Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH

8 sai lầm của lãnh đạo khiến nhân tài “mất lửa” làm việc

Ngày đăng: 09:43 - 21/11/2018 Lượt xem: 899
 
Giữ chân nhân tài là một công việc khó khăn, bởi họ là những người có nhiều sự lựa chọn để tìm vị trí tốt nhất. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều phạm phải sai lầm khiến nhân viên tốt của mình ra đi. Để ngăn chặn sự “mất lửa” và có thể giữ nhân tài ở lại, các công ty và người quản lý cần tránh xa 8 sai lầm dưới đây.
 
Theo Michael Kibler, người có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu nhân sự cho rằng nhân viên giỏi nếu “mất lửa”, họ sẽ không nghỉ việc ngay, thay vào đó họ dần trở nên xao nhãng trong công việc của mình. “Mất lửa rất khác với sự kiệt sức, bởi vì những nhân viên mắc phải “chứng” này không thực sự ở trong một cuộc khủng hoảng rõ ràng nào”. “Họ vẫn làm việc nhiều giờ, đóng góp cho các đồng đội, họ đồng ý với mọi nội dung cuộc họp. Tuy nhiên, họ đang làm việc trong trạng thái bị ức chế một cách âm thầm. Và hậu quả cuối cùng là họ sẽ ra đi”, Kibler nói.
 
Dưới đây là 8 sai lầm mà các doanh nghiệp thường mắc phải. Cùng Việc Tốt Nhất tìm hiểu đó là gì để tránh nhé!
 
1. Đặt ra quá nhiều quy tắc ngớ ngẩn
 
Công ty nào cũng cần những nguyên tắc nhưng không phải nguyên tắc nào cũng được tạo ra dựa trên sự cân nhắc của một lãnh đạo có tầm nhìn. Những nhà lãnh đạo quá hăng hái lập nên những nguyên tắc để quản lý nhân viên sẽ khiến họ cảm thấy mình đang bị giám sát như một đứa trẻ. Đến một lúc nào đó, nhân viên sẽ nổi cáu và muốn tìm một nơi làm việc khác.
 
2. Đối xử với mọi nhân viên như nhau
 
Trong khi công bằng là một nguyên tắc cần có trong một trường học thì ở nơi làm việc, đối xử với mọi nhân viên như nhau là một thảm họa. Những nhân tài, người siêng năng làm việc sẽ cảm thấy thật bất công khi họ không được đánh giá cao, và mọi nỗ lực, sự thể hiện của họ cũng chỉ làm họ ngang hàng với những người đi làm chờ hết giờ và nhận lương.
 
3. Dung túng cho những nhân viên có hiệu suất làm việc kém
 
Một ban nhạc Jazz bao gồm rất nhiều nghệ sĩ tài năng và một nhạc công kém cỏi thì đó vẫn là một ban nhạc tệ hại. Mọi người sẽ chỉ đánh giá trình độ ban nhạc Jazz thông qua nhạc công tệ nhất. Trong công ty cũng vậy, khi bạn cho phép một nhân viên lười biếng, kém cỏi tồn tại, nhân viên đó sẽ kéo tinh thần, hiệu suất và nỗ lực của những nhân viên giỏi xuống.
 
4. Không nhận ra thành quả của nhân tài
 
Thật dễ dàng để đánh giá nỗ lực của một nhân viên là quan điểm sai lầm nghiêm trọng, nhưng rất dễ mắc phải của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Mọi người đều thích được công nhận sự cố gắng, cống hiến và những thành tích họ đạt được. Vì thế việc công nhận thành tích của nhân viên, đặc biệt là những nhân viên hàng đầu thể hiện bạn quan tâm và theo dõi họ.
 
Việc nhà lãnh đạo tìm hiểu công việc và ghi nhận nỗ lực sẽ mang đến cảm xúc tốt cho nhân viên, sự động viên đó sẽ làm lợi cho công ty – nhân viên làm việc tích cực hơn và hiệu quả công việc theo đó cũng tăng lên.
 
5. Thiếu sự quan tâm
 
Hơn 50% số nhân viên nghỉ việc bởi vì mối quan hệ với sếp. Công ty thông minh cần chắc chắn rằng những nhà quản lý biết cách cân bằng giữa sự chuyên nghiệp, nguyên tắc với tính nhân văn. Người làm sếp phải biết cách ăn mừng với thành công của nhân viên; đồng cảm với những khó khăn, thử thách, nỗi đau mà nhân viên phải trải qua.
 
Những người sếp thiếu sự quan tâm đến nhân viên, cố gắng quản lý, thúc ép nhân viên làm việc sẽ không thể khiến bất cứ ai làm việc cho họ hơn 8 giờ/ngày và hiệu quả công việc có thể chỉ bằng nửa số giờ làm việc đó.
 
6. Không cho nhân viên thấy bức tranh toàn cảnh
 
Không chỉ cần giao việc và động viên nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhà lãnh đạo giỏi cần đưa ra cho họ bức tranh toàn cảnh về những gì họ đang làm, đặc biệt là với nhân viên ngôi sao. Bởi họ là những người rất quan tâm đến công việc vì vậy họ cần biết mục đích của công việc họ đang đảm nhận là gì.
Nếu không tìm thấy mục đích, không hiểu được tầm quan trọng cũng như hướng phát triển, những người giỏi sẽ tìm một công việc khác.
 
7. Không để nhân viên theo đuổi đam mê
 
Những nhân viên tài năng luôn ấp ủ niềm đam mê. Hãy tạo điều kiện, cơ hội cho họ được theo đuổi những đam mê đó và để họ được thỏa thích làm việc. Thế nhưng, nhiều nhà quản lý lại khiến nhân viên làm việc trong một sự bó hẹp, kìm hãm bởi sợ những nhân viên giỏi sẽ làm việc kém hiệu quả hơn do phân tán sự tập trung vào những công việc mà họ đam mê, thích thú.
 
Nỗi sợ đó là vô căn cứ. Bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người có thể theo đuổi niềm đam mê trong công việc sẽ làm việc trôi chảy hơn nhờ trạng thái tinh thần hưng phấn, năng suất lao động cao hơn 5 lần so với tiêu chuẩn.
 
8. Không tạo ra những điều thú vị
 
Nếu nhân viên không vui vẻ trong công việc, sai lầm thuộc về người lãnh đạo. Không ai có thể chuyên tâm làm việc nếu họ không vui vẻ. Và trạng thái vui vẻ chính là cách chống lại hiện tượng “mất lửa”. Những công ty lý tưởng nhất thế giới đều biết tầm quan trọng của việc nới lỏng các quy tắc cho nhân viên.
 
Trong thị trường lao động chuyển biến mạnh như hiện nay, nhiều người có mong muốn chuyển đổi công việc với hy vọng tìm ra một cơ hội mới tốt hơn, đặc biệt là nhân viên giỏi. Điều này khiến các doanh nghiệp chịu những tổn thất không hề ít. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các quản lý rút kinh nghiệm để không mắc phải những sai lầm trên.
 
https://viectotnhat.com
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 231 Tổng truy cập: 30.268.159