cuộc trao đổi thẳng thắn như thế này không diễn ra, bạn sẽ không bao giờ biết được gốc rễ vấn đề.
Tuy nhiên, là nhà lãnh đạo, chắc bạn thừa hiểu rằng đôi khi nhân viên không muốn thẳng thắn nhìn nhận vấn đề vì những lý do cá nhân. Họ sợ rằng nói ra quan điểm thật sự có thể gây ảnh hưởng xấu đến tương lai sau này, hay ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích khác. Vì vây, là nhà quản lý, bạn phải tận dụng mọi năng lực và cơ hội để tạo ra “thiên thời - địa lợi – nhân hòa” giúp nhân viên có thể đối thoại cởi mở. Hãy giúp nhân viên của mình cảm thấy họ sẽ vẫn “an toàn” khi tự tin chia sẻ những quan điểm cá nhân. Khi bạn đã được lắng nghe tất cả những quan điểm từ nhiều phía, bạn có thể tổng hợp thông tin và vạch được con đường hướng tới giải pháp khả thi, bền vững.
2. Dỡ bỏ những rào cản tiêu cực giữa các bộ phận
Công ty là một tổ chức thống nhất – hãy chắc chắn mọi nhân viên của bạn đều hiểu được điều này!
Hãy để cho nhân viên của bạn thấy rằng lợi ích của mỗi cá nhân sẽ tăng theo tỉ lệ thuận với lợi ích của tập thể. Hãy dùng sức mạnh của bạn để kêu gọi sự đồng lòng nơi nhân viên. Song song đó, hãy cố gắng loại bỏ các nhóm lợi ích, bởi sẽ không có một tổ chức nào tồn tại và phát triển bền vững nếu nhân viên luôn chỉ chăm chăm đến lợi ích cá nhân.
Các bộ phận trong công ty hoạt động như những bộ phận cơ thể, tuy đảm nhiệm chức năng khác nhau nhưng đóng góp vào sự hoàn thiện sau cùng. Vì vậy không có bộ phận nào đặc biệt quan trọng và có khả năng chi phối toàn bộ. Hãy giúp nhân viên của mình “đả thông” những tư tưởng này!
3. Cởi mở
Có rất nhiều người tận hưởng việc tạo ra những hỗn loạn không cần thiết tại văn phòng để che giấu sự thiếu hiệu quả trong công việc. Đây là những “con đỉa” gây khó khăn cho các vấn đề cần giải quyết bởi vì họ làm chậm quá trình tập thể bằng cách cố gắng làm cho bản thân trở nên quan trọng.
Những người có đầu óc cởi mở nhìn thấy những chi tiết rõ ràng trước mắt họ và xem rủi ro là người bạn tốt nhất của họ. Họ giải quyết các vấn đề trực tiếp và tiếp tục với công việc thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới. Các nhân viên có đầu óc hướng cởi mở sẽ nhận ra nhiều thứ xung quanh họ hơn và từ đó nhận ra nhiều cơ hội hơn. Trong khi đó, những người “ích kỷ” chỉ chăm chăm tìm cách để tư lợi cá nhân khi gặp vấn đề. Hãy cẩn thận quan sát các hành động của người khác trong lần tiếp theo bạn xử lý một vấn đề thực sự.
4. Có một chiến lược vững chắc
Không có chiến lược, thay đổi chỉ đơn thuần là thay thế, chứ không phải sự cải tiến. Một chiến lược vững chắc là thứ nền tảng để áp dụng giải quyết mọi vấn đề. Nhiều nhà lãnh đạo cố gắng “giải phẫu” một vấn đề hơn là xác định chiến lược cho sự thay đổi nằm trong chính vấn đề đó. Các nhà lãnh thành thạo với việc giải quyết vấn đề luôn biết cách dùng đúng người, nguồn lực, ngân sách và kinh nghiệm trong quá khứ. Họ truyền cảm hứng cho mọi người, tăng sự tương tác của họ và đưa mọi người đến gần nhau hơn. Bạn sẽ không biết tiềm năng và tính cách thực sự của một người cho đến khi bạn thấy cách họ giải quyết
vấn đề.
Các nhà lãnh đạo hiệu quả kết nối các dữ kiện và vạch ra một kế hoạch hành động thực tế trước. Họ có một chiến lược nền tảng cho phép tiếp cận và quản lý vấn đề. Họ dự đoán những bất ngờ và tận dụng thế mạnh của các nhân viên để đảm bảo chiến lược dẫn đến một giải pháp bền vững.
http://hrinsider.vietnamworks.com/